Tục bốc mộ: Phong tục cũ, không còn phù hợp, nên từ bỏ dần dần

Phong tục bốc mộ hay còn gọi cải táng là một thói quen lâu đời của người Việt, mang nhiều ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh, nhưng gần đây đã ít nhiều gây ra những tranh luận trong xã hội.

Tục bốc mộ: Phong tục cũ, không còn phù hợp nên từ bỏ dần dần

Trò chuyện với Giáo sư Trần Lâm Biền và PGS.TS Bùi Hoài Sơn về vấn đề này.

Tuyên truyền bỏ tục bốc mộ không đơn giản

Giáo sư Trần Lâm Biền cho biết: “Trước hết nên hiểu phong tục bốc mộ đã có từ đời xưa và việc mai táng được con người thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, như điểu táng, thuỷ táng, địa táng, hoả táng…, trong đó chôn cất đắp mộ bằng đá được thực hiện ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Theo quan niệm xưa, người ta đắp mộ bằng đá bởi đá là vật chuyển tải sinh khí, linh hồn người chết, để linh hồn người chết theo trục đá đó lên trần gian nhìn về làng trong sự nuối tiếc…

Người Việt Nam cũng từng có một vài lối chôn cất, nhưng kiểu chôn cất phổ biến nhất của người Kinh là chôn không bốc mộ, trong đó người giàu chôn cất theo lối trong quan ngoài quách như ướp xác. Theo những nghiên cứu về các tiểu sang cát của người Việt, tôi chưa thấy tiểu cát nào có niên đại từ thế kỷ 18 trở về trước mà chỉ thấy những mộ còn để lại xác của nhà giàu.

Cho nên một giả thiết được đặt ra, người Việt xưa chỉ chôn cất một lần và không có hoả táng. Hiện tượng cải táng là do ít nhiều chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa và một số văn hoá của các tôn giáo gốc không phải của người Việt, trong đó có cả Phật giáo và từ đó có nhận thức là mộ tròn, mả dài”.

Theo giải thích của Giáo sư Trần Lầm Biền, người ta quan niệm, khi chôn người mới mất, da thịt còn nguyên, sau đó thịt da bị vi trùng làm thối rữa, sẽ không thể siêu thoát được. Nếu muốn siêu thoát để về thế giới cực lạc, lên thế giới thần tiên, thiên đàng, người chết cần phải sạch sẽ, vì thế mà dẫn tới việc sang cát. Nhưng trong Phật giáo thì không quan niệm như vậy.

Theo Giáo sư Trần Lâm Biền, việc tuyên truyền cho người dân dần nhận thức việc bỏ tục bốc mộ không đơn giản, nếu như tuyên truyền theo cách nêu lý do mất vệ sinh, mất nhiều quỹ đất thì không ổn. Bởi cách nói này sẽ khó có thể lấp đầy khoảng trống về tâm hồn của gia đình người đã mất và từ đó người dân sẽ khó nghe theo và ủng hộ.

“Tất cả chỉ là quan niệm, rõ ràng chúng ta nói về hỏa thiêu, cũng là nói sao cho thấy được sự tốt đẹp, hợp với tín ngưỡng, hợp với nhận thức. Và nhận thức này là cả một quá trình, chứ không thể chỉ nói theo lối đời thường mà người dân có thể chấp nhận và nghe theo”, Giáo sư Trần Lâm Biền nói.

Giáo sư Trần Lâm Biền cũng cho biết, việc có nên bỏ phong tục bốc mộ, bản thân ông không có ý kiến, mà điều này tuỳ thuộc và nhận thức của từng người.

“Tôi chỉ nghĩ đừng nên dày vò người đã khuất để đi đến việc tìm mối lợi cho mình, điều đó là không tốt. Cá nhân tôi nghĩ thiêu là đã hoá thành tro, tức là người chết đã đi đến miền cực lạc rồi, tại sao lại đem chôn lại, giam hãm họ trong thế giới trần tục này.

