⠀
Tranh khắc gỗ Việt Nam: Từ lịch sử đến hiện tại
Ngày nay mỹ thuật Việt Nam phát triển đến mức khó mà kể hết ngay tất cả các thể loại và kỹ thuật. Tuy nhiên đa số trong đó chỉ mới xuất hiện từ đầu thế kỷ XX do du nhập từ Pháp, chủ yếu thông qua Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925- 1945). Còn lại rất ít thể loại mỹ thuật- mỹ nghệ có nguồn gốc xa xưa trong lịch sử dân tộc như: điêu khắc, gốm, đồ mỹ nghệ sơn ta, tranh dân gian… Đặc biệt tranh dân gian của ta đa số thường được in từ bản khắc gỗ lên giấy, với số lượng lớn, phát hành rộng rãi, nhất là vào dịp Tết nên đôi khi còn được gọi là tranh Tết. Vì vậy, nói đến tranh khắc gỗ Việt Nam là người ta nghĩ ngay đến tranh dân gian.
Tác phẩm “Dấu Xưa Đại Ngàn”, tranh khắc gỗ 120cm x 150cm, Tác giả Trần Thanh Long, Đắc Lắc.
Đã có khá nhiều học giả nghiên cứu chuyên sâu về tranh dân gian Việt Nam và kỹ thuật khắc gỗ như Maurice Durand (sách “Imagerie populaire vietnamienne”, 1960), Nguyễn Bá Vân và Chu Quang Trứ (sách “Tranh dân gian Việt Nam”, 1984), Phan Ngọc Khuê (sách “Tranh dân gian Việt Nam” viết chung với Nguyễn Bá Vân, 1995 và sách “Tranh dân gian Hàng Trống- Hà Nội”, 2015), Quang Phòng (sách “Tranh khắc gỗ Việt Nam”, 1997), Phan Cẩm Thượng, Lê Quốc Việt và Cung Khắc Lược (sách “Đồ họa cổ Việt Nam”, 2000), Nguyễn Thái Lai (sách “Làng tranh Đông Hồ”, 2002), Văn Ngọc (5 bài viết về tranh dân gian và khắc gỗ trong sách “Đi trong thế giới Hội họa”, 2004), Vũ An Chương (sách “Tranh dân gian Đông Hồ”, 2010 và “Nghề tranh dân gian Đông Hồ- di sản văn hóa Việt Nam” viết chung với Nguyễn Đăng Chế, 2014), Hoàng Minh Phúc (sách “Đồ họa in khắc gỗ Việt Nam”, 2015), Trang Thanh Hiền (sách “Tranh Tết- nét tinh hoa truyền thống Việt”, 2016)… Dưới đây là lược thuật những vấn đề cơ bản của Tranh khắc gỗ Việt Nam.
Nguồn gốc và niên đại.
Tranh khắc gỗ Việt Nam có nguồn gốc từ xa xưa. Sử sách từng cho biết vào thời Lý (1009 – 1225) dân ta đã có nghề khắc ván in kinh Phật, rất có thể người ta còn khắc cả các hình minh họa kèm theo trên ván nữa… Năm 1396, Hồ Quý Ly cho phát hành loại tiền giấy Thông bảo hội sao mà chắc chắn phải dùng các ván gỗ để khắc và in cả chữ lẫn hình trang trí (chỉ tiếc ngày nay ta không thể biết hình ảnh của loại tiền giấy này ra sao). Cuộc xâm lược của giặc Minh (1407- 1427) đã tàn phá đất nước ta, một số ngành nghề bị tuyệt diệt, sau đó dân ta lại phải tìm cách học lại.
Giữa thế kỷ XV, thời Lê sơ, thám hoa Lương Nhữ Hộc (người Hải Dương) đi sứ sang Trung Quốc đã học nghề khắc in trên ván gỗ rồi về truyền dạy lại cho dân 2 làng Hồng Lục- Liễu Chàng quê ông. Ngày nay người ta vẫn thờ ông làm Tổ nghề khắc ván in tranh. Sang các thế kỷ XVI, XVII, XVIII, khi nghệ thuật dân gian Việt Nam vươn tới đỉnh cao thì cũng là lúc các dòng tranh khắc gỗ dân gian ra đời như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng… Dù chưa tìm được bằng chứng về văn bản hay ván khắc nhưng đa số các nhà nghiên cứu cho rằng có thể dòng tranh Đông Hồ ra đời sớm nhất, khoảng thế kỷ XVI- XVII, dưới thời Mạc hoặc Lê – Trịnh.
