Thực tế đau đớn về sự phân hóa giàu nghèo ở Singapore

Singapore là một nước giàu, điều đó không có gì phải bàn. GDP đầu người nước này vào năm 2018, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, lên đến gần 65.000 đô la Mỹ, còn tính theo ngang bằng sức mua, con số này lên hơn 101.350 đô la Mỹ.

Thực tế đau đớn về sự phân hóa giàu nghèo ở Singapore

Thế nhưng theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Chính sách thuộc National University of Singapore, với câu hỏi họ có nghĩ tình hình tài chính của bản thân họ sẽ khá lên trong mười năm tới hay không, cứ 10 người dân có hơn 5 người trả lời sẽ không thay đổi gì đáng kể, chừng 10% thậm chí còn bảo tương lai tài chính của họ sẽ tệ hẳn đi.

Sự bi quan này trải đều cho các đối tượng bất kể trình độ học vấn. Với người có bằng đại học, chỉ 44% kỳ vọng chuyện tiền bạc sẽ khá lên; tỷ lệ này giảm dần với người chỉ có bằng trung cấp hay chỉ tốt nghiệp phổ thông, làm lao động tay chân. Trong một khảo sát khác của This Week in Asia, cứ 5 người Singapore, có 4 người bảo sự bi quan của họ là do lương chững lại, không theo kịp chi phí cho cuộc sống.

Tờ South China Morning Post giới thiệu một nhân vật tượng trưng, Alroy Ho năm nay 32 tuổi. Anh làm nghề người giao hàng, đi lại bằng chiếc xe điện gập (e-scooter), mỗi tháng đem về nhà được 2.000-3.000 đô la Sing tùy giao hàng được ít hay nhiều. Nay Singapore cấm chạy xe scooter trên vỉa hè, anh tính phải dành dụm mua xe gắn máy mới tiếp tục hành nghề. Anh nói: “Làm sao tôi biết 10 năm nữa chuyện gì sẽ xảy ra. Nếu hỏi tôi hai năm tới như thế nào, tôi cũng chưa biết làm gì để tồn tại. Singapore là nước rất giàu nhưng tiến nhanh quá, không phải ai cũng theo kịp”.

Beatrice B, 24 tuổi, tốt nghiệp đại học và còn nợ 28.700 đô la Sing tiền vay để học, hiện đang làm cho một tờ tạp chí. Lương hàng tháng của cô dưới 3.000 đô la Sing và phải ở nhà bố mẹ để giảm chi phí. Cô bảo cô thử gắng nhìn lạc quan về tương lai nhưng thấy lương không đổi mà chi phí cho cuộc sống ngày càng tăng.

GDP đầu người Singapore là 65.000 đô la Mỹ, tính theo đô la Sing lên đến 88.500 đô la; thế nhưng thu nhập trung vị của người dân nước này chỉ là 2.792 đô la Sing mỗi tháng, tức 33.500 đô la Sing mỗi năm. Thu nhập trung vị cho bức tranh chính xác hơn GDP đầu người vì, ví dụ, một nước có 10 người và tổng GDP là 10 triệu đô la; thực tế có 1 người thu nhập lên đến 9,9 triệu đô la, 9 người còn lại chỉ có thu nhập 100.000 đô la. Sổ sách sẽ ghi GDP đầu người nước này là 1 triệu đô la, còn thu nhập trung vị chỉ là hơn 11.000 đô la!

So sánh sự khác biệt giữa GDP đầu người và thu nhập trung vị ở Singapore như thế cho thấy chênh lệch thu nhập giữa người giàu và người nghèo là rất cao. Theo tờ Economist, nếu đo sự bất bình đẳng bằng hệ số Gini, Singapore thuộc vào loại có mức độ bất bình đẳng cao nhất thế giới. Thế nhưng cách Singapore đo hệ số này cũng rất khác các nước, loại bỏ công nhân nước ngoài ngắn hạn, các gia đình không làm việc và tính cả đóng góp của chủ lao động vào quỹ CPF (một loại quỹ an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, hưu trí, trợ cấp nhà ở)… vì thế chênh lệch thu nhập thấp hơn thực tế.

