Tâm sự của một người bỏ biên chế

Sau này nhìn lại, tôi phát hiện ra rằng, việc bỏ biên chế khó vì biên chế không nằm trên một tờ giấy, mà biên chế nằm ở trong đầu. Bỏ biên chế tức là bỏ quan niệm có một công việc ổn định suốt đời ở trong đầu mình. Cái cảm giác ổn định, yên tâm lại có phần quan trọng vì là người nhà nước đó, rất quyến rũ. 

Bài viết của Tiến sĩ Vật lý  Giáp Văn Dương 

Năm 2003, tôi là lứa cuối cùng thi công chức và có biên chế trong ngành giáo dục.

Lúc đó, tôi mới đi du học, vừa trở lại trường thì nhận được tin vui: Chuẩn bị thi công chức để vào biên chế. Đây sẽ là lứa giảng viên cuối cùng có biên chế của nhà trường, còn sau đó, giảng viên chỉ có hợp đồng làm việc dài hạn.

Khỏi phải nói là tôi và bạn vui như thế nào. Cảm giác mình là người may mắn. Mấy bạn lứa sau có chút ghen tỵ và thoáng chút buồn. Các thầy quản lý, tuy ngoài miệng vẫn nói hợp đồng làm việc dài hạn và biên chế là như nhau, không có phân biệt gì. Nhưng khi riêng tư, các thầy cũng chia vui cùng chúng tôi.

Ngày cầm quyết định trong tay mà thấy rộn ràng. Cảm giác một cái gì đó chắc chắn, một cái gì đó ổn định ùa đến. Có biên chế, nghĩa là có công ăn việc làm ổn định, nghĩa là có hộ khẩu, nghĩa là chính thức trở thành giảng viên một đại học lớn. Lúc đó lại đã lập gia đình và có con đầu lòng. Cơ sở hạ tầng coi như xong. Giờ chỉ cần tập trung vào công việc là cuộc đời sẽ ổn.

Biên chế đối với tôi lúc đó thực sự là một cái gì đó rất ý nghĩa. Nhưng chỉ 6 tháng sau tôi lại khám phá ra một ý nghĩa khác hẳn. Không phải là sự ổn định an toàn, mà là sự phiền phức quá mức cần thiết. Nếu lần đi du học trước, tôi chỉ có hợp đồng làm việc với nhà trường, việc xin đi du học khá dễ dàng. Thì lần này, vì là người nhà nước, vì có biên chế, nên việc đi học hóa ra vô cùng phức tạp.

Cơ quan quản lý tôi bây giờ không phải là nhà trường nơi tôi làm việc, mà là Vụ tổ chức cán bộ của Bộ giáo dục. Muốn đi học, phải có 8 chữ ký, từ cấp trường, cấp vụ đến cấp thứ trưởng. Tôi ở Hà Nội còn đỡ, chứ lên bộ, thấy các anh chị ở Miền Trung, Miền Nam ra ăn chực nằm chờ xin chữ ký con dấu rất tội.

Lúc đó, tôi bắt đầu manh nha nhận ra một mặt trái của biên chế: người sử dụng lao động và người quản lý lao động là khác nhau. Trường muốn có giáo viên giỏi, nhưng giáo viên đó, được đãi ngộ ra sao (thể hiện qua việc cho đi học), thì lại ở đâu đó trên cao quyết. Tự do phát triển của mỗi cá nhân, và qua đó, là tự do của thị trường (lao động), tự do học thuật bị hạn chế.

Rồi việc học cũng xong. Nhưng câu chuyện về biên chế lại một lần nữa xuất hiện khi tôi phải đưa ra lựa chọn: Tiếp tục làm giảng viên đại học, hay phiêu lưu cùng những dự định của riêng mình?

Tôi đã chọn phiêu lưu cùng những dự định của riêng mình, một phần vì cơm áo gạo tiền, nhưng phần quan trọng hơn vì những câu hỏi về ý nghĩa sống của bản thân tôi đến lúc đó vẫn chưa có lời giải đáp.

Phải thú thật, rằng khi rời trường, ngoài thầy cô bạn bè thì một trong những điều tôi tiếc chính là biên chế. Lúc đó, tôi có 8-9 năm đóng bảo hiểm xã hội. Học hành cũng đã xong xuôi. Vậy mà chọn từ bỏ để đi một con đường khác, quả thật không dễ.

Sau này nhìn lại, tôi phát hiện ra rằng, việc bỏ biên chế khó vì biên chế không nằm trên một tờ giấy, mà biên chế nằm ở trong đầu. Bỏ biên chế tức là bỏ quan niệm có một công việc ổn định suốt đời ở trong đầu mình. Cái cảm giác ổn định, yên tâm lại có phần quan trọng vì là người nhà nước đó, rất quyến rũ.

