⠀
Trật tự thế giới dựa trên tài nguyên dầu mỏ đã đến hồi kết?
Dầu đã “cung cấp nhiên liệu” cho thế kỷ 20 – ô tô, chiến tranh, nền kinh tế và cả các sự kiện địa chính trị đều bắt nguồn từ dầu. Giờ đây, thế giới lại đang ở trong một cú sốc năng lượng thúc đẩy sự dịch chuyển sang một trật tự mới.
Khi COVID-19 tấn công nền kinh tế toàn cầu vào đầu năm nay, nhu cầu về dầu đã giảm hơn 1/5 và giá dầu sụp đổ. Kể từ đó đã có một sự hồi phục nhẹ, nhưng việc trở lại trạng thái bình thường như trước là rất khó xảy ra. Các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch đang buộc phải đối mặt với những yếu kém của họ. ExxonMobil, thành viên từ năm 1928, đã bị loại khỏi Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones. Các quốc gia dầu khí như Ả Rập Xê Út cần giá dầu ở mức 70-80 USD/thùng để cân bằng ngân sách, và giờ thì mỗi thùng dầu có giá chưa đến 40 USD.
Trước đây thế giới cũng đã từng trải qua những cú sốc giá dầu giảm, nhưng lần này không giống như vậy. Khi công chúng, chính phủ và các nhà đầu tư thức tỉnh về vấn đề biến đổi khí hậu, ngành công nghiệp năng lượng sạch lại được đà phát triển. Thị trường vốn đã thay đổi: cổ phiếu của các công ty năng lượng sạch đã tăng 45% trong năm nay.
Với lãi suất gần bằng 0, các chính trị gia đang ủng hộ các kế hoạch cơ sở hạ tầng xanh. Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Mỹ, Joe Biden, muốn chi 2 tỷ USD cho năng lượng sạch. Liên minh châu Âu đã dành 30% trong kế hoạch phục hồi sau COVID-19 trị giá 880 tỷ USD cho các vấn đề khí hậu, và chủ tịch của Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, đã sử dụng bài phát biểu của liên minh trong tuần này để xác nhận rằng bà muốn EU cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính tới 55% so với mức của năm 1990 trong thập kỷ tới.
Hệ thống năng lượng của thế kỷ 21 hứa hẹn sẽ tốt hơn kỷ nguyên dầu mỏ – tốt hơn cho sức khỏe con người, ổn định hơn về mặt chính trị và ít biến động hơn về kinh tế. Nhưng sự thay đổi này cũng có rủi ro lớn. Nếu thế cân bằng bị phá vỡ, nó có thể làm tăng thêm bất ổn chính trị và kinh tế trong các nhà máy dầu khí và tập trung quyền kiểm soát chuỗi cung ứng xanh ở Trung Quốc. Nguy hiểm hơn nữa, nó có thể diễn ra quá chậm.
Ngày nay nhiên liệu hóa thạch chiếm tới 85% nguồn năng lượng mà thế giới sử dụng. Nhưng đây là loại nhiên liệu “bẩn”. Năng lượng chiếm 2/3 lượng phát thải khí nhà kính; ô nhiễm do đốt nhiên liệu hóa thạch giết chết hơn 4 triệu người mỗi năm, chủ yếu ở các thành phố lớn tại các quốc gia mới phát triển. Dầu mỏ cũng đã tạo ra bất ổn chính trị. Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia dầu khí như Venezuela và Ả Rập Xê-út, với rất ít động lực để phát triển nền kinh tế của họ, đã sa lầy vào chính trị của sự tiếp tay và thân hữu.
Trong nỗ lực đảm bảo nguồn cung cấp an toàn, các cường quốc lớn trên thế giới đã tranh giành nhau trong việc gây ảnh hưởng đến các quốc gia này, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông, nơi Mỹ đang đóng khoảng 60.000 quân.
Nhiên liệu hóa thạch cũng gây ra biến động kinh tế. Thị trường dầu mỏ đang bị ảnh hưởng bởi một thỏa thuận thất thường. Sự tập trung dự trữ dầu của thế giới khiến nguồn cung dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc địa chính trị. Giá dầu đã có tới 62 lần biến động hơn 30% chỉ trong 6 tháng kể từ năm 1970 đến nay.
Một bức tranh về hệ thống năng lượng mới đang xuất hiện. Tỷ trọng của điện tái tạo như năng lượng mặt trời và điện gió trong nguồn cung năng lượng cho thế giới có thể tăng từ mức 5% hiện nay lên 25% vào năm 2035, và gần 50% vào năm 2050. Việc sử dụng dầu và than sẽ giảm xuống, mặc dù khí đốt sạch hơn sẽ vẫn là trọng tâm.
Cấu trúc này về lâu về dài sẽ mang lại những lợi ích to lớn. Quan trọng nhất, năng lượng sạch sẽ làm giảm biến đổi khí hậu, giảm những hiện tượng như hạn hán khốc liệt, nạn đói, lũ lụt và di cư hàng loạt. Thế giới cũng ổn định hơn về mặt chính trị, bởi vì nguồn cung sẽ đa dạng về mặt địa lý và công nghệ. Các quốc gia dầu mỏ sẽ phải cố gắng cải cách chính mình. Các quốc gia tiêu thụ, từng tìm kiếm an ninh năng lượng bằng cách can thiệp vào chính trị của các nhà sản xuất dầu, thay vào đó sẽ tìm đến các quy định hợp lý đối với ngành năng lượng của họ. Hệ thống của thế kỷ 21 cũng sẽ ít biến động hơn về mặt kinh tế. Giá điện sẽ không được xác định bởi một vài tác nhân lớn mà bởi sự cạnh tranh và tăng hiệu quả dần dần.
Tuy nhiên, ngay cả khi một hệ thống năng lượng tốt hơn xuất hiện, mối đe dọa từ một quá trình chuyển đổi được quản lý kém vẫn hiện hữu. Có hai rủi ro nổi bật hơn cả. Đầu tiên là nguy cơ Trung Quốc có thể tạm thời giành được ảnh hưởng trong hệ thống quyền lực toàn cầu vì sự thống trị của họ trong việc chế tạo các bộ phận quan trọng và phát triển công nghệ mới.
Ngày nay, các công ty Trung Quốc sản xuất 72% mô-đun năng lượng mặt trời trên thế giới, 69% pin lithium-ion và 45% tuabin gió. Họ cũng kiểm soát phần lớn việc tinh chế các khoáng chất quan trọng đối với năng lượng sạch, chẳng hạn như coban và liti. Thay vì một mỏ dầu, quốc gia này có thể trở thành một “nhà máy điện”. Trong sáu tháng qua, họ đã công bố các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đường truyền xe điện, thử nghiệm một nhà máy hạt nhân ở Pakistan.
Đòn bẩy của Trung Quốc còn phụ thuộc vào tốc độ phát triển của các nền kinh tế khác. Châu Âu là quê hương của các quốc gia hàng đầu về trang trại năng lượng gió và năng lượng mặt trời — Orsted, Enel và Iberdrola đang xây dựng các dự án như vậy trên khắp thế giới. Các công ty châu Âu cũng đang dẫn đầu cuộc đua cắt giảm lượng khí thải của chính họ.
Trong khi đó quỹ đạo của Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng của dầu đá phiến và khí đốt, vốn đã đưa nước này trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, và còn bởi sự phản kháng của Đảng Cộng hòa đối với các biện pháp giảm thiểu cacbon. Nếu Mỹ có các hành động chống biến đổi khí hậu – chẳng hạn như thuế carbon và cơ sở hạ tầng mới – thị trường vốn, các phòng thí nghiệm năng lượng quốc gia và các trường đại học hùng mạnh sẽ khiến nước này trở thành một cường quốc xanh đáng gờm.
Rủi ro lớn khác là sự chuyển đổi của các nhà máy dầu khí, vốn chiếm 8% GDP thế giới và ảnh hưởng đến gần 900 triệu công dân. Khi nhu cầu dầu mỏ giảm đi, họ sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để giành thị phần, mà chỉ các quốc gia có dầu thô rẻ nhất và sạch nhất mới là người chiến thắng cuối cùng. Ngay cả khi họ vật lộn với sự cấp bách ngày càng tăng của cải cách kinh tế và chính trị, các nguồn lực công để trả cho nó có thể bị cạn kiệt. Năm nay, doanh thu của chính phủ Saudi Arabia đã giảm 49% trong quý thứ hai. Những mối nguy còn tiềm ẩn ở những thập kỷ tiếp theo.
Việc chuyển sang một trật tự năng lượng mới là rất quan trọng, nhưng giai đoạn đầu chắc chắn sẽ rất hỗn loạn.
Theo TRÍ THỨC TRẺ / THE ECONOMIST
Tags: Nghiên cứu quốc tế, Năng lượng