Vài nét về 4 thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc

Thành phố trực thuộc trung ương (trực hạt thị) là thành phố cấp cao nhất ở Trung Quốc. Đây là đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh. Thành phố trực thuộc trung ương là các thành phố lớn, có tầm quan trọng về mặt chính trị, văn hóa, kinh tế, giao thông. Trung Quốc hiện có 4 thành phố trực thuộc trung ương là: Bắc Kinh (thủ đô), Thượng Hải, Trùng Khánh và Thiên Tân. 

Bắc Kinh

Bắc Kinh, là thủ đô của Trung Quốc và là một trong số các thành phố đông dân nhất thế giới với dân số là 21.707.000 người vào năm 2017. Thành phố nằm ở miền Hoa Bắc, với 14 quận nội thị và cận nội thị cùng hai huyện nông thôn. Bao quanh hầu hết Bắc Kinh là tỉnh Hà Bắc, trong khi Thiên Tân giáp với Bắc Kinh ở phía Đông Nam.

Bắc Kinh là thành phố lớn thứ hai của Trung Quốc nếu xét theo dân số đô thị, xếp sau Thượng Hải; và là trung tâm chính trị, văn hóa và giáo dục của Trung Quốc. Thành phố là nơi đặt trụ sở của hầu hết các công ty quốc hữu lớn nhất Trung Quốc, và là một đầu mối giao thông chính của các hệ thống quốc lộ, đường cao tốc, đường sắt và đường sắt cao tốc tại Trung Quốc. Sân bay quốc tế Thủ đô Bắc Kinh là sân bay bận rộn thứ hai trên thế giới theo số lượng hành khách.

Lịch sử của thành phố đã có từ ba thiên niên kỷ. Là kinh đô cuối cùng trong tứ đại cổ đô Trung Quốc, Bắc Kinh đã là trung tâm chính trị của quốc gia trong phần lớn thời gian suốt bảy thế kỷ qua. Thành phố nổi tiếng với các cung điện sang trọng, chùa miếu, hoa viên, lăng mộ, tường và cổng thành, cùng với đó, các kho tàng nghệ thuật và các trường đại học đã biến Bắc Kinh thành một trung tâm văn hóa và nghệ thuật tại Trung Quốc. Chỉ có vài thành phố trên thế giới từng là trung tâm chính trị và văn hóa của một khu vực rộng lớn trong thời gian lâu đến vậy.

Thượng Hải

Thượng Hải là thành phố lớn nhất Trung Quốc về dân số và là thành phố không bao gồm vùng ngoại ô lớn nhất thế giới. Diện tích: 6.340,5 km2. Theo thống kê dân số năm 2017 của Trung Quốc, Thượng Hải có tổng dân số 24.180.000 người (trong đó nội ô là 20,6 triệu người). Năm 2017, GDP của Thượng Hải là 3.010 tỷ nhân dân tệ (tương đương 470 tỷ USD) với GDP đầu người tương đương 14.000 USD. Thượng Hải được xem là thủ đô kinh tế của Trung Quốc.

Ngày nay, Thượng Hải có hải cảng sầm uất nhất thế giới, hơn cả cảng Singapore và Rotterdam. Xuất phát là một làng chài hẻo lánh, Thượng Hải đã trở thành một thành phố quan trọng bậc nhất cho đến Thế kỷ 20, và là trung tâm văn hóa phổ thông, các mưu đồ chính trị và nơi tụ họp của giới trí thức trong thời kỳ Trung Hoa dân quốc. Thượng Hải đã từng một thời là trung tâm tài chính lớn thứ 3 thế giới, chỉ xếp sau Thành phố New York và London, và là trung tâm thương mại lớn nhất Viễn Đông cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Sau khi Mao Trạch Đông cầm quyền ở Trung Quốc kể từ năm 1949, Thượng Hải đã đi vào thời kỳ sụt giảm tốc độ phát triển do chế độ thuế má cao và do sự triệt thoát kinh tế tư bản của chính quyền mới.

Nhờ sự cải cách, mở cửa theo mô hình kinh tế thị trường do Đặng Tiểu Bình khởi xướng và lãnh đạo mà đặc biệt là từ năm 1992, Thượng Hải đã có những bước bứt phá ngoạn mục về phát triển kinh tế và nhanh chóng vượt qua Thâm Quyến và Quảng Châu – một thành phố đặc khu được tự do hóa sớm nhất Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để trở thành đầu tàu kinh tế Trung Quốc.

Vẫn còn nhiều thách thức cho thành phố này đầu thế kỷ 21 như nạn di dân ồ ạt và sự phân hóa giàu nghèo. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức đó, các khu nhà chọc trời và cuộc sống đô thị sôi động của Thượng Hải vẫn là biểu tượng của sự thần kỳ kinh tế Trung Quốc.

Thiên Tân

Thiên Tân, giản xưng Tân là thành thị trung tâm quốc gia và thành thị mở cửa ven biển lớn nhất phía bắc của Trung Quốc, có dân số là 15.570.000 người vào năm 2017. Thiên Tân nằm trên bình nguyên Hoa Bắc, là nơi các chi lưu của Hải Hà hợp lưu với nhau, giáp với Bột Hải ở phía đông và dựa vào Yên Sơn ở phía bắc. Sông Hải Hà chảy uốn lượn qua trung tâm đô thị của thành phố, các cây cầu bắc qua Hoài Hà hình thành nên cảnh tượng “nhất kiều nhất cảnh” cho Thiên Tân.

Từ thời cổ, Thiên Tân đã trở nên hưng thịnh nhờ vào vận tải đường thủy. Ngày 23/12/1402, thành Thiên Tân chính thức được xây dựng, là thành thị duy nhất có thời gian xây thành chính xác vào thời cổ tại Trung Quốc. Kể từ năm 1860, sau khi Thiên Tân trở thành một cảng thông thương với ngoại quốc, nhiều nước phương Tây đã lập tô giới tại Thiên Tân. Bên cạnh đó, Dương Vụ phái cũng lập ra các thể chế kinh tế tại Thiên Tân, khiến Thiên Tân trở thành tiền tuyến mở cửa ở phương Bắc Trung Quốc và là căn cứ của Dương Vụ vận động vào thời cận đại ở Trung Quốc.

Với vị thế là nơi tiên phong, Thiên Tân vào thời cận đại có nền công nghiệp, thương nghiệp, tài chính phát triển nhanh chóng. Khi đó, Thiên Tân là nơi tiến hành “hiện đại hóa” quân sự, và là một trong những nơi đầu tiên tại Trung Quốc có đường sắt, điện báo, điện thoại, bưu chính, khai mỏ, giáo dục và tư pháp cận đại. Đương thời, Thiên Tân trở thành thành thị công thương nghiệp lớn thứ hai và trung tâm tài chính lớn nhất tại phía bắc Trung Quốc.

Ngày 22/3/2006, Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể thành phố Thiên Tân”, theo đó Thiên Tân sẽ trở thành một thành phố cảng quốc tế, một trung tâm kinh tế phương Bắc và một thành phố sinh thái. Ngoài ra, còn đưa sự phát triển và mở cửa của tân khu Tân Hải vào trong chiến lược phát triển quốc gia của Trung Quốc, biến Thiên Tân thành cực tăng trưởng thứ ba của kinh tế Trung Quốc.

Trùng Khánh

Là một thành phố lớn ở Tây Nam Trung Quốc, thành phố trực thuộc trung ương Trùng Khánh được hình thành vào ngày 14/3/1997 khi nó tách ra từ tỉnh Tứ Xuyên. Đến năm 2015, tổng dân số Trùng Khánh là 30.170.000 người. Trùng Khánh được chia thành 19 khu (quận), 15 huyện, và 4 huyện tự trị.

Giản xưng chính thức của Trùng Khánh là “Du”, được Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn vào ngày 18/4/1997. Giản xưng này bắt nguồn từ tên cũ của đoạn sông Gia Lăng chảy qua Trùng Khánh rồi hợp vào Trường Giang. Trùng Khánh cũng từng là một thành phố trực thuộc trung ương của Trung Hoa Dân Quốc, và đóng vai trò là thủ đô thời chiến của chính phủ Quốc dân trong Chiến tranh Trung-Nhật (1937–1945).

Trùng Khánh là một khu vực quan trọng về lịch sử và văn hóa, thành phố cũng là trung tâm kinh tế của vùng thượng du Trường Giang. Đây là một trung tâm sản xuất chính và một đầu mối giao thông của vùng Tây Nam Trung Quốc.

S.T

Tags: