⠀
Từ vụ Việt Á: Nhận diện hình thức tham nhũng ‘cao cấp’ đặc biệt nguy hiểm
Trước hết cần phải phân biệt rõ tham nhũng thông thường với kiểu tham nhũng này – loại tham nhũng “cao cấp” mà nhiều nước gọi là lũng đoạn nhà nước (state capture).
Tác giả: TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS).
Dư luận đã rúng động mạnh mẽ và bức xúc dữ dội khi vụ kít xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gọi tắt là kít xét nghiệm COVID-19) bị phanh phui với nhiều tình tiết bất thường liên quan tới một số cơ quan nhà nước và bộ chủ quản.
Xét nghiệm COVID-19 tại Hà Nội. Ảnh: AFP.
Nhìn vào bản chất và rà soát lại diễn biến của vụ việc, chúng ta có thể thấy toàn bộ câu chuyện này có vẻ như được chuẩn bị công phu, có mục tiêu được thiết lập rõ ràng, và được thực hiện qua các công đoạn đầy đủ theo quy trình pháp luật cũng như việc xây dựng tính chính danh qua hệ thống truyền thông chính thống.
Với tính chất quy mô và bài bản như vậy, có thể nói một vài góc độ trong sự việc làm nhiều người liên tưởng đến sự manh nha xuất hiện bóng dáng một loại tham nhũng “cao cấp” mà nhiều nước gọi là lũng đoạn nhà nước (state capture).
Trước hết cần phải phân biệt rõ tham nhũng thông thường với kiểu tham nhũng này. Tham nhũng là các hành vi trục lợi của người nắm các chức vụ trong bộ máy hành chính, bộ máy chính quyền, lợi dụng vị trí của mình trong quá trình thực thi luật pháp để trục lợi. Vì nhà nước có bản chất là cơ quan độc quyền cung cấp dịch vụ công quan trọng nhất trên một lãnh thổ (quốc gia), nên các vị trí hành chính và chính trị trong khu vực nhà nước có bản chất độc quyền.
Điều này khác với những người cung cấp dịch vụ trong khu vực tư nhân, khi họ cung cấp các dịch vụ tư hoặc gần với dịch vụ công, vì khu vực tư nhân được điều tiết bằng cạnh tranh trên thị trường, cũng như các quy định pháp luật đã được thiết lập cho ngành đó. (Vẫn có thể có tham nhũng trong khu vực tư nhân, khi tổ chức tư nhân bị hành chính hóa cao, nhưng những tổn hại đó bị giới hạn trong khu vực tư, tức là của một nhóm người cụ thể, chứ không gây mất mát nguồn lực công).
Ngăn chặn sự lợi dụng vị thế độc quyền của các cá nhân và tổ chức cung cấp dịch vụ và hàng hóa công là nhiệm vụ thiết yếu của nhà nước nếu nó muốn tồn tại hiệu quả. Do thiếu vắng cơ chế cạnh tranh của thị trường, nên trong toàn bộ lịch sử, người ta phải sử dụng các quy chế giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt, với sự minh bạch và tính chịu trách nhiệm cao. Tuy nhiên, điều này không bao giờ có thể thực hiện một cách hoàn hảo. Do đó, tham nhũng luôn tồn tại trong khu vực công, chỉ là ít hay nhiều mà thôi.
Trong điều kiện Việt Nam, do khả năng giám sát kém hiệu quả vì thiếu minh bạch, nên tham nhũng là thường xuyên, phổ biến và mức độ ngày càng trầm trọng. Thiết nghĩ điều này không cần phải chứng minh nữa nếu chúng ta theo dõi các đại án tham nhũng ngày càng nhiều và nghiêm trọng trong 20 năm qua.
Tuy nhiên, đặc điểm quan trọng của các loại hình tham nhũng nói chung là chúng vẫn thừa nhận một hệ thống luật pháp đã có sẵn. Kẻ tham nhũng chỉ thực hiện trục lợi thông qua quá trình thực thi hệ thống pháp luật đó mà không có khả năng biến đổi nó theo ý mình.
“Lũng đoạn nhà nước” là một bước tiến về chất của những kẻ muốn trục lợi từ tài sản của Nhà nước và công chúng. Điểm khác biệt chủ chốt là họ chủ động tác động vào quá trình hình thành nên các quy định pháp luật. Trên cơ sở đó, hệ thống quy định ấy được thực thi một cách chính danh và hợp pháp, đem lại quyền lợi cho những kẻ lũng đoạn ở quy mô lớn.
Tổ chức Minh bạch quốc tế, dựa trên các nghiên cứu có thẩm quyền trong lĩnh vực này, đã xác nhận biểu hiện của hiện tượng này qua ba dấu hiệu có hệ thống như sau: 1. Quá trình có một mục tiêu chính sách rõ ràng; 2. Những kẻ lũng đoạn sẽ trục lợi khi tiến trình được thực thi; và 3. Quá trình hình thành chính sách, bao gồm cả luật và quy định, không còn hướng tới mục tiêu vì lợi ích công mà chỉ nhằm phục vụ lợi ích của nhóm lũng đoạn.
Nhóm lũng đoạn ở đây chính là các công ty tư nhân hoặc cá nhân, tập thể trong khu vực tư, cùng nhóm hợp tác là các quan chức hành chính hoặc chính trị gia. Tất cả hình thành một mạng lưới phối hợp chặt chẽ, phân chia nhiệm vụ một cách tỷ mỉ và chính xác, để trục lợi cho toàn bộ mạng lưới một cách hợp pháp.
Một vụ lũng đoạn thường có những bước sau:
1. Hình thành các chính sách chuẩn bị thị trường độc quyền cho sản phẩm.
2. Tiến hành các bước để tăng tính chính danh cho sản phẩm.
3. Nâng cao vị thế của sản phẩm (ví dụ bằng khen…).
Với một bộ khung chính sách đã được chuẩn bị sẵn như vậy, một công ty nào đó đã được mạng lưới này chuẩn bị sẵn, chỉ việc thực hiện đúng quy trình chính sách để trục lợi.
Quay lại với sự việc liên quan đến “thổi giá” kít xét nghiệm, việc hiện nay các cơ quan chức năng hoặc cơ quan truyền thông có khuynh hướng chỉ quy kết vụ việc vào một nhóm nội dung là Công ty Việt Á sản xuất kít kém chất lượng, lừa dối trong công bố thông tin, và sau đó là thông đồng bán hàng với giá cao cho các CDC trên toàn quốc… có thể là cách tiếp cận chưa đầy đủ về bản chất sự việc.
Không loại trừ khả năng đây không phải là một vụ việc vi phạm luật pháp đơn thuần, mà là một quá trình thay đổi có chủ đích hệ thống thông tin chính thống và quy định hiện hành, nhằm tạo cơ chế cho một sản phẩm được đưa ra thị trường một cách chính danh và hợp pháp.
Việc nhận thức đúng bản chất sự việc có ý nghĩa quan trọng, vì như thế mới hình thành được giải pháp thích hợp. Sự tiến hóa từ tham nhũng nhỏ lẻ lên tham nhũng có hệ thống, tham nhũng và thao túng chính sách, rồi lên đến giai đoạn lũng đoạn, là bước phát triển về chất của sự suy thoái xã hội. Cần nhìn nhận rõ thực trạng này, cả trong thực tiễn lẫn lý luận, để chuẩn bị cho những giải pháp đối phó có hệ thống, có lý luận, và do đó là phù hơp với bản chất nghiêm trọng của vấn đề.
Theo THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN
Tags: Tham nhũng - Tiêu cực