⠀
Vì sao Thành Cát Tư Hãn không dám xâm lược Ấn Độ?
Thành Cát Tư Hãn từng dẫn đội kỵ binh tung hoành khắp một vùng rộng lớn, sang cả châu Âu nhưng điều kỳ lạ là ông không thể xâm lược được nước láng giềng Ấn Độ.
Thành Cát Tư Hãn tên thật là Thiết Mộc Chân, ông là thủ lĩnh của dân Mông Cổ cổ đại. Dưới sự lãnh đạo của ông mọi bộ lạc của Mông Cổ đã thống nhất thu về một mối. Ông cũng chính là nhà quân sự, nhà chính trị tài ba, kiệt xuất của lịch sử thế giới.
Trong thời gian tại vị, Thành Cát Tư Hãn từng nhiều lần phát động các cuộc chiến. Vó ngựa sắt của quân Mông Cổ đã tung hoành khắp nơi. Phía Tây đã đánh xuống đến bờ biển Đen, phía Đông gần như chiếm trọn Đông Á. Ông đã cùng đội quân của mình xây dựng lên một đại đế quốc hùng cường, rộng lớn trải dài từ châu Á đến châu Âu nổi tiếng trong lịch sử.
Nhưng có một điều khiến người ta luôn cảm thấy vô cùng khó hiểu rằng: Tại sao vó ngựa sắt của quân Mông Cổ đã ghi dấu đến tận châu Âu, nhưng lại bỏ qua nước láng giềng Ấn Độ. Chuyện này hiện nay đang có nhiều cách giải thích khác nhau.
1. Theo ghi chép trong “ Nguyên Sử Gia Luật Sở Tài” thì nguyên nhân của việc Thành Cát Tư Hãn thu quân không tấn công Ấn Độ là có liên quan đến việc ông đã gặp được Lộc Đoan (một loại vật thiêng trong thần thoại của người Hán) ở Ấn Độ. Nhưng có một số nhà sử học đã phản bác và cho rằng, Lộc Đoan có thể là con vật không có thật, nhưng vào thời đó có thể ở Ấn Độ có một số loại thú mà người Mông Cổ chưa gặp bao giờ nên khi nhìn thấy thì cảm thấy vô cùng kỳ quái và sợ hãi.
2. Nguyên nhân thứ hai: Có ý kiến khác lại cho rằng có thể do vấn đề khí hậu và địa hình đã khiến quân Mông Cổ phải trở về.
Dân Mông Cổ vốn rất thiện chiến. Họ lại biết dựa vào sức mạnh của dân số hơn 1 triệu người và có hơn 100 nghìn binh lính để giành chiến thắng dễ dàng trước những nước Kim, Nam Tống, Khorazm (nay thuộc Uzbekistan) và liên quân châu Âu có quân đội chỉ vài chục nghìn người. Chính vì thế vó ngựa của quân Mông Cổ đi đến đâu là giành thắng lợi đến đó.
Hơn nữa một yếu tố làm nên sức mạnh cho đội quân Mông Cổ đó chính là thói quen ăn uống rất đơn giản nên đã giúp họ thích ứng nhanh chóng với bất kì một nơi nào họ đến. Quân Mông Cổ chỉ cần uống sữa ngựa hoặc giết dê lấy thực phẩm ăn là đủ. Nói cách khác chỉ cần có ngựa và những đồng cỏ thảo nguyên để chăn thả gia súc thì người Mông Cổ có thể hoàn toàn sống rất tốt.
Tiếp theo, người Mông Cổ rất giỏi săn bắn, điều này không chỉ có lợi cho những cuộc chiến ở những nơi bằng phẳng mà cũng có thể giúp họ bù đắp việc thiếu hụt lương thực trên đường viễn chinh. Nếu thiếu sữa ngựa và thịt dê, họ có thể sử dụng tài săn bắn của mình để đi săn thú. Điều này cũng giúp quân Mông Cổ giảm đáng kể áp lực về quân nhu trên đường viễn chinh vì đối với các cuộc viễn chinh thì lương thực luôn là yếu tố yết hầu của một đội quân. Chính vì thế mà đối phương không thể nắm được điểm yếu này của quân Mông Cổ.
Nhưng quân Mông Cổ có hai nhược điểm lớn: Thứ nhất giỏi cưỡi ngựa, đi săn suốt ngày trên lưng ngựa nên nếu gặp phải địa hình toàn sông hồ ao ngòi thì họ không thể tận dụng được sức mạnh. Để khắc phục yếu điểm này năm 1220 công nguyên, Thành Cát Tư Hãn đã thành lập thủy quân. Trong sử sách ghi chép rằng, khi chinh phạt phía Tây, quân Mông Cổ đã từng đóng thuyền trong vòng 1 tháng để đưa quân của mình vượt sông.
Thứ hai: Điểm yếu này quân Mông Cổ không thể khắc phục được là do thiên nhiên. Cuộc sống của dân Mông Cổ chủ yếu là trên cao nguyên và vùng Siberia khô lạnh nên họ rất sợ những nơi có khí hậu ẩm ướt và nóng bức, đặc biệt quân Mông Cổ không thể chịu được khí hậu nhiệt đới. Điều này thể hiện rõ trong những chiến dịch xâm lược Nam Á, Đông Nam Á. Vì thế đây cũng chính là một nguyên nhân quan trọng khiến Thành Cát Tư Hãn phải kéo quân trở về vì không thể chịu nổi môi trường địa lý và khí hậu ở Ấn Độ.
3. Nguyên nhân thứ 3: Ngựa chiến Mông Cổ rất sợ voi . Ấn Độ vốn là đấy nước có rất nhiều voi. Trong chiến trường, các đoàn quân thường lợi dụng thân hình to lớn và sức mạnh của voi để đi đầu đoàn, chiếm lĩnh thế chủ động. Những con voi trưởng thành to lớn có thể cao hàng mét. Vào thế kỉ thứ 3 trước công nguyên, lực lượng quân sự của vương triều Khổng Tước Ấn Độ đã biết dựa vào sức mạnh của voi để đưa ra chiến trường.
Theo ghi chép trong lịch sử của Ấn Độ, quân đội của Ấn Độ thời đó gồm bốn loại: đứng đầu là Tượng binh (voi chiến), tiếp đến là Mã binh (ngựa chiến) chiến quân binh, cuối cùng là bộ binh. Có thể nói Ấn Độ đã biết đưa vào sức mạnh của đội voi chiến để giành chiến thắng. Nếu như hai bên giao chiến, kỵ binh của Mông Cổ rất có thể đã gặp phải đội voi chiến của Ấn Độ vì thế mà đám kỵ binh Mông Cổ không thể ứng phó kịp nên Thành Cát Tư Hãn đã quyết định thu quân để bảo tồn lực lượng.
Theo KIẾN THỨC
Tags: Ấn Độ, Danh nhân thế giới, Đế quốc Mông Cổ, Ấn Độ cổ