Thảm họa động đất – sóng thần 2004 và bài học lớn từ Indonesia

Tròn 15 năm sau, con người vẫn đang phải hứng chịu những trận thiên tai thảm khốc, thậm chí là thường xuyên hơn và với cường độ lớn hơn do tác động của biến đổi khí hậu.

Thảm họa động đất – sóng thần 2004 và bài học lớn từ Indonesia

Nằm trên khu vực “Vành đai Lửa” – nơi các mảng kiến tạo địa chất va chạm gây ra động đất thường xuyên, Indonesia là một trong những quốc gia dễ hứng chịu thiên tai nhất trên thế giới.

Trận động đất – sóng thần năm 2004 ở đảo Sumatra, thuộc tỉnh Aceh của nước này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 230.000 người tại 14 quốc gia dọc Ấn Độ dương, gây thiệt hại vật chất tới hàng tỷ USD. Indonesia là quốc gia chịu tổn thất lớn nhất với ít nhất 170.000 người thiệt mạng, hơn 93.000 người mất tích và thiệt hại tài sản ước tính trên 4,5 tỷ USD. Đây được coi là thảm họa động đất – sóng thần tang thương nhất trong lịch sử “Xứ Vạn đảo”.

Sáng 26/12/2004 – đúng ngày lễ Tặng quà (Boxing Day), một trận động đất độ lớn 9,1 đã xảy ra dưới độ sâu 25km ở khu vực cách bờ biển phía Tây đảo Sumatra khoảng 240km. Cơn địa chấn kéo dài khoảng 10 phút và trở thành trận động đất dài nhất trong lịch sử Indonesia, đồng thời là trận động đất lớn thứ ba từng làm rung chuyển đáy đại dương kể từ năm 1900. Trận động đất đã gây ra vết nứt gãy dài 1.127 km, giải phóng năng lượng nhiều gấp 23.000 lần so với quả bom nguyên tử từng tàn phá thành phố Nagasaki của Nhật Bản. Nhiều phần đáy biển đã bị dịch chuyển tới 9 mét về phía Tây – Tây Nam.

Thế nhưng, đó chưa phải điều tồi tệ nhất. Cơn địa chấn đã nâng đáy đại dương cao thêm 40 mét, gây ra một trận sóng thần lớn với những cột sóng cao tới 30 mét và tốc độ khoảng 100 mét/giây (tương đương 360 km/giờ). Con sóng khổng lồ giận dữ nhấn chìm thành phố Serambi Makkah, tiếp đó là Banda Ache rồi lan rộng khắp Ấn Độ Dương, tấn công bãi biển Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Somalia, Bangladesh, Maldives và Quần đảo Cocos. Điều đáng nói là khi thảm họa xảy ra, hệ thống cảnh báo sớm sóng thần ở khu vực Ấn Độ Dương không hoạt động và cũng không có cơ quan quản lý thảm họa khu vực nào đưa ra lời cảnh báo cho người dân.

Theo số liệu của Cơ quan Xây dựng và Tái thiết tỉnh Aceh, khoảng 120.000 ngôi nhà, hàng nghìn km đường sá, nhiều cây cầu và các công trình ở Aceh bị phá hủy hoàn toàn, 600.000 người bị mất nhà ở chỉ trong chớp mắt. Chứng tích duy nhất còn lại sau thảm họa là nhà thờ Hồi giáo Baiturrahman, công trình kiến trúc còn trụ vững trên nền đất bị san phẳng không còn dấu tích của sự sống – điều mà người dân bản địa tin rằng do sức mạnh của thần linh.

Đã 15 năm trôi qua, nhiều nạn nhân của thảm họa này đến nay vẫn chưa xác định được danh tính. Riêng tại tỉnh Aceh, vẫn còn 37.087 người nằm trong danh sách mất tích. Giới chức Cơ quan quản lý thiên tai tỉnh Aceh cho biết vào thời điểm đó, rất nhiều nạn nhân đã ngay lập tức được chôn trong các ngôi mộ tập thể và những ngôi mộ này sau đó không được mở ra để tránh bệnh tật lây lan.

Nỗi đau vẫn hiện diện trong mỗi người dân Aceh, nhưng tỉnh Aceh thì đã hồi sinh mãnh liệt. Ngay sau thảm họa, chính quyền Indonesia và cộng đồng quốc tế đã lập tức kêu gọi gây quỹ cứu trợ Aceh, giúp tái thiết tỉnh này đồng thời cứu trợ nạn nhân ở các vùng thảm họa khác.

Đến Aceh ngày nay, người ta khó lòng nhận ra đây là nơi bị thiên tai tàn phá 15 năm trước. Thậm chí thành phố Serambi Makkah tan hoang nay đã trở thành địa điểm thu hút khách du lịch, với Nhà thờ Hồi giáo Baiturrahman là biểu tượng. Bãi biển Ulee Lheue bị san bằng trong trận sóng thần 2004, nay đã trở thành điểm đến yêu thích của các du khách với các dịch vụ vui chơi giải trí và sân golf. Nơi đây còn nổi tiếng trong cộng đồng lướt sóng quốc tế. Nhưng, để nhắc nhở về thảm họa, một bảo tàng “Sóng thần” rộng 2.500 mét vuông được xây dựng để lưu giữ những hình ảnh đau thương, những mảnh vỡ của các công trình còn sót lại. Tên của toàn bộ các nạn nhân trong thảm họa động đất – sóng thần được khắc trên tường bảo tàng.

Thành phố Banda Aceh cũng đã “thay da đổi thịt” với những con đường cao tốc êm ả và những quán cà phê sôi động. Hầu hết các dấu tích về thảm họa kép 2004 đã không còn, ngoài một số ngôi mộ tập thể được chăm sóc cẩn thận, những lời nhắc nhở có chủ ý về thảm họa và sự hiện diện của một con tàu lớn ngay trong công viên Blang Padang của thành phố này. Công viên này cũng là nơi một tượng đài có tên “Aceh Thanks the World” (Tỉnh Ache cảm ơn Thế giới) được dựng lên để bày tỏ sự tri ân đối với 53 quốc gia đã giúp Aceh vượt qua khó khăn. Năm 2016, sân bay quốc tế Bandar Aceh còn nhận giải thưởng sân bay Halal tốt nhất cho khách du lịch và thành phố Aceh nhận giải thưởng Điểm đến văn hóa Halal tốt nhất thế giới.

Ngày 26/12 hằng năm, chính quyền tỉnh Aceh đều thực hiện nghi lễ gióng chuông cảnh báo sóng thần để tưởng niệm ngày xảy ra thảm họa và kiểm tra các hệ thống báo động toàn tỉnh.

Thảm họa kép động đất – sóng thần năm 2004 đã dẫn tới sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong nhận thức của chính quyền và người dân Indonesia trong việc ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai. Giống như các quốc gia khác bị tàn phá, Indonesia hiện được liên kết với hệ thống cảnh báo và phát hiện sớm sóng thần ở Ấn Độ Dương, hệ thống được thiết lập từ năm 2013 với chi phí hơn 400 triệu USD. Khi một trận động đất xảy ra, hệ thống cảm biến đáy biển và phao nổi trên mặt đất sẽ chuyển tín hiệu qua vệ tinh tới các trung tâm cảnh báo của chính phủ trên khắp thế giới.

Indonesia cũng đã nỗ lực để nâng cao nhận thức và sự linh hoạt ứng phó của công chúng. Hiện nay, hệ thống cảnh báo sớm sóng thần với tổng cộng 170 cảm biến đã được lắp dọc các bờ biển của Indonesia. Chuông báo động có thể vang xa tới 7.000km. Chính quyền đã xây dựng các tuyến đường sơ tán, đặc biệt là ở các khu vực duyên hải. Nhiều địa điểm trú ẩn khi xảy ra thiên tai đã được xây dựng, nhiều tòa nhà được xây dựng với tầng trệt để trống cho sóng đi qua đã được xây dựng ở Banda Aceh và các thành phố khác tiềm ẩn nguy cơ bị động đất – sóng thần tấn công.

Đa số người dân Indonesia thừa nhận ở thời điểm 15 năm về trước, họ “không biết gì về sóng thần”. Nhiều người sống sót sau thảm họa tỏ ra hối hận vì “nếu hiểu biết hơn” họ đã có thể “sơ tán nhanh hơn và nhiều sinh mạng có thể được cứu sống”. Nhưng hiện nay mọi sự đã thay đổi. Động đất và sóng thần được đưa vào giáo trình học tập ngay từ sớm. Chính phủ cũng thường xuyên tổ chức diễn tập ứng phó thảm họa với sự tham gia của nhiều tầng lớp và thế hệ, trong đó có cả các em nhỏ tuổi mẫu giáo.

Tròn 15 năm sau, con người vẫn đang phải hứng chịu những trận thiên tai thảm khốc, thậm chí là thường xuyên hơn và với cường độ lớn hơn do tác động của biến đổi khí hậu. Ngay tại Indonesia, năm ngoái, chỉ trong vòng 6 tháng đã xảy ra 3 thảm họa. Trận sóng thần do động đất độ lớn 7,5 ở Palu, đảo Sulawesi hồi tháng 9 cướp đi sinh mạng của hơn 2.200 người, trong khi hàng nghìn người vẫn mất tích. Gần 600 người thiệt mạng do loạt trận động đất lớn liên tiếp kéo dài từ cuối tháng 7, đầu tháng 8 ở đảo Lombok (Lôm-bốc). Và chỉ 1 năm trước, trận sóng thần do núi lửa phun trào tối 22/12 xung quanh Eo biển Sunda, nằm giữa đảo Tây Java và Nam Sumatra cũng khiến hơn 400 người thiệt mạng. Những bài học từ thảm họa Aceh vẫn còn nguyên giá trị, từ những hệ thống cảnh báo sớm thiên tai tới khả năng ứng phó, từ sự hợp tác trong nước và quốc tế để đối phó với các thách thức chung tới quá trình tái thiết và phục hồi. Quan trọng hơn, đó là hành động của con người để bảo vệ môi trường sống, như một cách để ngăn chặn thảm họa thiên nhiên.

Theo BÁO TIN TỨC

Tags: , , ,