Tranh khắc gỗ Đông Hồ Tứ LInh – Long, Lân, Quy, Phượng – chất liệu giấy dó bồi điệp.
Sau đó 2 dòng tranh Hàng Trống và Kim Hoàng có khả năng ra đời khoảng thế kỷ XVIII. Ở Huế có dòng tranh Làng Sình được đoán định ra đời khoảng đầu thế kỷ XIX. Dòng tranh khắc in Đồ thế ở Nam Bộ có lẽ ra đời muộn hơn, khoảng cuối thế kỷ XIX. Ít được nghiên cứu nhất là dòng Tranh thờ miền núi Việt Bắc của thày cúng các dân tộc Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Giáy, Sán Dìu… với các tranh vẽ tay xen lẫn tranh khắc in nhưng đại thể dòng tranh này cũng phải xuất hiện chậm nhất vào thời Lê-Trịnh (thế kỷ XVII- XVIII). Dù không được coi như một dòng tranh dân gian nhưng loại tranh khắc in gọi là Thập vật trong kho của các chùa Việt cũng rất hấp dẫn, có khả năng ra đời từ thời Lê- Trịnh (thế kỷ XVII- XVIII).
Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập năm 1925 đánh dấu một cột mốc quan trọng: sự chuyển biến từ tranh khắc gỗ dân gian sang khắc gỗ hiện đại Việt Nam. Khác với quá khứ, từ đây tranh khắc gỗ bắt đầu có tác giả với các ảnh hưởng phương Tây như bố cục, hình họa, giải phẫu tạo hình, luật xa gần và cách khắc thể hiện cảm xúc qua từng nhát xúc cũng như các loại mầu, mực in được du nhập. Việc tiêu thụ tranh khắc gỗ hiện đại cũng đã khác xa: không bán mua ngoài chợ Tết hay để thờ cúng nữa mà nhằm đáp ứng nhu cầu chơi tranh trong xã hội hiện đại thông qua các gallery và triển lãm. Tranh khắc gỗ hiện đại bắt đầu được đóng khung treo tường tại phòng khách tư gia cho đến các công sở sang trọng.
Nội dung
Tranh minh họa kinh Phật đương nhiên có nội dung Phật giáo với những hình ảnh Phật, hoa sen hay các linh thú của tôn giáo này như sư tử, voi… chủ yếu in kèm kinh sách.
Tranh Thập vật được sử dụng trong các hoạt động nghi lễ cộng đồng như: Lễ cấp sắc, phong sắc, lễ tang…
Tranh Thập vật thể hiện các linh vật với yên cương, bành hay mã phu, quản tượng để sẵn sàng cho người cưỡi dạo chơi ở thế giới bên kia. Vì dùng để cầu khấn rồi đốt cho người cõi âm nên các hình ngựa, voi, sư tử, rồng, phượng, rùa, lân, hạc, xâu tiền, xe, kiệu, hành lý và tư trang, hình nhân thế mạng, lọng, phướn… được tạo hình cô đọng, chỉ khắc in bản nét đen. Tranh Đồ thế Nam Bộ cũng dùng để đốt cho người cõi âm như tranh Thập vật…
Tranh Đông Hồ – Táo Quân.
Tranh thờ là sản phẩm của tất cả các dòng tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, Vũ Di, Làng Sình, tranh thờ miền núi Việt Bắc… Loại tranh này mang dấu ấn của các tôn giáo Phật, Lão, Nho, đạo Mẫu… Trong tranh thờ có các hình tượng thần, thánh, Phật, tiên, Ngọc Hoàng, Thập điện Diêm vương, Mẫu, tổ sư, điện thờ, bài vị, hương án, ngũ hổ, tứ linh (long, ly, quy, phượng)…
Một trong bộ 4 bức tranh Đông Hồ – Vinh Hoa Phú Quý.
