Toàn cảnh cuộc nổi dậy của các nhóm phiến quân ở Myanmar hiện tại

Sau cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar vào tháng 2/2021, phong trào vũ trang phản kháng ngày càng nở rộ ở quốc gia này, với sự tham gia của nhiều lực lượng ở nhiều vùng, khiến quân đội Myanmar (Tatmadaw) ít nhiều buộc phải phân tán lực lượng ra các mặt trận.

Toàn cảnh cuộc nổi dậy của các nhóm phiến quân ở Myanmar hiện tại

Các chiến biên của Quân đội Độc lập Kachin (KIA) tại đại bản doanh của lực lượng này ở Laiza, bang Kachin, Myanmar.

Chiến sự diễn ra ở thị trấn Thantlang, bang Chin, Myanmar. Tại đây, quân đội Myanmar (tức Tatmadaw) giao tranh dữ dội với lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF). Dân chúng khoảng 8.000 người đã rời bỏ thị trấn này do đụng độ giữa 2 phe.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở ở New York (Mỹ) mới đây đã tố Tatmadaw phóng hỏa đốt thị trấn này. Trong khi đó, phát ngôn viên của quân đội Myanmar, tướng Zaw Min Tun có giải thích khác: Họ chỉ phản ứng lại cuộc tấn công của PDF, và rằng PDF đã tự đốt nhà cửa của mình khi rút đi.

Tuyên bố của tướng Zaw Min Tun đã được lan truyền rộng rãi trên các mạng xã hội, nơi các binh sĩ cấp thấp bày tỏ sự tức giận với PDF. Quân đội Tatmadaw đã gọi PDF là lực lượng khủng bố.

Xu hướng đoàn kết giữa các nhóm phiến quân

Kể từ tháng 5/2021, bang Chin ở Tây Bắc Myanmar đã là thành trì của phong trào kháng chiến, nơi đây đã xảy ra một số cuộc tấn công nhằm vào quân đội nước này.

Khẩu hiệu “các lực lượng chống đảo chính đoàn kết hơn bao giờ hết” lan truyền không chỉ trong lực lượng phản kháng trực tiếp cầm súng mà còn cả những người phản kháng thông qua hình thức gõ bàn phím để kết nối với thế giới.

Ở khu vực Sagaing, khoảng 30.000 dân đã phải sơ tán. Nhiều chiến binh đã trải qua huấn luyện vẫn đang đợi chờ giúp đỡ từ “Chính phủ Đoàn kết Dân tộc” (NUG) – lực lượng này gần đây công bố thành lập một cấu trúc chỉ huy nhằm điều phối giữa các lực lượng phản kháng dân sự và các tổ chức vũ trang dân tộc liên minh với nhau (EAO).

Trước tình trạng thiếu vũ khí, NUG đã công bố kế hoạch của mình hậu thuẫn cho hoạt động sản xuất vũ khí với giá thành chỉ còn 1/6 so với hiện tại.

Mặc dù vậy, hiện các nhóm này vẫn có sự chia rẽ nhất định trong nội bộ về quan điểm của họ đối với xung đột vũ trang hiện nay ở Myanmar.

Ở vùng Tây Bắc Myanmar, Đội quân Các dân tộc Shanni (SNA) tấn công một tàu quân sự chở đầy ngọc bích xuôi dòng sông Chindwin, nhưng tất cả các súng phóng lựu của nhóm này đều không khai hỏa được.

Một số thủ lĩnh của SNA muốn làm người bên lề, duy trì hiện trạng.

Dân tộc Shanni có hiềm khích với dân tộc Kachin từ năm 1947 về mặt lãnh thổ. Do vậy, thời trước, người Shanni hoan nghênh sự hiện diện của quân đội Myanmar ở khu vực của mình để đối đầu với “Đội quân Độc lập Kachin” (KIA). Ngày nay, lịch sử đó làm phức tạp thêm quá trình hình thành một mặt trận chung chống lại chính quyền quân sự ở Myanmar. Một số nhân vật cấp cao của tộc Shanni muốn duy trì sự kết nối tốt với quân đội.

Thành phần nổi dậy rất đông đảo, từ nhiều hướng và khu vực

Trong khi đó, Quân giải phóng Nhân dân của lực lượng cánh tả đã quay trở lại cuộc chiến này sau 3 thập kỷ ngủ yên. Lực lượng này đang thực hiện huấn luyện quân sự với sự hỗ trợ của KIA.

Ở bang Kachin, KIA được cho là đã chiếm 3 tiền đồn quân sự quanh thị trấn Hpakant – trung tâm ngành ngọc bích trị giá hàng tỷ USD của Myanmar.

Tại Lashio, thủ phủ bang Bắc Shan cách biên giới với Trung Quốc chỉ khoảng 2 tiếng rưỡi đồng hồ, Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) cũng nhích lên từng bước, đụng độ với quân đội chính phủ.

Lực lượng Phòng vệ Nhân dân Karenni nổi tiếng về sức kháng cự mạnh trước Tatmadaw. Lực lượng này có khả năng đánh bại quân đội chính phủ trong một số cuộc đụng độ, và thậm chí họ còn thành lập được một lực lượng cảnh sát độc lập. Quân đội Myanmar đã phải huy động đến cả máy bay để đối phó.

Trong khi đó, chính quyền quân sự Myanmar thường xuyên bị tấn công bởi Quân giải phóng Quốc gia Karen – nhánh quân sự của Liên minh Dân tộc Karen (KNU). Chiến sự bùng phát ở những khu vực mà Lực lượng biên phòng Myanmar tăng cường tấn công KNU.

Quân đội Myanmar còn đang đụng độ với Đội quân Arakan (AA) tại bang Rakhine.

AA được cho là đang lấy thêm vũ khí và có thể đẩy mạnh đấu tranh vũ trang khi thời gian thích hợp. Người ta tin rằng AA đang kiểm soát 3/4 lãnh thổ bang Rakhine.

Ngoài ra, Đội quân giải cứu Arakan Rohingya cho hay họ đã giết chết 10 binh sĩ Tatmadaw.

“Bộ Quốc phòng” của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc chống chính quyền quân sự đều đặn cập nhật thông tin về các bước tiến của phong trào này. Trong khi đó, số binh sĩ Tatmadaw dường như đang giảm, có thể do bị giết hoặc đào ngũ.

Quân đội chính quy Myanmar đang phải đối phó với các cuộc tấn công có sự điều phối đến từ tất cả các hướng, cả nông thôn và đô thị, cả vùng biên và vùng trung tâm. Họ gặp khó khăn nhất định trong việc đương đầu với các cuộc tấn công bất ngờ của PDF hoặc EAO.

Đã vậy, đối thủ của Tatmadaw là những người có khả năng gây thương vong nặng cho đối phương, và quyết tâm trả thù cho các đau khổ của mình.

Trong lúc chiến sự như thế, tình hình xã hội ở Myanmar có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều người dân đã vượt biên trái phép để tìm việc làm. Tình hình buôn lậu ma túy và buôn người cũng gia tăng. Các nhóm tội phạm đang lợi dụng tình trạng bất ổn để tác oai tác quái, và do đó tạo thêm áp lực cho chính quyền quân sự Myanmar.

Theo VOV / THE DIPLOMAT

Tags: ,