Thế kỷ 21: Kỷ nguyên của chủ nghĩa khủng bố và xung đột bất cân xứng

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thế giới đã không có hòa bình lâu dài bởi sự trỗi dậy của các hình thức xung đột mới, đó là chủ nghĩa khủng bố, một hình thức được thống trị bởi sự khiếp đảm, sợ hãi và đau đớn. Tính bất cân xứng của chúng được thể hiện bởi 3 đặc trưng là địa lý, số lượng và chất lượng.

Thế kỷ 21: Kỷ nguyên của các xung đột bất cân xứng

Trái ngược với sự mong đợi của nhân loại về một thế giới hòa bình, khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, nó đã kéo thế giới vào một hình thái không an toàn mới.

Thế giới đã yên bình và xán lạn biết bao khi mối đe dọa về cuộc chiến tranh hạt nhân được kiểm soát và kiềm chế bởi hai kẻ đối địch đồng thời cũng là đối tác trong thế kỷ 20! Chiến tranh nhân danh các hệ tư tưởng đối lập nhau đã đẹp biết bao khi nó diễn ra dưới bầu trời chan hòa ánh nắng ở rất xa lục địa châu Âu và nước Pháp thanh bình! Hòa bình đã thực sự được bảo vệ khi trú ngụ sau tấm rèm băng giá là phòng thủ hạt nhân.

Các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 đã đặt dấu chấm hết cho sự đơn cực ngạo mạn của nước Mỹ. Nó làm lung lay những điều đáng tin cậy về một thế giới tự cho rằng sẽ có được hòa bình và hạnh phúc vĩnh viễn. Nó cho thấy có một chiến lược bất cân xứng trong đó kẻ yếu có lợi thế hơn kẻ mạnh, có thể chiến thắng kẻ mạnh, giống như “châu chấu đá voi”. Một hình thức quan hệ quốc tế mới thống trị bởi sự khiếp đảm, sợ hãi và đau đớn đã được hình thành. Sức mạnh cảm xúc và chính trị gây ra bởi sự sụp đổ của Tòa tháp đôi là trụ sở của Trung tâm thương mại thế giới và cái chết của hơn 3.000 người ngay giữa trung tâm New York là một mốc sự kiện luôn hiện hữu trong mọi tâm trí.

Phong trào nổi dậy tại nhiều nước Arập từ năm 2011 đã là hồi chuông báo tử cho các chế độ chính trị gây tranh cãi. Nhưng cũng bất hạnh thay khi nó kéo theo vào vòng xoáy đó sự sụp đổ của nhiều nhà nước đang trên đà phát triển. “Mùa Xuân Arập” đã được hoan nghênh, cổ vũ và hậu thuẫn bởi các nước phương Tây, những nước sẵn sàng giương cao ngọn cờ dân chủ để áp đặt các giá trị cho các nước trong khu vực Địa Trung Hải. Phong trào này đã dẫn đến sự sụp đổ của nhà nước Libya, nhưng lại thay thế chính quyền cũ bằng một đám ô hợp, vô tổ chức. Nó tạo ra một không gian địa lý rộng lớn, nơi an ninh không hề được đảm bảo tại vùng giáp ranh với tiểu sa mạc Sahara, châu Phi, gần Maghreb nơi hàng nghìn kẻ lang thang, trôi dạt, có vũ trang đang nắm quyền. Bằng chứng là vào thời điểm hiện tại, hàng trăm kẻ chống đối, nổi loạn, đủ sức để đương đầu với hàng nghìn binh sĩ và cảnh sát. “Mùa Xuân Arập” hoàn thành sứ mệnh trong sự khiếp sợ và ghê rợn tại Iraq và Syria trong khi một con đường chính trị mới đang mở ra tại Tunisia.

Đức tin có khả năng chinh phục

Trước khi “dằn mặt” phương Tây, chủ nghĩa khủng bố vừa mang tính quốc tế vừa mang tính khu vực đã làm phương Đông hoảng loạn. Chủ nghĩa khủng bố là hiện thân của cuộc chiến bất cân xứng, được bắt đầu vào năm 1993 tại Mỹ, khi các lực lượng Hồi giáo cực đoan tiến hành những vụ tấn công đầu tiên. Bước sang thế kỷ 21, cuộc xung đột này lan sang châu Âu và nước Pháp đã thực sự tham gia cuộc chiến này. Tác nhân chính của chúng là những người mang trong mình một đức tin có khả năng chinh phục, một quyết tâm cao độ giành lấy quyền lực vì các lý do tôn giáo và kinh tế.

Thực tế cho thấy những kẻ đánh cắp xe hơi, được trang bị súng tiểu liên thường tỏ ra hành động hiệu quả hơn những kẻ được trang bị xe tăng, đại bác và tên lửa. Chủ nghĩa khủng bố đã chứng tỏ rằng niềm tin tôn giáo luôn mạnh hơn kỹ thuật quân sự. Nó cũng cho thấy sự vô nghĩa của số lượng trong lĩnh vực quân sự trước quyết tâm cao độ, sức tưởng tượng phong phú và khả năng tác chiến nhanh gọn của các nhóm khủng bố với quân số tối thiểu. Các cuộc không kích dồn dập và chính xác thực hiện bởi máy bay và tên lửa của các cường quốc phương Tây cũng không thể đánh bại được các nhóm này. Chủ nghĩa khủng bố quốc tế đang tiến hành cuộc chiến tranh bất cân xứng cho phép những người tổ chức chiếm được những vùng lãnh thổ rộng lớn với nhiều nguồn tài nguyên dầu khí và khoáng sản đồng thời bắt người dân tại các vùng đất đó phải khuất phục.

Loại hình xung đột này được đặc trưng bởi 3 yếu tố không cân xứng về địa lý, số lượng và chất lượng. Thực tế là loại xung đột này có thể diễn ra đồng thời tại 2 địa bàn: một là tại nơi có đụng độ quân sự, hai là tại một nơi rất xa các khu vực chiến sự nhưng là nơi đã được chủ nghĩa khủng bố nhập khẩu bạo lực. Và như vậy, một cầu nối chiến lược đã được thiết lập giữa một đất nước đang trong tình trạng chiến tranh công khai và một đất nước nhìn bên ngoài rất yên bình.

Về số lượng, sự tương phản về số người được huy động giữa 2 phe cũng gây chú ý. Hàng nghìn binh sĩ đối diện với vài trăm người, đôi khi chỉ là một vài cá nhân đơn lẻ. Kho vũ khí được sử dụng cũng có tỷ lệ tương đương. Một bên là rất nhiều tên lửa và đại bác, máy bay chiến đấu, một bên chỉ là vũ khí hạng nhẹ, lựu đạn và súng phóng tên lửa.

Cuối cùng thì cuộc chiến là không cân xứng về chất lượng bởi bản chất các lực lượng tham chiến: các binh sĩ được đào tạo bài bản và được tổ chức thành quân đội chống lại các nhóm nhỏ những chiến binh không đồng phục, không đội hình. Nó cũng không cân xứng về mục tiêu vì các mục tiêu quân sự thuần túy tại các khu vực chiến sự được đặt ngang tầm với các mục tiêu dân sự như con người và tài sản tại các nước không có chiến tranh.

Vào thế kỷ 21, cuộc chiến tranh bất cân xứng ngày càng tiến một cách đáng lo ngại về gần những nhà nước tin tưởng vào nền hòa bình vĩnh viễn. Nó đưa lên sàn diễn các chiến binh thế hệ mới, đến từ những đất nước đang chịu tác động của chủ nghĩa khủng bố. Diễn viên chính là những cá nhân sẵn sàng tử vì đạo để đổi lấy việc tiêu diệt một số lượng kẻ thù lớn nhất có thể. Bên cạnh đó, cuộc chiến không chỉ không cân xứng về số lượng người và vũ khí, mà nó còn không cân xứng về chất lượng khi so sánh những tên khủng bố được trang bị đầy đủ vũ khí, nung nấu ý định gieo rắc cái chết và kẻ thù mà chúng nhắm tới là những người dân không có vũ khí phòng thân.

Mục tiêu : Sát hại con người

Nhìn lại các vụ tấn công khủng bố tại Toulouse, Brussels và Paris từ năm 2012 đến nay, chúng ta nhận thấy cuộc chiến bất cân xứng có xu hướng thu hẹp địa bàn vào một tòa nhà, một căn hộ, một cửa hàng thực phẩm, một trường học, một bảo tàng. Nó cũng tạo ra những hiệu ứng không cân xứng khi xem xét thiệt hại về con người: một bên là 5 kẻ khủng bố bị tiêu diệt và một bên là hàng chục người bị sát hại. Vậy là kẻ yếu có lợi thế khi chống lại kẻ mạnh vì chúng có thể chọn thời gian và địa điểm để thực hiện hành động của mình.

Những tên khủng bố tìm cách gieo rắc sự sợ hãi cho người dân để người dân gây áp lực lên chính phủ, yêu cầu chính phủ phải thay đổi chính sách, thậm chí là ép buộc chính phủ phải từ bỏ quyền lực. Mục tiêu của chúng không bao giờ công khai mà luôn được giấu kín, chúng có thể tấn công bằng hình thức bất ngờ và riêng lẻ, để lại những nghi hoặc về sự xuất hiện cũng như biến mất của hình thức bạo lực này.

Đối mặt với mối đe dọa này, các nhà lãnh đạo nhân danh tự do tư tưởng và ngôn luận có thể áp đặt các quy định, các yêu cầu, tiến hành kiểm duyệt hoặc cấm đoán một số hành vi nhằm ngăn chặn bạo lực giống như quy định của Luật Yêu nước tại Mỹ, được thực hiện kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001, cho dù quy định đó có mâu thuẫn với Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1789 – văn bản nền tảng của Cách mạng Pháp.

Cuộc chiến tranh bất cân xứng giữa các nhà nước là thành viên Liên hợp quốc và các nhóm khủng bố muốn đảo lộn thế giới là một hình thức an toàn để đổi mới chiến lược. Cuộc chiến này phải được các nhà nước bị đe dọa bởi chủ nghĩa khủng bố phân tích và nhận thức nhằm có thể phòng tránh đồng thời tiến hành tiêu diệt các phần tử khủng bố. Các quốc gia phương Tây buộc phải chiến thắng trong cuộc chiến tranh bất cân xứng ngay trên lãnh thổ của mình và các quốc gia lân cận trong hoạt động của lực lượng cảnh sát cũng như trên mặt trận tư pháp và quân sự. Cuộc chiến này cũng cần phải giành được thắng lợi trong trường học, trên phương tiện truyền thông cũng như trên mặt trận ngoại giao. Chỉ có tư tưởng và hành động là có thể đảm bảo an ninh nội địa cho nước Pháp và hòa bình trên thế giới trong thế kỷ 21.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG / LE MONDE

Tags: ,