Tranh chúc tụng thể hiện ước nguyện của dân gian nên có các nội dung Phúc- Lộc- Thọ- Khang- Ninh với các đại tự Hán- Nôm được nghệ thuật hóa hay hình tượng 3 vị Tam đa, 2 vị Tiến tài- Tiến lộc. Đó cũng là các hình tượng thể hiện sự An lành (tranh Gà đại cát, Trâu- sen), No đủ (các tranh gà- lợn có xoáy âm dương), Vinh hoa- Phú quý (tranh Bé ôm gà- ôm vịt), Sinh sôi nảy nở- Gia đình hạnh phúc (tranh Gà đàn, Lợn đàn, Thất đồng, Tử tôn vạn đại)…
Tranh Hàng Trống – Xuân Hạ Thu Đông.
Tranh cảnh vật thường là tranh bộ 4 tấm Tứ quý mô tả cô đọng 4 mùa xuân, hạ, thu, đông với hoa đào, mai, sen, cúc, các loại cây trúc, thông, các loại chim- thú như công, phượng, gà, trĩ, vịt, ngựa, hươu…
Tranh Đông Hồ – Đấu Vật.
Tranh sinh hoạt xã hội có lẽ là loại tranh phong phú nhất với các trò vui và đề cao công việc thường ngày: Đấu vật, Chọi gà, Chọi trâu, Kéo co, Đánh đu, Bắt trạch trong chum, Hứng dừa, Bịt mắt bắt dê, Múa sư tử, Rước rồng, Rước trống, Chợ quê, Bản đồ canh nông.v.v…
Tranh truyện thường có khổ lớn, ở dạng tứ bình, thể hiện tóm tắt và chọn lọc các tích truyện cổ như Kiều, Thạch Sanh, Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai, Bích Câu kỳ ngộ, Trê Cóc, Tam Quốc, Nhị thập tứ hiếu… đề cao đạo lý con người và thuyết nhân quả.
Tranh châm biếm đả kích nhằm vào các hủ tục xã hội hay những cảnh trớ trêu về thuần phong như Đánh ghen, Thầy đồ cóc, Đám cưới chuột, các bộ đôi tranh “Văn minh tiến bộ- toa tăng xương – Phong tục cải lương- moa tăng phú” và “Cóc Tây múa kỳ lân – Chuột Tàu rước rồng vàng”… Tranh “Lý ngư vọng nguyệt” tức Cá chép trông trăng châm biếm nhẹ nhàng sự nhầm lẫn giữa thật và giả…
Vua Đinh Tiên Hoàng trên tranh khắc gỗ dân gian.
Đặc biệt các Tranh lịch sử đề cao các anh hùng dân tộc và chắc chắn thuần Việt như Phù Đổng, Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo, Quang Trung…
Tranh dân gian hiện đại (kể từ 1945 đến nay) mang các nội dung tuyên truyền cổ động thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ca ngợi hòa bình, cổ vũ lao động sản xuất tập thể… bắt đầu có tác giả (dù vẫn là nghệ nhân dân gian).
Tranh khắc gỗ hiện đại có cách nhìn khoa học ảnh hưởng phương Tây và thường thể hiện trực tiếp nội dung thời sự nửa cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI về chiến tranh, hòa bình, lao động sản xuất, hội họp, vui chơi… Đồng thời, do ảnh hưởng phương Tây và hiện thực hóa mà tranh khắc gỗ hiện đại còn thể hiện cả phong cảnh, tĩnh vật, tình yêu nam nữ… Đáng chú ý là dù hiện đại hóa và ảnh hưởng phương Tây nhiều nhưng tranh khắc gỗ hiện đại Việt Nam vẫn rất rõ tính dân tộc từ nội dung đến hình thức. Các tác giả đều thể hiện cá tính rõ nét.
Tác phẩm “Gành Đá Dĩa” năm 2015, tranh khắc gỗ, họa sĩ Nguyễn Ngọc Thành
Ngoài 3 loại tranh Lịch sử, Dân gian hiện đại, Khắc gỗ hiện đại cơ bản thuần Việt, còn có thể kể thêm các tranh: Hứng dừa, Đánh ghen, Chọi trâu, Bắt trạch trong chum, Chợ quê, Bản đồ canh nông… cũng là thuần Việt bởi đề tài khó có thực tế ở Trung Quốc, bố cục không thật sự chặt chẽ, tạo hình nhiều ngẫu hứng, ít khúc triết.
Vật liệu
Gỗ khắc thường là các loại gỗ mực, thị, mít, vàng tâm, mỡ, giổi. Gỗ thị cứng mà dẻo, thường để khắc bản nét cho tinh vi, bền, lâu mòn. Có bản khắc gỗ thị dùng được 150 năm, truyền từ đời ông đến đời cháu, chắt. Gỗ mực (thừng mực, lòng mức) nhẹ, coi như không rõ thớ, mềm, dễ khắc nhưng cũng chóng mòn, dễ mục nên thường để khắc bản mảng. Gỗ mít cũng dễ khắc nhưng hay có mắt gỗ, khó mềm đều nên thường khắc bản mảng. Gỗ vàng tâm có độ chắc trung gian giữa thị và mực, mít, thường làm hoành phi, câu đối nên có thể để khắc cả bản mảng lẫn bản nét.
Khuôn in và bản in lên giấy.
Sang thế kỷ XX xuất hiện một số vật liệu mới có thể thay cho gỗ khắc như: thạch cao, cao su tấm, bìa ép MDF, thậm chí có người còn khắc lên đất sét. Riêng bìa ép MDF ngày càng phổ biến vì rộng bản tối đa mà không phải ghép (1m22 x 2m44), mặt siêu phẳng (vì là sản phẩm công nghiệp), không có thớ, lại mềm nên rất dễ khắc, nếu khắc hỏng thì dễ dán, vá lại. Hiện giờ (2016) khoảng 80% họa sĩ tranh khắc VN đã khắc lên ván MDF. Thạch cao dễ khắc nhưng cũng dễ sứt, vỡ. Cao su tấm khắc được nhưng khó kiếm. Khắc đất sét là sở thích riêng của họa sĩ Tấn Cứ, làm khi đất ướt nên nét và mảng rất uyển chuyển…
Tác phẩm “Vũ Khèn Sa Pa” in trên giấy dó của họa sĩ Trần Nguyên Đán.
Giấy để in tranh phổ biến nhất là giấy dó, giấy bản do các làng nghề truyền thống như Bưởi, Đống Cao… sản xuất. Giấy dó làm từ vỏ cây dó nên dai mà dịu. Sang đầu TK XXI nguồn cây dó sa sút và hiếm dần nên đang có xu hướng thay bằng bột vỏ cây dướng hoặc cây tre (trúc chỉ). Riêng làng tranh Đông Hồ còn phát minh ra loại giấy điệp bằng cách quét bột nghiền từ vỏ sò điệp trộn hồ nếp lên giấy dó, tạo ra nền tranh có thớ lấp lánh và nếu được quét màu (đỏ, vàng, cam, cánh sen, xanh …) thì rất rực rỡ. Trước kia có lúc các dòng tranh Hàng Trống, Kim Hoàng nhập giấy từ TQ nay các loại giấy này ta sản xuất được. Với loại tranh khắc bỏ nét, để lại mảng thì người ta in lên giấy mã quét màu đen. Với cách in màu sơn dầu (ở tp HCM hiện nay) thì người ta dùng giấy croquis dày và xốp. Đôi khi có người in tranh lên giấy báo, giấy Việt Trì nhưng khó đẹp bằng giấy dó.
Các loại đục làm khuôn in khắc gỗ.
Đục dùng khắc tranh dân gian xưa là các mũi thép (không có cán) gọi là ve, có 4 kiểu chính: Móng có lưỡi cong lòng máng rõ rệt, Thoảng có lưỡi chỉ hơi cong lòng máng, Thẳng có lưỡi phẳng, Dãy nền có lưỡi lòng máng nhưng thân ve cong để dễ đào, dũi sâu xuống gỗ. Để cho nét khắc tinh vi, người ta dùng thêm dao trổ có đầu vát nhọn và mài sắc. Thời hiện đại có bộ dao đục có cán với 4 kiểu chính: Chữ V để khắc các nét nhỏ, mảnh, nét, Lòng máng gần giống đục móng nhưng nhỏ hơn và nhiều cỡ hơn, Lòng máng chữ U để khi khắc có thể lượn dễ hơn, Dao trổ có cán để tỉa cho sắc nét.
Kỹ thuật khắc gỗ từ Họa sỹ Trần Nguyên Đán.
Màu và mực in. Hàng Trống, Làng Sình in nét đen mực nho rồi dùng phẩm để tô tay vờn màu (tiếng chuyên môn gọi là cản màu).
Đông Hồ dùng màu dân gian tự chế gọi là thuốc cái, gồm: Đen từ than rơm nếp hay than lá tre, ngâm nước ủ kỹ cho đen quánh. Trắng điệp do làng Đạo Tú (sát làng Hồ) sản xuất bằng cách nghiền từ các cồn sò điệp cổ đại nên trắng lấp lánh. Vàng từ hoa hòe hay hạt dành dành, sao và sắc kiểu thuốc Bắc. Đỏ vang nấu từ gỗ cây vang trên rừng. Đỏ son lấy từ đá ong non, lọc và giã, nghiền mịn. Xanh chàm từ lá chàm miền núi. Tím lấy từ mực tím. Xanh cổ vịt lấy từ gỉ đồng.
Họa sĩ Trần Nguyên Đán ở phố Khương Trung – Hà Nội.
Kim Hoàng cũng dùng màu đen mực nho nhưng trắng thì ngâm phấn thạch cao pha keo da trâu, các màu khác trộn phẩm vào keo.
Hiện đại dùng: bột màu hoặc các loại mực in (hiện có cả mực gốc dầu và gốc nước) sản xuất công nghiệp.
- Chổi quét điệp gọi là thét bện từ lá thông, khi quét tạo thành sớ suôn đều song song.
- Chất kết dính gồm hồ nếp, keo da trâu.
Các kỹ thuật khắc.
Với tranh dân gian, người ta chỉ đục để lấy nét hoặc mảng sạch, sâu đến 1cm, không tả chất hay tả cảm xúc qua nét khắc. Những chỗ đục lõm xuống, người ta dẫy phẳng hết để khi in thì các mảng màu sạch, không tả chất. Dùng bộ ve chỉ có lưỡi, không cán, người ta đục gián tiếp bằng cách cầm ve tay trái, đặt lưỡi kề sát nét cần đục rồi tay phải cầm dùi đục đập mạnh lên đầu kia của ve… Với tranh màu- tức là phải in nhiều bản thì người thợ phải tính toán để tạo ra các điểm chuẩn (điểm cữ, dấu đầu tăm) nhằm khớp các bản màu với bản nét.
Đục Khuôn Tranh.
Với tranh khắc gỗ hiện đại, người ta xúc trực tiếp bằng tay phải cầm cán đục, xúc, xỉa, lượn, lắc… để vừa có thể đục bỏ vừa tạo chất hay để lại cảm xúc qua vết khắc. “Đao pháp” kiểu hiện đại này có thể tạo ra bản khắc đầy cảm hứng phóng khoáng.
Các kỹ thuật in
Tranh Đông Hồ in tất cả các bản màu và nét (tối đa đến 5 bản phải in vì mỗi màu 1 bản khắc để không lẫn các màu với nhau). Dòng tranh này in ván sấp: lắp quai kiểu quai va li (gọi là tay cò) vào sau ván khắc rồi cầm dập xuống cái bìa (gồm một khung gỗ bọc vải, độn bòng bong, lá chuối khô) đã quét đẫm màu. Sau khi mặt có nét khắc đã thấm đủ màu thì ấn ván khắc xuống tập giấy in như kiểu in con dấu rồi lật ngửa ván có dính theo tờ giấy lên. Xoa đều xơ mướp vào mặt sau tờ giấy cho màu in rõ lên giấy. Cuối cùng bóc tờ điệp ra, phơi khô. Để lấy may, bao giờ người Đông Hồ cũng in màu đỏ trước tiên và nét sau cùng. Mỗi lần in chỉ được 1 màu và cả nhà có thể in theo dây chuyền cho đến khi ra thành phẩm. Để khớp các bản màu và nét, người ta căn các điểm cữ với dấu đầu tăm ở tất cả các lần in sao cho khỏi chệch. Nền điệp của Đông Hồ là thuần Việt bởi các dòng tranh dân gian TQ không có nền này.
Tranh Hàng Trống và Làng Sình chỉ khắc và in mỗi tranh 1 bản nét đen, khi in ngửa ván, phết mực rồi trải tờ giấy lên trên, sau đó bóc giấy ra, tô tay (cản màu) bằng phẩm màu (đun nóng để màu bền, khỏi bay). Tranh thờ miền núi cũng in như vậy, chỉ có khác là màu tô có khi dùng các màu lấy từ thiên nhiên.
Tranh Kim Hoàng cũng chỉ có 1 bản khắc in nét đen nên in làm 2 lần: lần đầu in nhá để lấy cữ tô màu bằng bút, tạo các mảng màu khá ngẫu hứng, sau đó mới in lại bản nét cho thật rõ lên trên. Nền tranh Kim Hoàng bao giờ cũng phết sẵn màu đỏ nên gọi là dòng tranh Đỏ.
Tranh khắc gỗ – in độc bản.
Các dòng tranh cổ
Rất tiếc chúng ta không thể biết hết có bao nhiêu dòng tranh cổ từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam bởi có lẽ một số dòng tranh đã từng “chết” do các nguyên nhân: chiến tranh, nạn đói, bão lụt… Gần đây nhất, dòng tranh Kim Hoàng đã “chết lâm sàng” từ năm 1915 vì lụt rồi “chết hẳn” năm 1945 vì nạn đói.
-
- Cổ nhất hiện còn có lẽ là dòng tranh Đông Hồ ở làng Hồ (hay Mái), huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, nhiều khả năng ra đời từ thế kỷ XVI hoặc XVII. Tranh Đông Hồ có các đặc điểm nổi bật sau đây: dòng tranh của thôn quê với nhân vật chính là người nông dân, gà, vịt, lợn, trâu; tạo hình kiểu duyên quê, nét khắc to; đa số tranh cỡ nhỏ gọi là lá mít vì cỡ tờ giấy dó pha tư, 17cm x 25cm; nền tranh thường được quét điệp chồng màu nên tươi rực rỡ lại lấp lánh ánh điệp; có nhiều tranh dù nhỏ nhưng hiệu quả nghệ thuật lại cao, xứng tầm cho người sưu tập thưởng thức. Trải qua bao thăng trầm, dòng tranh này vẫn tồn tại và có khả năng tiếp tục phát triển.
- Dòng tranh Hàng Trống ra đời muộn hơn, có lẽ khoảng cuối Lê- đầu Nguyễn, thế kỷ XVIII- XIX tại phố chợ Thăng Long- Hà Nội. Tranh Hàng Trống có các đặc điểm nổi bật sau đây: dòng tranh của thành thị với các nhân vật chính là thị dân; tạo hình khúc triết, đường nét tinh vi; đa số tranh cỡ to, nhất là tranh thờ; nền tranh để giấy màu sáng tự nhiên; chỉ in 1 bản nét đen sau đó tô vờn phẩm màu- người nghệ nhân phải rất tài khéo mới có thể cản màu chính xác và tinh tế; các tranh Tố nữ hay tranh thờ treo lên trông bề thế và sang trọng. Hiện nay (2016) dòng tranh này chỉ còn 1 nghệ nhân là ông Lê Đình Nghiên và khó có người kế tục vì chưa ai học nổi cách cản màu.
- Dòng tranh Làng Sình ra đời khoảng đầu thế kỷ XIX tại Huế. Tranh Làng Sình có các đặc điểm nổi bật sau đây: chủ yếu dùng để thờ cúng, nhiều tranh bổn mạng, thế mạng, súc vật và đồ vật sau khi cầu cúng thì hóa cho người ở cõi âm; tạo hình không cầu kỳ, đường nét giản lược; chỉ in 1 bản nét đen rồi tô màu kiểu phẩm. Hiện dòng tranh này đang phục hồi và vẫn có cơ phát triển trở lại.
- Dòng tranh thờ miền núi Việt Bắc có các đặc điểm nổi bật sau đây: là tranh cầu cúng do các thầy mo, thầy tào của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Giáy, Cao Lan, Sán Chỉ… vẽ ra để hành nghề (các thày cũng là họa sĩ); khổ tranh phong phú, có đủ cỡ to nhỏ, thậm chí nối dài vài chục mét (để cầu đảo); có cả vẽ tay và khắc in; đậm màu sắc Đạo giáo nên nhân vật chính là các thần thánh, tổ tiên, tổ nghiệp, thiên tướng… Dòng tranh này từng bị quét sạch do có thời nhà nước quyết liệt chống mê tín, dị đoan nhưng nay có cơ hồi phục theo nhu cầu dân gian, chỉ có điều là nay ít thầy mo vẽ được mà bắt đầu xuất hiện người Kinh sản xuất tranh kiểu này (!).
