⠀
Vì sao Trung Quốc không thâu tóm được Đài Loan?
Cuối năm 1949, hầu hết đất đai trên đại lục Trung Quốc đã nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Không cam chịu đầu hàng, Tưởng Giới Thạch cùng Quốc dân Đảng rút ra đảo Đài Loan xây dựng căn cứ nuôi chí phục thù sau này.
Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông ở Trùng Khánh năm 1945.
Cá nằm trên thớt
Đảo Đài Loan có diện tích hơn 35.000 cây số vuông, xếp thứ 28 về diện tích trong các hải đảo thế giới. Khoảng cách từ Đài Loan vào Đại lục Trung Quốc, chỗ gần nhất là 130 km. Năm 1948, tổng số nhân khẩu Đài Loan có 6 triệu người. Đến cuối năm 1949, hòn đảo này nhận thêm 1,3 triệu người. Trong số đó có đến 60 vạn là bộ đội của Tưởng.
60 vạn quân đồn trú trên một hòn đảo như Đài Loan là khá nhiều nếu nói về mật độ. Tuy nhiên, so sánh với lực lượng Quân giải phóng của Đại lục thì mới chỉ bằng 1/10 vì lúc này lực lượng của Đại lục đã lên tới 5,5 triệu quân. Trong không khí thắng lợi dồn dập, Mao Trạch Đông đã sớm ra lệnh cho Quân giải phóng chuẩn bị kế hoạch đổ bộ lên Đài Loan tiêu diệt căn cứ cuối cùng của Tưởng Giới Thạch.
Diệp Vĩnh Liệt trong cuốn Những nhân vật lịch sử Trung Quốc hiện đại cho biết: từ 31/12/1949, khi Tưởng vừa mới ra Đài Loan, chân chưa đứng vững, Ban chấp hành Trung ương ĐCS Trung Quốc đã đề ra nhiệm vụ giải phóng Đài Loan trong năm 1950. Bức “thư gửi các tướng sĩ tiền tuyến và đồng bào toàn quốc” của Trung ương ĐCS Trung Quốc có đoạn viết: “Nhiệm vụ chiến đấu vẻ vang của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong năm 1950 là giải phóng Đài Loan, đảo Hải Nam và Tây Tạng, tiêu diệt bọn tàn quân cuối cùng của bọn phỉ Tưởng Giới Thạch…”
Trước đó, ngày 5/12/1949, Mao Trạch Đông đã ra lệnh cho Tư lệnh Không quân của ĐCS bắt tay vào sửa chữa sân bay các nơi. Hai tháng sau, vào 4/2 ông lại gửi điện cho Túc Dụ – Phó tư lệnh quân khu Hoa Đông 3, yêu cầu tăng cường huấn luyện lính dù để phục vụ cho kế hoạch đổ bộ Đài Loan. 6 ngày sau, Mao Trạch Đông lại gửi điện cho Lưu Thiếu Kỳ nói: “Đồng ý cho Túc Dụ điều động 4 sư đoàn để diễn tập hải chiến”. Thực chất 4 sư đoàn này là lực lượng nhằm vào việc tấn công Đài Loan.
Trong khi Đại lục đang chuẩn bị ráo riết để tấn công ra khơi thì ở Đài Loan, tin xấu liên tiếp bay tới với Tưởng. Ngày 5/1/1950, Tổng thống Mỹ Truman công bố chính sách của Mỹ đối với Đài Loan, thừa nhận vô điều kiện Đài Loan là lãnh thổ Trung Quốc. Bản tuyên bố của Truman có đoạn: “Nước Mỹ không có ý định dùng lực lượng vũ trang để can dự vào tình thế hiện nay. Chính phủ Mỹ không bao giờ thực hiện phương châm dẫn đến việc bị lôi cuốn vào cuộc nội chiến của Trung Quốc. Tương tự như vậy, Chính phủ Mỹ sẽ không cung cấp viện trợ quân sự hoặc cố vấn quân sự cho Đài Loan”.
Tuyên bố của Truman ngầm biểu thị rằng nếu Mao Trạch Đông dùng vũ lực tấn công Đài Loan, nước Mỹ sẽ khoanh tay đứng nhìn, không can thiệp vũ lực. Từ trước đó, vào ngày 5/8/1949 nước Mỹ đã công bố sách trắng về quan hệ Trung – Mỹ công kích Tưởng và các lãnh đạo Quốc dân Đảng là bất tài nên tự làm sụp đổ. Cũng từ đó, Mỹ vứt bỏ Tưởng để ủng hộ một con bài khác trong Quốc dân Đảng là Lý Tôn Nhân.
Bị mất chỗ dựa là Mỹ, với thực lực trong tay không lấy gì làm mạnh mà phải chống giữ trên một hòn đảo chơ vơ trước binh lực dồi dào của Đại lục, tình cảnh của Tưởng Giới Thạch những tháng đầu năm 1950 thật như đứng trên chảo lửa, cá nằm trên thớt.
Triều Tiên cứu Đài Loan
Đang trong lúc Tưởng khốn cùng thì tiếng súng chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên nổ ra đã giải thoát Tưởng khỏi cơn nguy cấp. Ngày 25/6/1950, quân đội8 Bắc Triều Tiên dưới sự chỉ huy tối cao của Kim Nhật Thành đồng loạt nổ súng vượt qua vĩ tuyến 38 tấn công chính phủ Đại Hàn Dân Quốc.
Là kẻ “bảo hộ” Đại Hàn bấy lâu nay, nước Mỹ lập tức điều binh khiển tướng viện trợ. Tổng thống Truman cùng các viên chức hàng đầu về quân sự, chính trị nhóm họp khẩn cấp và đưa ra đối sách với 3 điểm chính. Một là chỉ thị cho tướng MacArthur cung cấp vũ khí trang bị cho quân Đại Hàn. Hai là tổ chức oanh tạc bộ đội Bắc Triều Tiên khi các nhân viên tùy thuộc của Mỹ rút ở bất kỳ vị trí nào. Ba là đưa Hạm đội 7 từ Philippiné tiến về phía bắc để đề phòng Trung Quốc tấn công Đài Loan.
Có thêm điều thứ 3 là vì Truman tiếp thu ý kiến của MacArthur rằng “Đài Loan là phòng tuyến của Mỹ ở Thái Bình Dương, hình thành một vòng cung từ quần đảo Aliusan đến Nhật Bản, Okinawa cho đến Philippines” và nó “có thể trở thành một hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm”.
Ngày 27/6/1950, Truman công khai tuyên bố về cuộc chiến Triều Tiên đồng thời có đề cập đến Đài Loan. Lần này, chính Truman quay ngoắt 180 độ so với tuyên bố của ông ta vào ngày 5/1, ông ta nói: “Vì quân đội của Đảng Cộng sản (Trung Quốc) chiếm Đài Loan, sẽ trực tiếp uy hiếp sự an toàn của khu vực Thái Bình Dương, đồng thời uy hiếp hoạt động của quân đội Mỹ một cách hợp pháp và cần thiết ở khu vực đó. Do vậy, tôi đã ra lệnh cho hạm đội 7 của Mỹ đề phòng mọi sự tấn công vào Đài Loan”.
Tưởng Giới Thạch có thể thở phào. Rốt cục thì ông ta lại có cái ô bảo vệ của lực lượng Hải quân Mỹ. Về phía Đại lục, Bắc Triều Tiên là đồng minh được họ ủng hộ, lúc này đang bị quân Mỹ dồn ép có nguy cơ thất bại. Nếu Đại Hàn tiêu diệt được chế độ Kim Nhật Thành thì Trung Quốc sẽ mất đi cái vành đai an ninh. Căn cứ Mỹ sẽ đặt ngay sát biên giới đông bắc Trung Quốc. Bởi thế, Mao Trạch Đông đành phải tạm dừng kế hoạch đánh Đài Loan lại để cử quân sang Triều Tiên cứu Kim Nhật Thành.
Ngày 8/8/1950, Mao gửi điện cho Túc Dụ (người được giao nhiệm vụ chuẩn bị tấn công Đài Loan) đang bị ốm với nội dung: “Nhiệm vụ trước mắt không thật bức thiết nữa, anh có thể yên tâm dưỡng bệnh, cho đến khi khỏi bệnh”. Cho đến hết cuộc chiến Triều Tiên thì Tưởng đã củng cố vững chắc được thế đứng nên thời cơ để ĐCS Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan đã qua đi. Thêm vào đó Mỹ cũng thay đổi quan điểm, coi Đài Loan là một phòng tuyến chống cộng của Mỹ nên càng ra sức bảo vệ Tưởng.
Theo ĐỜI SỐNG & PHÁP LUẬT
Tags: Trung Quốc, Đài Loan, Tưởng Giới Thạch, Quan hệ Trung - Đài