⠀
Vai trò của phi công chế độ cũ trong cuộc chiến chống Khmer Đỏ
Ngay sau ngày giải phóng, bọn Khmer Đỏ đã đánh chiếm một số đảo của ta trên vùng biển Tây Nam và cho quân xâm nhập sâu vào biên giới nước ta từ Tây Ninh đến Hà Tiên.
Từ tháng 5/1975 đến hết năm 1979, những nhân viên “tạm tuyển” lại sát cánh cùng Không quân nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu đánh trả quân xâm lược.
Không kẻ nào được động đến Việt Nam
Thời điểm tháng 5/1975, các phi công của ta vừa vào tiếp quản, đang học lý thuyết và nhất là chưa ai bay khu vực miền Tây Nam bộ nên đành phải thuyết phục số phi công “tạm tuyển” đẩy nhanh tiến độ huấn luyện, đáp ứng nhiệm vụ chống quân xâm lược. Không ngờ, vừa nghe thông tin quân Pol Pot đánh sang tàn sát dân thường, một số nhân viên “tạm tuyển” đã xung phong: “Nếu tin tưởng, các ông giao máy bay cho chúng tôi đi đánh bọn nó”.
Thậm chí có người còn nói: “Hồi trước tôi và các ông có chạm trán nhau nhưng chúng tôi cũng tránh đi vì cùng dân tộc, là đồng bào. Nhưng giờ thì bọn xâm lược giết dân mình; không thể ngồi yên được”… Ngay sau đó, những nhân viên “tạm tuyển” này được đưa vào tổ bay hỗn hợp đảm nhiệm vai trò lái chính – dẫn đường, các vị trí còn lại do cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 918 đảm nhiệm và trong nhiệm vụ bảo vệ biên giới – thu hồi biển đảo năm 1975, các tổ bay đã vận chuyển hàng nghìn bộ đội, hàng trăm thương binh và tiếp tế nhiều tấn hàng hóa cho mặt trận…
Thời điểm địch đánh sang khu vực Châu Đốc (An Giang) và ngay trước ngày Quốc khánh 2/9/1977, chúng cho các trung đoàn bộ binh lấn chiếm Tây Ninh, các máy bay C-130 được huy động bay trinh sát chụp ảnh dọc tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, còn máy bay trinh sát EC-47 tìm dò sóng của đài địch, xác định vị trí đóng quân của Khmer Đỏ cung cấp cho các đơn vị khác tấn công tiêu diệt.
Trung tuần tháng 10/1977, nhiệm vụ phản kích, thu hồi phần đất biên giới Tây Nam được đặt lên hàng đầu. Toàn lực lượng không quân vận tải lập cầu hàng không và chỉ trong thời gian ngắn đã chuyên chở 7.000 quân, 20 xe chỉ huy và khối lượng vũ khí trang bị kỹ thuật của Binh đoàn Tây Nguyên từ các sân bay Liên Khương, Nha Trang, Hòa Bình vào sân bay Biên Hòa để tiếp tục cơ động lên biên giới.
“Chúng tôi sử dụng 6 máy bay, trong đó 2 máy bay C-130 số 003, 004 cùng 2 chiếc C-47 số 586, 080 và 2 chiếc C-119 chuyên làm nhiệm vụ chuyên chở. Khó khăn nhất là hạ cất cánh ở Hòa Bình và Liên Khương do đường ngắn và hẹp, công tác đảm bảo bay hầu hết thủ công. Xác định có thể hư hỏng máy bay, tổ bay thương vong nhưng mọi người đều thống nhất: Có chết cũng vì nhiệm vụ bảo vệ biên giới, cứu giúp đồng bào mình”, thượng tá Vũ Đức Anh kể lại.
Cũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, lần đầu tiên trong lịch sử vận tải quân sự, máy bay C-130 được lắp giá bom và C-119K được lắp giá đạn cối để tiêu diệt địch trên diện rộng. Đại tá Lê Văn Quyền, nguyên Trung đoàn trưởng 918 kể: Trận đầu tiên là ngày 28/12/1978 đánh vào Sở chỉ huy Sư đoàn 801 Khmer Đỏ ở Bô Keo và sân bay Stung-treng. Hai máy bay C-130 số 002 và 004 đã khiến địch hoảng loạn bởi sức công phá và gây thiệt hại nặng nề…
Cầu hàng không chuyển thương binh
Đại tá Lê Tiến Phước, nguyên trung đoàn phó đầu tiên không quân vận tải, kể lại chuyến chở thương binh tháng 7/1975 từ TP.HCM ra Đà Nẵng trên C-130 do lái chính là trung tá phi công chế độ cũ Nguyễn Văn Trác đảm nhiệm. Do đường bay ngang qua quê hương đã gần 30 năm xa cách, ông Phước bảo ông Trác sà thấp 50 m qua Đồng Tràm, Tam Kỳ (Quảng Nam) để tìm cho được căn nhà cũ và làng xóm nhưng không có dấu tích. Thấy ông Phước mắt hoe đỏ, ông Trác trầm giọng: “30 năm xa quê, gia đình không còn. Các anh hy sinh, mất mát nhiều hơn chúng tôi, nên giành chiến thắng là điều dễ hiểu”.
Thời điểm 1977 – 1978, số thương binh sau chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam tồn đọng rất lớn tại TP.HCM. Tháng 1.1978, chuyến bay thí điểm đầu tiên chuyển 39 thương binh từ TP.HCM ra Hà Nội bằng C-130 được triển khai trên tuyến chiến lược. Sau đó, việc chuyển thương binh bằng đường hàng không diễn ra suốt năm 1978 đã chuyển được 8.000 lượt thương bệnh binh…
42 năm, những phi công trẻ trung của đơn vị vận tải quân sự duy nhất trong Quân đội nhân dân VN đã thành những ông cụ 70 – 80 tuổi, ngồi nhớ lại những ngày tháng hào hùng. Ai cũng bảo: Suốt 5 năm sử dụng máy bay chiến lợi phẩm, không xảy ra bất kỳ thương vong nào, cũng là nhờ quá trình huấn luyện, bay kèm và đảm bảo kỹ thuật của anh em phi công, thợ máy chế độ cũ. Nếu các ông ấy còn sống, còn ở VN thì mong có dịp tề tựu cùng nói chuyện về Tân Sơn Nhất, cho khuây khỏa tuổi già.
42 năm giang sơn thống nhất, tình đồng bào sẽ mãi đọng lại trong câu chuyện – hồi ức của những người lính hai chiến tuyến đã làm nên huyền thoại “ngựa thồ”…
Theo MAI THANH HẢI / THANH NIÊN ONLINE
Tags: Chiến tranh biên giới Tây Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hòa giải dân tộc