⠀
Về các khái niệm Kinh tế thị trường, Kinh tế chỉ huy, Kinh tế hỗn hợp
Các xã hội khác nhau được tổ chức theo những hệ thống kinh tế khác nhau, và kinh tế học nghiên cứu những cơ chế khác nhau mà xã hội có thể vận dụng được phân bổ các nguồn khan hiếm của mình.
Nguồn: Kinh tế học, Paul A Samuelson, Wiliam D. Nordhalls. Bản dịch tiếng Việt. Nhà xuất bản Tài chính, tái bản lần 1 (2007)
Một nhiệm vụ chủ chốt của kinh tế học là nghiên cứu và giải thích những cách thức khác nhau mà xã hội trả lời cho các câu hỏi cái gì, thế nào và cho ai. Các xã hội khác nhau được tổ chức theo những hệ thống kinh tế khác nhau, và kinh tế học nghiên cứu những cơ chế khác nhau mà xã hội có thể vận dụng được phân bổ các nguồn khan hiếm của mình.
Ngày nay, chúng ta có thể phân biệt rõ hai phương thức cơ bản trong tổ chức nền kinh tế. Ở một thái cực, chính phủ đưa ra hầu hết các quyết định kinh tế theo cách người ở trên trong bộ máy hành chính ra các mệnh lệnh kinh tế cho người bên dưới chấp hành. Ở thái cực kia, toàn bộ các quyết định đều do thị trường xác định, ở đó, các cá nhân và các doanh nghiệp đồng ý tự nguyện buôn bán các đầu vào và các đầu ra thông qua các thanh toán chủ yếu bằng tiền. Chúng ta hãy phân tích một cách vắn tắt từng phương thức tổ chức kinh tế một.
Tại Mỹ và phần đông các quốc gia, đại bộ phận các vấn đề kinh tế đều được quyết định trên thị trường. Vì vậy, hệ thống kinh tế của họ được gọi là nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế thị trường là một nền kinh tế trong đó các cá nhân và các hãng tư nhân đưa ra các quyết định chủ yếu về sản xuất và tiêu dùng. Hệ thống giá cả, thị trường, lợi nhuận và thua lỗ, khuyến khích và khen thưởng sẽ xác định vấn đề cái gì, thế nào, cho ai. Các hãng sản xuất hàng tiêu dùng để thu được lợi nhuận cao nhất (vấn đề cái gì) bằng các kỹ thuật sản xuất có chi phí thấp nhất (vấn đề thế nào). Việc tiêu dùng được xác định thông qua các quyết định cá nhân về việc nên chi tiêu tiền lương và thu nhập từ tài sản có được do lao động và sở hữu tài sản của họ như thế nào (vấn đề cho ai). Trong trường hợp cực đoan của nền kinh tế thị trường, tại đó chính phủ hầu như không có vai trò kinh tế nào, được gọi là nền kinh tế tự do kinh doanh.
Ngược lại, nền kinh tế chỉ huy là nền kinh tế trong đó chính phủ quyết định về sản xuất và phân phối. Trong nền kinh tế chỉ huy như đã từng tốn tại ở Liên Xô trong gần suốt thế kỉ này, chính phủ sở hữu hầu hết các tư liệu sản xuất ( đất đai và vốn), chính phủ còn sở hữu và chỉ đạo hoạt động của các doanh nghiệp trong hầu hết các ngành kinh tế, chính phủ là ông chủ của đại bộ phận công nhân và chỉ bảo họ cần làm việc ra sao, chính phủ trong nền kinh tế chỉ huy còn quyết định cần phân phối của cải vật chất và dịch vụ của xã hội như thế nào. Nói tóm lại, trong nền kinh tế chỉ huy chính phủ giải đáp các vấn đề kinh tế chủ yếu thông qua quyền sở hữu của chính phủ đối với các nguồn lực và quyền áp đặt quyết định của mình.
Không có một xã hội đương đại nào hoàn toàn nằm ở một trong hai thái cực đó. Thay vào đó, tất cả các xã hội đều là các nền kinh tế hỗn hợp, có cả các yếu tố của thị trường và chỉ huy. Chưa bao giờ có một nền kinh tế thị trường 100% (mặc dù nước Anh vào thế kỉ 19 đã gần tiến tới). Ngày nay, phần lớn các quyết định tại Mỹ được đưa ra trên thương trường. Nhưng chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hoạt động của thị trường: chính phủ quy định luật lệ và các nguyên tắc để điều tiết đời sống kinh tế, cung cấp các dịch vụ giáo dục và cảnh sát, điều tiết ô nhiễm và kinh doanh. Và nước Nga cũng như các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trước đây tại Đông Âu, không hài lòng với hoạt động của nền kinh tế chỉ huy của họ trước kia, đang tìm kiếm cho mình một hình thái kinh tế hỗn hợp đặc thù.
Các nhà kinh tế đã làm thay đổi tiến trình của lịch sử:
Cuộc bàn luận về các vấn đề kinh tế chỉ huy sẽ không trọn vẹn nếu không nhắc đến Karl Marx (1818-1883). Marx là một nhà phê phán kinh tế thị trường nhạy bén và có ảnh hưởng nhất từ trước đến nay. Trong các tác phẩm được viết vào những năm 1800. Marx đã nhận thấy được sự bành trướng của các xí nghiệp và đường sắt khắp châu Âu đã kéo theo những xáo trộn to lớn như thế nào. Ông lập luận rằng, nếu không có sự kiểm soát, sức sản xuất của thị trường và sự cạnh tranh nhất định sẽ diễn ra hỗn loạn và gây ra những cuộc suy thoát trầm trọng, và làm tăng thêm sự bần cùng của công nhân. Marx tuyên bố rằng chủ nghĩa tư bản đã tới ngày tận thế và những cuộc khởi nghĩa cách mạng và chủ nghĩa xã hội sẽ sớm xảy ra.
Trong các thập kỉ tiếp sau đó, lịch sử hình như đã khẳng định những tiên đoán của Marx. Những cuộc đại khủng hoảng và suy thoái kinh tế vào thời kì 1890 và 1930 đã khiến giới tri thức của thế kỉ 20 đặt câu hỏi về khả năng sống còn của chủ nghĩa tư bản dựa trên doanh nghiệp tư nhân. Những người xã hội chủ nghĩa đã bắt đầu áp dụng mô hình của họ tại Liên Xô vào năm 1917, và cho tới thời điểm cao trào, có tới 1/3 thế giới đã nằm dưới ảnh hưởng của học thuyết Marxist. Ngày nay, tất nhiên, số lượng các quốc gia tự mang danh là Marxist đã giảm đi nhanh chóng… Tuy nhiên, những điều đó cũng không làm mất đi vị trí là một nhà kinh tế học quan trọng của Marx.
S.T
Tags: Kinh tế học