⠀
Với thế giới động vật, loài người là thứ nguy hại hơn cả ô nhiễm phóng xạ
Chernobyl đã đi từ một địa ngục, từng bị coi là sa mạc tiềm năng cho đến một thiên đường cho sự sống hoang dã. Ngày nay, khu vực này đã trở thành một khu dự trữ sinh quyển và bảo tồn đa dạng sinh học.
Thảm họa hạt nhân lớn nhất trong lịch sử nhân loại xảy ra vào ngày 26 tháng 4 năm 1986 tại thành phố Pripyat, Ukraina – khi ấy còn là một phần của Liên bang Xô viết. Khoảng 1 giờ 23 phút sáng theo giờ địa phương, một nhóm kỹ sư điều hành tại Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl tiến hành bật lại lò phản ứng số 4 để chạy thử nghiệm sau quá trình bảo dưỡng.
Không một ai trong số họ biết rằng các thanh điều khiển đã được kéo ra ngoài quá mức giới hạn an toàn, khiến cả lò phản ứng rơi vào một trạng thái mất ổn định. Khoảng 40 giây sau khi lò được bật, vấn đề mới được phát hiện.
Các kỹ sư nhanh chóng ấn nút AZ-5, báo động tình trạng nguy hiểm khẩn cấp số 5 để tắt lò theo một quy trình được gọi là SCRAM. Đáng tiếc thay, quá trình ngắt lò này cần tới 20 giây để hoàn thành.
Khi SCRAM chạy được đến giây thứ 7, năng lượng trong lò phản ứng đã tăng tới mức 30 GW – gấp 10 lần công suất hoạt động thông thường. Người dân ở Pripyat ngay lập tức bị đánh thức bởi một vụ nổ tạo ra trận động đất 2,5 độ richter.
Vụ nổ làm tan chảy các thanh nhiên liệu, phá hủy nắp lò phản ứng, các ống dẫn nước làm mát lò phản ứng và thổi bay một mảng trần.
Chất ô nhiễm phóng xạ nhanh chóng thoát ra ngoài không khí, trước khi một mảng trần sập xuống, đẩy oxy tràn vào gây ra một vụ cháy graphit và tiếp tục khuyếch đại các nguyên tố phóng xạ ra vùng lân cận.
Tính toán cho thấy, lượng bức xạ phát ra từ vụ nổ Chernobyl nhiều gấp 400 lần so với sự kiện Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima năm 1945.
Hơn 350.000 người dân đã được sơ tán khỏi khu vực. Chính quyền thành phố nói rằng đợt sơ tán chỉ kéo dài 3 ngày, nhưng cốt chỉ để hạn chế người dân mang theo đồ đạc, của cải nhiễm phóng xạ.
Cuối cùng, 3 ngày bây giờ đã kéo dài thành 33 năm. Vùng bán kính 30 km xung quanh Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl vẫn đang được cách ly, và dự kiến sẽ còn bị cách ly trong 24.000 năm nữa.
Khi không có con người, địa ngục lại hóa thiên đường
Thảm họa Chernobyl đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến môi trường xung quanh nhà máy. Một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là rừng thông gần đó, được biết đến với cái tên “rừng đỏ”.
Khu vực này đã phải hứng chịu lượng phóng xạ cao nhất, khiến những cây thông chết ngay lập tức với toàn bộ tán lá đều chuyển sang màu đỏ. Rất ít động vật có thể sống sót ra khỏi mức phóng xạ cao nhất này.
Sau vụ tai nạn, người ta cho rằng toàn bộ khu vực sẽ trở thành một sa mạc chết. Sẽ không có một loài động vật nào có thể bén mảng tới đó ít nhất trong vài trăm năm tới. Nhưng có vẻ con người đã lầm.
Chernobyl đang chứng kiến một sự hồi sinh đáng kinh ngạc của thế giới hoang dã. Hơn 30 năm sau thảm họa, các loài động vật như hươu, nai và heo rừng đã phát triển và khôi phục được mật độ tương đương trước vụ nổ.
Một số loài động vật còn phát triển mạnh hơn nữa, ví dụ như loài sói với lượng cá thể nhiều gấp 7 lần thông thường. Hóa ra, chỉ có con người là sinh vật duy nhất bị đẩy ra khỏi khu vực cách ly tại Chernobyl.
Và khi không có sự hiện diện của con người, 4.200 km2 đất bỏ hoang giữa Belarus và Ukraina bây giờ đang trở thành thiên đường cho các loài động vật hoang dã.
Sự thật này cho thấy, chính chúng ta mới là thảm họa cho môi trường tự nhiên, sự tác động của con người vào môi trường qua các hoạt động nông lâm nghiệp, săn bắn và lấn chiếm diện tích sinh sống còn lớn hơn cả phóng xạ.
Các kết quả nghiên cứu động vật hoang dã mới nhất xung quanh khu vực Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl đã được hơn 30 nhà khoa học đến từ Vương quốc Anh, Ireland, Pháp, Bỉ, Na Uy, Tây Ban Nha và Ukraina trình bày tại một hội nghị hồi tháng 3/2019 tại Portsmouth.
Họ đã theo dõi đa dạng sinh học của nhiều loài sinh vật bao gồm động vật có vú lớn như gấu nâu, bò rừng, sói, linh miêu, ngựa Mông Cổ, các loài lưỡng cư, cá, hơn 200 loài chim, côn trùng như ong vò vẽ, giun đất và cả vi khuẩn.
Những nghiên cứu này kết luận mức phóng xạ hiện tại ảnh hưởng rất ít đến sự phát triển của các loài sinh vật này, bao gồm cả thực vật trong môi trường sống của chúng.
Trong vòng 1 năm sau thảm họa, Chernobyl thực sự đúng là một vùng đất chết. Hai chất phóng xạ phổ biến phơi nhiễm ở đây là iodine-131 và technetium-99. Các loài thú sẽ tử vong nếu ăn phải cỏ nhiễm iodine, những con chuột sẽ bị sảy thai nhiều hơn.
Nhưng cho tới năm 1987, lượng phóng xạ xung quanh Chernobyl đã giảm đáng kể và đủ thấp để không còn gây nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng.
Tới năm 2015, một đo đạc của các nhà khoa học Anh cho thấy mức độ phóng xạ ảnh hưởng lên động vật hoang dã sống xung quanh Chernobyl chỉ vào khoảng 1 milligray mỗi ngày, tương đương 10 lần chụp CT ổ bụng.
Đa dạng sinh học trong khu vực xung quanh Chernobyl hiện tại đã đạt tới mức cao. Tất cả các sinh vật ở đây đều duy trì được một lượng dân số ổn định, trong khi loài người hoàn toàn bị cách ly khỏi đó.
Một ví dụ rõ ràng về sự đa dạng của động vật hoang dã trong khu vực gần Chernobyl được đưa ra bởi dự án TREE (TRansfer-Exposure-Effects) của Trung tâm Sinh thái và Thủy văn của Vương quốc Anh.
Là một phần của dự án này, các nhà khoa học đã lắp đặt nhiều camera phát hiện chuyển động ở các khu vực khác nhau trong vùng cách ly xung quanh Chernobyl. Hình ảnh được ghi lại bởi các máy ảnh này cho thấy nhiều loài động vật hoang dã hiện diện cao ở tất cả các địa điểm, cho dù độ phóng xạ ở đó cao hay thấp.
Chính những chiếc camera trong dự án TREE đã giúp ghi lại những hình ảnh đầu tiên về loài gấu nâu và bò rừng Châu Âu bên trong khu vực cách ly ở Ukraina. Các nhà khoa học trong dự án này cũng đã chứng minh sự gia tăng số lượng trong quần thể chó sói và ngựa Mông Cổ trong khu vực nhiễm xạ này.
Một nhóm các nhà khoa học Tây Ban Nha đã nghiên cứu các loài động vật lưỡng cư xung quanh Chernobyl. Họ cũng phát hiện ra một quần thể phong phú bên trong khu vực nhiễm xạ.
Các loài động vật ở đây, chẳng hạn như ếch đã phát triển một số đặc tính để đối phó với môi trường khắc nghiệt. Ở những khu vực ô nhiễm cao hơn, những con ếch được tìm thấy với da sẫm màu hơn để bảo vệ cho chúng khỏi phóng xạ.
Tương lai của Chernobyl
Mặc dù vậy, không phải tất cả các sinh vật ở đây đều an toàn tuyệt đối dưới sự phơi nhiễm phóng xạ. Nghiên cứu đã phát hiện một số loài côn trùng dường như có tuổi thọ ngắn hơn, và bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi ký sinh trùng trong khu vực có bức xạ cao.
Một số loài chim cũng có tỷ lệ mắc bệnh bạch tạng cao hơn, cùng với những thay đổi sinh lý và di truyền khi sống trong khu vực nhiễm xạ cao. Nhưng những tác động ở mức cá thể này dường như không ảnh hưởng đến việc duy trì dân số động vật hoang dã trong khu vực.
Điều này có thể được giải thích bằng một số lý do:
Đầu tiên, chúng ta có thể đã nhầm khi cho rằng các loài động vật không thể chịu đựng được mức phóng xạ trong khu vực cách ly.
Chernobyl đã không hóa thành hoang mạc, thay vào đó, khoảng thời gian 30 năm đã chữa lành những vết thương trong môi trường sống và quần thể sinh vật đã phát triển trở lại.
Một số sinh vật còn bắt đầu phát triển được các đặc điểm thích nghi với liều phóng xạ cao mà chúng bị phơi nhiễm hàng ngày trong môi trường sống.
Nhưng quan trọng nhất, sự vắng mặt của con người trong khu vực cách ly xung quanh Chernobyl là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của rất nhiều loài, đặc biệt là các loài động vật có vú lớn. Điều này cho thấy những áp lực mà con người tác động vào tự nhiên còn mạnh hơn cả một thảm họa hạt nhân.
Với sự hiện diện của mình, chúng ta đã xâm chiếm vào môi trường sống của các loài sinh vật khác, khai thác lâm nghiệp, nông nghiệp, săn bắn các loài động vật và gây rất nhiều thiệt hại đến môi trường sống của chúng.
Những phát hiện tại Chernobyl là bằng chứng nổi bật cho thấy thiên nhiên có thể phát triển mạnh nếu con người để mọi thứ yên ổn, nếu chúng ta cho các loài sinh vật khác một cơ hội.
Sự vắng mặt của con người trong khu vực cách ly xung quanh Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl ngày nay, vô tình đã biến nó trở thành một phòng thí nghiệm thiên nhiên tuyệt vời, cho phép các nhà khoa học nghiên cứu các quá trình tiến hóa trong môi trường khắc nghiệt.
Các kết quả này có thể quay trở lại phục vụ cho toàn thế giới, trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra khiến môi trường sống của chúng ta ở khắp mọi nơi đều biến đổi theo chiều hướng cực đoan hơn.
Năm 2016, chính phủ Ukraina đã khoanh vùng một phần khu vực cách ly xung quanh Chernobyl để thành lập một khu dự trữ sinh quyển và môi trường quốc gia.
Mặc dù sự hiện diện thường trực của con người trong khu vực cách ly được cho là nguy hiểm, mức độ phóng xạ giảm xuống đã cho phép Chernobyl mở cửa đón tiếp, không chỉ các nhà khoa học, mà cả khách du lịch đến tham quan trong thời gian ngắn.
Năm 2018, thống kê cho thấy có khoảng 70.000 du khách đã ghé thăm Chernobyl. Một bữa tiệc nghệ thuật sắp đặt và lễ hội âm nhạc ngoài trời, lấy chủ đề thảm họa hạt nhân cũng đã được tổ chức ở bên trong thành phố Prypiat bị bỏ hoang vào năm ngoái.
Chính phủ Ukraina hiện đang bày tỏ mong muốn phát triển lại công tác lâm nghiệp bên trong bán kính cách ly, đồng thời xây dựng các nhà máy điện mặt trời trong khu vực.
Có thể thấy Chernobyl đã đi từ một địa ngục, từng bị coi là sa mạc tiềm năng cho đến một thiên đường cho sự sống hoang dã. Ngày nay, khu vực này đã trở thành một khu dự trữ sinh quyển và bảo tồn đa dạng sinh học.
Nghe có vẻ lạ, nhưng trong tương lai con người sẽ cần hạn chế sự hiện diện của chính chúng ta, nếu còn muốn giữ Chernobyl làm nơi nương náu an toàn cho các loài động vật hoang dã.
Theo TRÍ THỨC TRẺ
Tags: Con người và thiên nhiên, Thảm họa Chernobyl, Sinh thái học