Tình trạng nguy cấp của các loài sinh vật được phân loại thế nào?

Sách đỏ IUCN liệt kê tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật trên thế giới. Tình trạng bảo tồn được xác định thông qua một quá trình kiểm nghiệm khoa học nghiêm ngặt, liên quan đến số lượng của các quần thể trong tự nhiên và các mối đe dọa đối với các quần thể đó. Các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã góp phần vào khảo sát này.

Tình trạng nguy cấp của các loài sinh vật được phân loại thế nào?

Tuyệt chủng (EX) – không còn cá thể nào sót lại

Trong sinh học và hệ sinh thái, tuyệt chủng là sự kết thúc tồn tại của một nhóm sinh vật theo đơn vị phân loại, thông thường là một loài.

Một loài hoặc phân loài bị coi là tuyệt chủng khi có những bằng chứng chắc chắn rằng cá thể cuối cùng đã chết. Thời điểm tuyệt chủng thường được coi là cái chết của cá thể cuối cùng của nhóm hay loài đó, mặc dù khả năng sinh sản và phục hồi có thể đã bị mất trước thời điểm đó. Bởi vì phạm vi tiềm năng của một loài có thể là rất lớn, nên việc xác định thời điểm tuyệt chủng là rất khó, và thường được thực hiện theo phương cách truy ngược về quá khứ. Khó khăn này dẫn đến hiện tượng Lazarus taxon, một loài đã tuyệt chủng đột ngột “xuất hiện trở lại” (thường là trong các hóa thạch) sau một thời gian vắng mặt rõ ràng.

Trong hệ sinh thái hiện thời thì tuyệt chủng là một trạng thái bảo tồn của sinh vật được quy định trong Sách đỏ IUCN.

Hầu hết động vật từng sống trên Trái Đất ngày nay đã bị tuyệt chủng. Chúng ta chỉ biết chúng qua mẫu hoá thạch xương hoặc vỏ của chúng. Nếu chúng vừa tuyệt chủng thì ta có thể biết qua các bức tranh cũ. Những loài tuyệt chủng nổi tiếng là voi ma mút, khủng long, hổ răng kiếm, bọ ba thùy…

Tuyệt chủng trong tự nhiên (EW) – các cá thể của loài này chỉ còn được tìm thấy với số lượng rất ít trong sinh cảnh nhân tạo và phụ thuộc hoàn toàn vào chăm sóc của con người

Tuyệt chủng trong tự nhiên (Extinct in the Wild, EW) hoặc tuyệt chủng ngoài thiên nhiên, tuyệt chủng trong môi trường hoang dã là một trạng thái bảo tồn của sinh vật được quy định trong Sách đỏ IUCN. Một loài hoặc dưới loài bị coi là tuyệt chủng trong tự nhiên khi không ghi nhận được cá thể nào qua các cuộc khảo sát kỹ lưỡng ở sinh cảnh đã biết và hoặc sinh cảnh dự đoán, vào những thời gian thích hợp (theo ngày, mùa năm) xuyên suốt vùng phân bố lịch sử của loài. Các khảo sát nên vượt khung thời gian thích hợp cho vòng sống và dạng sống của đơn vị phân loại đó. Các cá thể của loài này có thể chỉ còn được tìm thấy với số lượng rất ít trong sinh cảnh nhân tạo và phụ thuộc hoàn toàn vào chăm sóc của con người.

Các loài đã tuyệt chủng trong tự nhiên có thể kể đến: bạch dương szaferi của Ba Lan, côca echinodendron của Cuba, đại kích mayurnathanii ở Ấn Độ, xoài casturi và xoài rubropetala ở Indonesia, bàng acuminata ở Brasil…

Cực kì nguy cấp (CR) – nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao

Loài cực kỳ nguy cấp (tiếng Anh: Critically Endangered, viết tắt CR) là một trạng thái bảo tồn của sinh vật được quy định trong Sách đỏ IUCN. Một loài hoặc nòi được coi là loài cực kỳ nguy cấp khi nó phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao trong một tương lai rất gần.