GDP đầu người Na Uy cao hơn Singapore không nhiều lắm nhưng lương tối thiểu cho một lao động quét dọn làm vệ sinh của hai nước lại chênh nhau nhiều lần; mức lương này ở Na Uy là 4.700 đô la Sing còn ở Singapore chỉ là 1.060 đô la Sing. Tiền lương của người lao động Singapore còn phải trừ ra 37% các khoản nộp cho quỹ CPF, vì thế mức lương tháng trung vị của Singapore là 4.056 đô la Sing nghe rất cao nhưng phải trừ đi 20% do bản thân người lao động đóng và 17% do người sử dụng lao động đóng thì khoản tiền đem về nhà chỉ còn 2.800 đô la Sing mỗi tháng.

Một trong những lý do giải thích tâm lý bi quan về tương lai của nhiều người dân Singapore là do giai đoạn phát triển nhanh đã qua. Từ năm 1965-1973, tăng trưởng bình quân mỗi năm lên đến 12,7%. Dù tốc độ tăng trưởng có chậm lại từ năm 1973-1979, đây vẫn là con số bình quân 8,7%/năm rất ấn tượng. Những năm gần đây GDP hàng năm chỉ tăng bình quân 3% và năm nay, do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tăng trưởng kinh tế Singapore được ước tính chỉ còn dưới 1%. Tại một hội nghị hồi tháng 10, Thủ tướng Lý Hiển Long nói: “Nếu chúng ta may mắn, tăng trưởng sẽ trên mức âm nhưng đà tăng trưởng đã giảm mạnh”.

Chuyên gia xã hội học Tan Ern Ser thuộc trường NUS cho rằng thập niên 1970, 1980 nhiều người nghèo đã vươn lên trở thành giai cấp trung lưu nhờ chính sách giáo dục và an cư nhưng nay bằng cấp không còn là yếu tố tiến thân trong khi nền kinh tế phải đương đầu với các biến động kỹ thuật số, nhiều xáo trộn và nhiều bất ổn.

Tuy nhiên nhìn từ góc độ người giàu, bức tranh lại khác. Theo số liệu của Credit Suisse vừa công bố, 5% người dân Singapore, tính cụ thể là 226.000 người lọt vào top 1% người giàu nhất thế giới, được định nghĩa là sở hữu chừng 1 triệu đô la trong tay. Còn tính top 10% người giàu nhất thế giới thì Singapore có đến 2,18 triệu người, tức gần một nửa dân số. Dĩ nhiên hơn nửa dân số còn lại là những số phận như tờ South China Morning Post giới thiệu ở trên.

Chính phủ Singapore gần đây cũng đã đưa vấn đề giảm bất bình đẳng trong thu nhập làm ưu tiên trong hoạch định chính sách. Chẳng hạn, trong những năm tới chính phủ nước này sẽ tăng gấp đôi khoản kinh phí 1 tỉ đô la Sing hiện nay cho hoạt động giáo dục trẻ dưới 8 tuổi. Singapore cũng dần xóa bỏ cách phân loại hướng nghiệp học sinh sớm, tức ép học sinh học yếu vào các trường dạy nghề; tăng mức hỗ trợ tài chính cho học sinh gia đình nghèo; ấn định mức trần giá nhà trong các dự án công. Mức độ thành công của các chính sách này còn tùy bởi nếu một bộ phận người dân cảm thấy dù họ đã nỗ lực hết sức mà vẫn không cải thiện số phận, chừng đó họ vẫn còn bi quan, vẫn còn thấy bị mắc kẹt trong một xã hội giàu có.

Theo NGUYỄN VŨ / THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Tags: ,