Về sự khác biệt của nghệ thuật Đương đại và nghệ thuật Hiện đại

Ngày nay, công chúng nói chung và ngay cả nhiều người hoạt động chuyên nghiệp trong giới nghệ thuật như các nghệ sĩ, những người quản lý, những nhà kinh doanh nghệ thuật, v.v… vẫn thường lúng túng và nhầm lẫn khi đề cập đến các khái niệm “Nghệ thuật đương đại” (Contemporary Art) và “Nghệ thuật hiện đại” (Modern Art). Trong sự phát triển của lịch sử nghệ thuật, sự thay đổi về đặc điểm và bản chất của các trào lưu hay các trường phái trong nền văn hóa luôn báo trước sự kết thúc của những thứ đã lỗi thời, và kèm theo đó là sự xuất hiện của những “cái mới” phù hợp với hoàn cảnh mới, yêu cầu mới – đó vừa là kết quả của sự phát triển của thực tiễn khách quan đi cùng những thôi thúc chủ quan của những nghệ sĩ tiên phong luôn hướng đến những sáng tạo mới mẻ.

Sự ra đời và một số đặc trưng của nghệ thuật Hiện đại

Có một sự đồng thuận chung rằng Nghệ thuật Hiện đại bắt đầu vào giữa thế kỷ 19 ở Pháp. Các nghệ sĩ như Gustave Courbet (1819 – 1877), Edouard Manet (1832 – 1883) và các nhà Ấn tượng đã mạnh dạn thách thức truyền thống kinh viện hiện hành, phá bỏ lối mô tả thế giới được con mắt thu nhận một cách tự nhiên chủ nghĩa.

Déjeuner sur l’herbe.

Bức tranh mang tính cách mạng của Manet “Déjeuner sur l’herbe” (Bữa ăn trưa trên bãi cỏ), được trưng bày năm 1863 tại Salon des Refusés, đã bị chế giễu và nhận rất nhiều bình phẩm xúc phạm vào thời đó. Công chúng bị sốc bởi sự có mặt của một người phụ nữ trần truồng giữa hai người đàn ông mặc quần áo đầy đủ trong trang phục đương thời. Tính hiện đại của người phụ nữ, không đặc biệt biểu thị bất kỳ sự tương đồng nào với các bức tranh khỏa thân cổ điển, khiến cho sự khỏa thân của cô bị coi là “không đứng đắn”. Các nhà phê bình cũng cảm thấy bị xúc phạm bởi lối vẽ khu rừng và một cô gái khác đang tắm ở phía sau nền tranh rất phi thực tế.

Mặc dù tác phẩm của Manet đã làm phiền những người chỉ trích, nó đã mở đường cho các nhà Hậu Ấn tượng. Họ tự tách ra khỏi truyền thống thông qua các lựa chọn riêng về chủ đề và từ chối cách nhìn phổ biến. Một nghệ sĩ Hậu Ấn tượng là Paul Cézanne (1839-1906), đã cố gắng thiết lập trật tự cho các đường/nét, diện và màu sắc – nghĩa là bao gồm sự mô tả toàn bộ thiên nhiên.

Mont Sainte-Victoire Seen from Bibemus Quarry.

Trong tác phẩm “Mont Sainte-Victoire Seen from Bibemus Quarry” (Đỉnh núi Sainte-Victore nhìn từ khu mỏ Bihemusz) (1897), Cézanne đã cố gắng kết hợp ý định trừu tượng hóa hình ảnh với sự quan sát trực tiếp thiên nhiên của mình thông qua việc sử dụng những mảng màu nhỏ ấm hơn và lạnh hơn.

Lấy cảm hứng từ nỗ lực của Cézanne cố gắng trừu tượng hóa hình thức tinh khiết nhất của tự nhiên và giải phóng hội họa khỏi vai trò mô tả, Pablo Picasso (1881-1973) là người đầu tiên phát triển các ranh giới trừu tượng. Trong “Les Demoiselles d’Avignon” (Những cô nàng Avignon) (1907), miêu tả năm cô gái mại dâm khỏa thân trong một nhà chứa ở Barcelona, ​​Picasso đã phân mảnh hình thể của họ, mô tả đồng thời các góc quan sát khác nhau, bố trí các khoảng trống đan cài với các nhân vật. Khái niệm truyền thống của một không gian hình ảnh thống nhất phản ánh thế giới lần đầu tiên đã bị phá vỡ hoàn toàn.

Hình ảnh này đã đặt nền móng cho việc Picasso và Braque phát minh ra trường phái Lập thể (Cubist), trong đó các đối tượng bị phân mảnh thành những thành phần hình học khác nhau và thường được mô tả/biểu diễn từ nhiều góc độ cùng một lúc. Mặc dù những người theo chủ nghĩa Lập thể đã phân mảnh các đối tượng của họ, tác phẩm của họ không hoàn toàn trừu tượng. Họ luôn luôn duy trì những đầu mối để người xem có thể nhận diện được một nhân vật hoặc một vật thể thực nào đó – dù đó là một người đàn bà hay chiếc đàn ghi ta.

Vasily Kandinsky (1866-1944) là một trong những nghệ sĩ đầu tiên đã thực hiện những tác phẩm hoàn toàn phi khách quan (non-objective, trừu tượng), như trong bức “Composition VII” (Bố cục VII) (1913); thông qua sự lộn xộn của các hình khối, màu sắc và đường nét, và không mô tả các đối tượng theo lối dễ nhận biết – cho thấy họa sĩ đã khước từ truyền thống mô tả hiện thực khách quan theo lối “càng giống như thật càng tốt”.

Dù ấp ủ những mục tiêu nghệ thuật riêng, tất cả các bức tranh nói trên của Manet, Gauguin, Picasso và Kandinsky đều là những tác phẩm hội họa Hiện đại. Mỗi người trong số họ đều đã cố gắng tạo nên những phản ứng thẩm mỹ hiện đại khác biệt: hoặc bóp méo những hình ảnh của tự nhiên khác hẳn với lối biểu hiện của hội họa thế kỷ 19, hoặc hoàn toàn khước từ việc bắt chước thế giới khách quan.

Ngoài các đặc tính thẩm mỹ, Nghệ thuật Hiện đại còn được phân biệt bởi một loạt các phong trào, mà trong tên gọi có gắn đuôi “ism” (chủ nghĩa). Bên cạnh Chủ nghĩa Ấn tượng (Impressionism), Chủ nghĩa Hậu hiện đại (Post-Impressionism), Chủ nghĩa Lập thể (Cubism) như vừa đề cập, các phong trào nghệ thuật hiện đại còn bao gồm Chủ nghĩa Tượng trưng (Symbolism), Chủ nghĩa Dã thú (Fauvism), Chủ nghĩa Vị lai (Futurism), Chủ nghĩa Tối thượng (Suprematism), Chủ nghĩa Kiến tạo (Constructivism), Chủ nghĩa Dada (Dadaism), Chủ nghĩa Siêu thực (Surrealism).

Sự khác nhau giữa nghệ thuật Đương đại và Hiện đại

Mặc dù không có sự đồng thuận rõ ràng nào về việc Nghệ thuật Hiện đại kết thúc từ lúc nào và Nghệ thuật Đương đại thực sự bắt đầu từ đâu, phần lớn các nhà phê bình tin rằng đã xảy ra một bước ngoặt vào cuối những năm 1960. Nói chung, nghệ thuật ra đời sau thời điểm này có thể được coi là “Đương đại” (Contemporary art), ví dụ như nghệ thuật Ý niệm (Conceptual art), nghệ thuật Trình diễn (Performance art), nghệ thuật Tối giản (Minimalism), nghệ thuật Đại chúng (Pop-art), nghệ thuật Video (Video-art).

Một trong những đặc tính chủ yếu nhất của Nghệ thuật Đương đại là quan tâm đến ý niệm cơ bản của tác phẩm (nghệ thuật Ý niệm và nghệ thuật Trình diễn) nhiều hơn là tập trung vào những phẩm chất thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật. Ngoài ra, kết quả cuối cùng của tác phẩm Nghệ thuật Đương đại trở nên ít quan trọng hơn là tiến trình mà nghệ sĩ thực hiện và hoàn thành tác phẩm, đòi hỏi phải có sự tham gia và tương tác của khán giả với nghệ sĩ và/hoặc tác phẩm.

