Về sự ‘vô dụng’ và lãng phí của toán học ở Việt Nam

Sự “vô dụng” của toán là vì ta định nghĩa học giỏi toán là giỏi giải bài tập chứ không phải giỏi giải quyết vấn đề bằng toán. Và chúng ta đã định hình các cuộc thi toán, hoạt động đào tạo và cả tư duy theo hướng này.

Về sự ‘vô dụng’ của toán học ở Việt Nam

Tác giả: Tô Thức, Tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Queensland (Australia), hiện giảng dạy tại James Cook University (Australia).

Câu hỏi thường trực từ lâu trong tôi là vì sao các nước phương Tây không “luyện gà chọi” mà vẫn có rất nhiều giải thưởng học sinh giỏi quốc tế?

Chưa nói tới những nước có truyền thống như Nga, Mỹ… Australia đến nay cũng đã có 27 huy chương vàng Olympic toán quốc tế (IMO) – một con số khiêm tốn so với 67 huy chương vàng của Việt Nam. Nhưng nếu xét tới dân số và hứng thú ít ỏi với môn toán của học sinh Australia, đây vẫn là một thành tích. Khi tìm hiểu sâu vào giáo dục, tôi phát hiện rằng Việt Nam phải nhường lại danh hiệu “luyện gà chọi” cho Australia, theo hướng tích cực.

Khác với Việt Nam – tổ chức các cuộc thi học sinh giỏi ở nhiều lớp, nhiều cấp – việc chọn đội tuyển thi IMO của Australia còn lặng lẽ hơn một cuộc thi bơi cấp trường. Đầu tiên, giáo viên toán khuyến khích học sinh trong lớp tham gia kỳ thi toán quốc gia (AMC) được tổ chức bởi Hiệp hội Toán học. Cuộc thi diễn ra tại trường trong một ngày học bình thường. Chỉ khoảng 100 thí sinh có kết quả AMC tốt nhất toàn Australia được mời đến kỳ thi học sinh giỏi toán quốc gia (AMO). Kỳ thi này luôn được tổ chức vào tuần thứ hai của tháng 2 hàng năm. 25 học sinh có kết quả AMO tốt nhất được cử đến cuộc thi toán Châu Á Thái Bình Dương (APMO). Cuối cùng, 12 em có kết quả tốt nhất từ AMO và APMO sẽ được tham dự 10 ngày trại ở Sydney vào kỳ nghỉ giữa học kỳ vào tháng tư. Trong mười ngày này sẽ có hai bài thi, và sáu học sinh có kết quả tốt nhất sẽ được huấn luyện và cử đi thi IMO vào tháng bảy.

Như vậy, nếu nói “luyện gà chọi” thì thực tế Australia xứng đáng với danh hiệu này hơn Việt Nam. Bởi vì việc huấn luyện chỉ tập trung vào sáu người và cấp tập trong chưa tới ba tháng. Toàn bộ quá trình sẽ không liên quan tới đa số học sinh. Vậy nên số huy chương vàng không phản ánh đúng trình độ toán học của học sinh Australia, mà chỉ phản ánh khả năng huấn luyện của Australia.

Tôi nói chuyện với một giáo sư toán học cùng trường. Theo ông, kỳ thi IMO không quan trọng với toán học Australia bằng kỳ thi AMC, nơi ai cũng có thể tham gia. Đề thi có 30 câu trong 75 phút. Từ câu 1 tới câu 10 tính ba điểm mỗi câu. Từ câu 11-20 là bốn điểm. Từ câu 21 tới 25 là năm điểm. Còn từ câu 26 tới 30 thì tính từ sáu tới 10 điểm. Những câu đầu tiên hết sức dễ dàng cho một học sinh trung bình và trả lời sai không bị trừ điểm. Do là cuộc thi đại trà, đề thi toán mang tính tư duy hơn là giải toán. Ví dụ, đề thi AMC năm 2021 không hỏi một câu nào liên quan tới tích phân hay biến đổi phức tạp. Câu 30 hỏi số cách để buộc ba cái nịt cao su lên một quân bài.

Một đề bài như vậy giải quyết được cả hai mục đích. Thứ nhất là làm toán học gần gũi và dễ dàng hơn với học sinh. Học sinh giỏi toán cần có tư duy nhanh nhạy để giải quyết vấn đề, chứ không phải thợ giải bài tập. Việc đưa vào các câu hỏi rất dễ cũng tạo sự tự tin cho các em, tránh trường hợp bài thi chỉ có sáu câu, mà chết từ câu một do không biết dạng bài. Nếu so sánh thì ở Việt Nam, ngay từ cấp trường, đề thi toán đã là một đề IMO được giản hóa, chẳng khác gì treo một cái biển cấm vào với phần lớn học sinh.

Thứ hai là đề thi AMC vẫn có tính sàng lọc cao, đảm bảo tìm được các học sinh có tố chất tốt để đào tạo chuyên sâu.

Nếu xét về tổng thể, tất cả học sinh giỏi toán ở Việt Nam phải lao vào guồng quay chuẩn bị cho kỳ thi IMO. Trong khi đó, toán học còn rất cần cho các ngành nghề công nghệ và kỹ thuật khác. Vậy nên, Nguyễn Trung Hà, một cựu học sinh giỏi toán quốc tế từng cho rằng “người giỏi học toán là lãng phí”. Học sinh được dạy “Toán là chìa khóa cho mọi vấn đề”, nhưng học xong không biết dùng nó mở bất kỳ vấn đề nào trong cuộc sống; cuối cùng đành an ủi rằng nó giúp ích cho tư duy, mặc dù không biết sự giúp đỡ ở mức nào, và có cách nào hiệu quả hơn không.

Từng làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại khoa Khoa học Toán học, Đại học Công nghệ Queensland trong lĩnh vực toán ứng dụng, tôi khẳng định giỏi Toán không hề “vô dụng”. Sự “vô dụng” của toán là vì ta định nghĩa học giỏi toán là giỏi giải bài tập chứ không phải giỏi giải quyết vấn đề bằng toán. Và chúng ta đã định hình các cuộc thi toán, hoạt động đào tạo và cả tư duy theo hướng này. Thế nên, nếu mọi học sinh đều học toán theo cách để phục vụ cho IMO có thể dẫn tới lãng phí chất xám, khi nhu cầu nhân lực nghiên cứu toán sơ cấp và toán lý thuyết không cao. Với Australia, chỉ 100 học sinh thi AMO là đủ.

Australia không tự sáng tạo ra hình thức tuyển chọn này. Anh, Mỹ và nhiều nước tiên tiến khác cũng áp dụng, nên kỳ thi IMO không liên quan tới phần lớn học sinh. Điều này gây ra ngộ nhận cho rất nhiều du học sinh là “Tây dốt toán”. Tôi không nghĩ học sinh Australia dốt toán, mà chỉ là học một loại toán khác – toán ứng dụng – mà thôi.

Có thể việc học nặng toán ứng dụng như Australia, Anh, Mỹ… sẽ làm ảnh hưởng tới tư duy trừu tượng ở mức độ nhất định. Các nước này cũng đang không ngừng nỗ lực hoàn thiện phương pháp. Nhưng tôi mong nền giáo dục nước nhà nghiên cứu kỹ lưỡng, áp dụng trong phạm vi phù hợp, nhằm trao chiếc chìa khóa “Toán học” vào tay học sinh, để các em mở một cánh cửa nào đó cho các vấn đề của cuộc sống.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,