Tại sao vấn nạn lô đề tồn tại dai dẳng ở Việt Nam?

Đó là câu hỏi nhiều người hỏi mà gần như không lời giải đáp. Bởi, tổ chức ghi lô đề không thật sự kín đáo, người tham gia đông, vậy tại sao chúng ta không thể xóa bỏ tệ nạn này được?

Tại sao vấn nạn lô đề tồn tại dai dẳng ở Việt Nam?

Tang vật thu giữ từ một đường dây lô đề bị phá vỡ ở Hưng Yên năm 2021.

Trên thực tế, lực lượng công an ở nhiều địa phương đã xóa bỏ nhiều tụ điểm, nhiều đường dây lô đề, trong đó có đường dây quy mô lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trong một buổi dự gặp mặt tất niên cuối năm, chúng tôi được nghe những lời gan ruột của những người dân chơi lô đề và hiểu hơn tại sao vấn nạn này khó chấm dứt. Trước hết, người chơi thường là dân lao động bình thường, có nghĩa là không thể nhận diện họ có sự khác biệt nào so với người khác, như kiểu người nghiện ma túy, rượu…

Thông thường, những người chơi lô đề vẫn đi làm ruộng, làm thợ xây… Khi có tiền công hay khoản thu nhập nào đó, họ trích ra một khoản để chơi lô đề. Những người chơi không quan niệm đó là “tệ nạn xã hội”, dù nó là ảnh hưởng đến kinh tế gia đình có khi nghiêm trọng. Do đó, người chơi cứ thản nhiên chơi, lâu dần người thân gia đình cũng mặc kệ họ, không còn ngăn cản hay than vãn.

Một người kể với chúng tôi: “Tôi chơi lô đề đã mấy chục năm. Có ngày tôi chơi chỉ vài chục nghìn đồng, nhưng có ngày cũng vài triệu đồng”. Anh này vốn là chủ thầu kiêm thợ xây dựng, vừa xây được căn nhà to. Anh nói: “Tôi mà không chơi lô đề thì xây được mấy căn rồi”.

Một số bác trong bữa tất niên cũng đồng tình với anh kia và cũng cho biết, họ đã chơi lô đề nhiều năm.

Vậy chơi lô đề có gây nghiện? Mọi người cho biết: “Chơi lô đề như thói quen, không chơi thì nhớ nên phải chơi”. Sự hấp dẫn của lô đề ở chỗ: Thỉnh thoảng người chơi lại “thắng”, không có tiền thì chơi nợ cũng được…

Cách chơi cũng hấp dẫn nhuốm màu sắc tâm linh.

Một anh kể: “Hôm nọ tôi đi ngang qua một chiếc ô tô đang đậu ở ven đường. Thế nào mà người lái xe cứ nhìn nhìn tôi. Tôi để ý cái biển số xe và ghi con đề theo số ấy, lúc trong túi có mấy trăm nghìn đồng. Thế là tối đó trúng được mười mấy triệu đồng. Anh kể giọng rất đắc ý.

Nhưng mọi người đều đồng ý, khi trúng lô đề, người trúng kêu mọi người ăn nhậu tưng bừng; khi thua thì lặng lẽ không ai biết. Rốt cuộc, không ai chơi lô đề mà khá cả. Nếu cay cú còn nguy hiểm, có khi vỡ nợ.

Cách nay đã khá lâu, chúng tôi từng chứng kiến một cô gái chừng 30 tuổi bị anh trai đuổi ra khỏi nhà. Anh này cho biết: “Nó chơi lô đề nợ nhiều rồi vay nặng lãi, giờ chủ nợ gồm xã hội đen suốt ngày đến nhà. Gia đình trả nợ giùm cho nó nhiều rồi. Giờ không còn thương nó được”.

Mới đây, chúng tôi chứng kiến một phụ nữ gầy gò khóc lóc khi biết chồng lấy trộm toàn bộ số tiền hơn mười triệu đồng mà chị gom góp được để trả nợ lô đề…

Có lẽ, theo chúng tôi, ngoài việc cơ quan chức năng mạnh tay dẹp vấn nạn lô đề, chính quyền địa phương cùng các đoàn thể xã hội, nên có những vận động, tuyên truyền làm sao đó để người dân không dính líu đến tệ nạn này. Ở những địa phương có những tụ điểm ghi lô đề, người dân nói chung, người chơi nói riêng đều biết. Do đó, chính quyền địa phương cần nhắc nhở những chủ lô đề, bắt họ cam kết không vi phạm.

Kết hợp nhiều phương pháp, hy vọng nhiều người sẽ từ bỏ được thói quen chơi lô đề, giữ được bình yên cho xóm làng, gia đình.

Theo THÀNH THỰC / KINH TẾ ĐÔ THỊ

Tags: ,