Về sự khác biệt của nghệ thuật Đương đại và nghệ thuật Hiện đại

Một và ba chiếc ghế.

Một ví dụ điển hình là tác phẩm ý niệm đầu tiên của Joseph Kosuth có nhan đề “Một và ba chiếc ghế” (1965), trong đó một chiếc ghế thật được bố trí kèm theo một bức ảnh chụp chiếc ghế và định nghĩa về “ghế” trong từ điển. Việc đặt cạnh nhau của bức ảnh chụp chiếc ghế và những chữ viết mô tả chiếc ghế có vẻ hơi bất bình thường, và vì hình ảnh và văn bản đều có giá trị tương đương – cùng chỉ “chiếc ghế”, do đó phá hủy những khác biệt truyền thống giữa ảnh và chữ. Bằng cách tạo ra sự nghi ngờ tình trạng của bức ảnh, Kosuth cũng làm cho các hình thức biểu hiện nghệ thuật khác (chiếc ghế thật và những chữ mô tả chiếc ghế) trở nên đáng ngờ. Tác phẩm “Một và ba chiếc ghế” đã đặt nền móng cho xu hướng đề cao ý tưởng hay khái niệm về một tác phẩm hơn chính bản thân đối tượng.

Những đặc điểm được đề cập ở trên là không thể thiếu được đối với nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên, trong thực tế có một số nghệ sĩ thực hành nhiều phong cách nghệ thuật. Chẳng hạn, nghệ sĩ gây tranh cãi Damien Hirst (1965) vừa vẽ tranh biểu hình và tranh trừu tượng, vừa làm điêu khắc. Một số họa sĩ Hà Lan, ví dụ như Henk Helmantel, lại rất nổi tiếng với dòng tranh tĩnh vật, thậm chí được vẽ theo phong cách cổ điển của thời Hoàng kim của nghệ thuật Hà Lan.

Sirens of the Lambs.

Cuối cùng, Nghệ thuật Đương đại thường có ý thức xã hội nhiều hơn những tác phẩm của các thời kỳ trước. Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật được sản xuất trong ba mươi năm qua đã có sự kết nối với các vấn đề xã hội và chính trị. Tác phẩm “Sirens of the Lambs” (Tiếng kêu của những con cừu, 2013) của nghệ sĩ đường phố Banksy thể hiện một loạt các con thú hình nộm thò đầu ra ngoài thùng xe tải, kêu thét lên vì sợ hãi. Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt di động này có thể được coi như một lời phê phán sự tàn nhẫn thường ngày của ngành công nghiệp thực phẩm.

Riêng ở Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử, dấu mốc ra đời của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội năm 1925 trong thời thuộc địa, thường được xem là thời điểm đánh dấu sự xuất hiện của một nền hội họa hiện đại của nước ta. Mặt khác, nghệ thuật đương đại ở Việt Nam cũng ra đời muộn hơn so với đa số các nước khác ở phương Tây – châu Âu và Bắc Mỹ. Phải sau thời kỳ Mở cửa, khoảng những năm 1986 – 1990, sau một thời gian dài mỹ thuật nước ta đi theo mô hình hiện thực xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã có cơ hội cọ xát với thế giới nghệ thuật bên ngoài, và từ đó manh nha xuất hiện những tác phẩm và nghệ sĩ có những sáng tác được coi là “đương đại” – không chỉ với các đặc điểm giàu tính ý niệm và (hoặc) coi trọng tiến trình sáng tác hơn là bản thân tác phẩm, mà còn bắt đầu xuất hiện các hình thức thể hiện đương đại khác nhau, ví dụ như trình diễn, sắp đặt, video-art, v.v…. Ngày hôm nay, có thể nói chúng ta đã dần dần bắt kịp các trào lưu nghệ thuật đương đại trên thế giới, cả về sự đa dạng cũng như các chất lượng của các tác phẩm nghệ thuật.

Theo ANDREA TRAN / VĂN NGHỆ THÁI NGUYÊN

Tags: