Thảm kịch từ sự thù hận: 100 ngày – 1/8 dân số bị giết

Năm 1994, Rwanda đã phải chứng kiến nạn diệt chủng ghê rợn giữa hai sắc tộc tại đất nước này. Chỉ vẻn vẹn trong 100 ngày, 1/8 dân số của đất nước, tức khoảng gần 1 triệu người đã phải chết trong sự bàng hoàng và đau đớn.

Nguồn cơn từ kích động mâu thuẫn sắc tộc

Giữa thập niên 1990, tại Rwanda, miền trung châu Phi đã xảy ra một trong những cuộc diệt chủng tàn khốc bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Nạn diệt chủng được châm ngòi bởi cái chết của Tổng thống Rwanda Juvenal Habyarimana, một người Hutu. Chiếc máy bay của ông này bị bắn hạ trên bầu trời sân bay Kigali vào ngày 6/4/1994. Lập tức cộng đồng người Hutu chiếm đa số dân số tại Rwanda đã đổ lỗi cho người Tutsi- một cộng đồng người vốn tồn tại mâu thuẫn sâu sắc từ hàng trăm năm trước. Điều không ai ngờ nhất là chỉ trong vòng vài giờ sau cái chết của tổng thống Juvenal Habyarimana , bạo lực lan rộng từ thủ đô ra khắp đất nước và kéo dài ngày càng ác liệt trong vòng 3 tháng liên tiếp.

Sau khi nhận được thông tin về cái chết của Tổng thống Rwanda Juvenal Habyarimana vào ngày 6/4/1994, lực lượng bảo vệ tổng thống đã ngay lập tức phát động một chiến dịch trừng phạt. Hàng loạt thủ lĩnh của các đảng phái chính trị đối lập bị sát hại và hầu như ngay lập tức cuộc thảm sát người Tutsi và những người Hutu theo đường lối trung hoà bắt đầu. Chỉ trong vòng vài giờ, lực lượng vũ trang Hutu được triển khai nhanh trên khắp đất nước để châm ngòi cho một làn sóng tàn sát.

Không chỉ dừng lại ở những người ủng hộ tổng thống Juvenal Habyarimana, lực lượng thân cận của ông này đã còn thuyết phục thường dân tham gia vào cuộc diệt chủng. Được kích động bởi lực lượng bảo vệ tổng thống cùng với chiến dịch tuyên truyền trên đài phát thanh, một nhóm vũ trang không chính thức có tên Interahamwe được huy động. Vào lúc cao điểm, nhóm này có tới 30.000 tay súng. Nhiệm vụ của họ là bắt và giết những người Tutsi, không phân biệt già trẻ trai gái, trẻ em hay phụ nữ.

Cả đất nước chìm trong loạn lạc, đẫm máu

Trong những ngày đẫm máu này, những tay súng cực đoan Hutu được trang bị dao rựa, cuốc, dùi cui và súng trường, hình thành đội quân giết người hung bạo. Nhóm vũ trang Interahamwe còn vác loa đi khắp đất nước kêu gọi giết người Tutsi và cả những người ôn hòa cùng dòng máu Hutu. Những vụ tàn sát diễn ra ngay tại các giáo đường, các điểm dừng giao thông, chợ, tại các gia đình; và sự giết chóc thường diễn ra sau khi chửi mắng nguyền rủa, đánh đập hoặc hãm hiếp. Cả đất nước Rwanda chìm trong loạn lạc đẫm máu.

Điều làm cho người dân Rwanda giận dữ là cuộc diệt chủng diễn ra trong suốt 100 ngày nhưng các cường quốc trên thế giới như Mỹ, các nước thuộc Liên minh châu Âu và tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới Liên hợp quốc dường như không có phản ứng gì, ngay cả khi cuộc diệt chủng biến thành một cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn”.

Theo thống kế của Liên hợp quốc, chỉ trong vòng 100 ngày, có tới trên 800.000 người Tutsi ôn hoà và một số ít người Hutu bị giết, ghi dấu ấn vào một trong những nạn diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại.

Kể từ khi nạn diệt chủng nói trên chấm dứt, có khoảng 95.000 trẻ em ở Rwanda bị mồ côi cha mẹ và khoảng 2.000 phụ nữ nhiễm HIV do bị hãm hiếp. Năm 2001, ước tính có khoảng 264.000 trẻ em ở nước này bị mất mẹ hoặc bố vì bệnh AIDS và con số trên đã lên tới 350.000 trẻ em vào năm 2010.

Sau 100 ngày khi nạn diệt chủng Rwanda kết thúc khi một chính phủ đa sắc tộc được thành lập, những cái chết trong sự hoảng loạn của hàng triệu người vô tội vẫn luôn ám ảnh và đeo bám người dân Rwanda cho tới ngày nay. Mặc dù nhiều năm đã trôi qua, nhưng những ký ức ghê rợn về chuỗi ngày được cho là “vết nhơ trong lịch sử loài người” vẫn như vừa xảy ra ngày hôm qua.

Mặc dù đã có cuộc sống tương đổi ổn định tại Mỹ, nhưng mỗi khi nhắc lại tới nạn diệt chủng năm 1994, cô Rose Mapendo lại cảm thấy bàng hoàng và đau xót. Vào thời điểm đó, Mapendo đang bụng mang dạ chửa phải đưa chồng đến trú ẩn tại một nơi an toàn, còn cô cùng các con đi đến chỗ trú ẩn khác. Tuy nhiên, sau 1-2 tháng ẩn nấp, 3 chiếc xe tải chở lính đã xuất hiện trước nơi trú ẩn của Mapendo. Cô thoạt nghĩ chắc chắn chúng sẽ chẳng làm hại mẹ con cô bởi cô là phụ nữ và không phải một chính trị gia. Nhưng rồi chúng đã bắt tất cả mẹ con cô lên xe chở đi. Một số tên còn đề xuất “sao không giết quách chúng đi cho xong chuyện”.

Mẹ con Mapendo đã bị tống lên xe và được đưa đến một căn cứ quân sự, nơi có rất nhiều người khác đang bị giam giữ tại đây. “Căn phòng đó tối tăm, ẩm thấp và chỉ bé như 1 cái bếp. Ở đó, hơn 40 con người chúng tôi bị quân lính đối xử như những con thú vật”- Cô Mapendo nhớ lại.

Theo lời kể của Mapendo, hàng đêm, tất cả những phụ nữ, thậm chí cả các bé gái mười mấy tuổi cũng bị quân lính đem ra ngoài trời và cưỡng hiếp. “Có những đứa bé đã gào thét xin tha, nhưng chúng như một lũ súc vật, hết thằng này cho tới thằng khác hãm hiếp con bé. Có những tối, có con bé do kiệt sức không còn đứng dậy nổi, chúng vẫn lôi ra ngoài giở trò đồi bại”- Mapendo xót xa nói.

Không chỉ có phụ nữ và trẻ em gái bị hãm hiếp, những người đàn ông bị bắt giam cũng bị quân lính coi như vật dụng làm trò tiêu khiển. Cô Mapendo kể lại: “Chúng đánh đập, lê kéo những người đàn ông trong căn phòng đó. Thậm chí tôi đã nhìn thấy, quân lính còn bắt vài người đàn ông phải chứng kiến cảnh chúng hãm hiếp vợ mình ngay trước mặt. Chẳng còn đau đớn và tủi nhục nào bằng. Tất cả những người đàn ông đó sau này cũng bị giết chết”.

Một trong những câu chuyện gây tiếng vang nhất trong nạn diệt chủng này chính là câu chuyện của Paul Rusesabagina- một nhân viên quản lý khách sạn đã làm nên “kỳ tích” khi cứu sống hơn 1.200 người thoát khỏi cuộc tàn sát. Một buổi sáng, toán quân Hutu đã xông thẳng vào nhà lôi cả gia đình Paul cùng những người hàng xóm Tutsi đang trú ẩn ra sân chuẩn bị hành hình. Cầm chắc cái chết, song Paul nhanh trí nghĩ ra cách mua chuộc tên chỉ huy: dùng tiền “mua” mạng sống! Tên lính gật đầu. Thế là Paul phải vét sạch mọi thứ kèm theo những lời van xin mới có thể cứu được vợ con và cả những người hàng xóm mà anh không đành lòng quay lưng.

Sau khi thoát chết, Paul phải dắt díu mọi người vào lánh nạn tại khách sạn Des Mille Collines – nơi anh quản lý và được lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc bảo vệ vì có nhiều người nước ngoài đang trú ngụ. Tại đây, Paul đã tiếp nhận thêm hàng ngàn người Tutsi trên đường trốn chạy. Bằng mối quan hệ rộng rãi của mình, anh đã làm đủ mọi cách để giúp đỡ họ, biến khách sạn thành một pháo đài an toàn bảo vệ những người dân Tutsi khốn khổ tránh khỏi bàn tay diệt chủng của bọn phiến loạn.

Sau hành động anh hùng như một vị cứu tinh, anh đã được các tổ chức quốc tế trao tặng nhiều giải thưởng cao quí. Bộ phim thuật lại kỳ tích của anh “Hotel Rwanda” do điện ảnh Mỹ thực hiện cũng đã lọt vào top 10 phim hay nhất 2004 do Tổ chức National Board of Review bình chọn.

Trừng phạt những kẻ thủ ác đầu sỏ

Cộng đồng quốc tế luôn lên án và không bao giờ dung thứ các vụ thảm sát và nạn diệt chủng. Những kẻ rắp tâm đi ngược lại với lợi ích của loài người đang phải trả giá cho tội ác của mình. Những kẻ cầm đầu, phát động nạn diệt chủng này cuối cùng cũng đã phải trả giá.

Tháng 12 năm 2008, bản án đầu tiên dành cho những kẻ chủ mưu tại cuộc thảm sát tại Rwanda đã được tuyên bố. Bernard Munyagishari, một cựu lãnh đạo nhóm dân quân Hutu đã bị truy nã về tội diệt chủng và tội ác chống lại nhân loại, trong đó có tội hiếp dâm đã bị bắt giữ tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Toà Hình sự Quốc tế có trụ sở tại Tanzania đã buộc tội ông Bagosora và ba sĩ quan quân đội cao cấp khác đã âm mưu “lên kế hoạch với mục đích tiêu diệt người dân Tutsi và loại bỏ toàn bộ các thành viên thuộc phe đối lập”. Ông Bagosora bị giam giữ từ năm 1996, bị buộc tới 11 tội danh, trong đó có các tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại.

Cũng trong bản án đầu tiên đưa ra vào tháng 12/2008, tòa cũng đã kết án Protais Zigiranyirazo, em rể của cố Tổng thống Juvenal Habyarimana 20 năm tù vì bị buộc tội đã ra lệnh những người Hutu giết chết 48 người trong hai vụ riêng biệt.

Tiếp đó, nữ cựu Bộ trưởng nữ Rwanda, Pauline Nyiramasuhuko đã bị kết án tù chung thân vì tội danh diệt chủng và ra lệnh hiếp dâm đối với nhiều phụ nữ, trẻ em ở Tutsi trong cuộc thảm sát.

Cũng từ năm 2008 đến nay, trên 500 người đã bị kết án tử hình và 100.000 người khác vẫn đang bị giam giữ vì liên quan tới vụ thảm sát. Tuy nhiên, những kẻ cầm đầu vẫn đang lẩn trốn và rất nhiều người mất thân nhân trong thảm hoạ diệt chủng vẫn đang mòn mỏi đợi chờ công lý.

Theo NGƯỜI ĐƯA TIN

Tags: , ,