Ví dụ: Lừa hoang châu Phi (Equus africanus); Tê giác đen (Diceros bicornis); Tê giác Java (Rhinoceros sondaicus); Tê giác Sumatra (Dicerorhinus sumatrensis); Cá vây tay (gồm L. menadoensis (cá vây tay Indonesia) L. chalumnae (cá vây tay Tây Ấn Độ Dương hay cá vây tay Comoros)); Sao la (Pseudoryx nghetinhensis); Lạc đà hai bướu (Camelus bactrianus).

Nguy cấp (EN) – nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên

Nguy cấp (tiếng Anh: endangered) là một trạng thái bảo tồn của sinh vật được quy định trong Sách đỏ IUCN. Một loài hoặc nòi bị coi là Nguy cấp (Endangered, viết tắt EN) khi nó phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao trong một tương lai rất gần nhưng kém hơn mức Cực kỳ nguy cấp (Critically Endangered, CE).

Đến năm 2012, có 3079 loài thú và 2655 loài thực vật được xếp vào loài nguy cấp, so với năm 1998 là 1102 loài thú và 1197 loài thực vật.

Sắp nguy cấp (VU) – nguy cơ rủi ro cao trong tự nhiên

Loài sắp nguy cấp hay loài dễ thương tổn là một trong những nhóm phân loại của IUCN dùng để chỉ những loại có thể trở thành loài bị đe dọa tuyệt chủng trừ khi yếu tố đe dọa đến sự sinh tồn của chúng hoặc sự sinh sản được cải thiện. Khả năng tổn thương chủ yếu là do môi trường sống của chúng bị mất hoặc bị phá hủy. Loài sắp nguy cấp được quan sát và đang trở thành nhóm bị đe dọa. Tuy nhiên, một số loài được xếp vào nhóm “tổn thương”, trong thực tế, có thể khá phong phú trong điều kiện nuôi nhốt.

Sắp bị đe dọa (NT) – có khả năng bị đe dọa trong tương lai gần

Loài sắp bị đe dọa (viết tắt trong phân loại tình trạng bảo tồn là NT) là một tình trạng bảo tồn dùng để chỉ những loài hoặc cấp phân loại thấp hơn có thể được xem là bị đe dọa tuyệt chủng trong tương lai gần, mặc dù nó hiện không hội đủ điều kiện cho tình trạng bị đe dọa. IUCN ghi nhận tầm quan trọng của việc đánh giá lại phân loại bị đe dọa ở những giai đoạn thích hợp. Hiện tại IUCN áp dụng phiên bản phân loại 3.1.

Lý do được sử dụng cho các đơn vị phân loại sắp bị đe dọa thường bao gồm các tiêu chí của đơn vị phân loại dễ bị tổn thương ở mức độ được thừa nhận gần như đáp ứng, chẳng hạn như giảm số lượng cá thể hoặc thu hẹp phạm vi sinh sống. Loài sắp bị đe dọa được đánh giá từ năm 2001 trở đi cũng có thể là phụ thuộc vào những nỗ lực bảo tồn để ngăn ngừa chúng trở thành nhóm bị đe dọa, trong khi trước nhóm này, loài phụ thuộc bảo tồn được xếp vào một danh mục riêng biệt.

Ngoài ra, có 402 đơn vị loài phụ thuộc bảo tồn cũng có thể được xem là sắp bị đe dọa.

Ít quan tâm (LC) – nhóm có mức rủi ro thấp nhất, không đủ điều kiện nằm trong ngạch rủi ro

Loài ít quan tâm (ký hiệu của IUCN: LC, viết tắt của “Least Concern”) là một nhóm các loài sinh vật còn sinh tồn theo phân loại của IUCN. Nhóm này không thỏa các tiêu chí như loài nguy cấp (EN), loài sắp bị đe dọa (NT), hoặc trước năm 2001 là phụ thuộc bảo tồn. Một số loài phổ biến như gầm ghì đá, ong mật, muỗi vằn, diều ăn sên… cũng như con người đều nằm trong nhóm này.

Các loài không thể xếp vào nhóm ít quan tâm trừ khi tình trạng số cá thể của chúng đã được đánh giá, tức là có đủ thông tin cần thiết để đánh giá trực tiếp hoặc gián tiếp về nguy cơ tuyệt chủng của chúng dựa trên sự phân bố và hiện trang cá thể trong loài.

Từ năm 2001, thể loại này được viết tắt là “LC” (theo IUCN 2001 Categories & Criteria – phiên bản 3.1). Tuy nhiên, khoảng 20% số loài thuộc nhóm LC (3261 trong số 15636 loài) trong cơ sở dữ liệu của IUCN sử dụng mã “LR/lc”, tức là chúng không được đánh giá lại kể từ năm 2000. Vì trước năm 2001 “loài ít quan tâm” là một thể loại con của “Lower Risk” và có ký hiệu là “LR/lc” hay (lc).

Trong khi “loài ít quan tâm” không được xem xét trong thể loại sách đỏ theo IUCN, nhưng sách đỏ 2006 vẫn xếp nhóm này gồm 15636 loài. Số lượng động vật trong nhóm này là 14033 loài (bao gồm một số loài chưa được miêu tả như ếch trong chi Philautus), trong đó còn có 101 phân loài động vật. Số loài thực vật trong nhóm này gồm 1500 (1410 loài, 55 phân loài, và 35 giống). Cũng có 2 nhóm động vật được liệt kê gồm: cá nhám gai ở Á-Úc và Nam Phi. Không có loài nấm hoặc sinh vật nguyên sinh thuộc nhóm này, mặc dù chỉ có 4 loài trong giới này đã được IUCN đánh giá. Loài người được xếp vào nhóm này chính thức vào năm 2008.

Thiếu dữ liệu (DD) – Không đủ dữ liệu để đánh giá nguy cơ tuyệt chủng

Loài thiếu dữ liệu (ký hiệu của IUCN: DD) là một nhóm các loài sinh vật không biết rõ theo phân loại của IUCN. Nhóm này có hoặc không thỏa các tiêu chí như loài nguy cấp (EN), loài sắp bị đe dọa (NT), hoặc trước năm 2001 là phụ thuộc bảo tồn. Hiện có nhiều loài thuộc nhóm thiếu dữ liệu

Các loài không thể xếp vào nhóm thiếu dữ liệu trừ khi tình trạng số cá thể của chúng đã được đánh giá, tức là có đủ thông tin cần thiết để đánh giá trực tiếp hoặc gián tiếp về nguy cơ tuyệt chủng của chúng dựa trên sự phân bố và hiện trang cá thể trong loài.

Từ năm 2001, thể loại này được viết tắt là “DD” (theo IUCN 2001 Categories & Criteria – phiên bản 3.1). Tuy nhiên, các loài thuộc nhóm DD trong cơ sở dữ liệu của IUCN sử dụng mã “LR/lc”, tức là chúng không được đánh giá lại kể từ năm 2000. Vì trước năm 2001 “loài ít quan tâm” là một thể loại con của “Lower Risk” và có ký hiệu là “LR/lc” hay (lc).

Loài “thiếu dữ liệu” không được xem xét trong thể loại sách đỏ theo IUCN. Số lượng động vật trong nhóm này không thể biết rõ số lượng.

Không được đánh giá (NE) – Chưa có tiêu chí đánh giá

Loài không được đánh giá (NE) là một số loài động vật, thực vật mà trong đó chúng không được phân loại tình trạng bảo tồn theo danh sách của Sách Đỏ. Những loài này không được nghiên cứu nhiều do Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

S.T

Tags: , ,