- Dòng tranh Kim Hoàng của làng Kim Hoàng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội ra đời khoảng cuối thế kỷ XVIII và đã thất truyền từ 1945. Tranh Kim Hoàng có các đặc điểm nổi bật sau đây: nền tranh bao giờ cũng màu đỏ nên gọi là Tranh Đỏ; đa số là tranh thờ và chúc tụng; nhưng cũng có tỷ lệ đáng kể là tranh sinh hoạt nông thôn như: gà, lợn, trâu, đấu vật, đi cày, tắm tiên…; đường nét sắc sảo hơn Đông Hồ nhưng chưa tinh tế bằng Hàng Trống; cách in 1 bản nét 2 lần: in nhá để lấy cữ tô màu rồi in lại nét chuẩn. Ngày nay nhà sưu tập Thu Hòa và dân làng đang quyết khôi phục dòng tranh Kim Hoàng, may còn tư liệu ảnh chụp thời Pháp thuộc.
- Dòng tranh Đồ thế Nam Bộ chủ yếu xuất hiện ở Sài Gòn từ khoảng cuối thế kỷ XIX và còn tồn tại đến nay với các đặc điểm sau đây: chủ yếu là tranh cầu cúng để hóa cho người cõi âm nên chỉ in 1 bản nét đen trên giấy bản hay giấy báo có nền màu tự nhiên hoặc nền đỏ; cỡ nhỏ; tạo hình giản lược; nhân vật chính là các thần, thánh, mẫu, 12 con giáp, hành lý tư trang… để đốt cho người cõi âm. Ngày nay dòng tranh nay phát triển một cách đáng buồn vì không in thủ công nữa mà in máy ra hàng loạt như kiểu tiền âm phủ nên mất chất nghệ thuật dân gian.
Tranh kính Nam Bộ.
Thể loại tranh Thập vật trong các kho của chùa làng miền Bắc với các đặc điểm nổi bật sau đây: dùng để cầu cúng rồi đốt cho người cõi âm; cỡ nhỏ; chỉ có 1 ván khắc để in bản nét đen lên giấy bản; tạo hình khúc triết, nét và mảng cô đọng; nhân vật là các hình nhân thế mạng, voi, ngựa, rồng, phượng, rùa, sư tử, kỳ lân, hạc… mang đủ yên cương, bành, kiệu, cỗ xe, cờ, phướn, mã phu, quản tượng… để chờ rước người cõi âm sau khi hóa. Các ván khắc của thể loại này đang thất lạc dần và khó có cơ sử dụng vì sự cạnh tranh của hàng mã hiện đại, chỉ có thể vào sưu tập bảo tàng hoặc tư nhân.
Tuy không phải là 1 dòng tranh cổ nhưng Bách khoa thư bằng tranh đầu thế kỷ XX do 1 thanh niên Pháp tên là Henri Oger thuê các nghệ nhân phường tranh Hồng Lục- Liễu Chàng vẽ và khắc mọi mặt sinh hoạt của người Việt thật sự sinh động và có giá trị lịch sử. Các đặc điểm nổi bật: gồm 4577 hình bao quát mọi sinh hoạt xã hội và công cụ lao động của người Việt đầu thế kỷ XX (in ra năm 1908); chỉ khắc mỗi hình 1 bản nét đen có đánh số và chú thích (theo kiểu từ điển); tạo hình sinh động và chú trọng vào chức dịch, hành động, công dụng, công năng, ngữ nghĩa…; nhiều giá trị lịch sử, dân tộc học, mỹ thuật, trang phục…
Các xu hướng khắc gỗ hiện đại được tính từ khi có trường Mỹ thuật Đông Dương (1925- 1945).
Các bậc thầy Pháp đã hướng dẫn sinh viên mang vào tranh các kỹ năng bổ trợ cho tạo hình như: hình họa, giải phẫu, xa gần, bố cục, phối màu… Họ khuyến khích sinh viên hướng theo tinh hoa khắc gỗ Nhật Bản, Trung Hoa và cổ truyền dân tộc nhưng phải có sáng tạo cá nhân và ký tên tác giả. Kể từ đó tranh khắc gỗ hiện đại Việt Nam đi theo hướng phát triển chung của tranh khắc gỗ thế giới.
Lương Xuân Tú (Hưng Yên), “Góc”, khắc gỗ. Bức số 16 tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực II (Đồng bằng sông Hồng) lần thứ 18.
Trước 1945, tranh khắc gỗ Việt Nam chịu ảnh hưởng khá nhiều từ tạo hình khắc gỗ Nhật nhưng lại có hướng nhìn và bố cục kiểu Pháp, đồng thời lại có nét duyên dáng kiểu Việt. Tiêu biểu khắc gỗ thời này có các tranh “Bến thuyền sông Hồng” của An sơn Đỗ Đức Thuận, “Hậu Giám” của Vũ Đăng Bốn, “Gội đầu” của Trần Văn Cẩn…
Từ sau năm 1945 đến 1960 vẫn là các họa sĩ từng học Mỹ thuật Đông Dương nhưng họ đã cố gắng Việt hóa: tranh khắc của họ ngả theo tạo hình hiện thực với kiểu khắc Đông Hồ, Hàng Trống, nhân vật của họ là công, nông, binh… Nội dung tranh khắc của họ là lao động sản xuất và chiến đấu. Đáng chú ý các bố cục và tạo hình của họ vẫn giàu chất dân tộc. Một số tác giả khắc gỗ nổi bật thời kỳ này là Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Trọng Hợp, Phạm Văn Đôn, Phan Kế An…
Từ sau 1960 đến những năm 1980 là các lớp họa sĩ kế tục, trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đồng thời trải qua thời bao cấp. Tranh khắc của họ thể hiện rõ nội dung thời sự nhưng không quên các góc nhìn thi vị về tình người và hồn quê. Nổi bật là các tác giả Nguyễn Thụ, Giáng Hương, Huy Oánh, Lê Thiệp, Cửu Long Giang, Trương Hiếu, Đinh Trọng Khang, Trịnh Quốc Thụ, Nguyệt Nga, Hà Mỹ Lý, Tấn Cứ, Trần Khánh Chương, Trần Nguyên Đán, Đỗ Đức…
Tác phẩm tranh khắc gỗ “Nghệ nhân nặn tò he ở Chùa Cầu – Hội An” của họa sĩ Trần Nguyên Đán.
Từ 1986-1989 đến nay, làn gió đổi mới và mở cửa đã cho phép các họa sĩ có thêm nhiều hiểu biết về thế giới cũng như kỹ thuật tạo hình và khắc in. Tranh khắc của họ thêm dáng vẻ hiện đại về mảng miếng, đường nét, màu sắc với các kỹ thuật đồng hiện, phá bản, khắc gỗ nhưng để sắp đặt chứ không in tranh (Lý Trần Quỳnh Giang)… Các tác giả tranh khắc gỗ tiêu biểu thời kỳ này có Phùng Phẩm, Đường Ngọc Cảnh, Mai Anh, Đức Hòa, Lưu Thế Hân, Đinh Lực, Nghĩa Phương, Vũ Đình Tuấn, Phan Cẩm Thượng, Trần Tuyết Mai, Lê Quốc Việt, Hoàng Minh Phúc… và mới nhất là Phạm Khắc Quang, Vũ Bạch Liên, Nguyễn Mỹ Ngọc, Nguyễn Thành Công, Tố Uyên. Đặc biệt tại kỳ Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015, 1 trong 2 Huy chương Vàng đã được trao cho tranh khắc bìa MDF in đen trắng tuyệt đẹp “A di đà Phật” đầy tinh thần dân tộc mà hiện đại của tác giả trẻ Nguyễn Khắc Hân… Xin được coi như đây là sự lên ngôi một cách kiệm lời nhưng xứng đáng của tranh khắc gỗ Việt Nam sau chặng đường rất dài 5 thế kỷ.
Theo VIETCHIGO.VN
Tags: Hội họa, Văn hóa Việt, Thủ công - mỹ nghệ