Ẩn số lịch sử về lục địa Atlantis huyền thoại

Theo truyền thuyết Hy Lạp cổ do Platon dẫn, tại Đại Tây Dương từng có một hòn đảo đông đúc và phát triển tên là Atlantis. Lục địa này đã bị núi lửa nhấn chìm xuống đáy biển. 

Ẩn số lịch sử về lục địa Atlantis huyền thoại

Tồn tại hay không tồn tại?

Đã ba nghìn năm nay huyền tích Atlantis đã khiến nhân loại không ngừng thao thức tìm kiếm. Số lượng sách viết về thành phố cổ xưa này đã lên tới hơn 6 nghìn tập. Vậy mà vẫn không ai dám khẳng định là thực sự có tồn tại Atlantis cùng nền văn minh rất độc đáo và phát triển hay không?

Atlantis được được xem là đạt tới đỉnh cao vinh quang hơn 11 nghìn năm trước, nhưng nó chỉ xuất hiện trong thư tịch khoảng 2.350 năm trước, từ 359 đến 347 năm trước CN. Platon (427-347 trước CN) là người đầu tiên mô tả Atlantis trong các cuộc đối thoại của Timaeus và Cristias dựa vào nguồn tư liệu của một trong bảy nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại, Solon.

Trong chuyến đi du lịch sang Ai Cập, Solon đã ghi lại câu chuyện kể của các tu sĩ Ai Cập cổ đại tại đền thờ nữ thần Neith tại Sais, mà theo các nhà nghiên cứu lịch sử và các nhà khoa cổ học chuyên về Ai Cập cổ, được dựa trên những ghi chép có từ khoảng 30 nghìn năm trước trên giấy cói nhưng không được lưu truyền tới thời hiện đại. Atlantis được gọi theo tên của Atlas, người nâng đỡ bầu trời, anh em của thần cướp lửa Prometheus…

Theo giả thuyết của Platon, Atlantis bí ẩn là hòn đảo lớn, nơi cư trú của tộc người Atlas quả cảm và mạnh mẽ, đã đạt được một trình độ văn minh rất cao và từng chiến đấu chống lại một quốc gia thân Athens nào đó. Thủ đô của Atlantis, theo tư liệu lấy từ Wikipedia, đã thực sự là một kỳ quan kiến trúc và công trình xây dựng kỳ vĩ bao gồm những bức tường thành và kênh đào hình tròn đồng tâm. Ở trung tâm thành phố là một quả đồi lớn, trên đỉnh đồi là nơi đặt đền thờ Poseidon. Bên trong đền chính là bức tượng Thần biển bằng vàng đang cưỡi ngựa thần sáu cánh…

Cũng theo thông tin mà Platon đã ghi lại, nền văn minh của Atlantis đã bị hủy diệt chỉ trong một ngày và thành phố đã vĩnh viễn bị chìm dưới đáy nước đại dương vào khoảng 12 nghìn năm trước. Vị trí của Atlantis là nằm đối diện với hai mũi đất nằm ở tận cùng phía đông của eo biển Gibratar là The Rock of Giblatar ở phía châu Âu và The Jebel Musa ở bên phía châu Phi. Hai mũi đất này trong tiếng Anh được gọi là Pillars of Hercules, vì theo truyền thuyết là do lực sĩ huyền thoại Hercules dựng lên.

Aristote, triết gia Hy Lạp cổ, học trò của Platon lại không đồng tình với quan điểm của thầy và chính trong cuộc tranh luận về Atlantis đã nói một câu nổi tiếng: “Platon là bạn tôi, nhưng chân lý quý hơn”.

Những góc nhìn khác nhau

Trong thời hiện đại vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp về sự tồn tại cũng như mất đi của Atlantis. Nếu nhìn vấn đề này từ góc nhìn địa chất học, thì vấn đề đặt ra là: liệu trong thời cổ đại đã có thể có một lục địa nhỏ hoặc một hòn đảo lớn nào bị chìm xuống đáy biển cực kỳ nhanh như thế không?

