⠀
Tác động của biến đổi khí hậu tới an ninh năng lượng ở Việt Nam
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biển đổi khí hậu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng bằng sông Ganges (Bangladesh). Biến đổi khí hậu hiện hữu ở nước ta, có nguy cơ tác động ngày càng lớn hơn.
Trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Chỉ tính trong 15 năm trở lại đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, làm chết và mất tích hơn 10.711 người, thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.
Biến đổi khí hậu, với những tác động ngày một gia tăng và khó lường ở nhiều lĩnh vực, địa phương sẽ làm gia tăng mức độ cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường; làm tăng khả năng bị tổn thương, là nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế – xã hội hoặc làm mất đi nhiều thành quả đã đạt được. Các nguy cơ, rủi ro do biến đổi khí hậu cần được tính đến trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực hiện các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phát triển ngành và địa phương.
Biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp: diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, đặc biệt là một phần đáng kể ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và các vùng đất thấp đồng bằng ven biển bị ngập mặn do nước biển dâng, tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng; ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng, tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của gia súc, gia cầm; hiện tượng mưa trái mùa, lượng mưa thay đổi, hạn hán, lũ lụt, nắng nóng kéo dài… đã gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế và đời sống dân sinh…
Cùng với nhiều ngành kinh tế khác bị ảnh hưởng thì vấn đề an ninh năng lượng trong giai đoạn tới được coi là vấn đề cấp thiết với nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, những hiện tượng biến đổi khí hậu diễn ra sẽ tác động mạnh đến cung cầu năng lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành than, sản xuất điện, dầu khí và đe dọa mất an ninh năng lượng của đất nước.
Theo báo kinh tế Việt Nam EVN.vn, dẫn lời Tiến sĩ Hoàng Tiến Dũng, Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương: “Biến đổi khí hậu không chỉ làm gia tăng hơn nữa mức độ phụ thuộc năng lượng, đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu dẫn tới sự mất ổn định nguồn cung cũng như sự phụ thuộc về mặt địa chính trị mà còn tác động lớn đến an toàn và ổn định trong cung ứng năng lượng, làm gián đoạn, ngừng trệ, thậm chí tê liệt trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, việc thiết lập hệ thống an ninh năng lượng của Việt Nam mới đang ở giai đoạn hình thành, xu hướng đa dạng hóa nguồn cung năng lượng chưa rõ rệt, mức độ phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu ngày càng lớn (Việt Nam dự kiến đến năm 2030 nhu cầu nhập khẩu than cho điện khoảng 130-140 triệu tấn). Để có cơ sở dữ liệu nhằm đưa ra các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Bộ Công Thương đã giao cho chúng tôi thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, đề xuất các giải pháp đảm bảo An ninh Năng lượng trong bối cảnh Biến đổi khí hậu”. Đây sẽ là cơ sở lý luận cũng như đưa ra được phương pháp đánh giá tác động của Biến đổi khí hậu đến An ninh Năng lượng của Việt giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2050”.
Việc ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến an ninh năng lượng thể hiện ở chỗ lượng mưa và dòng chảy bất thường gây ảnh hưởng đến khả năng cung ứng và điều tiết kế hoạch sản xuất điện của các nhà máy thủy điện; gây thiệt hại, hư hỏng đến cơ sở hạ tầng cung ứng điện, gia tăng chi phí đầu tư mới, cải tạo, sửa chữa và nâng cấp thiết bị, mạng lưới phân phối điện, các giàn khoan dầu được xây dựng trên biển, hệ thống vận chuyển dầu và khí, các nhà máy điện chạy khí được xây dựng ven biển cũng bị ảnh hưởng, … Do vậy, về vấn đề an ninh năng lượng chúng ta phải đa dạng hóa các nguồn năng lượng năng lượng tái tạo như: Mặt trời, năng lượng gió, sinh học, hay phế thải của nông nghiệp để sản xuất điện và hạn chế thấp nhất năng lượng phải nhập khẩu như: than, dầu”.
Hiện Việt Nam chủ trương đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối, sinh học, biogas… Ngoài ra, cùng với việc phát triển các nguồn cung năng lượng sạch thì cũng cần có chính sách khuyến khích nhập khẩu các thiết bị công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng tiến tới loại bỏ công nghệ lạc hậu có hiệu suất thấp. Đối với các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước phải có chính sách khai thác, chế biến sử dụng hợp lý và hiệu quả, nhất là các nguồn tài nguyên kém chất lượng, các loại than có nhiệt lượng kém… Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 đã ưu tiên thực hiện chính sách bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng; khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước; giảm bớt phụ thuộc vào các sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu, xuất nhập khẩu than hợp lý; liên kết hệ thống năng lượng trong khu vực; mở rộng kho dự trữ xăng dầu.
Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tại Quyết định số 4103/QĐ-BCT, ngày 3/8/2010 nhiệm vụ cần phải thực hiện trong giai đoạn 2012 – 2013 là đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến an ninh năng lượng quốc gia nhằm mục tiêu đảm bảo sự bền vững và an ninh năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Ứng phó với Biến đổi khí hậu của Bộ Công Thương, Viện Năng lượng được giao nhiệm vụ “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, đề xuất các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu” với mục tiêu đánh giá tác động của nước biển dâng, giảm thiểu tác động đến an ninh năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, để làm tốt công tác đánh giá tác động của biến đổi khí hậu để từ đó đưa ra các giải pháp đảm bảo An ninh năng lượng thì một vấn đề cũng hết sức quan trọng đó là công tác dự báo nhu cầu sử dụng năng lượng của các ngành kinh tế phải chính xác thì chúng ta mới có các giải pháp hợp lý và chính sách phát triển nguồn cung cấp năng lượng sát với nhu cầu thực tế; Tránh đầu tư lãng phí dàn trải hoặc vì thiếu nguồn cung năng lượng mà ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước.
Theo DAKNONG.GOV.VN
Tags: Chiến lược phát triển, Biến đổi khí hậu