⠀
Về những linh hồn tuổi đôi mươi đã tạc nên hình hài Tổ quốc
20 tuổi, ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang, tôi không nhớ đã bế trên tay bao nhiêu xác đồng đội.
Tác giả: Nhạc sĩ Trương Quý Hải.
Tháng 9/1982, xếp lại giấy báo vào đại học Mỏ – Địa chất, tôi nhập ngũ. Lúc đó, cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc đã bước sang năm thứ ba. Ngay hôm đầu, chúng tôi được đưa sang ga Yên Viên rồi lên tàu hỏa thẳng tiến tới Phố Lu, Lào Cai.
Tháng 5/1984, chúng tôi hành quân sang Hà Giang, cùng một số đơn vị bạn nhận nhiệm vụ giành lại những cao điểm bị quân Trung Quốc xâm chiếm.
Chiến sự nóng bỏng, đội tuyên văn F356 của tôi tạm giải thể để phục vụ chiến đấu. Tôi được phân công vác đạn pháo chuẩn bị cho chiến dịch MB84.
Ngày 12/7/1984, đơn vị 356 chúng tôi tham gia trận đánh đầu tiên để giành lại cao điểm 772. Trận chiến khốc liệt, ta gặp nhiều bất lợi. Gần 600 chiến sĩ đơn vị tôi hy sinh. Số hy sinh của các đơn vị bạn tại những điểm cao khác cùng ngày cũng khoảng đó. Tổn thất quá lớn.
Lần đầu tiên trong đời, tôi chứng kiến cái chết của rất nhiều bạn cùng trang lứa. Cảm giác thắt người ấy không thể diễn tả bằng lời, có lẽ chỉ những ai từng ôm xác đồng đội chắc mới chung nỗi niềm.
Đội công tác tử sĩ đặt anh em không tìm được thông tin cá nhân ở một chỗ. Sau này, anh Đặng Việt Châu – chính trị viên – cho tôi biết, rất nhiều anh em khi được cấp giấy bút ghi thông tin cá nhân (để gài vào đâu đó trên người) trước khi vào trận đã không làm vậy. Họ lấy bút ghi lên ngực áo nhau “Quyết tử vì tổ quốc” cho đến khi hết mực.
Tôi làm nhiệm vụ bế anh em từ trên xe xuống và đưa đi chôn cất sau khi đội công tác tử sĩ rà soát thông tin cá nhân, tắm rửa và khâm liệm. Nhiều lần, vì hy vọng mong manh kiếm thêm được thông tin nào đó nên tôi cứ lần tìm lại trên xác đồng đội.
Duy nhất một lần, tôi tìm được mảnh vỏ bao thuốc lá Sa Pa trong túi áo một đồng đội. Miếng giấy có ba chữ, màu xanh của mực nhòe cùng màu đỏ của máu: “Mẹ kính yêu,”. Có thể đây là bức thư chưa kịp hoàn thành. Tôi sực nhớ đến mẹ mình và nghẹn lòng khi nghĩ về mẹ anh – người mẹ tôi chưa hề biết mặt.
Đêm hôm đó, ngồi bên những nấm mộ mới đắp cho anh em, tôi viết tiếp bức thư bằng những câu hát. Nghĩ được câu nào hát câu ấy cho người dưới mộ nghe. “Mẹ ơi, tổ quốc và quê hương, con đã hiểu thiêng liêng từng tấc đất… thư về với mẹ còn đượm nồng khói đất chiến hào. Thư về với mẹ thấm máu đào bạn con vừa hy sinh”. Khi hoàn thành, bài hát được anh em thương binh đặt tên là “Thư về với mẹ”.
Tôi lờ mờ những cảm xúc đơn sơ đầu tiên về tổ quốc như vậy. Cho đến khi một thông điệp trên báng súng được lan truyền trên mặt trận. Thông điệp của trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh.
Cuối 1984, đơn vị chúng tôi giành lại được cao điểm 685. Địch dùng pháo hỏa lực, bộ binh liên tục tấn công hòng chiếm lại, nhưng đều thất bại. Ác liệt nhất là đầu 1985, giáp Tết Nguyên đán, chúng tấn công dồn dập.
Nguyễn Viết Ninh chỉ huy 17 tay súng trấn giữ mỏm E5 chống trả cả tiểu đoàn địch suốt mấy ngày ròng. Ngày 17/1, bị thương ở tay, anh vẫn chiến đấu và chỉ huy anh em. Ngày hôm sau, chúng dồn dập tấn công gần chục đợt, anh em thương vong nhiều. Ninh treo cánh tay bị thương, bò đi thu nhặt súng đạn, động viên anh em giữ vững trận địa.
Trưa 19, bị thương vào chân, nhóm tải thương định đưa anh xuống tuyến sau, Ninh cương quyết không đi vì “vẫn ném lựu đạn được”. Cuối chiều, anh bị thêm vết thương vào đầu và hy sinh khi tay vẫn ghì chặt khẩu AK với dòng chữ: “Sống bám đá đánh giặc/ Chết hóa đá bất tử” – Ninh khắc từ lúc nào trên báng súng.
Dòng chữ cứ truyền miệng từ lính này qua lính khác rồi trở thành khẩu hiệu của chúng tôi. Tinh thần của người trai quê cứ lan tỏa khắp mặt trận, trở thành tinh thần chung của anh em Vị Xuyên.
Hơn 30 năm sau, khi hoàn thành bài hát “Lũy đá bất tử”, tôi ghi tác giả phần lời là “Nguyễn Viết Ninh cùng đồng đội”. Có anh em hỏi sao lại vậy, tôi trả lời rằng, những lời đầu tiên đã ra đời ngay trong trận đánh. Ninh và đồng đội đã hy sinh, tôi chỉ nối tiếp phần còn lại.
Mỗi thế hệ người Việt đều có một thông điệp với tổ quốc. Xưa, ông cha ta có “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”, “Sát thát”. Cuộc kháng chiến chống Pháp có “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”; đến chống Mỹ thì “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh đã phát đi thông điệp của lứa chúng tôi trong một cuộc chiến tưởng như từng bị quên lãng: “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”.
Từ lũy đá bất tử miền biên cương đến vòng tròn bất tử Gạc ma nơi biển đảo, cương vực và bờ cõi tổ quốc Việt Nam đã được tạc bằng những linh hồn tuổi đôi mươi như thế.
Tôi nhận ra, cứ khi nào hướng đến hai từ “Tổ quốc”, tự khắc mỗi người chúng ta sẽ hành động có nghĩa cùng nhau và cảm thấy mình mạnh mẽ. Tình yêu tổ quốc không cần những lời dạy giáo điều.
Theo VNEXPRESS
Tags: Chủ quyền Việt Nam, Bảo vệ biên giới phía Bắc thập niên 1980-1990