Thực trạng và nguyên nhân thúc đẩy xu hướng ‘phi USD hóa’ toàn cầu

Gần đây, xu hướng “phi USD hóa” đang có xu hướng gia tăng ở các thị trường mới nổi, với hàng loạt các tuyên bố loại bỏ đồng USD trong thanh toán thương mại song phương giữa các quốc gia. Thực tế này đang đặt ra một số vấn đề đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam trong thời gian tới.

Thực trạng và nguyên nhân thúc đẩy xu hướng ‘phi USD hóa’ toàn cầu

Tác giả: Wei Hongxu, nhà nghiên cứu tại ANBOUND. Ông tốt nghiệp Khoa Toán tại Đại học Bắc Kinh và có bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Birmingham, Vương quốc Anh

Biên dịch: Phương Thảo

Những lời chia tay với đồng USD

Vào ngày 01/04/2023, Bộ Ngoại giao Ấn Độ thông báo, Ấn Độ và Malaysia đã đồng ý thanh toán trao đổi thương mại bằng đồng rupee của Ấn Độ.

Trước đó, Ấn Độ và Nga cũng đang thúc đẩy cơ chế thanh toán nội tệ không sử dụng đồng USD. Ngày 29/03/2023, Brazil thông báo, họ đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về việc không sử dụng đồng USD làm tiền tệ trung gian nữa mà sẽ thanh toán thương mại bằng đồng nội tệ. Điều này có nghĩa là, ngoại trừ Nam Phi, tất cả các quốc gia BRICS về cơ bản đã bắt đầu sử dụng thanh toán bằng nội tệ như một phương thức thay thế cho thanh toán bằng USD trong thương mại. Trước đó, ngày 18/01/2023, Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ quốc tế Nam Phi Naledi Pandor công khai tuyên bố, nước này đang nghiên cứu cách thức các nước BRICS có thể hỗ trợ để thiết lập một hệ thống giao dịch tiền tệ công bằng hơn nhằm thách thức sự thống trị của đồng USD. Rõ ràng là việc “phi USD hóa” trong dàn xếp thương mại được thúc đẩy bởi các nước BRICS,

Ngày 28/03/2023, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN và Thống đốc Ngân hàng Trung ương tại Indonesia đã thảo luận về việc giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, Euro, yên và bảng Anh trong các giao dịch tài chính và chuyển sang thanh toán bằng đồng nội tệ. ASEAN sẽ tiếp tục mở rộng việc triển khai kế hoạch Giao dịch bằng đồng nội tệ (LCT), vốn trước đây được coi là một loại tiền kỹ thuật số, cho phép các quốc gia thành viên sử dụng đồng nội tệ để giao dịch. Một ngày trước đó, cơ quan quản lý ngân hàng Indonesia tuyên bố rằng, các ngân hàng Indonesia đang chuẩn bị loại bỏ dần VISA và Mastercard và ra mắt hệ thống thanh toán nội địa của riêng họ. Các quốc gia ở Trung Đông, chẳng hạn như Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cũng đang cố gắng đa dạng hóa đồng tiền thanh toán trong thương mại dầu mỏ.

Theo các nhà nghiên cứu tại ANBOUND, hệ thống tiền tệ quốc tế đang phát triển từ một hệ thống tiền tệ duy nhất do đồng USD thống trị sang một hệ thống đa tiền tệ và đa dạng hơn về mặt địa lý. Trong khi một loại tiền tệ duy nhất thuận lợi hơn cho ngoại thương, những thay đổi trong bối cảnh địa chính trị và rủi ro địa chính trị gia tăng đã khiến các vấn đề về hiệu quả và chi phí trở nên không đáng kể. Do đó, động lực cho các hệ thống thanh toán thương mại độc lập và đa dạng ở các quốc gia khác nhau đang trở nên nổi bật hơn.

Những lý do thúc đẩy quá trình “phi USD hóa”

Về phía Mỹ, một số cá nhân đã phản ánh về quá trình “phi USD hóa” đang ngày càng nhanh chóng. Ngày 30/03/2203, Elon Musk đã tweet rằng, đây là một “vấn đề nghiêm trọng”, và rằng “chính sách của Mỹ đã quá nặng tay, khiến các nước muốn từ bỏ đồng USD”. Ông tuyên bố thêm, “kết hợp với chi tiêu vượt mức của chính phủ, điều này buộc các quốc gia khác phải hấp thụ một phần đáng kể lạm phát của chúng tôi”. Jim O’Neill, trước đây là Nhà kinh tế trưởng tại Goldman Sachs và là người phát minh ra thuật ngữ “BRICS”, gần đây đã kêu gọi nhóm BRICS mở rộng quy mô và thách thức sự thống trị của đồng USD, vì ông tin rằng, sự thống trị của đồng USD sẽ làm mất ổn định chính sách tiền tệ của các quốc gia khác.

Thật vậy, những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách tiền tệ của Mỹ trong những năm gần đây, do Cục Dự trữ Liên bang (FED) dẫn đầu, là một yếu tố quan trọng khiến nhiều quốc gia cảm thấy sự cần thiết phải đa dạng hóa các đồng tiền thanh toán, không phụ thuộc quá vào đồng USD. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, FED đã bắt tay vào chương trình nới lỏng định lượng[1] và khiến giá trị của đồng tiền kiếm được từ thặng dư thương mại ở nhiều quốc gia mới nổi bị thu hẹp. Những thay đổi trong chính sách của FED do đại dịch COVID-19 gây ra chỉ làm tăng thêm sự bất ổn, khiến tỷ giá hối đoái của đồng USD biến động mạnh và gây rủi ro chính sách lớn đối với các mục tiêu ổn định thương mại và đầu tư ở nhiều quốc gia. Hậu quả của rủi ro chính sách này rất lớn, không chỉ gây biến động thị trường ở các nước phát triển mà còn tác động lớn hơn đến các thị trường mới nổi. Trong khi nền kinh tế Mỹ đang vật lộn với lạm phát đình trệ[2], được đặc trưng bởi lạm phát cao và lãi suất cao, các nước thị trường mới nổi đang phải đối mặt với áp lực kép của lạm phát và chi phí đi vay cao bằng USD. Để giảm thiểu rủi ro biến động của đồng USD, nền kinh tế toàn cầu ngày càng chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn như vàng và tài sản kỹ thuật số. Đối với các nước BRICS, bước đầu tiên để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD liên quan đến việc chịu chi phí biến động tiền tệ. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra ở Mỹ chỉ làm gia tăng mối lo ngại về giá trị tài sản của Mỹ và đồng USD, tạo cơ hội cho các quốc gia khác giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng tiền này.

Việc châu Âu và Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính sau cuộc xung đột Nga-Ukraina là một yếu tố quan trọng khác góp phần khiến toàn cầu chuyển hướng khỏi đồng USD. Các biện pháp trừng phạt này không chỉ đóng băng tài sản tài chính của Nga mà còn khiến nhiều quốc gia bên ngoài khu vực xung đột nhận ra sự nguy hiểm của hệ thống tiền tệ quốc tế do Mỹ thống trị, sự không chắc chắn ngày càng tăng trong thương mại quốc tế. Do đó, nhiều quốc gia không liên kết chặt chẽ với châu Âu và Mỹ đã trở nên miễn cưỡng tiếp tục giao dịch thông qua đồng USD. Theo các nhà nghiên cứu tại ANBOUND, các biện pháp trừng phạt này tuy gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế và tài chính của Nga, nhưng cuối cùng sẽ tác động đến sự độc lập của các hệ thống thanh toán bù trừ, thanh toán thương mại và tài chính quốc tế do đồng USD thống trị hiện nay.

Trong một môi trường ngày càng chính trị hóa, hệ thống tài chính quốc tế định hướng theo giá trị chắc chắn sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào những thay đổi trong mô hình địa chính trị. Xu hướng này được phản ánh trong nhiều nỗ lực thanh toán tiền tệ, đây là tín hiệu cho thấy hệ thống tiền tệ đang đẩy nhanh quá trình địa chính trị hóa. Về lâu dài, việc Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính và các công cụ khác để gây ảnh hưởng của mình cuối cùng có thể làm xói mòn vị thế quốc tế của đồng USD với tư cách là một loại tiền tệ thống trị trong giao dịch quốc tế.

Xu hướng trong tương lai

Bất chấp nỗ lực “phi USD hóa” của các quốc gia, việc thay thế đồng USD bằng các loại tiền tệ khác là một quá trình lâu dài. Việc xây dựng và vận hành một hệ thống thanh toán thương mại, cùng với các chỉ số chính như tỷ giá hối đoái và giá cả, đòi hỏi phải thăm dò thêm thị trường. Các loại tiền tệ trong khu vực, chẳng hạn như đồng Nhân dân tệ, kém ổn định và ít được thị trường chấp nhận hơn so với đồng USD, do chi phí giao dịch và rủi ro thanh toán cao hơn. Do đó, không có đồng tiền nào có thể thách thức vị thế của đồng USD trong ngắn hạn. Nỗ lực của các quốc gia thị trường mới nổi, chủ yếu là BRICS, nhằm thiết lập một hệ thống thương mại độc lập, sẽ gây ra mối đe dọa lâu dài đối với tình trạng của đồng USD. Sự xói mòn này có thể diễn ra từ từ, nhưng với nhiều người tham gia, nó có thể trở thành quả cầu tuyết. Khi nhiều quốc gia giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, nền kinh tế Mỹ sẽ dần suy yếu với vị thế ngày càng giảm của đồng USD.

*

Trong thời gian gần đây, các quốc gia và khu vực như Ấn Độ, Brazil và ASEAN ngày càng có xu hướng “phi USD hóa”. Xu hướng này có thể trở nên rõ ràng hơn khi các vấn đề với đồng USD tiếp tục gia tăng. Mặc dù có thể không thể thay thế đồng USD trong thời gian ngắn, nhưng tác động của việc các quốc gia giảm sự phụ thuộc vào nó sẽ ngày càng trở nên đáng kể, cuối cùng dẫn đến một mô hình địa chính trị tiền tệ toàn cầu mới trong tương lai.

———————

Chú thích:

[1] Nới lỏng định lượng là một công cụ “phi truyền thống” mà qua đó, các NHTW làm tăng cung tiền thông qua các hoạt động mua bán tài sản trên thị trường và làm thay đổi bảng cân đối tài sản của mình. Tại Mỹ, chương trình nới lỏng định lượng (QE) khổng lồ được Cục Dự trữ liên bang Mỹ bắt đầu tung ra từ tháng 11/2008 với quy mô chương trình mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD/tháng. Sau đó, giảm dần xuống 15 tỷ USD/tháng.
[2] Lạm phát đình trệ thường được định nghĩa là một chu kỳ kinh tế mà trong đó lạm phát được duy trì ở mức cao trong thời gian dài, đi kèm với tỷ lệ thất nghiệp cao và tăng trưởng kinh tế chậm.

Theo NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC

Tags: , , ,