⠀
Vấn đề thực phẩm chay giả mặn dưới một góc nhìn từ Phật giáo
Tại Việt Nam, một đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời, khái niệm ăn chay đã không còn quá xa lạ với tất thảy mọi người nữa. Nhất là thời gian gần đây, số lượng người ăn chay cũng trở nên nhiều hơn vì nhiều lý do: giác ngộ Phật pháp, vì lý do sức khỏe, vì môi trường, vì yêu động vật… Cũng chính vì sự phát triển như thế này mà trên thị trường xuất hiện càng nhiều những loại thực phẩm chay giả mặn. Mọi người nói rằng đã ăn chay rồi mà còn nghĩ tưởng đến tép tôm thịt thì ăn chay để làm gì. Hôm nay mình sẽ trình bày quan điểm cá nhân của mình về vấn đề này theo tinh thần của đạo Phật.
Mặt hạn chế
Thứ nhất, như Đức Phật đã nói trong Kinh Pháp Cú:
Tâm hay ý chính là đầu mối của mọi sự khổ đau. Trong vấn đề này cũng vậy, mục đích chính của việc ăn chay không phải vì theo Đạo Phật mà phải ăn chay, thời Đức Phật còn tại thế Ngài cũng đi khất thực để sống, ai cúng dường gì thì ăn cái nấy, không đòi hỏi chay mặn. Vậy mục đích của việc ăn chay là gì? Chính là tâm từ bi. Tâm từ bi chính là nhân tố quan trọng giúp một người bắt đầu tập ăn chay và duy trì đều đặn để nó trở thành một thói quen. Do vậy mà việc phát sinh ra tâm từ sẽ giúp cho việc ăn chay trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Như vậy, khi ta đã ăn chay mà còn dùng các món ăn làm hình dạng các món ăn mặn như cá, tôm, mực, thịt,… sẽ khiến cho ta bị tổn thương tâm từ, thêm nữa, đó là một cách nhìn tà kiến, nhìn bột, rau củ, tàu hủ ra đùi gà, cá, thịt, không thấy được chân tướng của sự vật, điều này hoàn toàn không tốt cho việc tu học chút nào.
Chưa kể đến nhiều loại thực phẩm chay hiện nay chứa nhiều hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Những lợi điểm theo cách nhìn tích cực
Mặc dù vậy, nhưng ta vẫn có thể nhìn nhận thực phẩm chay theo một hướng tích cực. Thử tưởng tượng tất cả mọi người trên thế giới này đều chuyển sang sử dụng thực phẩm chay giả mặn, có phải vô số chúng sinh có thể thoát được cái chết hay không. Điều đó có ý nghĩa không nhỏ chút nào. Hơn nữa, ở thời Đức Phật còn tại thế, có 3 loại thịt mà chúng tăng được phép ăn gọi là tam tịnh nhục (3 loại thịt thanh tịnh) đó là: không thấy (không nhìn thấy chúng sinh bị sát hại), không nghe (không nghe thấy tiếng kê la thảm thiết của chúng sinh khi bị sát hại), không nghi (không nghi ngờ là chúng sinh bị giết chỉ vì phục vụ cho bữa ăn của riêng mình). Khi sử dụng 3 loại thịt này thì nghiệp sát sinh trở thành gián tiếp, nhẹ hơn nghiệp sát sinh trực tiếp rất nhiều (*). Như vậy, có thể thấy rằng việc sử dụng thực phẩm chay giả mặn cũng không phải là một tội lỗi quá lớn lao.
Kết luận
Thế thì mình xin đưa ra một lời khuyên, hy vọng sẽ hữu ích cho bạn khi sử dụng thực phẩm chay giả mặn. Khi sử dụng những loại thực phẩm này, phải luôn nhìn thấu suốt rằng chúng được làm từ thứ gì, đó là một cách nhìn thấu suốt đến bản chất của sự vật, biết rõ cái đùi gà này làm từ bột, xương này làm bằng cọng sả, với cách nhìn như vậy, ta biết rằng mình đang sử dụng thực phẩm chay, không làm từ thịt của chúng sinh, không gây đau khổ cho chúng sinh. Vừa không tổn thương lòng từ, vừa loại bỏ tà kiến. Mình nghĩ rằng nó vẫn là một cách làm đúng đắn. Khi đã có thói quen ăn chay, nên hạn chế sử dụng thực phẩm chay giả mặn, vừa có lợi cho sự tu học, vừa có lợi cho sức khỏe.
Việc sử dụng thực phẩm chay giả mặn khiến ta bị tổn thương lòng từ bi, nghĩ đến việc sát hại chúng sinh để phục vụ cho việc ăn uống của mình, hơn nữa nó còn tạo nên cái nhìn tà kiến, không nhìn rõ bản chất của sự vật mà chỉ nhìn thấy sự hiển hiện qua hình dáng bên ngoài của chúng. Tuy nhiên, việc sử dụng thực phẩm chay giả mặn cũng đã giúp cho rất nhiều chúng sinh thoát khỏi cái chết, cho nên đó không phải hoàn toàn không đúng. Khi sử dụng thực phẩm chay giả mặn nên chú ý nhìn thấu suốt bản chất thực sự của chúng là làm từ nguyên liệu gì, từ đó thấy rõ mình không giết hại chúng sinh để phục vụ nhu cầu ăn uống, cũng hạn chế được cách nhìn tà kiến.
———————————
Chú thích:
(*) Từ các bài giảng về ăn chay, ăn mặn của Thượng tọa Thích Nhật Từ.
Theo DƯƠNG LỮ ĐIỆN
Tags: Phật giáo, Quan điểm sống, Ẩm thực