Thảm sát Mỹ Lai: Nhìn lại một nỗi đau

Một đại đội lính Mỹ đến Mỹ Lai vào một buổi sáng đầy nắng. Nhiệm vụ của họ rất rõ ràng. “Mệnh lệnh là bắn vào bất cứ thứ gì động đậy”, một quân nhân Mỹ về sau kể lại, khi chuyện về vụ thảm sát vỡ lở gây chấn động cả thế giới.

Thảm sát Mỹ Lai: Nhìn lại một nỗi đau

Mỹ Lai là một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Vụ giết dân thường thảm khốc xảy ra ngày 16/3/1968, khi binh lính Mỹ xả súng giết đàn ông già cả, đàn bà, trẻ con, cả những con bò con chó. Những cơ thể phụ nữ còn hằn dấu vết bị làm nhục. 504 người dân thường thiệt mạng. Không một ai trong số lính Mỹ bị bắn.

Quân đội Mỹ đã che đậy vụ việc trong hơn một năm rưỡi, cho đến khi nhà báo Seymour Hersh điều tra ra và cho công chúng cả thế giới biết sự thực. Khi đó, tháng 11/1969, phong trào phản chiến đã lên cao cả ở Mỹ và các nước trên thế giới. Với cả một thế hệ những người châu Mỹ, châu Âu và châu Á, vụ thảm sát Mỹ Lai là một vết nhơ của nước Mỹ.

“Nước Mỹ và người Mỹ không thể không gánh nặng cảm giác tội lỗi và sự day dứt của lương tâm trước những gì diễn ra ở Mỹ Lai”, tờ Time bình luận khi vụ việc lần đầu được đưa ra ánh sáng. Mùa thu năm 1969, hàng triệu người Mỹ từ bờ tây sang bờ đông, trong đó có 250.000 người ở thủ đô Washington, đã tổ chức những cuộc tuần hành lớn để phản đối chiến tranh.

Diễn biến vụ thảm sát

Đại đội Charlie thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn 20, sư đoàn bộ binh 23 của quân đội Mỹ đến Việt Nam năm 1967 và hầu như không tham chiến trong những tháng đầu tiên ở nước này.

Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, thông tin tình báo của Mỹ cho rằng tiểu đoàn 48 của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam đang trú ẩn ở làng Sơn Mỹ thuộc tỉnh Quảng Nam. Quân đội Mỹ ra lệnh tấn công vào các ngôi làng, giao cho binh lính nhiệm vụ “tìm và diệt”, đốt nhà cửa, giết vật nuôi, hủy hoại lương thực thực phẩm và có thể đầu độc cả các giếng nước.

Sáng 16/3/1968, đại đội Charlie tiến vào Mỹ Lai, trung đội 1 mở đường, hai trung đội khác bao vây hai bên sườn, sau khi đã nã một loạt pháo và đạn dội xuống từ trực thăng. Không có một người lính “Việt Cộng” nào trong làng. Lính Mỹ bắt đầu bắn giết bừa bãi các dân thường, gồm trẻ em, phụ nữ và những ông già. Sau khi các thường dân đầu tiên ngã xuống, chúng bắn vào bất cứ thứ gì chuyển động.

“Những tên lính dường như phát điên, bắn hạ tất cả những người không mang vũ khí, kể cả trẻ sơ sinh. Những gia đình ẩn nấp trong các ngôi nhà lá hoặc các căn hầm mong được yên thân cũng không được tha. Những người đã giơ tay hàng cũng không thoát khỏi cảnh bị bắn giết. … Khắp trong làng, những cảnh bắn giết dã man diễn ra. Phụ nữ bị hãm hiếp tập thể; những người khác bị đánh, tra tấn, đập vào đầu bằng báng súng rồi sau đó bị đâm bằng lưỡi lê”, hãng tin BBC mô tả.

Sau đó, hàng chục thi thể nạn nhân đã bị những tên lính đẩy xuống một cái mương. Có những người thậm chí còn bị khắc chữ cái C – chữ đầu tiên của tên đại đội lính Mỹ – lên ngực.

“Trông chẳng khác nào một bể máu dưới kia? Cái quái gì đang diễn ra thế”, một viên phi công lái trực thăng phía trên bầu trời làng Mỹ Lai khi đó thốt lên.

Giải cứu

Phi công trực thăng Hugh Thompson, khi đó 24 tuổi, thuộc phi đội thám không, đã tận mắt chứng kiến hàng trăm người dân chết hoặc hấp hối khi bay qua làng. Anh và phi đội nhìn thấy một phụ nữ không vũ trang đang rũ xuống, bị đá vào người rồi bị bắn. Họ liên lạc bằng radio để tìm kiếm sự trợ giúp cho những người bị thương. Sau đó, chiếc trực thăng hạ cánh bên một con mương, nơi đó đầy những thi thể, và có cả những người bị thương. Thompson yêu cầu một người lính ở đó giúp đỡ những người còn sống.

Tiếp đó, họ thấy một nhóm thường dân Việt Nam (lại chỉ toàn trẻ con, phụ nữ và ông già) trong một căn hầm mà lính bộ binh Mỹ đang tiến đến. Thompson hạ cánh và tuyên bố nếu toán lính bắn vào dân, anh sẽ giúp họ thoát khỏi nơi này. Có chừng 12-16 người trong hầm được đưa lên trực thăng thoát khỏi vụ thảm sát.

Năm 1998, ba quân nhân Mỹ, gồm Hugh Thompson (phi công), Glenn Andreotta và Lawrence Colburn (phụ trách súng trên máy bay) được chínhphủ Mỹ trao huân chương vì đã ngăn chặn đồng ngũ giết chóc thường dân, giảm số thương vong trong vụ Mỹ Lai. Thompson và Colburn sau này đều trở lại ngôi làng và gặp lại những người được cứu sống.

Đưa ra ánh sáng

Nhà báo chuyên điều tra nổi tiếng thế giới Seymour Hersh, sau nhiều cuộc nói chuyện với William Laws Calley – người sau này bị buộc tội đã ra lệnh tiến hành vụ thảm sát Mỹ Lai – là người cho thế giới biết đến tội ác này. Tháng 11/1969, một loạt tạp chí gồm Time, Life và Newsweek đều đưa vụ việc lên trang nhất. Báo chí đăng những bức ảnh chi tiết về các dân làng bị chết dưới tay lính Mỹ ở Mỹ Lai.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Melvin Laird bình luận: “Có quá nhiều xác trẻ em nằm đó; những bức ảnh đó là sự thực”.

Tin tức kinh hoàng về vụ thảm sát hâm nóng thêm phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Nhân dân Mỹ và thế giới đòi rút quân đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam. Vụ Mỹ Lai cũng khiến nhiều thanh niên Mỹ có thêm lý do để phản đối việc đăng lính; những người vốn có tư tưởng phản chiến được tiếp thêm sức mạnh, những người đang lưỡng lự ngả hẳn sang phe phản chiến.

Một trong những ảnh hưởng quan trọng nhất của vụ Mỹ Lai đối với người Mỹ và thế giới, đó là nó làm thay đổi thái độ của công chúng đối với cuộc chiến phi nghĩa và tàn bạo này. Những người vốn thờ ơ với cuộc tranh luận về chiến tranhhay hòa bình đã bắt đầu chú ý phân tích cuộc chiến một cách sâu sắc hơn. Những câu chuyện kinh hoàng về cuộc chiến cũng được dần đưa ra ánh sáng.

Theo VNEXPRESS

Tags: , , ,