Về vấn đề kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ

Xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm, vì nó tiềm ẩn những nguy cơ lớn dẫn đến tham nhũng. Kiểm soát và hạn chế các tình huống phát sinh xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ sẽ giúp ngăn ngừa tham nhũng một cách có hiệu quả.

Về vấn đề kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ

Tác giả: ThS Đinh Thị Hương Giang, Ban Thanh tra, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Lý luận Chính trị số 5-2017.

1. Khái quát về xung đột lợi ích

Kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ là tổng thể các cách thức, biện pháp nhà nước sử dụng để nhận diện các tình huống xung đột lợi ích qua đó phát hiện, phòng tránh, ngăn chặn, giải quyết các tình huống xung đột lợi ích; áp dụng các biện pháp hình sự, hành chính, kỷ luật, dân sự để xử lý cá nhân vi phạm các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích.

Hiện nay, khái niệm “xung đột lợi ích” (conflict of interest), về cơ bản đã được các quốc gia, tổ chức quốc tế và giới nghiên cứu đi đến sự thống nhất chung.

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD): xung đột lợi ích là “mâu thuẫn giữa chức trách nhà nước và lợi ích cá nhân của công chức, trong đó công chức có những lợi ích ở phương diện cá nhân có thể gây ảnh hưởng không phù hợp đến kết quả thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm công chức của mình” (1).

Ủy ban Độc lập chống tham nhũng (ICAC) cho rằng: “xung đột lợi ích xảy ra khi một công chức ở vào một vị trí bị ảnh hưởng hoặc xảy ra ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân của mình khi thực thi công vụ” (2).

Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), xung đột lợi ích là “…tình huống trong đó một cá nhân hoặc tổ chứcnơi họ làm việc, có thể là chính phủ, doanh nghiệp, hãng truyền thông hoặc tổ chức xã hội dân sự, phải đối mặt với việc lựa chọn giữa trách nhiệm và yêu cầu xuất phát từ vị trí công việc của họ vớinhững lợi ích cá nhân của chính họ” (3).

Theo Từ điển Black Law Dictionary, xung đột lợi ích là “…sự không tương thích trên thực tế hoặc có khả năng xảy ra trên thực tế giữa những lợi ích của cá nhân với nghĩa vụ công hoặc với trách nhiệm mà họ được ủy thác” (4).

Theo Từ điển pháp luật Anh-Việt, xung đột lợi ích là “…sự mâu thuẫn quyền lợi, sự không tương xứng giữa địa vị chức tước với quyền lợi cá nhân của người giữ chức vụ đó, việc sử dụng chức vụ để mưu lợi ích cá nhân” (5).

TS Hoàng Văn Luân cho rằng: “xung đột lợi ích được hiểu là sự vi phạm, xâm phạm hoặc làm tổn hại lẫn nhau giữa các lợi ích trong một quan hệ nhất định” (6). Tác giả Trần Văn Long cho rằng: “xung đột lợi ích được hiểu là bất kỳ một tình huống nào trong đó cá nhân hay tổ chức được ủy thác trách nhiệm (được trao quyền) có những lợi ích riêng hay chung đủ lớn để ảnh hưởng (hay có thể ảnh hưởng) đến việc thi hành các trách nhiệm được ủy thác một cách khách quan, đúng đắn” (7). Theo tác giả Vũ Công Giao và Đỗ Thu Huyền thì xung đột lợi ích “là khả năng một cá nhân hoặc tổ chức được giao quyền lực công sử dụng vị trí công tác một cách không thích đáng để tư lợi” (8).

Như vậy, chủ thể của tình huống xung đột lợi ích có thể là cá nhân cán bộ, công chức hoặc tổ chức được giao quyền lực (thẩm quyền) trong khi thực hiện công vụ.

Về khách thể, lợi ích vật chất (tiền, tài sản…) hoặc phi vật chất (trao đổi mối quan hệ, sự hàm ơn, khả năng thăng tiến trong công việc…). Về tính chất, có thể là lợi ích riêng (với cá nhân) hoặc lợi ích chung (đối với tổ chức).

Hai yếu tố tạo thành xung đột lợi ích là lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức và chức vụ, quyền hạn của cá nhân đó trong quá trình ra quyết định. Ở đây là sự xung đột giữa lợi ích công và lợi ích cá nhân trong quá trình ra quyết định của cán bộ, công chức; các tình huống có xung đột lợi ích gây khó khăn cho cán bộ, công chức khi ra quyết định trong quá trình thực thi công vụ.

Việc nhận diện và kiểm soát xung đột lợi ích góp phần phòng, ngừa tham nhũng đồng thời tạo niềm tin của xã hội đối với sự liêm chính của tổ chức, cá nhân.

– Sự khác nhau giữa xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ và tham nhũng

xung đột lợi ích và tham nhũng là hai khái niệm khác nhau nhưng có liên quan tới nhau. Chủ thể cùng là cán bộ, công chức; đều có yếu tố lợi ích cá nhân xuất hiện nhưng ở tham nhũng có mục đích vụ lợi. Không phải mọi tình huống xung đột lợi ích đều dẫn đến tham nhũng, mà chỉcó thể dẫn đến hành vi tham nhũng trong trường hợp cán bộ, công chức ra quyết định, hành động (hoặc không hành động) vì lợi ích riêng của cá nhân và người thân của mình và làm tổn hại tới lợi ích chung.

Quy định về xung đột lợi ích trong Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) và pháp luật quốc tế

Vấn đề xung đột lợi ích được Liên Hợp quốc đề cập lần đầu vào năm 1996 trong Bộ quy tắc xử sự quốc tế dành cho công chức. Bộ quy tắc đã khuyến nghị một loạt vấn đề để tránh rủi ro xung đột lợi ích đối với công chức:

Công chức phải báo cáo ngay với cấp có thẩm quyền về xung đột lợi ích khi nhận thức được về nó và phải tuân thủ đúng những gì mình được yêu cầu phải làm. Mọi xung đột về lợi ích cần phải được giải quyết trước khi tuyển dụng người mới hoặc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ mới.

Công chức không được tham gia vào những hoạt động bên ngoài (kể cả nắm giữ chức vụ) khi mà hoạt động đó xung đột với chức năng, nhiệm vụ của mình. Công chức phải xin phép và được phép của cấp có thẩm quyền thì mới được tham gia vào công việc ở bên ngoài.

Công chức phải khai báo về tư cách thành viên hoặc mối quan hệ với bất kỳ tổ chức nào mà có thể gây ra sự cản trở đối với việc thực thi công vụ của mình…

Sau đó, một loạt công ước quốc tế và khu vực đã đề cập đến vấn đề phòng, chống xung đột lợi ích, như: Công ước Liên Mỹ về chống tham nhũng (Điều 3. Các biện pháp phòng ngừa); Nghị định thư của Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi về chống tham nhũng (Điều 5. Các biện pháp phòng ngừa); Công ước của Liên minh châu Phi về phòng, chống tham nhũng (Điều 7. Tham nhũng và những tội phạm có liên quan trong dịch vụ công).

Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) tại Khoản 4, Điều 7 quy định: “Mỗi quốc gia thành viên của công ước, trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp nước mình, nỗ lực ban hành, duy trì và củng cố các cơ chế tăng cường minh bạch và phòng ngừa xung đột lợi ích”. Công ước còn quy định các quốc gia thành viên ban hành và áp dụng những chuẩn mực hoặc quy tắc xử sự đối với công chức, những hoạt động bên ngoài công việc, các khoản đầu tư bên ngoài hay tài sản và quà tặng, những hoạt động có thể gây xung đột lợi ích khi họ thực hiện nhiệm vụ công (Điều 8, Khoản 2, 5); cấm khu vực tư nhân tuyển dụng công chức vào làm việc sau khi họ đã từ chức hoặc về hưu, nếu các hoạt động nghề nghiệp hoặc việc tuyển dụng đó có liên quan trực tiếp đến chức năng mà công chức này đảm nhiệm hoặc giám sát trong thời gian làm việc cho nhà nước (Điều 12, Khoản 2, Điểm e)…

2. Kinh nghiệm của một số quốc gia về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ

Thứ nhất,kiểm soát về thu nhập và tài sản

Các biện pháp kiểm soát về thu nhập và tài sản bao gồm các quy định liên quan đến nhận quà tặng, quyền nắm giữ cổ phần, cổ phiếu trong công ty tư nhân, sở hữu đất đai hoặc bất động sản…

Singapore quy định cán bộ, công chức phải từ chối mọi món quà được tặng (không giới hạn giá trị, hình thức quà tặng). Nếu người nào được tặng một món quà của một quan chức đến thăm (quà mang nghi thức ngoại giao), thì sau đó phải chuyển lại cho người đứng đầu bộ phận của mình. Giá trị của món quà sẽ được đánh giá và người nhận quà có thể trả tiền nếu muốn giữ. Người định giá đối với tất cả quà tặng là Tổng kế toán nhà nước. Croatia, Hàn Quốc lại quy định rõ thế nào là quà tặng, trường hợp nào không được coi là quà tặng. Cán bộ, công chức có thể giữ một món quà có giá trị tượng trưng và nếu giá trị không vượt quá 500HRK (tiền Coroatia) hoặc trong giới hạn do Trưởng đơn vị thiết lập (Hàn Quốc). Ngoài ra, ở Hàn Quốc và Coroatia những món quà cán bộ, công chức có thể nhận được quy định rõ trong luật.

Các quốc gia đều có quy định về kê khai thu nhập, tài sản. Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế đối tượng mà giá trị tài sản, thu nhập phải kê khai khác nhau. Đối với việc sở hữu bất động sản, đa số các quốc gia không cấm việc sở hữu bất động sản nhưng cấm việc sử dụng lợi thế thông tin hay nhận quà để sở hữu bất động sản.

Thứ hai, hạn chế về các hoạt động kinh doanh

Hầu hết các quốc gia thuộc OECD đều có quy định hạn chế cán bộ, công chức có lợi ích kinh doanh riêng và công việc ngoài nhiệm vụ chính. Đa phần các quy định mang tính chất chung là cấm cán bộ, công chức tham gia vào kinh doanh hoặc bất kỳ hoạt động nào có tác động trực tiếp hoặc có thể dự đoán được đối với lợi ích tài chính của họ. Ví dụ: Hoa Kỳ, Cộng hòa Séc, Italia.

Tuy nhiên, cũng có một số quốc gia quy định cụ thể những hạn chế về các hoạt động kinh doanh như Estonia, Anh, Croatia.

Thứ ba, một số hạn chế trong khi đảm nhiệm công vụ

Trong quá trình đảm nhiệm công vụ, để kiểm soát xung đột lợi ích cần kiểm soát việc ra quyết định có ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức hay việc cán bộ, công chức cùng lúc giữ hai vị trí có lợi ích mâu thuẫn nhau, giúp đỡ người thân, bạn bè được tuyển dụng, làm việc trong khu vực công hoặc có được các hợp đồng với chính phủ… Đa số các nước thuộc OECD và một số nước đang trong quá trình chuyển đổi đều quy định cấm hoặc hạn chế cán bộ, công chức thực hiện một hành động hoặc ra quyết định có liên quan đến lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức hoặc người có mối liên hệ với cán bộ, công chức đó (Estonia, Latvia); không được nắm giữ các vị trí mà cấp dưới (trực tiếp chịu sự lãnh đạo) là người có quan hệ với mình như vợ chồng, con cháu, quan hệ họ hàng trong phạm vi 3 hoặc 4 đời (Trung Quốc, Bulgaria, Ba Lan).

Thứ tư, hạn chế sau khi cán bộ, công chức rời khỏi vị trí công tác

Đa số các quốc gia đều có quy định hạn chế việc làm liên quan đến các vấn đề có thể xảy ra khi các công chức rời bỏ khu vực công và trách nhiệm của cơ quan, công chức đối với các cựu công chức. Cam kết thôi đảm nhiệm chức vụ sẽ không lợi dụng thông tin (mà người dân không thể tiếp cận) họ có được khi còn đương chức (quy định quy tắc ứng xử dành riêng cho các chính trị gia và công chức (Úc, Canada). Các quy định cấm, hạn chế về những việc không được làm sau khi cán bộ, công chức rời khỏi vị trí công tác (Canada, Hoa Kỳ, Mexico) hoặc quy định thời hạn (1 hoặc 2 đến 5 năm tùy từng vị trí công tác) đối với những việc công chức ở các vị trí điều hành không được làm (Mexico, Canada). Ngoài ra một số quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha quy định đối với một số vị trí, cán bộ phải thông báo các kế hoạch việc làm trong tương lai và phải được phê duyệt trước khi được bổ nhiệm vào vị trí mới.

Thứ năm, quy định về công khai; về giám sát và xử phạt

Quy định kê khai những lợi ích có khả năng xung đột với nhiệm vụ của cán bộ, công chức, có thể kê khai khi nhận công việc mới hoặc theo định kỳ. Ngoài ra, khi có tình huống thay đổi có thể dẫn đến xung đột lợi ích thì cán bộ, công chức phải kịp thời báo cáo lên cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định. Tùy theo chức vụ, vị trí công tác mà bản kê khai này được quản lý khác nhau. Nội dung kê khai có thể được công khai trong nội bộ hoặc phạm vi rộng hơn (Pháp, Singapore, Coroatia, Ba Lan…).

