Tài ngoại giao của Thái sư Trần Quang Khải

Trần Quang Khải (1241-1294), danh tướng nhà Trần. Thời chiến, ông chỉ huy quân đánh giặc. Khi cần, ông trở thành nhà ngoại giao.

Tài ngoại giao của Thái sư Trần Quang Khải

Từ Nghệ An đến bến Chương Dương

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2 (1285) quân dân nhà Trần đã có nhiều chiến thắng lẫy lừng. Trận Chương Dương (tháng 6/1285) là một trong những chiến công đó. Trận diễn ra sau giai đoạn 1 (ta rút lui, bảo toàn lực lượng) và nằm trong giai đoạn 2 phản công chiến lược.

Từ tháng 5/1285 bắt đầu giai đoạn này, sau hàng loạt trận đập tan tuyến phòng thủ của địch và đánh thắng ở Tây Kết, Hàm Tử, ta tiến hành trận Chương Dương. Ngày nay Chương Dương thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội.

Phát huy chiến quả từ A Lỗ, Giang Khẩu, Tây Kết, Hàm Tử, nhà Trần tập trung binh lực tiến đánh Chương Dương, căn cứ quan trọng của quân Nguyên Mông trên tuyến phòng thủ dọc sông Hồng bao quanh Thăng Long. Người chỉ huy chính của trận này là Trần Quang Khải, khi ông ở tuổi 44.

Trước đó, đích thân Trần Quốc Tuấn đã chỉ huy quân ta đánh thắng lớn ở A Lỗ rồi Trần Nhật Duật nối tiếp mạch thắng ở cửa Hàm Tử (nay ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Cùng với Trần Quang Khải, các tướng Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền đã chỉ huy dân binh từ nhiều địa phương đánh phối hợp.

Ở trận Chương Dương đã thể hiện tài thao lược của Trần Quang Khải. Trận Chương Dương, quân ta thu được nhiều vũ khí, trang bị, góp phần lớn cho ta giải phóng Thăng Long.

Bài thơ của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải khi quân ta trở lại Thăng Long đã dâng lên niềm tự hào vô bờ bến:

Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan
Thái Bình tu nỗ lực
Vạn cổ thử giang san

Nghĩa là:

Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu

Để có được ngày cướp giáo giặc ở Chương Dương, Tướng quân Trần Quang Khải đã có quá trình không ngừng học tập, làm việc hơn 40 năm.

Trần Quang Khải sinh tháng 10 năm Tân Sửu (1241), quê làng Tức Mạc, phủ Thiên Trường (nay là xã Lộc Vương, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định), là con thứ ba của vua Trần Thái Tông và Công chúa Thuận Thiên.

Ông là chú ruột của vua Trần Nhân Tông. Trước trận Chương Dương tháng 6/1285, ngày 7/5/1285, ông cùng tướng Phạm Ngũ Lão đã chặn đường tiến của Toa Đô ở Nghệ An. Chặn cả đường tiến của Ô Mã Nhi.

Nghệ An chính là đất Trần Quang Khải rời Thăng Long năm 1265, khi ông mới 24 tuổi để thể hiện bản lĩnh.

Khi quân ta vừa đánh thắng cuộc xâm lăng lần 1 của quân Nguyên Mông, vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho con, hoàng tử Trần Hoảng lên ngôi, hiệu là Thánh Tông, Trần Quang Khải được phong tước Chiêu minh đại vương và ba năm sau (1261) ông được phong Thái úy, gánh vác công việc của triều đình.

Bốn năm sau, ông trấn thủ ở đất Hoa Diễm, Nghệ An. Ở đây, ông vừa lo kinh tế xã hội, an dân, vừa tìm kiếm nhân tài cho đất nước. Ông học tiếng dân tộc, tiếp xúc nhiều bộ tộc, biết rằng họ là phên dậu của dất nước, nhất là khi có biến.

Sáu năm ở Nghệ An là 6 năm không ngừng làm và học trong thực tế. Tròn 30 tuổi, ông trở lại Thăng Long, đem kinh nghiệm ở Nghệ An, giúp vua ổn định tình hình châu Bố Chính (Quảng Bình, Quang Trị). Sau này, ông còn có dịp cùng vua trở lại đất Nghệ An để giữ yên bờ cõi.

Nhà ngoại giao lịch duyệt

Thất bại xâm lăng 1258, nhà Nguyên ráo riết chuẩn bị cho lần sau. Năm 1278, 20 năm sau thất bại 1258, nhà Nguyên cử phái đoàn do người đứng đầu bộ Lễ là Sài Thung sang “răn đe” quân dân ta.

Trần Quang Khải được vua Trần Nhân Tông giao nhiệm vụ đón đoàn sứ Nguyên ở bờ sông Hồng. Trần Quang Khải đã quán triệt tinh thần khôn khéo, mềm dẻo. Trước sau giặc cũng đem quân sang, song ta cần thời gian, thời gian cũng là lực lượng.

Ở nước ta, vua Trần Nhân Tông mới lên ngôi, cần phải củng cố, tích lũy lực và tạo thế. Trên mặt trận ngoại giao, Trần Quang Khải khi đó 37 tuổi đã ứng xử sáng suốt. Tuy lắm thủ đoạn nhưng Sài Thung trong lần đi sứ này chưa thể lấy cớ nào cho biện pháp dùng vũ lực.

Đoàn sứ nhà Nguyên có 4 người, được Trần Quang Khải gọi là “mang bốn ông bạn hiền mở lòng yêu mến, che chở sinh linh dân Việt”, còn với người đứng đầu Sài Thung, Trần Quang Khải tặng hẳn bài thơ. (*)

Ba năm sau (1281), Sài Thung đi sứ lần hai và triển khai nhiều biện pháp thâm độc, láo xược hơn, điển hình là đem hàng nghìn quân để gọi là “hộ tống cho An Nam Quốc vương Trần Di Ái về nhận chức”.

Một mặt, Trần Quang Khải cho lực lượng ban đêm bất ngờ tập kích toán quân bảo vệ kẻ phản quốc Trần Di Ái, mặt khác khi Sài Thung đến Thăng Long, ông đã tiếp đãi không cho sứ giả này có cớ vu cáo.

Từ 1281-1283, ông đứng đầu triều đình, cùng vua Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn chống giặc.

Những vần thơ sảng khoái

Như nhiều danh tướng nhà Trần, Trần Quang Khải vừa đánh giặc vừa làm thơ.

Những ngày đánh giặc, những tháng năm đứng đầu Hoan Diễm, những lần tiếp sứ giặc… đều được phản ánh trong thơ ông.

(*) Tiễn sứ giả Sài Thung khi đến nước ta lần đầu, ông viết:

Ông về, tôi tiễn dạ không yên
Hướng cũ, xăm xăm ngựa ruổi liền
Nam, Bắc tìm theo cờ sứ cuốn
Khách-nhà ly biệt rượu đầy thâm
Nói cười chốc đã chia đôi ngả
Xướng họa giường kê trống một bên
Chẳng biết bao giờ còn gặp lại
Cầm tay trao đổi chuyện hàn huyên.

Đến chiến trường xưa trên đất Thanh Hóa, nơi quân dân ta cầm chân Toa Đô, ông bồi hồi:

Phúc Hương ngòi nước chảy xanh xanh
Vườn rộng phẳng phiu mấy mẫu hành
Tan tuyết, chòm mai hoa lấp lánh
Cuốn mây, bụi trúc ngọc biếc xanh
Nắng đến, mời khách pha trà nhấp
Mưa tạnh, sai đồng dỡ thuốc nhanh
Trông vọng về nam yên khói lửa
Nằm khểnh trên giường ngủ giấc lành.

“Tòng giá hoàn kinh” của ông đã trở thành âm điệu hùng tráng mấy trăm năm nay. Ở phần trên đã giới thiệu bản dịch của nhà sử học Trần Trọng Kim. Dưới đây là bản dịch của nhà văn Ngô Tất Tố:

Bến Chương Dương cướp giáo giặc
Ải Hàm bắt quân Hồ
Thì bình nên gắng sức
Non nước vẫn muôn thuở.

Lời thơ ông chính là lời nhắn nhủ của tổ tiên, mà sau này, hậu thế như nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết trong bài thơ “Đất nước”:

Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.

Ông dặn thời bình phải canh tân, phát triển, yên dân thì nước non sẽ vững bền. Cả cuộc đời Trần Quang Khải 53 năm là sống theo lẽ cao đẹp ấy.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Tags: ,