⠀
Về hoạt động khiêu khích ở biên giới trước khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam 1979
Các hành động xâm nhập biên giới đã được phía Trung Quốc tiến hành một cách có hệ thống ngay từ năm 1974. Năm 1975, đã có tới 294 lần các nhóm vũ trang Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Việt Nam.
Các thông tin dưới đây được trích dịch từ quyển hồi ký “Đông Dương, đống tro tàn của bốn cuộc chiến tranh” của phóng viên chiến trường Liên Xô M.Ilinski – người đã trực tiếp có mặt tại chiến trường biên giới phía Bắc suốt thời gian chiến sự. Ấn phẩm do nhà xuất bản “Veche” ở Moskva ấn hành năm 2000, thuộc seri sách “Những bí mật quân sự thế kỷ XX”.
Khiêu khích tại khu vực biên giới
Từ đầu tháng 8/1978, khi các cuộc đàm phán cấp thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề Hoa kiều bắt đầu được tiến hành, chính quyền Trung Quốc cũng đồng thời bắt đầu tăng cường các hoạt động khiêu khích quân sự chống Việt Nam trên suốt dọc tuyến biên giới Trung- Việt.
Thực ra, các hành động xâm nhập biên giới đã được phía Trung Quốc tiến hành một cách có hệ thống ngay từ năm 1974. Năm 1975, đã có tới 294 lần các nhóm vũ trang Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Việt Nam.
Năm 1976, con số các vụ vi phạm đường biên giới là 812, năm 1977- là 873 và đến năm 1978, con số trên đã là 2.175 vụ. Tháng 1/1974, Lực lượng vũ trang Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Năm 1978, số vụ quân đội Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tăng lên từng ngày.
Hoạt động gián điệp, khiêu khích quân sự, phá hoại kinh tế, đe dọa dạy cho “ Việt Nam vô ơn một bài học”, kêu gọi Hoa kiều rời Việt Nam- đây là tất cả những biện pháp phá hoại (nhiều mặt) mà các cơ quan đặc biệt Trung Quốc sử dụng để chống Việt Nam. Họ đã chuẩn bị chiến tranh như thế đấy.
Trích từ thông báo của Bộ tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam
“Ngày 10, 15 và 23/8 năm 1978, các cơ quan đặc biệt (tình báo) Bắc Kinh đã điều hàng trăm tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Việt Nam tại khu vực các đảo thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh), Bình Trị Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế) ngăn cản ngư dân Việt Nam hành nghề và đe dọa an ninh Việt Nam. Các máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận Việt Nam tại các tỉnh Quảng Ninh và Cao Bằng”.
Trích từ sổ tay công tác của M.Ilinski
Thứ hai 24/10 (1978). Tại khu vực biên giới tỉnh Hoàng Liên Sơn, lính Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động trinh sát vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam, bắt cóc công dân Việt Nam.
Thứ năm 22/12. chính quyền Trung Quốc đơn phương chấm dứt việc vận chuyển hành khách và hàng hóa theo tuyến đường sắt quốc tế nối Trung Quốc với Việt Nam. Lý do được đưa ra là: “tuyến đường sắt khu vực biên giới trên lãnh thổ Trung Quốc bị hư hỏng nặng và gây nguy hiểm cho việc vận hành các đoàn tàu”. Thực ra đây chỉ là cái cớ để che đậy chính sách chống Việt Nam của giới cầm quyền Trung Quốc.
Thứ năm 28/12. Lực lượng khiêu khích Trung Quốc đã tấn công làng Lũng Nội ( ?? ) và đã sát hại một lính biên phòng Việt Nam.
Chủ nhật 31/12. Các phóng viên và các nhà ngoại giao, tập trung đón tết tại khách sạn “ Bờ Hồ” ven Hồ Hoàn Kiếm đều cho rằng chiến tranh là không tránh khỏi. Họ chỉ không thống nhất được với nhau về thời điểm bắt đầu chiến tranh. Có người còn đưa ra thời điểm cụ thể: giữa tháng hai năm 1979.
Thứ hai, 8/01/1979. Một tàu vận tải Trung Quốc có lượng giãn nước 40 tấn đã xâm nhập sâu vào lãnh hải Việt Nam tại khu vực đảo Trà Cổ huyện Móng Cái. Lính biên phòng Việt Nam yêu cầu tàu ngay lập tức ra khỏi lãnh hải Việt Nam. Nhưng tàu này không những không chấp hành mà còn bắn về phía lính biên phòng Việt Nam. Đến 11 giờ thì có thêm 2 tàu quân sự Trung Quốc đến hỗ trợ cho con tàu trên. Liệu đây có phải là một “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” mới như CIA đã từng tiến hành năm 1964?
Thứ bảy 11/01. Vào lúc 5 giờ sáng, lính Trung Quốc xâm nhập sâu đến 500 m vào lãnh thổ Việt nam ở tinh Móng Cái, 01 công nhân Việt Nam bị giết hại và 2 người khác bị thương nặng. Lính Trung Quốc cũng bắt đi một nữ công nhân lâm trường.
Thứ bảy 27/01. Những kẻ khiêu khích Trung Quốc đã xả súng vào lính biên phòng và dân thường Việt Nam tại tỉnh Hoàng Liên Sơn. 3 chiến sỹ biên phòng Việt Nam bị thương nặng.
Chủ nhật 28/01. Phát hiện Trung Quốc tập trung đông quân ở khu vực Móng Cái tỉnh Quảng Ninh. Những kẻ khiêu khích ném lựu đạn và tung hàng nghìn truyền đơn.
Thứ hai 29/01. Hơn 150 lính Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Việt Nam qua cửa “Hữu Nghị” tại tỉnh Lạng Sơn. 10 g30, những kẻ xâm nhập bắt đầu bắn đạn cối và súng máy. Một số lính biên phòng Việt Nam bị thương. Lính biên phòng Việt Nam buộc phải nổ súng bắn trả và đánh bật các kẻ xâm nhập sang bên kia biên giới.
Thứ ba 30/01. Trong thời gian “Tết” (cả Việt Nam và Trung Quốc đều đón tết âm lịch), những kẻ khiêu khích Bắc Kinh vẫn không chấm dứt các hành động xâm nhập vũ trang, bắn phá các điểm dân cư trên dọc toàn bộ tuyến biên giới. Tại các đèo, các cửa qua lại trên biên giới, phía Trung Quốc bố trí rất nhiều các loa phóng thanh và phát nhiều lần trong ngày, nội dung: dọa dẫm dân chúng Việt Nam là sẽ phát động chiến tranh và trừng phạt “bọn Việt Nam vô ơn”.
Thứ ba, 06/02 . Một đại đội lính Trung Quốc tấn công một đồn biên phòng gồm 13 lính biên phòng Việt Nam. 3 chiến sỹ biên phòng hy sinh, 6 bị thương và 3 bị bắt đưa về Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên một sự việc như vậy xảy ra tại tinh Lai Châu.
11 ngày sau đó, rạng sáng ngày 17/02/1979, Trung Quốc tấn công toàn diện khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam.
Theo ĐẤT VIỆT ONLINE
Tags: Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, Quan hệ Việt - Trung