Chính vì đã đi qua những cung bậc này rồi, nên tôi rất thông cảm với những người phải đối mặt với việc có nên bỏ biên chế hay không.

Nhưng cũng nhờ bước ngoặt này mà tôi bước ra một đời sống mới, sôi động và tràn đầy sức sống. Vì thế, khi thấy những bạn trẻ, học xong chỉ nhăm nhắm chạy vào nhà nước bằng mọi giá, thì tôi lại cảm thấy rất thương. Cuộc sống sôi động là thế, nhiều thử thách là thế, mà cũng nhiều cơ hội là thế, mà lại không khám phá. Nếu chọn vào nhà nước để cống hiến thì không nói làm gì. Nhưng nếu chỉ để có được sự yên ổn thì quả thực sai lầm.

Có lần, một bạn trẻ hỏi tôi, vì sao người ta nói ở nước ta có một nghịch lý: Ai cũng có việc nhưng không ai làm việc, không ai làm việc nhưng ai cũng có lương; ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống; không ai đủ sống nhưng ai cũng sống; ai cũng sống nhưng không ai hài lòng; không ai hài lòng nhưng ai cũng giơ tay đồng ý?

Tôi trả lời vắn tắt: Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc là vì biên chế. Không làm việc nhưng vẫn có lương cũng là vì biên chế. Lương không đủ sống vì không ai làm việc nên năng suất lao động thấp, biên chế lại ăn lương ngân sách, ngân sách chỉ có vậy, nên lương chỉ có vậy. Lương chỉ có vậy nên chỉ làm như vậy, tất nhiên sẽ không ai hài lòng. Không hài lòng nhưng vẫn phải đồng ý vì nếu không sẽ mất biên chế. Thế là chẵn một vòng tròn luẩn quẩn khép kín.

Tôi cũng nói thêm với các bạn rằng, mấu chốt của một nghề nghiệp có ý nghĩa là người làm việc phải sống được bằng lương và phải cảm thấy tự hào về nghề nghiệp của mình. Nhưng với thang bậc lương từ ngân sách như hiện nay, không ai sống được bằng lương, nên để có thêm thu nhập thì phải “chân trong chân ngoài”, phải “vẽ thêm việc”, phải “cấu véo”, phải “hành là chính”. Trong hoàn cảnh đó người ta rất dễ đánh mất mình, đánh mất lòng tự trọng.

Đó là lý do vì sao tôi luôn ủng hộ việc bãi bỏ biên chế, bãi bỏ chế độ làm việc không thời hạn ở khu vực công, để chuyển qua chế độ hợp đồng nhằm tăng sức cạnh tranh, ở tất cả các ngành nghề.

Tôi quan sát thấy, trên thực tế, với mỗi quốc gia, chỉ cần rất ít những người có biên chế trọn đời. Đó là ai? Đó là những Thẩm phán của Tòa án Tối cao, những người cần được tránh mọi sức ép từ bên ngoài, trong đó có sức ép về việc làm, để giữ được tiếng nói độc lập trong việc bảo vệ công lý, thẩm định các đạo luật…

Nhóm này thường không đến mười người. Ngoài ra, ở một số nước, các giáo sư đại học rất giỏi cũng thường có biên chế, nhưng đó là biên chế với nhà trường. Mục đích là để họ tránh sức ép mất việc mà bảo vệ tự do học thuật.

Còn lại, khu vực công có thể chuyển sang làm việc ở chế độ hợp đồng hết, ngay cả các vị trí lãnh đạo cấp cao.

Ngoài ra, việc bãi bỏ biên chế này còn giải quyết được một vấn đề rất đặc thù khác của Việt Nam. Đó là những cán bộ có năng lực yếu kém, nhưng vì có biên chế nên không thể đuổi việc, vì người sử dụng lao động, người quản lý lao động và người trả lương là khác nhau. Do đó, chỉ có thể sắp xếp lại và luân chuyển. Còn nếu không chuyển được thì đành phải dồn vào một chỗ để chờ ngày nhận sổ hưu.

Năng suất lao động của Việt Nam hiện rất thấp. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tôi tin có một nguyên nhân quan trọng, là vì hiện có quá nhiều người ăn lương ngân sách, quá nhiều người bám vào biên chế, chấp nhận mức lương èo uột không đủ sống, và coi điều đó như một sự thành công. Nếu không thay đổi thì tình hình có thể sẽ ngày càng ảm đạm khi ngân sách càng ngày càng cạn kiệt.

Bộ trưởng Giáo dục đã phất lá cờ “bỏ biên chế” trong ngành mình. Những nơi nào khác sẽ hưởng ứng?

Theo VNEXPRESS (2017)

Tags: