Thế giới ảo – đế chế vô hình đang thống trị toàn cầu

Không ai có thể hình dung nổi, chỉ mất có vài chục năm, nhân loại đã tạo ra thêm cho mình một thế giới không thua kém gì thế giới mà Chúa trời tạo ra.

Cứ thử giả định ngay ngày mai cái thế giới ảo, sản phẩm hoàn toàn nhân tạo ấy bị xóa sổ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra với trái đất này? Một sự rối loạn khổng lồ trên toàn cầu là điều có thể thấy trước? Theo đó sản xuất ngừng trệ do thiếu ý tưởng và do hàng hóa ứ đọng, hàng triệu chuyến bay bị hoãn lại, con người bị cắt đứt phần lớn sự giao lưu. Những tai họa không thể kiểm soát được diễn ra khắp các châu lục. Do thông tin bị đình đốn dẫn đến vô số hiểu lầm giữa các quốc gia. Những hiểu lầm ấy có thể chỉ trong vài giây khởi động một cuộc hủy diệt trái đất. Và thế là chấm hết luôn cái thế giới thực phải mất mấy tỉ năm mới có bộ mặt như ngày hôm nay. Liệu những mô tả về ngày tận thế có đáng sợ hơn?

Sự thật thì con người không thể nào thiếu thứ gọi là thế giới ảo được nữa. Thậm chí, họ đang dần chuyển đời sống thực của mình vào thế giới ấy. Ngay cả lịch sử cũng sẽ cư trú ở đó dưới dạng số hóa cho đến khi thế giới thực biến mất. Có thế nói, nó là phiên bản thứ hai của thế giới này. Vì thế, mọi nỗ lực ngăn cản thế giới ảo phát triển sẽ bị coi là phản động. Và, một điều tưởng như nghịch lý đang xảy ra: Không gì thực hơn cuộc sống trong thế giới ảo!

Việt Nam chúng ta còn nhiều thứ lạc hậu so với khu vực, nhưng riêng trong lĩnh vực kiến tạo một quốc gia ảo thì chúng ta đang ở tóp đầu về tốc độ phát triển. Một phần ba dân số thực có sổ hộ tịch ảo. Rất nhiều trong số đó trở thành những lãnh chúa về mặt tài lực và quyền lực, có thể chi phối nhiều đối tượng dân cư, trên cả một diện rộng dư luận. (Những người sở hữu tài sản trên sàn chứng khoán, tài sản thương mại ảo, những cá nhân nổi tiếng…) Cũng không ai quãng chục năm trước hình dung ra điều này, thậm chí ngay cả khái niệm công dân mạng đã rất quen thuộc hiện nay. Vì thế, giống như một xã hội phát triển quá nóng, chúng ta đang có một quốc gia ảo không có quy hoạch về hạ tầng, vô cùng lộn xộn trong sinh hoạt, đặc biệt rất thiếu luật lệ. Cũng có nghĩa là chúng ta đang đối mặt với một vấn đề cực kỳ hệ trọng của quốc gia.

Thực ra tình trạng đó không chỉ xảy ra với riêng Việt Nam. Bằng chứng là những tổ chức ngăn chặn tội phạm từ xã hội ảo trên thế giới cũng ra đời rất muộn, khi hàng trăm hàng ngàn thảm họa đã xảy ra. Khái niệm an ninh mạng chỉ mới trở thành quen thuộc và được luật hóa với rất nhiều quốc gia. An ninh mạng thực chất là thiết lập một trật tự luật pháp trong thế giới ảo. Tức là đưa những tiêu chuẩn văn minh thực áp dụng vào cuộc sống ảo. Nhưng vì nó không hiện hình cho nên kiểm soát cái thế giới ấy, tạo cho nó một nền an ninh trật tự là vô cùng khó.

Điều này lẽ dĩ nhiên là càng rất khó với Việt Nam, nơi mà các nguồn lực còn rất hạn hẹp và nhiều sự phát triển thiếu tương xứng. Những vụ tội phạm mạng do người nước ngoài tiến hành ở Việt Nam trong thời gian qua, nói rất rõ một điều là chúng ta đang trở thành địa điểm còn nhiều an toàn cho chúng. Tức là “Việt Nam ảo” còn rất nhiều khoảng trống về an ninh. Nhưng đó là cả một vấn đề lớn chúng tôi không dám lạm bàn. Điều chúng tôi quan tâm mang tính thiết thực với đời sống hàng ngày: Đó là cảnh báo về những tai họa hiện thực một cách trần trụi, có nguồn gốc từ thế giới ảo.

Bất cứ ai chỉ cần mỗi ngày click vài cú chuột, cũng phải đối mặt với những thông tin tội phạm có nguyên nhân từ mạng internet xuất hiện dày đặc. Mà chúng cũng chưa phải là tất cả. Có cả trăm ngàn hình thức gây tội ác đang được thực hiện vô tình hay cố ý. Chỉ cần một tin nhắn vu vơ trên mạng, xuất phát từ một cảm hứng thiếu văn hóa nào đó, đã có thể đã giết chết một hoặc nhiều mạng người. Chỉ cần một lời dèm pha cay độc, gia đình nào đó đã tan nát tất cả những gì gây dựng nhiều chục năm; chỉ cần vài lời tỏ tình vu vơ, cuộc đời cô bé cả tin nào đó bị ném xuống địa ngục; chỉ vì bắt chước hành động diễn ra trong trò chơi, cậu bé nào đó thản nhiên chặt đứt cổ ông nội…cùng hàng trăm vụ việc đau lòng khác đều từ thế giới ảo. Những tên cướp nhà băng ngày nay không cần đến vũ khí đầy mình, xe tốc độ cao để gây án, mà chỉ cần vài cái máy tính, vài bộ thiết bị trong một căn phòng hơn chục mét vuông, có điều hòa, có camera cảnh báo, có tủ đựng rượu và thức ăn ngon, có bồn tắm mát-xa…nghĩa là điều kiện gây tội ác dựa vào thế giới ảo tiện lợi hơn rất nhiều những gì vẫn diễn ra một cách cổ điển. Điều nguy hiểm ở đây là nhiều khi kẻ thủ ác hoàn toàn không biết mình phạm tội, không nhìn thấy nạn nhân do mình gây ra vì thế không bị ám ảnh bởi tội ác, không bị sức ép truy lùng từ phía luật pháp. Điều đó còn có tác dụng kích thích ham muốn thể hiện bản thân, ở những vùng tăm tối của con người. Tức là phương tiện phạm tội thực hiện thông qua thế giới ảo sẵn và khó nhận dạng hơn cả trăm ngàn lần hung khí thật. Trong khi đó nơi ẩn nấp của tội phạm lại có ở khắp nơi và cực kỳ an toàn.

Không thể nào dẫn ra hết một phần những vụ việc đau lòng xuất phát từ thế giới ảo và người viết bài này cũng không định làm cái việc vô công rồi nghề ấy. Điều đáng bàn hơn là làm sao để chúng ta có thể sống an bình trong và bên cạnh cái thế giới ảo mù mịt, vô cùng khó lường nhưng đã là một phần hiện thực của cuộc sống này. Sống được và khai thác, tận dụng tối đa những điều tuyệt vời mà nó tạo ra hoặc đem lại. Quan trọng hơn là không để xảy ra tình trạng bi thảm có những bộ phận dân cư, vì từng là nạn nhân mà nuôi mối thù nghịch thế giới ảo, dùng mọi cách chống lại nó như chống lại cối xay gió.

Theo chúng tôi, khác với xã hội thực, cuộc sống trong thế giới ảo không thể chỉ cần duy trì nghiêm luật pháp là đủ đảm bảo trật tự. Bởi vì trong thế giới ảo không còn khái niệm chủ quyền quốc gia hiểu theo nghĩa về lãnh thổ, không còn biên giới, không còn sở hữu tuyệt đối. Mọi thứ đều nhanh chóng tự ý co dãn theo ý thích của từng cá nhân. Không thể quản lý họ bằng những chế tài thông thường bởi đa số đều ở ngoài tầm với của những công cụ pháp luật hiện thời. Trên thực tế, chống lại tội phạm mạng là chống lại sự xâm nhập của những sản phẩm trí tuệ rác rưởi. Vì thế, an ninh của thế giới ảo cần nhất ở thái độ sống, tinh thần trách nhiệm và khả năng liên kết của những người tử tế lập thành phòng tuyến dư luận. Đơn vị chiến đấu hữu hiệu nhất chính là gia đình. Có một lời khuyên không bao giỡ cũ là mỗi bậc phụ huynh hãy để mắt đến con em mình khi chúng lang thang vào thế giới ảo, nếu còn muốn chúng nguyên lành trong thế giới thực.

Về phương diện quản lý xã hội ảo thì một thứ khế ước văn hóa được sự hậu thuẫn có hiệu quả bởi các luật lệ không khoan nhượng, như kiểu những trang mạng xã hội đang làm rất có hiệu quả, là gợi ý tốt cho chúng ta. Hình thức trừng phạt hữu hiệu nhất với những kẻ vi phạm luật lệ trong thế giới ảo, theo tôi, là từ chối tư cách thành viên, tước quyền có quốc tịch ảo của họ, kiểu như hình phạt cấm bay mà các hãng hàng không vẫn áp dụng. Với công nghệ ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được chế tài này.

Những nhiệm vụ nêu ở trên cần phải được coi như những đại sự, nếu Nhà nước và toàn xã hội ý thức được rằng sự tồn tại của thế giới ảo không còn chỉ là nhu cầu về một thứ công cụ tiện dụng ngoại nhập, mà đã ở mức một không gian sinh tồn khác của quốc gia.

Theo TẠ DUY ANH BLOG

Tags: