Việt Nam còn bao nhiêu cá thể voi hoang dã?

Trong Ấn phẩm phát hành tháng 5/2020, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết Việt Nam chỉ còn khoảng 124 đến 148 cá thể voi hoang dã, phân bố trên 8 tỉnh bao gồm Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước.

Việt Nam còn bao nhiêu cá thể voi hoang dã?

Voi là loài vật gắn bó với người dân Tây Nguyên từ bao đời, được coi là một trong những biểu tượng văn hóa của vùng đất này. Trước đây Tây Nguyên là nơi có nhiều voi sinh sống, tuy nhiên do tác động của con người trong những năm gần đây, quần thể voi Tây Nguyênngày càng suy giảm.

Nếu không có những biện pháp bảo tồn quyết liệt và hữu hiệu hơn, thì có lẽ trong thời gian không xa nữa, hình ảnh đàn voi vốn thân thuộc với người Tây Nguyên sẽ chỉ còn trong tiềm thức.

Với thông tin tập hợp từ báo chí, cổng thông tin bộ ngành liên quan cũng như địa phương trong 5 năm, cùng kết quả khảo sát của các chuyến đi thực địa và phỏng vấn chuyên gia, tài liệu này phân tích thực trạng bảo tồn voi ở Tây Nguyên đồng thời đưa ra các khuyến nghị với hy vọng góp một phần cải thiện bức tranh bảo tồn voi ở Tây Nguyên.

Phân loài voi sinh sống tại Việt Nam là voi Châu Á, được xếp vào bậc Nguy cấp trong danh mục sách Đỏ của IUCN, bậc Cực kỳ nguy cấp theo Sách Đỏ Việt Nam và nằm trong Phụ lục I của Công ước CITES.Những năm trước đây voi có vùng phân bố khá rộng từ Lai Châu dọc dãy Trường Sơn tới Bình Phước, Tây Ninh và một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ như Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tài liệu điều tra 2001 – 2002 cho thấy các tỉnh Lai Châu, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Gia Lai, Lâm Đồng và một số nơi khác hầu như không còn, theo Sách Đỏ Việt Nam.

Trong khoảng gần hơn 30 năm trở lại đây, số lượng voi Việt Nam nói chung và voi Tây Nguyên suy giảm nhanh theo từng năm. Những năm 1990, ước tính số voi hoang dã của Việt Nam còn khoảng 1.500 – 2000 cá thể. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chỉ còn khoảng 124 đến 148 cá thể voi hoang dã, phân bố trên 8 tỉnh bao gồm Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước.

Trong số đó chỉ có 3 sinh cảnh còn trên 10 cá thể voi là VQG Pù Mát và vùng phụ cận (tỉnh Nghệ An) còn 13 – 15 cá thể; VQG Cát Tiên, Khu BTNN và Văn hóa Đồng Nai, Công ty Lâm nghiệp TNHHMTV La Ngà (tỉnh Đồng Nai) còn 14 cá thể; và VQG Yok Đôn (tỉnh Đắk Lắk) còn khoảng 80-100 cá thể.

Ở tỉnh có số lượng voi hoang dã lớn nhất cả nước là Đắk Lắk hiện có 5 quần thể: quần thể nhỏ nhất gồm 5-10 cá thể, quần thể lớn nhất có 32-36 cá thể, phân bố chủ yếu ở VQG Yok Đôn.

Trên thế giới, các quần thể voi Châu Á đang suy giảm ở tất cả các nước, ước tính chỉ còn khoảng 35.000 – 50.000 cá thể voi hoang dã, và khoảng 15.000 cá thể voi thuần dưỡng, chiếm khoảng 10% so với quần thể loài voi Châu Phi.

Phạm vi phân bố voi Châu Á gồm 13 nước, trong đó các nước có số lượng voi đáng kể bao gồm: Ấn Độ có số lượng voi lớn nhất, khoảng 20.000 – 25.000 cá thể; Myanmar có khoảng 4.000- 5.000 cá thể; Indonesia ước có 2.800 – 4.800 cá thể trên đảo Sumatra; Sri Lanka có 2.500 – 3.000 cá thể; Sabah (Malaysia) có thể có 2.000- 3.000 cá thể; Thái Lan khoảng 2.000 cá thể; Lào khoảng 1.000 cá thể; bán đảo Malaysia có 1.000 cá thể. Các nước còn lại có quần thể voi rất nhỏ, phân bố rải rác.

Xem chi tiết Ấn phẩm TẠI ĐÂY:

Theo MOITRUONG.COM.VN

Tags: ,