Khoang 30 năm trước đã thịnh hành lý thuyết cố định (fixism) trong môn kiến tạo học mà theo đó, vị trí của các lục địa trên trái đất là không thay đổi, cho phép xuất hiện những vực lõm nước ngoài đại dương vì sự tuôn mạnh các khối thạch quyển từ lục địa ra. Lý thuyết này là luận chứng có sức nặng cho việc khẳng định sự tồn tại và mất đi của Atlantis.

Tuy nhiên, lý thuyết đó lại mâu thuẫn với những hình dung hiện đại về kiến tạo của những tấm thạch quyển mà theo đó, các lục địa không thể bị chìm. Các lục địa thì đúng là như thế. Nhưng còn các quần đảo thì sao? Đó là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Từ lý thuyết này, mô hình mất tích của Atlantis có thể được hình dung như sau: Vỏ ngoài trái đất được hình thành từ những tấm thạch quyển chuyển động vô cùng “chầm chậm tới mình”.

Sự biến mất giả định của Atlantis luôn gợi sự chú ý cao; vì, thứ nhất, đó là thảm họa địa chất lớn nhất mà nhân loại còn nhớ được; thứ hai, như hậu quả của các quá trình kiến tạo sâu sắc diễn ra ở vùng giáp ranh (hoặc trong vùng chồng lẫn) của hai tấm lục địa: Phi châu, nằm vào miền nam của siêu lục địa cổ Godwana, và Âu – Á, nằm vào miền bắc siêu lục địa Laurasia.

Ở nơi mà các tấm lục địa này tụ vào nhau, phần thạch quyển mỏng hơn và nằm sâu trong lòng đại dương hơn sẽ va đập với phần thạch quyển của lục địa và bị gãy, chìm xuống dưới nó, kéo theo mình các hòn đảo. Còn các tấm thạch quyển trên lục địa sau khi va chạm thì tạo nên những ngọn núi. Chính do châu Phi va phải châu Âu nên mới xuất hiện mạch lồi lõm Alpes, sinh ra những dãy núi như Pyrenees, Alpes, rồi Kara Dag ở Crimea và Pamir.

Trong lãnh địa của những dãy núi này cho tới nay vẫn hay xảy ra các trận động đất. Địa Trung Hải và hệ thống các chuỗi đứt gãy Azor-Gibraltar cũng là nơi va chạm của các tấm lục địa… Vậy là Atlantis đã nằm trong vùng kiến tạo mạnh mà cho tới nay vẫn xuất hiện sự hoạt động tích cực của núi lửa.

Các nhà khoa học cho rằng, chính sự va đập của các tấm lục địa đã dẫn tới cái chết vì sóng thần của Atlantis.

Tất nhiên, có thể nhìn về Atlantis theo góc độ khác, mang nhiều tính triết học và thi ca hơn. Và cũng nhiều hoài nghi hơn. Như của nữ sĩ Ba Lan Wislawa Szymborska, người đã đặt ra hàng loạt câu hỏi đối với Atlantis: “Từng có họ hay không/ Trên đảo hay không trên đảo/ Biển hay không phải biển/ Đã nuốt họ hay không/ Ai đó từng yêu ai đó?/ Ai đó từng chống lại ai?/ Từng có điều gì đó hay chưa từng có?/ Ở đấy hay hoàn toàn không ở đấy/ Từng có 7 thành phố. Đúng vậy chăng?/ Chúng đã muốn trường tồn./ Lấy gì minh chứng?/ Thuốc súng do họ nghĩ ra. Đúng./ Họ không nghĩ ra thuốc súng. Đúng./ Đầy hoài nghi. Không bền vững./ Giả thuyết./ Không thoát thân từ không khí,/ Lửa, nước, đá./ Không còn lại trong đất,/ Hay những hạt sương./ Không thể chính danh/ Tự hào gương sáng./ Thiên thạch rơi./ Không phải rơi đâu./ Núi lửa phun./ Không phải phun đâu./ Ai đó kêu gọi điều gì đó./ Không ai kêu gọi điều gì cả./ Ở cộng – trừ Đại Tây đảo đấy…”

Theo AN NINH THẾ GIỚI

Tags: ,