Động vật, sự cảm thông và các vấn đề đạo đức chia rẽ chúng ta

Dave Neale, Giám đốc Phúc lợi động vật Tổ chức Động vật Châu Á, chia sẻ quan điểm cá nhân về việc xem động vật có quyền bình đẳng thay vì chỉ tồn tại đơn thuần để phục vụ lợi ích cá nhân của chúng ta.

Tại sao thế, mỗi khi ở trong một nhà hàng, nhìn vào thực đơn, tôi lại cảm thấy nỗi tuyệt vọng và khổ đau của các loài động vật, những con vật bị giết để cung cấp lựa chọn trước mặt tôi, trong khi những người xung quanh thì thảo luận về việc họ muốn con vật được nấu “chín vừa hay chín tái”?

Tại sao thế, tôi cứ thấy hổ thẹn và trống rỗng khi tôi nhìn vào đôi mắt của một con bò cái đang trên đường bị đưa đến lò mổ, trong khi những người khác nói: “Thì đó là lý do vì sao chúng được sinh ra mà”?

Tất cả chúng ta, một cách có chủ ý hay vô thức, đều đặt các loài động vật lên những cái thang “đạo đức” chủ quan của chính mình. Trên đỉnh cái thang, phần lớn chúng ta đặt bản thân mình và đồng loại của mình lên đó và trên đường đi xuống, ta đặt các loài vật khác nhau ở các bậc khác nhau tùy vào sự cảm thông và kết nối của ta với chúng.

Nhìn chung, chúng ta đặt loài vật mà chúng ta nhận thấy là thông minh hơn ở cao hơn trên thang đạo đức của mình và từ đó ta gán cho những loài vật này một tập hợp các quyền lợi cao hơn so với các loài vật mà chúng ta coi là kém thông minh hơn.

Xét về theo khía cạnh này, chúng ta đang tạo ra thước đo đạo đức chủ quan của chính mình dựa trên kiến thức của chúng ta về khả năng nhận thức của một loài vật, ban cho các loài vật một giá trị đạo đức cao hơn nếu chúng chứng tỏ được năng lực nhận thức lớn hơn. Theo cách này, con người chúng ta gán cho tinh tinh một giá trị cao hơn gà. Vì vậy phần lớn mọi người vui vẻ ăn thịt gà nhưng khó lòng ủng hộ việc nuôi và giết thịt tinh tinh để làm thực phẩm.

“Vấn đề” ở đây là – nếu chúng ta thực sự muốn khắc phục nỗi đau khổ mà các loài vật phải chịu đựng mỗi ngày trên một quy mô rộng lớn ở mức toàn cầu (và nhiều người trong chúng ta nói rằng chúng ta thực sự muốn ngăn chặn điều đó) – chúng ta cần thay đổi mạnh mẽ hơn phương pháp “gán giá trị đạo đức” này, và thông qua giáo dục chúng ta cần ngăn ngừa việc con em chúng ta tự động tiếp nhận quan điểm tương tự.

Bởi tôi không đồng tình với việc chúng ta dùng khả năng nhận thức của động vật để cố gắng tạo ra sự tôn trọng nhiều hơn và sự đồng cảm hơn với chúng, tôi đề nghị chúng ta nhìn vào một điều gì đó cơ bản hơn một chút khi chúng ta đưa ra các quyết định và các lựa chọn thuộc về đạo đức. Tại sao chúng ta gắn cho loài vật các cấp bậc, giá trị khác nhau trong khi tất cả chúng đều có khả năng cảm nhận những đau đớn chúng phải chịu đựng?

Các loài động vật có thể cảm nhận đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Điều này đã được khoa học chứng minh ở các động vật có vú, chim, bò sát, các loài lưỡng cư và gần đây là ở cá và động vật giáp xác. Tuy nhiên, mặc kệ thông tin này, phần lớn con người – khi được đưa cho lựa chọn giữa ăn thịt hay không ăn thịt một con vật – đều chọn ăn thịt, ngay cả khi họ biết rằng cơ hội gần như chắc chắn là con vật này đã chịu đựng mọi nỗi thống khổ và đau đớn.

Tôi tin rằng tất cả các loài vật xứng đáng được sống một cuộc sống giống như tôi. Điều này có nghĩa rằng các loài vật có quyền được tiếp tục cuộc sống của chúng, bất kể chúng có quan tâm tới điều đó hay không. Chúng có quyền xây dựng mối quan hệ với các loài vật khác, thứ mang lại cho chúng sự thoải mái, an toàn, và nguồn vui, nguồn hạnh phúc mà tôi nhận được từ những mối quan hệ như thế, và cũng cần được tự do đưa ra lựa chọn và có những kiểm soát nhất định nào đó đối với môi trường của chúng.

Vì vậy, xét về mặt đạo đức, các đặc tính hợp lý trong khuôn khổ đạo đức của tôi là khả năng cảm nhận niềm vui và nỗi đau đớn, và đối với động vật là có thể sống một cuộc sống mà ở đó lợi ích của chúng, chứ không phải lợi ích của tôi, được đáp ứng.

Động vật mà chúng ta nuôi để lấy thịt có khả năng cảm nhận đau đớn và niềm vui, và có các quyền lợi như những cá nhân riêng biệt. Bằng việc nuôi chúng và tiêu thụ chúng, ta đang hành động một cách vô đạo đức, hay nói rộng hơn, chúng ta hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp gây ra nỗi đau đớn cho chúng và phủ nhận sự quan tâm thích đáng đối với quyền lợi của chúng. Thậm chí nếu chúng ta nuôi động vật với tiêu chuẩn phúc lợi cao nhất, trong đó các nhu cầu của chúng được đáp ứng (một trạng thái mà chỉ có thể đạt được ở một quy mô rất nhỏ và là không thể đối với việc chăn nuôi quy mô lớn, cho dù là dưới hình thức “chăn thả tự do”), diễn giải về mặt kinh tế học của hình thái này, là để sinh lời thì một số lượng lớn vật nuôi là điều kiện cần, vì thế, những động vật này gần như chắc chắn phải chịu đựng khổ sở ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời chúng), kết thúc cuộc sống khi chúng đủ trọng lượng và hoàn toàn bị tước bỏ mối quan tâm về quyền được tiếp tục cuộc sống của mình.

Điều này dẫn tôi tới câu hỏi “Có phải lợi ích của các động vật không phải người (non-human animals), như quyền không phải chịu đau khổ và quyền không phải chết, kém quan trọng hơn các quyền đó của con người?”

Những động vật không phải người (non-human animals) thực sự không khác biệt nhiều so với chúng ta. Tất cả chúng ta đều có một khao khát là không bị giam cầm. Sự giam cầm ngăn cản chúng ta làm những việc mà ta muốn làm, và những việc chúng ta cần phải làm. Nó cản trở khát vọng của chúng ta và ngăn không cho chúng ta làm tròn bổn phận của mình với những người khác. Chúng ta có các mối quan hệ với những người khác, chúng ta quý trọng tự do và khả năng đưa ra các lựa chọn của mình. Chúng ta cần ở bên cạnh bạn bè, gia đình và đồng loại của mình.

Nếu chúng ta bị giam giữ trong những điều kiện khiến ta không thể thự hiện nhu cầu của mình, chúng ta sẽ trở nên buồn chán, chán nản, cô đơn, tức giận và tuyệt vọng. Chúng ta thậm chí có thể chết.

Khi chúng ta chối bỏ các quyền lợi cơ bản của những loài vật có tri giác, chúng ta khiến chúng chịu đau đớn về cảm xúc, về thể xác hoặc cả hai. Chúng ta khiến chúng bị tổn hại. Cái khó của vật nuôi ở trang trại là chúng sử dụng các tiếng kêu, hét và tiếng hú mà chúng ta không thể hiểu và phần nhiều xảy ra sau những cánh cửa khép kín, khi chúng ta không biết đến.

Tôi đề nghị rằng mỗi lần chúng ta chuẩn bị hành động theo một cách mà sẽ gây tác động xấu lên một con vật, mọi người hãy dành một chút thì giờ để hình dung ra liệu hành động của ta sẽ ảnh hưởng như thế nào lên các cá nhân này, rồi cùng lúc đó đưa ra lựa chọn xem lợi ích của con vật này, như quyền không phải chịu đau đớn, có kém quan trọng hơn quyền đó của chính chúng ta hay không.

Nếu chúng ta có thể học cách đặt bản thân mình, về mặt tinh thần, vào hoàn cảnh của người khác và cảm nhận các phản ứng xúc cảm sẽ là gì nếu như chúng ta là cá nhân đó, tôi tin chúng ta có thể giúp nâng chúng lên cao trên chiếc thang đạo đức của riêng mình.

Khi chúng ta xác định các loài vật không phải người hoàn toàn xứng đáng đối với mối quan tâm về đạo đức của chúng ta bởi vì chúng là những sinh vật mà chúng ta có thể cảm thông, thì chúng không còn đơn thuần chỉ được coi là thực phẩm.

Nếu ban đầu bản thân chúng ta tiếp nhận phương pháp đạo đức này, ta có thể xây dựng nó thêm trong hệ thống giáo dục của mình. Những sinh viên lớn lên cùng với sự hiểu biết về khả năng tri giác của động vật và lòng cảm thông đối với chúng sẽ xem động vật như những cá nhân độc lập và dành tình thương cho những con vật đó.

Và một thế giới nơi có nhiều hơn những đứa trẻ xem gà và bò như những cá thể độc lập thay vì một nguồn thức ăn nhanh hay đồ uống chắc chắn phải là một thế giới tốt đẹp hơn.

Theo ANIMALSASIA.ORG

Tags: ,