World Cup 1966: Cú sốc mang tên CHDCND Triều Tiên

World Cup 1966 không chỉ có hình ảnh mang tính biểu tượng của người Anh, khi đội trưởng Bobby Moore đang cầm cao chiếc cúp Jules Rimet trong sự công kênh của đồng đội. Ở đó, còn có một câu chuyện khác sẽ sống mãi với thời gian, câu chuyện về cú sốc lớn nhất lịch sử World Cup mang tên Triều Tiên.World Cup 1966: Cú sốc mang tên CHDCND Triều Tiên

World Cup 1966 là lần đầu tiên Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) mở rộng phạm vi giải đấu. Vẫn chỉ có 16 đội tuyển tham dự vòng chung kết, nhưng châu Phi và châu Á đã được trao những suất đầu tiên. Và câu chuyện về Triều Tiên tại đây có thể dựng thành những bộ phim truyền cảm hứng bất tận.

Đó là thời điểm Chiến tranh lạnh bùng phát giữa các cường quốc trên thế giới. Triều Tiên được Liên Xô hậu thuẫn và trở thành cái gai trong mắt Mỹ và phương Tây. Chính phủ Anh bất ngờ rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao khi Triều Tiên trở thành đại diện của châu Á tham dự World Cup 1966. Họ bối rối trong việc chào đón một đội bóng từ quốc gia mà họ thậm chí không coi là hợp pháp.

Chính phủ Anh thậm chí nghĩ đến việc từ chối cấp thị thực cho các cầu thủ Triều Tiên nhập cảnh, nhưng toan tính của họ nhanh chóng bị FIFA dẹp bỏ. “Nếu chúng tôi làm điều này, hậu quả có thể rất nghiêm trọng”, một bản ghi nhớ nội bộ của Bộ Ngoại giao cho biết. “FIFA đã nói rõ với FA rằng nếu bất kỳ đội nào giành quyền lọt vào vòng chung kết bị từ chối cấp thị thực, thì giải đấu sẽ diễn ra ở nơi khác”.

Miễn cưỡng chào đón Triều Tiên, người Anh hy vọng đội tuyển này sẽ bị loại sớm khi họ rơi vào bảng “tử thần” với Italia, Liên Xô và Chile. Hy vọng này trở nên tươi sáng khi Triều Tiên thảm bại 0-3 trước Liên Xô ngay ở trận ra quân, và chỉ giành được 1 điểm trước Chile ở lượt đấu thứ hai.

Ở lượt đấu cuối cùng, Triều Tiên sẽ chính thức bị loại nếu không thắng Italia. Đây là điều mà hầu hết các chuyên gia và người hâm mộ nghĩ đến. Trong khi Triều Tiên hoàn toàn vô danh trên bản đồ thế giới, thì Italia là ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch World Cup 1966 với dàn hảo thủ của Inter Milan, đội vô địch C1 châu Âu trong hai năm liên tiếp 1964, 1965 như Giacinto Fachetti, Sandro Mazzola. Ngoài ra, Italia còn có nhạc trưởng huyền thoại Gianni Rivera của AC Milan.

Tuy nhiên, bất ngờ – hay chính xác là một địa chấn đã xảy ra tại sân Ayresome Park, Middlesbrough. Các cầu thủ nhỏ con đến từ vùng Á Đông đã khiến các cổ động viên Anh phải thay đổi thái độ. Từ thù ghét, dửng dưng, những người có mặt trên khán đài Ayresome Park đã quay sang cổ vũ cho Triều Tiên trong trận quyết đấu với Italia bởi tinh thần quả cảm mà họ thể hiện.

Một người nhớ lại: “Thời ấy, hầu hết người Anh đến sân vì muốn xem các cầu thủ đẳng cấp của Italia thi đấu. Nhưng rồi họ phát hiện ra tình yêu bỏng cháy của Triều Tiên với trái bóng. Họ bị cuốn theo lối chơi của người Á Đông và cổ vũ họ từ lúc nào không biết”.

World Cup 1966: Cú sốc mang tên CHDCND Triều Tiên

Tất cả đều phấn khích khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, Triều Tiên đánh bại Italia 1-0 để lách qua khe cửa hẹp vào vòng tứ kết với bàn thắng duy nhất của Park Do-Ik. Phải đến năm 2002, mới có một đại diện khác của châu Á làm được điều này, và đó là Hàn Quốc.

Tại tứ kết, Triều Tiên tiếp tục tạo ra một cú sốc khác khi dẫn trước Bồ Đào Nha 3-0 chỉ sau 25 phút đầu tiên. Tuy nhiên, hành trình cổ tích của họ tại Anh vẫn phải khép lại vì màn trình diễn kinh điển của “Báo đen” Eusébio, người ghi một mạch 4 bàn giúp Seleccao ngược dòng thành công. Kết thúc giải đấu năm đó, Eusébio chính là Vua phá lưới với tổng cộng 9 bàn thắng.

Chính vì vậy, ngoài giai điệu quen thuộc “Bóng đá về nhà” nói về chức vô địch của người Anh, World Cup 1966 còn khiến người đời nhớ mãi về chiến tích của Triều Tiên. Sau này, đây vẫn là câu chuyện đẹp cho các nhà văn, nhà làm phim khai thác.

Theo TIỀN PHONG

Tags: ,