Từ khái niệm’siêu nhân’ của Nietzsche, nghĩ về người thầy

Xã hội ta vốn rất coi trọng người thầy. Không có vấn đề gì khi sự đề cao mang nghĩa ghi nhận đóng góp của người thầy đối với cộng đồng, như ghi nhận đóng góp của các ngành nghề, lĩnh vực khác.

Từ khái niệm’siêu nhân’ của Nietzsche, nghĩ về người thầy

Tuy nhiên, sự đề cao đó phần nào xuất phát từ ý nghĩ cố hữu là thầy luôn luôn đúng. Điều đó cản trở quá trình phê phán của người thầy.

Ai cũng có thể trở thành siêu nhân…*

Khái niệm siêu nhân trong triết học Nietzsche, theo cách hiểu của Deleuze, là rất khác so với quan niệm thông thường. Sự phát triển của điện ảnh, nhất là thể loại khoa học giả tưởng đã tạo nên một hình ảnh đậm nét trong trường liên tưởng của chúng ta. Siêu nhân – đó là những người có năng lực siêu nhiên, phi thường, thường xuất hiện với sứ mệnh thiêng liêng là chống lại thế lực phi nghĩa nào đó; siêu nhân bao giờ cũng chiến thắng, anh ta là kẻ mạnh và luôn đóng vai chính. Nietzsche quan niệm: “siêu nhân, con người bị vượt qua, bị vượt lên” (1). Có nghĩa là với Nietzsche, siêu nhân không phải là kẻ mang sức mạnh siêu nhiên, mà siêu nhân xuất hiện khi con người bị vượt qua. Sức mạnh của siêu nhân là ở chỗ có khả năng phê phán và chấp nhận sự phê phán, sự phê phán nhằm vào những mặt cần phê phán và có tác dụng hoàn thiện con người.

Điều này nghe có vẻ rất đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Bởi chấp nhận sự phê phán tức là chấp nhận rằng bản thân có những khuyết điểm, những sai lầm cần phải sửa chữa. Thái độ này đòi hỏi một sự dũng cảm đặc biệt mà không phải ai cũng có. Deleuze viết: “Đừng nghĩ rằng siêu nhân của Nietzsche là một sự đấu giá cao hơn: về bản chất, nó khác con người, khác với cái tôi” (2). Con người có bản năng tự bảo vệ, đối với ý thức của mình cũng vậy, thật khó để con người phủ định bản thân, thật khó để cho cái tôi tự lên án chính nó.

Khái niệm siêu nhân của Nietzsche mở ra một khả năng của con người. Với quan niệm của Nietzsche, siêu nhân là một sự trở thành của con người, bất kỳ ai cũng có thể là siêu nhân nếu họ tiến hành phê phán, và ngược lại, biết chấp nhận sự phê phán. Làm được điều đó có nghĩa là họ đã tạo điều kiện cho sự hình thành của siêu nhân. Quyền lựa chọn giờ đây được chuyển vào tay con người chứ không phải Chúa, đó là nỗ lực sống chứ không phải là định mệnh.

…nhưng người thầy phải sáng suốt gấp đôi

Xã hội ta vốn rất coi trọng người thầy. Trong chế độ phong kiến, quan hệ thầy – trò là một trong ba quan hệ trụ cột của xã hội, cùng với quan hệ vua – tôi và cha – con. Cho đến ngày nay, vị trí của người thầy luôn được đề cao. Không có vấn đề gì khi sự đề cao đó mang nghĩa ghi nhận đóng góp của người thầy đối với cộng đồng, như ghi nhận đóng góp của các ngành nghề, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, sự tôn vinh hiện nay phần nào xuất phát từ ý nghĩ cố hữu là thầy luôn luôn đúng. Điều đó cản trở quá trình phê phán, cũng là cản trở quá trình đến với siêu nhân của người thầy. Mọi người xung quanh nghĩ rằng thầy luôn đúng, như thế thật khó để chính ông nghĩ rằng mình đã sai.

Khi một đứa trẻ bị la mắng, người ta nói với nó rằng đó là để nó tiến bộ hơn; nhưng khi đứa trẻ lên tiếng về cái sai của người lớn, người ta sẽ nghĩ nó hư. Những đóng góp hay nhận xét của học sinh đối với thầy giáo bị xem là vô lễ và xúc phạm. Gần đây, Bộ Giáo dục đưa ra ý kiến về việc tiến hành nhận xét giáo viên trong trường phổ thông, và người nhận xét là học sinh. Dư luận nảy sinh hai luồng quan điểm: 1. cho rằng đó là tiến bộ, phù hợp với xu thế của thời hiện đại; 2. phản đối vì việc đó làm ảnh hưởng đến quan hệ thầy – trò truyền thống, làm giảm uy tín người thầy và “làm hư” học sinh. Cuối cùng, việc học sinh nhận xét giáo viên chỉ được một số trường tư thực hiện và vẫn không áp dụng một cách đại trà.