Cùng với kê khai là quy định về giám sát trong nội bộ hoặc của xã hội (người dân, doanh nghiệp, tổ chức, truyền thông) trong giám sát việc chấp hành pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích.

Một trong những biện pháp phòng ngừa là giáo dục, cung cấp thông tin để cán bộ, công chức hiểu rõ và thực hiện tốt các quy định chống xung đột lợi ích. Các quy định chống xung đột lợi ích được đưa vào bài thi tuyển đầu vào, trong quá trình làm việc hoặc trong chương trình giáo dục đào tạo (Đức, Canada, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc…).

3. Kiểm soát xung đột lợi ích ở Việt Nam hiện nay và những kinh nghiệm quốc tế có thể tham khảo

Ở Việt Nam, mặc dù khái niệm xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ còn khá mới mẻ, song trong thực tế, đã có một số quy định liên quan đến vấn đề này trong một số đạo luật như Luật cán bộ, công chức năm 2008; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012), Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hội đồng nhân dân, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Kiểm toán năm 2014, Bộ Luật tố tụng dân sự và Bộ Luật tố tụng hình sự 2015, Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ công chức… Các biện pháp kiểm soát về thu nhập và tài sản bao gồm các quy định liên quan đến nhận quà tặng, quyền nắm giữ cổ phần, cổ phiếu trong công ty tư nhân, sở hữu đất đai hoặc bất động sản… Pháp luật Việt Nam cũng đã từng bước đặt ra yêu cầu cho cán bộ, công chức phải báo cáo về những hoạt động ngoài công việc mà công chức đó đảm nhiệm như các khoản đầu tư bên ngoài hay tài sản, quà tặng, những thứ có thể gây xung đột lợi ích khi họ thực hiện nhiệm vụ công…

Thực tế cho thấy, pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Các quy định pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ còn rời rạc, chưa đầy đủ, thiếu tính khả thi. Nhiều quy định chưa thực sự hợp lý, khó áp dụng và đặc biệt là chưa có cơ chế kiểm soát việc chấp hành, thực thi nên hiệu lực, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng còn thấp.

Theo kết quả khảo sát về cảm nhận xung đột lợi ích được thực hiện với các cán bộ công chức, doanh nghiệp và người dân tại 10 địa phương và 5 bộ tại Việt Nam thì: xung đột lợi ích chưa được cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân nhận thức rõ như một vấn đề trong quản trị công. xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích chưa được chính thức hóa trong văn bản pháp luật làm cơ sở nâng cao hiệuquả quản lý công và phòng, chống tham nhũng. Các tình huống xung đột lợi ích xảy ra khá phổ biến, đa dạng và có nguy cơ trở thành “thông lệ” trong quan hệ công vụ. Hình thức xung đột lợi ích phổ biến nhất là:Tặng quà; Giúp đỡ người thân; Sử dụng lợi thế thông tin (9).

Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài”, “là nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị”. Theo đó, Đảng ta chủ trương: “Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí” (10).

Từ những kinh nghiệm quốc tế nêu trên, Việt Nam có thể tham khảo để ngăn ngừa, kiểm soát xung đột lợi ích:

Thứ nhất, về mặt nhận thức, các quốc gia đều nhận thức rõ tầm quan trọng có ý nghĩa quyết định của việc cần thiết phải kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ. Xung đột lợi ích nếu không được quản lý, kiểm soát sẽ dẫn đến lạm dụng công vụ, có thể dẫn đến tham nhũng.

Thứ hai, các quy định về phòng, chống xung đột lợi ích cần được ghi nhận thành các quy định pháp luật và bảo đảm thực hiện trên thực tế. Pháp luật là căn cứ pháp lý để cán bộ, công chức nhà nước hiểu rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mình trong việc ra quyết định trong hoạt động công vụ nhất là trong các tình huống có xung đột lợi ích. Pháp luật quy định vai trò, trách nhiệm của công dân, tổ chức trong phòng, chống xung đột lợi ích. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, công dân và các tổ chức chủ động tham gia vào công tác phòng, chống xung đột lợi ích bằng nhiều cách thức khác nhau, hoặc thực hiện quyền giám sát đối với các hoạt động của các cơ quan của nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong xã hội nhằm phát hiện các hành vi vi phạm các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích; xây dựng văn hóa không khoan nhượng với xung đột lợi ích trong tổ chức, cung cấp thông tin về xung đột lợi ích cho các cơ quan chức năng để làm rõ và có biện pháp xử lý; mặt khác, pháp luật cũng là cơ sở pháp lý để triển khai các biện pháp bảo vệ những người tích cực tham gia vào công tác phòng, chống xung đột lợi ích, xử lý những trường hợp bao che, thiếu tích cực trong phòng, chống xung đột lợi ích. Pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích là chuẩn mực để các chủ thể lựa chọn những xử sự phù hợp trong đời sống pháp lý. Chỉ có ghi nhận thành văn bản pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện một cách hiệu quả trên thực tế thì việc kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ mới đạt được hiệu quả cao nhất.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng và các quy định khác có liên quan đến kiểm soát xung đột lợi ích theo hướng:

Luật cần quy định rõ các trường hợp được nhận và giữ lại quà tặng, các trường hợp nhận và nộp lại quà tặng cho cơ quan có thẩm quyền, các trường hợp không được nhận quà tặng. Quy định về công khai thông tin quà tặng…

Tùy từng vị trí công tác khác nhau quy định về kê khai, tiến tới công khai toàn bộ thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức.

Quy định rõ khái niệm xung đột lợi ích trong Luật, các tình huống xung đột lợi ích, quy trình giải quyết tình huống xung đột lợi ích, trách nhiệm giải quyết xung đột lợi ích, nghĩa vụ báo cáo của cán bộ, công chức khi có việc làm thêm, được quà biếu, quà tặng, kê khai thu nhập tài sản; các tình huống có xung đột lợi ích… các biện pháp kỷ luật đối với công chức khi không báo cáo các tình huống xung đột lợi ích; quy định kiểm soát việc sử dụng thông tin có được trong hoạt động công vụ khi còn đương chức hoặc khi chuyển làm việc từ khu vực công sang khu vực tư, chế tài xử phạt đối với cá nhân khi không tuân thủ các quy định về xung đột lợi ích, các biện pháp quản lý đối với vi phạm quy định về xung đột lợi ích…

Thứ tư, tăng cường, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước. Công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan nhà nước.

Thứ năm, tăng cường giáo dục, cung cấp thông tin để cán bộ công chức biết được chính sách, pháp luật về phòng, chống xung đột lợi ích đồng thời tự tránh các xung đột lợi ích

Trong nội dung giáo dục về phòng, chống tham nhũng cần đưa các nội dung, yêu cầu về phòng, chống xung đột lợi ích nhằm nâng cao ý thức cho người dân, cán bộ, công chức về phòng, chống xung đột lợi ích. Tăng cường giáo dục, cung cấp thông tin để cán bộ, công chức hiểu rõ chính sách, pháp luật về phòng, chống xung đột lợi ích. Đưa nội dung giáo dục về tự tránh xung đột lợi ích trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, xây dựng văn hóa công khai, liêm chính trong tổ chức…

———————

Chủ thích:

(1) OECD (2005) “Policy Brief: Managing Conflict of interest in the Public Service.” OECD, Paris, http://oecd.org.
(2) ICAC (2012): Identifying and managing conflict of interest in the public sector, https://www.icac.nsw.gov.au.
(3) Xem: ICAC (2014): Managing Conflict of Interest in the Public Sector Guidelines, tr.1, tại: http://www.icac.nsw.gov.au.
(4) Xem: Bryan A.Garner: Black Law Dictionary, Ninth Edition, tr.341.
(5) Vũ Mạnh Hùng, Nguyễn Đăng Dung, Vũ Trọng Khải, Phan Thăng: “Từ điển pháp luật Anh – Việt”, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.318.
(6) TS Hoàng Văn Luân: “Quản trị xung đột lợi ích – các lý thuyết và vấn đề đặt ra ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2014.
(7) Trần Văn Long: “Xung đột lợi ích và tham nhũng”, Tạp chí Nội chính số 24, tháng 7-2015.
(8) Vũ Công Giao, Đỗ Thu Huyền: “Kinh nghiệm quốc tế về phòng ngừa, quản lý xung đột lợi ích của thế giới”, Tạp chí Nội chính, số 31 tháng 3-2016.
(9) Nhóm Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ ấn hành: “Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công: Quy định và thực tiễn ở Việt Nam”, Nxb Hồng Đức, 2016, tr.67-69.
(10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.50.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: ,