⠀
Về vụ bê bối Tài liệu Lầu Năm Góc thời chiến tranh Việt Nam
Năm 1971, để phản đối Chiến tranh Việt Nam, chuyên gia phân tích quân sự Daniel Ellsberg đã bí mật sao chép và quyết định công bố Tài liệu Lầu Năm Góc trước công chúng Mỹ.
Ông Daniel Ellsberg.
Tài liệu Lầu Năm Góc là tên của một nghiên cứu bí mật của Bộ Quốc phòng Mỹ về sự can dự chính trị và quân sự ở Việt Nam của Hoa Kỳ từ năm 1945 đến năm 1967, theo yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara. Trong công trình nghiên cứu này, các nhà phân tích đã sử dụng tài liệu mật từ kho lưu trữ của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Tài liệu Lầu Năm Góc được hoàn thành vào năm 1969 và đóng thành 47 quyển, chứa đựng 3000 trang chính và 4.000 trang tài liệu tham khảo.Khi Chiến tranh Việt Nam kéo dài và sự hiện diện quân sự của Mỹ ở miền nam Việt Nam tăng lên hơn 500.000 quân trong năm 1968, nhà phân tích quân sự Daniel Ellsberg (người đã tham gia công trình nghiên cứu) đã chuyển sang phản đối chiến tranh và quyết định công bố các thông tin trong Tài liệu Lầu Năm Góc trước công chúng Mỹ. Ông Ellsberg đã bí mật sao chụp tài liệu tối mật này và đã đưa ra các bản sao cho báo The New York Times vào tháng 3/1971. Báo The New York Times sau đó đăng tải một loạt các bài báo dựa trên những phát hiện trong Tài liệu Lầu Năm Góc. Ngay lập tức, những bài báo này đã gây chấn động nước Mỹ và thế giới. Chính phủ liên bang đã tìm mọi cách ngăn chặn việc báo chí công bố Tài liệu Lầu Năm Góc, nhưng không thành công.
Mặc dù một phiên bản chưa hoàn chỉnh của Lầu Năm Góc đã được xuất bản thành sách vào cuối năm 1971, nghiên cứu này vẫn được giữ bí mật cho đến tháng 6/2011, khi chính phủ Mỹ công bố tất cả 7.000 trang trước công chúng để kỷ niệm lần thứ 40 tài liệu mật này bị rò rỉ trên mặt báo.
“Người thổi còi” Daniel Ellsberg là ai?
Daniel Ellsberg là người gốc Do Thái, sinh trưởng tại Chicago (sinh ngày 7/4/1931), là một nhà phân tích tình báo chiến lược của quân đội Mỹ. Ông từng là nhân viên của RAND Corporation – một công ty chuyên phân tích tình hình cho quân đội Mỹ – và Doughlas Air Company – một công ty chế tạo các vũ khí cho Bộ quốc phòng Mỹ. RAND Corporation có 1.600 nhân viên và trong số đó có nhiều người làm việc cho tình báo Mỹ.
“Người thổi còi” Daniel Ellsberg từng là một sĩ quan thủy quân lục chiến Mỹ (1954-1957).
Lúc đầu, ông là người ủng hộ sự can thiệp của Mỹ ở Đông Dương và từng làm các công việc chuẩn bị cho việc công trình nghiên cứu mang được gọi là Tài liệu Lầu Năm Góc.
Tuy nhiên, đến năm 1969, Daniel Ellsberg đã tin rằng nước Mỹ không thể thắng cuộc Chiến tranh Việt Nam. Ông cũng tin rằng những thông tin chứa đựng Tài liệu Lầu Năm Góc về quyết định của chính phủ ở Washington liên quan đến Việt Nam cần được phổ biến rộng rãi hơn trong công chúng Mỹ.
Sau khi bí mật sao chép phần lớn Tài liệu Lầu năm Góc, Daniel Ellsberg đã tiếp cận một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ, nhưng không ai trong số đó dám hành động. Năm 1971, Daniel Ellsberg chuyển giao một phần Tài liệu Lầu Năm Góc cho nhà báo Neil Sheehan, phóng viên của tờ The New York Times.
Tài liệu Lầu Năm Góc: Xuất bản và bê bối
Bắt đầu từ ngày 13/6/ 1971, tờ The New York Times dự kiến đăng tải một loạt các bài báo dựa trên các thông tin chứa trong Tài liệu Lầu Năm Góc. Thế nhưng sau bài báo thứ ba, Bộ tư pháp Mỹ đã ra lệnh cấm công bố thêm các thông tin trong Tài liệu Lầu Năm Góc, với lập luận rằng điều đó gây bất lợi cho an ninh quốc gia. Hai tờ báo The New York Times và Washington Post đã hợp sức khiếu nại và vào ngày 30/6/1971, Tòa án Tối cao Mỹ đã phán quyết rằng chính phủ Mỹ đã thất bại trong việc chứng minh những tổn thất về an ninh quốc gia và việc công bố Tài liệu Lầu Năm Góc là hợp pháp.
Ngoài việc được công bố trên các tờ báo The New York Times, Washington Post, Boston Globe và nhiều tờ báo khác, một phần Tài liệu Lầu Năm Góc còn đến với công luận, sau khi Thượng nghị sĩ Mike Gravel (đại diện cho bang Alaska và là một chính khách công khai chỉ trích Chiến tranh Việt Nam) đã đọc to tài liệu này trong một phiến điều trần trước một tiểu ban của Thượng viện Mỹ. Phần này tiết lộ rằng chính quyền của tổng thống Harry S. Truman, Dwight D. Eisenhower, John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson đều đã lừa dối công chúng về mức độ can dự của Mỹ ở Việt Nam: từ quyết định của Truman cung cấp cho viện trợ quân sự cho Pháp đánh Việt Minh đến đề ra các kế hoạch leo thang chiến tranh ở Việt Nam vào đầu năm 1964.
Việc công bố Tài liệu Lầu Năm Góc được đưa ra vào thời điểm sự ủng hộ của công chúng dành cho sự can thiệp quân sự của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam bị xói mòn nghiêm trọng. Tài liệu Lầu Năm Góc Papers khẳng định sự nghi ngờ của dân chúng về vai trò của chính phủ Mỹ trong việc tạo ra các cuộc xung đột.
Vụ xét xử Daniel Ellsberg Tòa án Tối cao Mỹ bị bãi nại
Sau phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ vào ngày 30/6/1971, chính quyền Nixon đã truy tố hình sự đối với “người thổi còi” Daniel Ellsberg và Anthony Russo (bị cáo buộc là đồng phạm) – với các tội danh phản quốc, hoạt động gián điệp và đánh cắp tài sản của chính phủ. Phiên tòa xét xử Daniel Ellsberg bắt đầu vào năm 1973 và kết thúc bằng việc bãi nại vụ án trong tháng 5/1973, sau khi các công tố viên phát hiện ra rằng một đội “chuột chũi” của Nhà Trắng (được gọi là “thợ ống nước”) đã bí mật đột nhập văn phòng bác sĩ tâm thần của Daniel Ellsberg vào tháng 9/1971 để tìm kiếm các tài liệu chống lại “người thổi còi” này.
Cần nói thêm rằng chính các “thợ ống nước” E. Howard Hunt và G. Gordon Liddy cũng đã tham gia vụ đột nhập vào Watergate năm 1972, dẫn đến việc Tổng thống Richard Nixon bị buộc phải từ chức trong năm 1974.
Theo KIẾN THỨC
Tags: Chiến tranh Việt Nam, Mỹ