Tôi được biết với người Khmer Nam Bộ, khi người nhà mất đi, họ đưa đi hoả thiêu và mang tro đó gửi trong những cái tháp chúng sinh của nhà chùa. Như thế, những người chết sẽ được nương theo lời kinh, lời kệ, được phiêu diêu về miền cực lạc. Người xưa không đem tro cốt xây thành mộ”, Giáo sư Trần Lâm Biền chia sẻ.

Bỏ tục bốc mộ vì không còn phù hợp với xã hội hiện đại

PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Cải táng là tập quán lâu đời của người Việt chủ yếu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, còn từ miền Trung, miền Nam hầu như không có. Cải táng được hiểu là phong tục có nguồn gốc, bối cảnh, điều kiện nhất định. Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi, chúng ta nên thay đổi để phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện nay.

Một số người có ý kiến rằng, đã là phong tục tập quán thì phải giữ gìn, nhưng tôi cho là khiên cưỡng, không thực sự đúng với bản chất của văn hoá. Trên thực tế văn hoá luôn luôn biến đổi để phù hợp hơn với những bối cảnh, hoàn cảnh mới trong sự phát triển của đất nước. Bằng chứng là có nhiều phong tục tập quán như nhuộm răng đen đã được thay đổi. Khi xã hội phát triển, có thuốc đánh răng hiệu quả tốt không kém gì nhuộm răng đen, thậm chí theo xu thế thế giới, răng trắng nụ cười sẽ tươi sáng, rạng rỡ hơn. Chính vì vậy mà tục nhuộm răng đen đã không còn được duy trì.

Câu chuyện cải táng ở đây cũng phải đặt trong bối cảnh chung như thế, tức là có những phong tục tập quán rất phù hợp, tồn tại trong quá khứ và được xem như là đặc điểm quan trọng, nhưng với bối cảnh mới, điều kiện phát triển mới của đất nước thì phong tục tập quán đó không còn phù hợp nữa và điều đó bắt buộc chúng ta phải thay đổi.

Khi xây dựng đời sống mới, Bác Hồ đã từng nói và mong muốn những cái gì cũ thì phải thay đổi, cái gì chưa phù hợp thì phải làm cho phù hợp hơn. Quan điểm này rất đúng trong việc chúng ta phát triển văn hoá hôm nay. Tức là những phong tục tập quán không phù hợp với xã hội hôm nay thì chúng ta phải thay đổi. Câu chuyện ô nhiễm môi trường hay thiếu quỹ đất chỉ là một vài yếu tố gia tăng, thuyết phục hơn để chúng ta thay đổi tục cải táng. Còn rất nhiều lý do khác nữa chắc chắn khiến chúng ta thay đổi tục cải táng này”.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, điều khó khăn nhất trong việc tuyên truyền để người dân tự giác dần dần bỏ tục cải táng đó chính là nhận thức. “Nhận thức của tục cải táng bắt nguồn từ thói quen, về nguyên tắc thói quen sẽ khó thay đổi nếu như chúng ta không tuyên truyền tốt, đủ sức thuyết phục. Thế thì ở đây là câu chuyện chúng ta cần tuyên truyền tốt hơn nữa để người dân hiểu tại sao lại cần thay đổi tục cải táng, tại sao tục cải táng lại không cần thiết trong xã hội ngày hôm nay. Bên cạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức thì chúng ta phải có những chính sách cụ thể. Tôi được biết Cục Văn hoá cơ sở hay một số địa phương đã hỗ trợ cho người dân khi thực hiện hoả táng hoặc hình thức khác giúp vệ sinh tốt hơn.

Câu chuyện nữa cần nhấn mạnh là làm gương, các cán bộ, Đảng viên phải làm gương để quần chúng nhân dân làm theo. Nếu chúng ta thực hiện được 3 điều như vậy thì tôi tin tập quán cải táng sẽ thay đổi, người dân sẽ có hình thức mai táng người thân phù hợp hơn với điều kiện cuộc sống, xã hội hiện nay”.

Theo DÂN VIỆT

Tags: ,