Người thầy ở xã hội ta thật khó có thể thực hiện quá trình vươn tới siêu nhân – khái niệm mà chúng ta đang nói đến. Tâm lý xã hội đã ảnh hưởng đến tâm lý cá nhân. Người thầy một mặt bị kìm nén bởi đặc tính cố hữu của con người là bảo thủ, một mặt được xã hội vỗ về rằng ông luôn đúng. Để nhận ra khuyết điểm của mình, ông phải sáng suốt gấp đôi.

Người thầy – người đồng hành

Mối quan hệ thầy – trò vốn được xác định trong thế đối xứng cao – thấp cần phải được điều chỉnh. Người thầy ngày nay không đứng cao hơn học sinh trong quá trình khám phá tri thức. Vai trò người truyền thụ nên được thay đổi thành người đồng hành, người trao đổi. Có như vậy thì những ý kiến đóng góp của học sinh về mặt chưa tốt, chưa đúng của thầy mới được coi là bình thường. Thầy phê trò thì cũng nên có chiều ngược lại. “Siêu nhân là sản phẩm tích cực của bản thân sự phê phán” (3). Từ câu này có thể hiểu rằng người phê phán và kẻ bị phê phán ngang hàng với nhau, bởi trong quá trình trở thành siêu nhân thì hai vai trò đó có thể được hoán đổi: lúc này anh là kẻ bị phê phán, nhưng lúc khác anh là người phê phán, dù ở trường hợp nào thì anh cũng đang góp phần thúc đẩy sự hoàn thiện của con người. Nói “siêu nhân là sản phẩm tích cực” bởi vì sau phê phán cái xấu bị bóc trần và tiêu diệt đi, con người sau phê phán thay đổi theo hướng tốt lên. Hơn thế nữa, sự phê phán ở đây không chỉ là “phê bình” mà còn là “tự phê bình”.

Ý nghĩa triệt để nhất của khái niệm phê phán là ở sự tự phê bình này. “…một ‘kiểu người tương đối có tính siêu nhân’: kiểu người phê phán, con người với tư cách là kẻ muốn bị vượt qua, bị vượt lên”. Cái “muốn” đó biểu hiện sốt sắng nhất ở việc tự tiến hành phê phán. Thực tế cho thấy, phê phán người khác luôn dễ hơn phê phán chính mình, con người thường nghĩ rằng nhận ra cái sai của người khác tức là chứng tỏ mình giỏi hơn họ. Đầu mũi tên phê phán phải hướng vào bên trong trước khi vươn ra bên ngoài để đảm bảo tính trong sáng và bình đẳng của nó.

Siêu nhân trong cách hiểu thông thường là nhân vật dùng sức mạnh của mình để chống lại một lực lượng phi nghĩa. Đối tượng nó hướng đến là lực lượng phi nghĩa đó. Trong triết học Nietzsche, vì siêu nhân là sản phẩm của phê phán nên nó lấy chính mình làm đối tượng “tấn công”. Siêu nhân loại trừ cái cần bị phê phán trong chính nó. Với Nietzsche, cái cần phê phán tồn tại trong mỗi con người và phải được loại trừ trước hết bởi chính người đó. Cái cần phê phán không phải được tập trung hoàn toàn trong một thế lực đại diện nào để con người ta chỉ chăm chú vào đó để tấn công. Siêu nhân trong cách hiểu thông thường hóa ra rất đơn giản: anh ta chỉ việc phát hiện ra mục tiêu ở – bên – ngoài mình và sử dụng những năng lực siêu nhiên trời phú (mang tính bản năng, có sẵn) để hoàn thành sứ mệnh là tiêu diệt mục tiêu ấy.

Ngược lại, quá trình trở thành siêu nhân theo quan niệm của Nietzsche thật khó khăn khi chúng ta – với tư cách là những con người thiếu sót – phải phát hiện ra cái thiếu sót của mình. Siêu nhân sẽ ra đời khi con người không hoàn hảo phê phán cái không hoàn hảo của anh ta. Cũng như khi nói “Chúa đã chết”, Nietzsche một lần nữa nhấn mạnh việc tự chịu trách nhiệm với bản thân của con người thông qua quan niệm về siêu nhân.

Làm việc với thế hệ trẻ, đó là niềm vui của người thầy mà cũng là trách nhiệm. Người thầy buộc phải tự hoàn thiện mình, trước hết như một nhu cầu tự thân của con người, sau đó là để tương xứng với sự học của học sinh. Học sinh là người lĩnh hội kiến thức, tức là người tìm cách phủ nhận cái mình chưa biết bằng cái mình sẽ biết. Người thầy, bởi vì là một người bạn đường, cũng cần phải khắc phục cái mình còn thiếu sót. Quá trình tự phê phán diễn ra một cách tự nhiên nếu người thầy nhận thức được việc ông đang làm là đi cùng với thế hệ trẻ trên con đường trưởng thành của họ – đó cũng là quá trình trở thành siêu nhân của chính ông.

—————————–

Chú thích:

(1) Gilles Deleuze, Nietzsche và triết học (Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính), NXB Tri thức, H, 2010, tr. 131
(2) Sđd, tr. 232
(3) Sđd, tr. 130

Theo DƯƠNG BẢO LINH / TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: , ,