Thách thức dành cho Tổng thống Putin trong nhiệm kỳ 4

Giải quyết mối quan hệ căng thẳng với phương Tây hay cải tổ kinh tế là hai thách thức quan trọng nhất với ông Putin trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 4.

Ông Putin hôm nay tái đắc cử tổng thống Nga, bước vào nhiệm kỳ thứ 4 dẫn dắt đất nước sau khi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 18/3. Phát biểu trước những người ủng hộ tại trung tâm thủ đô Moscow, ông Putin khẳng định “thành công đang chờ đợi” nước Nga. Tuy nhiên, để đạt được thành công ấy, ông chủ Điện Kremlin còn phải vượt qua rất nhiều thách thức.

Những mối quan hệ căng thẳng

Nhiệm kỳ thứ 4 của ông Putin được mở ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và các nước châu Âu đang căng thẳng.

Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ hồi năm 2014 cộng với những cáo buộc từ phương Tây cho rằng Moscow hậu thuẫn phe ly khai làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine khiến nước này phải hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt từ quốc tế, gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế. Bên cạnh đó, nghi vấn Nga thông đồng với chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump, can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cũng khiến mối quan hệ giữa Washington và Moscow rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Việc Nga quyết định can dự quân sự vào cuộc nội chiến ở Syria vấp phải không ít chỉ trích. Moscow tuyên bố muốn tiêu diệt tận gốc các tổ chức khủng bố tại Syria song Mỹ và phương Tây lại nói mục đích của Nga chỉ là hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, người bị quốc tế kêu gọi từ bỏ quyền lực từ năm 2011, thời điểm cuộc nội chiến Syria bùng phát.

Vụ cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc ở Anh hồi đầu tháng đang làm xấu đi mối quan hệ giữa London và Moskva. Hai bên đã trục xuất các nhà ngoại giao của nhau để phản ứng. Anh thậm chí còn cáo buộc ông Putin ra lệnh đầu độc Skripal, nhưng Tổng thống Putin gọi cáo buộc Nga ám sát cựu điệp viên là “ngớ ngẩn”.

Giới chuyên gia nhận định để giải quyết những mối quan hệ không “thuận buồm xuôi gió” này, Tổng thống Putin cần nỗ lực rất lớn trong 6 năm cầm quyền tới đây.

Song Evgeny Minchenko, nhà tư vấn chính sách ở Moskva, suy đoán khả năng cao “ông Putin sẽ không thoái lui”. “Ông ấy sẽ thúc đẩy để đạt được sự độc lập tối đa từ phương Tây và xây dựng liên minh với các trung tâm quyền lực khác”, Minchenko nhấn mạnh.

Khôi phục kinh tế

Nền kinh tế Nga trong năm 2018 đã bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc. Tỷ lệ lạm phát tháng 12/2017 xuống thấp kỷ lục, đạt mức 2,5%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp cũng duy trì ở mức tương đối thấp 5,1%.

Theo ngân hàng UBS, Thụy Sĩ, kinh tế Nga đã hồi phục sau cuộc suy thoái kéo dài hai năm và đạt mức tăng trưởng 1,4% vào năm ngoái, chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu dùng và đầu tư nội địa tăng. UBS dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong hai năm tới sẽ tiếp tục tăng.

Ngân hàng J.P. Morgan ước đoán đồng rúp của Nga sẽ không có nhiều biến động trong lúc giá dầu ổn định dần, góp phần thu hút dòng vốn đầu tư.

Dù vậy, khôi phục kinh tế vẫn là một nhiệm vụ đầy khó khăn đối với chính quyền Putin và nó cần đến một sự cải tổ sâu sắc về cấu trúc hệ thống, theo Moskva Times.

Trước cuộc bầu cử, ông Putin cam kết giảm tỷ lệ đói nghèo, hứa chi hàng trăm tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và vạch ra tham vọng tăng trưởng kinh tế 8%. Tuy nhiên, mục tiêu trên được đánh giá là sẽ vô cùng khó khắn khi mà nước Nga đang đối diện hàng loạt vấn đề như tốc độ tăng trưởng còn thấp, dân số già, nạn tham nhũng và tác động từ các biện pháp trừng phạt. Dù người Nga vẫn yêu quý Tổng thống Putin, những cuộc khảo sát gần đây cho thấy họ ngày càng tỏ ra thiếu tin tưởng vào tình hình kinh tế đất nước.

Ông Daragh McDowell, chuyên gia về Nga tại công ty tư vấn rủi ro và chiến lược Verisk Maplecroft, nhận xét những tín hiệu khởi sắc có thể được nhìn thấy rõ ở Moskva nhưng bên ngoài thủ đô, mức lương thực tế của người dân đã sụt giảm suốt ba năm qua.

“Có một cảm nhận chung rằng người dân ở những ‘khu vực xa xôi’ đang dần cảm thấy chán nản với sự xuống cấp về mức sống”, McDowell nói với CNBC. Ông cho rằng triển vọng tăng trưởng của Nga trong ba năm tới là “không nhiều”.

Đi tiếp hay dừng lại

Nếu không cải tổ hiến pháp, ông Putin sẽ không thể tranh cử tổng thống sau nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2024 bởi luật của Nga cấm việc nắm quyền hai nhiệm kỳ liên tiếp. Ông Putin có thể quyết định rời Điện Kremlin sau 24 năm lãnh đạo đất nước và mở đường cho một người kế nhiệm. Viễn cảnh này chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc ganh đua tranh giành ảnh hưởng trong nội bộ chính quyền 6 năm tới, theo AFP.

“Không ai sẽ chịu chờ đợi một cách bị động, các nhóm khác nhau sẽ cố gắng tìm mọi cách để thúc đẩy lợi ích của mình”, nhà phân tích độc lập Nikolai Petrov nhận định.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với kênh NBC, Mỹ, Putin tiết lộ ông đã nghĩ về một người kế nhiệm mình từ năm 2000. Song trên chính trường Nga hiện tại, chưa ai đủ sức đối đầu với Putin và không một gương mặt chính trị nào có thể đứng ngang hàng ông về mức độ tín nhiệm trong công chúng.

Theo giới phân tích, có một cách để ông Putin duy trì tiếng nói của mình trong chính quyền sau năm 2024 là thay đổi chức vụ. Ông có thể sử dụng lại nước cờ từng đi vào năm 2008 khi lùi về làm thủ tướng Nga, để ông Dmitry Medvedev lên nắm quyền tổng thống rồi sau đó trở về Điện Kremlin vào năm 2012.

Nhưng ấn tượng về những cuộc biểu tình trên diện rộng ở Nga cách đây 6 năm, thời điểm Putin hoán đổi lại vị trí tổng thống với Medvedev, có khả năng sẽ khiến ông loại bỏ lựa chọn này. Bên cạnh đó, tuổi tác cũng là một vấn đề lớn. Tới năm 2030, khi Putin được phép tiếp tục tranh cử tổng thống, ông đã bước sang tuổi 78.

Thay đổi hiến pháp để “nắm quyền trọn đời” như cách Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm cũng là một lựa chọn được nhắc tới đối với ông Putin. Song đến nay, ông vẫn loại trừ khả năng này.

“Tôi sẽ không bao giờ thay đổi hiến pháp, đặc biệt khi nó mang lại lợi ích cho chính tôi. Tôi không có ý định đấy”, ông Putin nói với kênh NBC.

Theo VŨ HOÀNG / VNEXPRESS 

Tags: ,