⠀
Vai trò của truyền hình trong diễn biến Chiến tranh Việt Nam
Ngày 31/05/1967, phát thanh viên của đài ABC Frank Reynold đã phát sóng một đoạn phim quay từ Việt Nam theo cách bất thường. Ông nói với người xem rằng họ đang chứng kiến một điều chưa từng có – một cuộc chiến mà truyền hình đã mang vào tận phòng khách của họ.
Tác giả: Chester Pach, Giáo sư Lịch sử tại Đại học Ohio, đồng thời là chủ biên của nhiều cuốn sách, gần đây nhất là cuốn “A Companion to Dwight D. Eisenhower”.
Nguồn: Chester Pach, “Lyndon Johnson’s Living Room War”, The New York Times, 30/05/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Một vài bản tin truyền hình về cuộc chiến quả là đáng lo ngại, chẳng hạn như câu chuyện theo sau phần giới thiệu của Reynold – hình ảnh về một nỗ lực điên cuồng nhưng vô ích nhằm cứu mạng sống của một lính thủy quân lục chiến trong trận đánh tại Cồn Tiên, gần khu phi quân sự.
Reynold tuyên bố rằng các nhà báo có trách nhiệm đưa tin về Chiến tranh Việt Nam cùng “tất cả những điều kinh khủng của nó,” nhưng mục tiêu của họ không phải là gây sốc cho người xem, cũng không phải để tạo ra thứ tin tức giật gân. Thay vào đó, Reynold tin rằng câu chuyện tối hôm ấy cho thấy mối quan hệ sâu sắc giữa những người lính Mỹ đang cùng chiến đấu ở Việt Nam.
Nhưng Tổng thống Lyndon Johnson lại có một cái nhìn rất khác.
Johnson bị ám ảnh với cách mà giới truyền thông đưa tin về cuộc chiến. Ông liên tục theo dõi các bản tin thời sự trên ba màn hình trong Phòng Bầu dục – mỗi màn hình tương ứng với một trong ba đài tin tức lớn. Ông thậm chí yêu cầu lắp đặt các màn hình này trong phòng của mình tại bệnh viện khi phải phẫu thuật túi mật.
Johnson phàn nàn rằng cách đưa tin về chiến tranh trên truyền hình là hoàn toàn sai lệch và phiến diện. Ông nhấn mạnh rằng những câu chuyện về pháo binh Mỹ tàn phá các ngôi làng hay chiến dịch tìm diệt dần trở nên phổ biến, trong khi sự tàn bạo của kẻ thù lại chẳng được nhắc đến.
Tổng thống nghĩ rằng ABC đã làm tốt hơn trong việc đưa tin chiến tranh so với hai đối thủ cạnh tranh của mình. Những gì ông thấy trên CBS và NBC đã khiến ông tức giận đến nỗi tự mình đưa ra lời cáo buộc vô lý rằng hai đài truyền hình này đã “bị Việt cộng kiểm soát”.
Đến giữa năm 1967, Johnson lo sợ tin tức truyền hình đã quá thiên vị và chống lại mình, và rằng chiến tranh đã làm giảm sự ủng hộ của người dân đối với các chính sách Việt Nam của ông. Tổng thống quyết định rằng thành công ở Việt Nam trước tiên phải đạt được ngay trong phòng khách của người dân Mỹ, chứ không chỉ trên chiến trường.
Johnson đặc biệt quan tâm đến việc đưa tin trên truyền hình vì ông biết rằng Việt Nam là cuộc chiến đầu tiên mà phần lớn người Mỹ sử dụng truyền hình làm nguồn tin tức chính của họ. Vào giữa thập niên 1960, hầu hết mọi người đều cho rằng TV “đáng tin” hơn so với báo chí, có lẽ bởi vì, như nhà sản xuất của NBC Reuven Frank giải thích, nó có thể chuyển tải trải nghiệm. Tờ báo buổi sáng có thể mô tả kết quả của một trận chiến; nhưng truyền hình có thể cho thấy trực quan lòng can đảm của những người lính hoặc sự đau khổ của một thường dân.
Từ đầu năm 1967, cả ba nhà đài đều đã kéo dài thời lượng các bản tin thời sự buổi tối, từ 15 lên 30 phút. Việt Nam trở thành câu chuyện lớn trên những chương trình này khi số lượng binh sĩ Mỹ đổ bộ tăng lên hơn 400.000 vào giữa năm đó.
Trong trường hợp Việt Nam, các nhà báo đã không phải gửi câu chuyện của họ lên cơ quan kiểm duyệt quân sự xem xét như trong Thế chiến II và Chiến tranh Triều Tiên. Các nhân viên kiểm soát thông tin nghĩ rằng họ có thể đảm bảo các bản tin chân thực, công bằng thông qua việc xây dựng mối quan hệ công việc tốt đẹp với cánh nhà báo, đồng thời dựa vào chính sách “tối đa hóa sự chân thực trong khi cẩn trọng cân nhắc về an ninh”.
Mối quan hệ quân đội – truyền thông ở Việt Nam hoàn toàn không đạt được điều này. Tháng 07/1965, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Arthur Sylvester nói với các nhà báo ở Sài Gòn: “Nếu các anh nghĩ rằng bất kỳ quan chức Mỹ nào cũng sẽ nói với các anh sự thật, các anh quả là ngu ngốc”. Các phóng viên đã sớm đặt câu hỏi về độ tin cậy của thông tin trong các cuộc họp giao ban buổi chiều chính thức về cuộc chiến mà họ gọi là “họp báo lúc 5h chiều” (five o’clock follies). Khi được hỏi vào năm 1967 tại sao không có kiểm duyệt tin tức như trong các cuộc chiến trước đó, Johnson đã trả lời một cách mỉa mai, “bởi vì chúng ta là những kẻ ngốc”.
Tổng thống bận tâm đến những câu chuyện thời sự đến nỗi ông ngó lơ thực tế rằng các bản tin buổi tối thường cho thấy chiến thắng của người Mỹ trong trận chiến. Ông than thở về việc đài truyền hình thiếu sự quan tâm đến “tấm lòng dành cho thường dân Việt Nam của những người lính chiến,” mặc dù hình ảnh quân đội Mỹ xây dựng lại trường làng hoặc chăm sóc y tế cho nông dân ốm yếu là những thông tin chính trên TV.
Nhưng ông không hẳn đã sai: Giữa năm 1967, các chương trình thời sự buổi tối cho thấy cuộc chiến đang gây thiệt hại chất chồng cho quân đội Mỹ. Một ngày sau câu chuyện về người lính thiệt mạng tại Cồn Tiên và người đã cố gắng cứu sống anh, báo cáo hàng tuần đã tiết lộ con số thương vong kỷ lục với 313 người Mỹ thiệt mạng.
Johnson có thể dễ dàng kết nối những bản tin tồi tệ trên TV với thông tin từ thăm dò bầu cử. Có một quan niệm sai lầm nhưng tồn tại lâu dài, cho rằng sự ủng hộ của người dân đối với các chính sách tại Việt Nam của Johnson đã không sụp đổ mãi cho đến khi diễn ra sự kiện Mậu Thân 1968. Thực chất, ngay từ tháng 01/1967, thăm dò sơ bộ cho thấy có tới 43% người Mỹ không hài lòng với cách xử lý chiến tranh của tổng thống so với tỉ lệ 38% ủng hộ ông (phần còn lại là những người chưa thể quyết định câu trả lời). Đến tháng 7, mức độ ủng hộ các chính sách của Johnson tại Việt Nam thậm chí giảm xuống còn 33%.
Rất nhiều trong số những người phê bình Johnson mong muốn có một thỏa thuận đàm phán hoặc thậm chí rút khỏi cuộc chiến; số khác lại ủng hộ hành động quân sự mạnh mẽ hơn. Nhưng phần lớn mọi người có lẽ đã mệt mỏi với một cuộc chiến đang ngày càng trở nên tốn kém, gây tranh cãi, và dường như không có hồi kết. Một cuộc thăm dò của Gallup vào tháng 6 cho thấy một nửa người dân Mỹ không hiểu được mục đích của cuộc chiến. Một phần tư nghi ngờ rằng Việt Nam Cộng hòa sẽ chẳng thể tồn tại sau khi quân đội nước họ rời đi.
Năm 1967, khi xuân chuyển sang hè, tin tức xấu từ Việt Nam xuất hiện ngày một nhiều trên các chương trình thời sự buổi tối. Chẳng hạn, phóng viên CBS, Murray Fromson, đã báo cáo từ Kiến Hòa về vấn đề các cố vấn Mỹ gặp phải khi họ yêu cầu quân đội Nam Việt Nam phải chiến đấu quyết liệt.
Tin tức nản lòng cũng đến từ Cẩm Nê, ngôi làng đã trở thành một trong những câu chuyện giật gân nhất trên sóng truyền hình. Hai năm trước, Morley Safer của đài CBS đã gây ra một cuộc tranh cãi khi đặt câu hỏi rằng liệu việc Thủy quân Lục chiến thiêu rụi những túp lều của nông dân trong một chiến dịch tìm diệt ở Cẩm Nê có phải là cách để chiếm được trái tim và tâm trí của người Việt hay không? Tháng 7/1967, Howard Tuckner của NBC đã thông báo cho người xem rằng chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã quyết định tiêu diệt Cẩm Nê và chuyển cư dân của họ đến một “ấp hòa bình” mới, mà ông mô tả là một “trại tập trung”.
Phía quan chức cho rằng nguyên nhân của những câu chuyện buồn này không phải vì khó khăn của chiến tranh hay thiếu sót trong chiến lược của họ, mà do các phóng viên là những kẻ hoài nghi và chống đối. Vấn đề nằm ở các nhà báo – “những người có xu hướng tìm kiếm một câu chuyện đủ quan trọng để giật giải Pulitzer”.
Johnson đã giận dữ với một số lời chỉ trích đối với cuộc chiến. Khi CBS chiếu một đoạn phim trong đó phóng viên Bert Quint khẳng định rằng cuộc chiến đang rơi vào bế tắc, Johnson buộc tội Walter Cronkite, phát thanh viên CBS, đang cố gắng chơi xấu ông. Khi tổng thống gặp một nhóm các nhà báo đến từ Úc, ông tuyên bố, “tôi có thể chứng minh rằng Hồ Chí Minh là một gã tồi nếu các anh chịu để tôi đưa điều đó lên TV”. Nhưng nhà đài lại “muốn tôi trở thành gã tồi”.
Đến cuối mùa hè, khi kỳ tranh cử tổng thống gần kề, Johnson quyết định nỗ lực thêm một lần nữa để thuyết phục người dân Mỹ rằng quân đội của họ đang đạt được tiến bộ trong cuộc chiến. Ông bảo các phụ tá hãy “biết quảng cáo” và đem đến “cho dân Mỹ một câu chuyện hay hơn”. Những gì người Mỹ nhìn thấy trên truyền hình sẽ quyết định sự ủng hộ của họ đối với chính sách Việt Nam của chính quyền.
Johnson đích thân đứng ra chỉ huy việc xây dựng lại hình ảnh tại Việt Nam. Ông bác bỏ các bản tin trên TV về một cuộc chiến bế tắc, đồng thời nhấn mạnh rằng báo cáo chính thức cho thấy quân đội Mỹ đang đạt được mục tiêu của họ. Trong một cuộc họp báo vào tháng 11, sự kiện mà nhiều nhà quan sát coi là một trong những màn thể hiện hiệu quả nhất của ông trên truyền hình, Johnson đưa tay lên cao khẳng định, “Chúng ta đang có bước tiến”. Các quan chức dân sự và quân sự hàng đầu khác cũng xuất hiện trên TV với cùng một thông điệp. Ví dụ, Tướng William Westmoreland đã tới Washington và nói với các khán giả tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia rằng, “chúng ta đã bước vào thời điểm mà hồi kết đang dần xuất hiện”. Các tiến độ tiếp diễn sẽ cho phép lính Mỹ bắt đầu về nước trong vòng hai năm.
Nhưng các bản tin truyền hình từ Việt Nam thường thách thức những khẳng định tự tin này. Trong một câu chuyện về cái chết của một lính Mỹ trong một trận hỏa hoạn gần thị trấn ven biển Hội An, phóng viên CBS John Laurence đã đặt câu hỏi liệu cuộc chiến đang đạt được điều gì? “Có cả trăm trung đội tham gia hàng trăm trận đánh nhỏ ở các thôn không tên như thế này mỗi tuần,” Laurence tuyên bố. “Xét tổng thể, trận hỏa hoạn này chẳng có ý nghĩa với bất cứ ai, chỉ trừ chàng trai tóc đỏ đã bị giết ở đó”. Roger Peterson của đài ABC đưa ra đánh giá hoài nghi của mình khi chuẩn bị về nước sau nhiều tháng đưa tin ngay từ Việt Nam. Ông cho rằng chính phủ Nam Việt Nam “tham nhũng và làm việc kém hiệu quả hệt như những người tiền nhiệm của họ” và dự đoán rằng quân đội của họ có thể phải cần đến “một hoặc hai thập niên” để trở thành một “lực lượng chiến đấu hiệu quả”.
Bất chấp những chỉ trích như vậy, chính quyền Johnson đã sử dụng truyền hình để đạt được một số thành công trong phòng khách của người dân Mỹ trong những tháng cuối năm 1967. Các cuộc thăm dò cho thấy sự bất mãn với các chính sách của tổng thống tại Việt Nam đang giảm xuống, trong khi niềm tin rằng quân đội Mỹ đang tiến bộ trong chiến tranh dần tăng lên. Chính quyền Johnson đạt được kết quả đó bằng cách nâng cao kỳ vọng rằng các tin tức tốt đẹp sẽ tiếp tục đổ về từ Việt Nam. Đầu năm 1968, trận Mậu Thân đã phá tan mọi kỳ vọng. Truyền hình đưa Tết Mậu Thân “cùng tất cả sự kinh hoàng của nó” vào phòng khách của người Mỹ theo những cách thức gây sốc và giật gân.
Michael Arlen đã phổ biến thuật ngữ “chiến tranh trong phòng khách” (living-room war) khi làm phóng viên cho tờ The New Yorker trong thập niên 1960. Ông ca ngợi nhiều bản tin từ Việt Nam, nhưng tự hỏi bao nhiêu trong số những câu chuyện dài ba phút này thực sự đóng góp cho hiểu biết của công chúng về cuộc chiến. Một nửa thế kỷ sau, chúng ta vẫn không có bằng chứng khẳng định nào cho thấy truyền hình có ảnh hưởng quyết định đến thái độ của công chúng đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng các báo cáo trên TV đã gây ấn tượng sâu sắc với một khán giả quan trọng, Lyndon Johnson. Johnson là tổng thống đầu tiên, nhưng chắc chắn không phải cuối cùng, nghĩ rằng những gì mọi người thấy trên truyền hình cũng quan trọng tương tự như những gì thực sự xảy ra trên chiến trường.
Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ
Tags: Mỹ, Chiến tranh Việt Nam, Truyền thông - Báo chí