Tình cảnh của giai cấp công nhân Trung Quốc đầu thế kỷ 21

Cuộc cải cách kinh tế của Trung Quốc từ uối thập niên 1970 đã đem lại nhiều đổi mới ở đất nước đông dân nhất hành tinh này. Nhưng bên cạnh những thành tựu lớn lao đã đạt được, Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trên bước đường chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Một trong những vấn đề đó là quyền lợi và vai trò của giai cấp công nhân trong giai đoạn mới. Điều đó cũng đã xảy ra đối với giai cấp công nhân nước ta trong thời kỳ Đổi mới.

Tình cảnh của giai cấp công nhân Trung Quốc đầu thế kỷ 21

Trích dịch báo cáo sau đây của Lưu Thực, nguyên là phó chủ tịch Trung Hoa toàn quốc Tổng công hội. Tổng hợp từ hai văn bản: (1) bản tiếng Anh, “Current Condition of China’s Working Class”, China Study Group, 1-11-2003, và (2) bản tiếng Hán “Đương tiền Trung quốc công nhân giai cấp trạng huống”, Công nông Thiên địa, 28-7-2003.

Biên dịch: La Thành / Talawas / 2005.

Từ khi công cuộc cải cách được đề xướng năm 1978, giai cấp công nhân Trung Quốc đã và đang đóng một vai trò thiết yếu trong sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội diễn ra trên đất nước. Hiện nay, công nhân đang gánh vác trách nhiệm tạo ra 72,1%  GDP của Trung Quốc.

Năm 1978, Trung Quốc có 120 triệu công nhân. Đến năm 2000, chúng ta đã có 270 triệu. Nếu tính đến 70 triệu nông dân đã di chuyển ra thành thị và kiếm được việc làm dài hạn, giai cấp công nhân Trung Quốc hiện nay có số lượng xấp xỉ 350 triệu người, tương ứng với một nửa lực lượng lao động hiện nay ở Trung Quốc (1).

Trình độ văn hóa, khoa học và kỹ thuật của giai cấp công nhân đã được cải thiện; mức sống của phần lớn công nhân cũng đã được nâng lên(2).

Từ khi bắt đầu cải cách hơn 20 năm về trước, giai cấp công nhân – đặc biệt là công nhân công nghiệp – đã trải qua những biến đổi to lớn.

Trở thành giai cấp làm thuê

Hiện nay chúng ta đang có hơn 100 triệu công nhân làm việc trong khu vực ngoài quốc doanh. Đại hội Đảng lần thứ 13 đã xác định rằng công nhân làm công trong các doanh nghiệp tư nhân là lao động làm thuê(3).

Thế còn các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước thì sao? Các doanh nghiệp thuộc diện này đang được chuyển đổi theo công thức: “nhỏ và vừa thì bán đi, lớn thì cổ phần hoá”. Một phần trong số những doanh nghiệp nhà nước nhỏ và vừa được bán cho tư nhân, chuyển thành các doanh nghiệp tư nhân; đối với số doanh nghiệp (nhỏ và vừa) còn lại, quyền sở hữu một số lượng lớn cổ phiếu của mỗi xí nghiệp sẽ được nhượng cho ban giám đốc. Trong số báo ra ngày 7-8-2002, tờ Triết Giang công nhân nhật báo đã đăng bài phóng sự của một phóng viên Tân Hoa Xã với nhan đề “Các tân tài phiệt đang đánh chiếm Giang Nam”(4). Bài báo dẫn ra một kết quả điều tra về những doanh nghiệp nhà nước vừa và nhỏ đã qua cải tổ, và kết luận rằng: các doanh nghiệp và chính quyền các địa phương càng ngày càng có xu hướng xem việc chuyển nhượng đa số cổ phiếu (của mỗi doanh nghiệp) cho ban giám đốc xí nghiệp là một phương thức cải cách hữu hiệu. Bài báo đã vạch ra những thủ đoạn muôn hình muôn vẻ mà các nhà điều hành xí nghiệp nhà nước đã làm để, chỉ trong vòng một đêm là có trong tay một số lượng cổ phiếu trị giá nhiều chục triệu nguyên, hình thành một cộng đồng dị thường các tân tài phiệt. Để huy động vốn, các nhà quản lý đã tận dụng mọi nguồn lực, vượt qua mọi trở ngại. Một số người dùng tiền riêng của mình, số khác vay tiền của bạn bè hoặc vay thế chấp từ ngân hàng. Đấy là chưa kể họ còn được các quan chức địa phương cho vay tiền ngay từ nguồn thu (thuế) của chính quyền; có vài nơi cơ quan hành chính địa phương còn “lại quả” các nhà quản lý bằng những “cổ phiếu đóng góp” dưới dạng “trang thiết bị kỹ thuật” hoặc “vai trò điều hành”: có nghĩa là các vị cựu giám đốc chẳng cần bỏ ra một xu tiền túi cũng có thể có được cổ phiếu! Một số giám đốc lúc đầu bỏ một phần tiền riêng của mình ra để cùng với công nhân viên chức mua lại xí nghiệp, rồi sau đó tận dụng ngay quỹ lương của xí nghiệp để tiết kiệm chi phí đầu cơ cổ phiếu. Khi các doanh nghiệp nhà nước lớn đã được cải tổ thành những công ty cổ phần, có các nghiệp chủ tư nhân và tư bản nước ngoài tham gia cổ đông, số cổ phần nhà nước làm nổi bật vai trò đại diện doanh nghiệp của các nhà quản lý; nắm giữ số cổ phần (nhà nước) này, họ còn được hưởng chế độ lương năm. Mức lương này cao gấp mười lần, có khi còn gấp cả trăm lần mức trung bình mà một công nhân trong doanh nghiệp đó làm ra.

Các công nhân trong doanh nghiệp nhà nước trước đây, nay đã trở thành những lao động làm thuê trong doanh nghiệp tư nhân hoặc trong công ty cổ phần.

Bần cùng hóa

So với các nhà đầu tư nước ngoài, các chủ doanh nghiệp tư nhân, các tiểu chủ sản xuất hàng gia công và các trí thức phục vụ cho những nhóm kể trên, việc cải thiện mức sống của giai cấp công nhân ở Trung Quốc có tầm bị hạn chế, sự nghèo khó tương đối so với các nhóm xã hội khác đang tăng lên.

Thống kê cho thấy, số lượng các công ty tư nhân từ con số không năm 1978 đã tăng lên đến 2.028.500 công ty vào năm 2001, với tổng số vốn đăng ký là 1800 tỷ nguyên. Trong số đó, 23.000 công ty có vốn đăng ký trên 10 triệu nguyên mỗi đơn vị, và 383 công ty có vốn trên 100 triệu nguyên/đơn vị. Đến năm 2001, 22,53 triệu công nhân đã làm việc trong các công ty tư nhân.

Bản “Báo cáo về những vấn đề trong nguồn lực con người và giáo dục ở Trung Quốc” xuất bản mới đây cho biết rằng, tính trung bình, thu nhập một năm lao động của mỗi công nhân công nghiệp ở Trung Quốc trong các năm 1995—1999 là 729 USD, bằng 1/40 thu nhập tương ứng của một công nhân ở Hoa Kỳ, 1/13 ở Nhật, 1/5 ở Hàn Quốc, và thấp hơn đáng kể so với ở Ấn Độ. Những thống kê khác cũng chỉ ra rằng lương trung bình của một công nhân công nghiệp ở Trung Quốc hiện đang ở dưới mức 60 cents/giờ. Một trong những lý do chính đã giúp các công ty tư nhân phát triển được và thu hút các công ty nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc là giá cả sức lao động thấp. Và một trong những nguồn tích lũy tư bản chính của các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài là lao động không được trả lương.

Công nhân đã nghèo đi theo nghĩa tương đối, và điều kiện làm việc cũng rất tồi. Ở nhiều doanh nghiệp tư nhân, ngày làm việc dài hơn 10 giờ, lương thấp, thanh toán lương chậm hoặc không trả lương, người lao động bị giới hạn không gian tự do hoặc bị lăng mạ, và thường xuyên xảy ra tai nạn hoặc tử vong. Cũng cần phải lưu ý rằng nhiều doanh nghiệp mướn nhân công từ nông thôn đã để họ sống và làm việc trong những điều kiện cực kỳ tồi tệ. Nói theo lời của chính những người nông dân này: “Chúng tôi dậy sớm hơn gà, làm khổ hơn bò, và ăn không bằng lợn…”

Trong giai cấp công nhân Trung Quốc hiện đang có những người sống trong hoàn cảnh nghèo tuyệt đối. Điều này thường là hệ quả của một trong hai tình huống: một là những công nhân bị mất việc làm và thu nhập duy nhất của họ chỉ là khoản trợ cấp tối thiểu từ nhà nước; hai là những công nhân có thu nhập trên mức tối thiểu, nhưng do bổn phận đối với thân nhân — khi trong gia đình có người thân đau yếu — hoặc những tai ương nào đó, mức sống của họ tụt xuống hàng nghèo khổ. Hiện không biết đích xác có bao nhiêu công nhân đang rơi vào tình trạng này. Có 20,53 triệu công nhân đang được nhận trợ cấp tối thiểu từ chính phủ, nhưng còn rất nhiều người thuộc diện này chưa được hưởng trợ cấp. Những công nhân này thật khó lòng có được ba bữa ăn mỗi ngày, cho con cái đến trường, trả tiền thuê nhà và được chăm sóc y tế. Họ thường bán máu để sống, hoặc tìm đến tự vẫn như một lối thoát.

Tình trạng thất nghiệp gia tăng trong những năm vừa qua cũng đã làm gia tăng sự nghèo khổ của công nhân. Từ năm 1998, 27 triệu công nhân từ các doanh nghiệp nhà nước đã bị thải hồi; nhiều người khác vẫn còn việc làm trên danh nghĩa, nhưng hoạt động sản xuất đã đình đốn đáng kể hoặc ngưng trệ hoàn toàn. Đã có những xí nghiệp giở chiêu bài “cho nghỉ hưu nội bộ”, huỷ bỏ hợp đồng lao động, hoặc cho công nhân về nghỉ “một cục” (5). Số công nhân kiếm lại được việc làm sau khi mất việc đang giảm dần.

Chính sách “giảm biên chế, tăng hiệu quả” những năm vừa qua đáng phải được xem xét lại. Làm sao hiệu quả có thể tăng lên khi công nhân được cho về nghỉ, không làm việc? “Hiệu quả” theo nghĩa này chỉ liên quan đến năng suất lao động của những công nhân đang được sử dụng, và thường đạt được bằng cách chu cấp lương bổng và phúc lợi. Nhưng những công nhân mất việc vẫn cần phải sống, cần phải có việc làm trở lại, và ổn định xã hội cũng cần được duy trì. Điều này cũng đòi hỏi phải đầu tư, và lại làm trầm trọng thêm những gánh nặng của nhà nước và xã hội. Nếu cần phải tăng hiệu quả, hãy chuyển công nhân sang những công việc khác, chứ đừng vứt bỏ họ. Điều này có thể làm được không? Vài năm trở lại đây, một số doanh nghiệp đã thử làm điều này, và đã chứng minh rằng có thể. Một lâm trường ở tỉnh Hắc Long Giang đã phát quang toàn bộ những khu rừng ở địa phương, rồi cử công nhân của mình đi trồng rừng thay vì giảm biên chế họ. Đơn vị này cũng đã lợi dụng những tài nguyên sẵn có của mình là nguồn nước và đồng cỏ để phát triển trồng trọt và chăn nuôi, lợi dụng những công trình và đất đai sẵn có để làm dịch vụ gia công chế biến, đem lại công ăn việc làm cho gần như toàn bộ số công nhân mất việc. Nhân dân nhật báo ngày 24-3-2003 đã đăng một phóng sự về Tập đoàn Công nghiệp Phú Nhuận tỉnh Triết Giang, một tập đoàn được hợp nhất từ hơn 20 công ty trong vòng 10 năm trở lại đây, bỏ lại hơn 9000 công nhân thất nghiệp. Vị tổng giám đốc tập đoàn phát biểu: “Mục tiêu của chúng ta là tăng hiệu quả trong các công ty mà chúng ta đã mua vào, nhưng giảm số lượng nhân công không phải là biện pháp duy nhất để đạt được mục tiêu đó. Chúng ta cần dựa vào công nhân viên chức để tập đoàn ăn nên làm ra. Tập đoàn ăn nên làm ra sẽ là chỗ dựa của công nhân viên chức.”

Có ba điều kiện cho một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa: 1) hệ thống sở hữu nhà nước giữ vai trò chủ đạo; 2) nguyên tắc hưởng theo lao động giữ vai trò chủ đạo; và 3) nền kinh tế chịu sự quản lý vĩ mô của nhà nước. Tuy nhiên, cần phải thêm vào một điều kiện nữa: những ai có khả năng làm việc thì cần phải có việc làm. “Đập vỡ bát cơm sắt”(6) là một khẩu hiệu bất ổn, đang gây nên những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng. Một khi chúng ta vẫn tiếp tục con đường của chủ nghĩa xã hội, chúng ta không thể – giống như chủ nghĩa tư bản – tạo ra một đội quân thất nghiệp đông đảo. Nhà nước phải bảo vệ quyền được lao động của các công dân.

————————————–

Chú thích:

(1) Một số dữ liệu về số lượng công nhân các loại ở Trung Quốc trong bài viết này có thể không còn cập nhật hoặc không phù hợp với những nguồn tư liệu khác. Theo nhiều tài liệu, vào thời điểm này, tổng số công nhân các thành phần ở Trung Quốc vào khoảng trên 400 triệu người, trong đó số công nhân nhập cư gồm khoảng 150 đến 200 triệu người.
(2) Tác giả muốn nói đến sự nâng lên của mức sống tuyệt đối. Còn về mức sống tương đối của giai cấp công nhân so với các nhóm xã hội khác, trong một phần sau tác giả đã chỉ ra rằng công nhân Trung Quốc đang bị bần cùng hoá.
(3) Đại hội 13 của Đảng CSTQ xác định một bộ phận giai cấp công nhân là lao động làm thuê (họp tháng 10-1987), trong khi đó, bản “” được tu chính và chuẩn nhận lần cuối cùng năm 2004 vẫn ghi trong điều 1 chương 1: “Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là nhà nước xã hội chủ nghĩa của nền chuyên chính dân chủ nhân dân, lấy liên minh công nông làm nền tảng, do giai cấp công nhân lãnh đạo”.
(4) Giang Nam là tên gọi chỉ vùng lãnh thổ ở phía nam sông Dương Tử.
(5) Cho công nhân về nghỉ “một cục”: nguyên văn là “mua đứt có bồi thường thâm niên làm việc của công nhân” buộc công nhân thôi việc mà không được hưởng bất cứ một chế độ bảo hiểm xã hội nào về sau. Ở Việt Nam, chính sách này cũng được áp dụng, đặc biệt ồ ạt vào thời gian cuối 1978—1995.
(6) “Đập vỡ bát cơm sắt” (táp lạn thiết phạn uyển) một khẩu hiệu được sử dụng lâu nay trong quá trình tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc. “Bát cơm sắt” là một ẩn dụ đặc sắc về nền kinh tế bao cấp ở Trung Quốc trước cải cách: bát sắt không bao giờ vỡ, liên hệ đến nguyên lý yên ổn suốt đời của đời sống người lao động. Nhận ra rằng đây là một nguyên lý duy ý chí, nguyên nhân của sự trì trệ, hao phí và kém hiệu quả về kinh tế, từ cuối thập kỷ 70 nhiều quốc gia theo chủ nghĩa xã hội đã xúc tiến những hiệu chỉnh theo hướng thị trường hoá.

Theo TALAWAS

Tags: , ,