Suy thoái môi trường sống và sự gia tăng của dịch bệnh

Dù luôn xuất hiện trong lịch sử nhân loại, ngày nay dịch bệnh dường như đang trên đà gia tăng. Trong 20 năm qua, chỉ riêng virus corona đã gây ra ba đợt bùng phát dịch nghiêm trọng trên toàn thế giới. Đáng lưu ý hơn là thời gian giữa các đợt dịch ngày càng ngắn.

Suy thoái môi trường sống và sự gia tăng của dịch bệnh

Chủ yếu bắt nguồn từ Châu Á hoặc Châu Phi

Theo Suresh V Kuchipudi, phó giám đốc Phòng thí nghiệm chẩn đoán động vật ở Đại học Pennsylvania, nhà vi trùng học chuyên nghiên cứu virus truyền từ động vật sang người, phần lớn dịch bệnh đều có ít nhất một điểm chung là bắt nguồn từ châu Á hoặc châu Phi vì nhiều lý do.

Sự chuyển dịch dân số là một trong những lý do khiến ngày càng nhiều dịch bệnh bắt nguồn từ Châu Á hoặc Châu Phi. Quá trình đô thị hóa nhanh đang diễn ra trên khắp Châu Á và khu vực Thái Bình Dương, nơi tập trung 60% dân số thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới, gần 200 triệu người chuyển tới các khu đô thị ở Đông Á trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.

Việc di cư trên quy mô lớn như vậy khiến đất rừng bị phá hủy để nhường chỗ cho khu dân cư. Động vật hoang dã bị buộc phải tới gần các thành phố và thị trấn, xung đột với vật nuôi và con người. Động vật hoang dã thường mang virus trong cơ thể. Ví dụ, dơi chứa hàng trăm loại virus. Kết quả là những virus truyền từ loài này sang loài khác có thể lây nhiễm sang con người.

Đô thị hóa trở thành vòng luẩn quẩn. Càng đông người, tình trạng chặt phá rừng, mở rộng đất định cư và mất môi trường sống tự nhiên khiến động vật săn mồi tuyệt chủng dần, bao gồm nhiều loài ăn chuột. Số lượng chuột bùng nổ kéo theo nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm. Một phần lớn dân số Đông Phi vẫn sống ở vùng nông thôn. Vì vậy, đô thị hóa sẽ còn tiếp diễn trong những thập kỷ tới.

Mầm bệnh xuất hiện từ trang trại, chợ động vật

Ở cả châu Á và châu Phi, nhiều hộ dân phụ thuộc vào nông nghiệp tự cung tự cấp và nguồn thịt là đàn gia súc, gia cầm. Kiểm soát bệnh dịch, quản lý thức ăn và chuồng trại cho vật nuôi vô cùng hạn chế. Trâu bò, gà vịt và lợn có thể mang dịch bệnh và thường xuyên tiếp xúc gần với nhau, với động vật hoang dã và con người.

Không chỉ trang trại, chợ động vật sống rất phổ biến ở hai lục địa với môi trường đông đúc và khoảng cách gần giữa các loài. Điều này cũng đóng vai trò quan trọng cho phép mầm bệnh xuất hiện và lây lan từ loài này sang loài khác.

Nạn săn bắt và mổ thịt động vật hoang dã lấy thịt đặc biệt phổ biến ở vùng châu Phi cận Sahara. Những hoạt động này không chỉ đe dọa các loài thú và thay đổi hệ sinh thái mà còn mở ra con đường lây nhiễm chủ chốt cho virus có nguồn gốc từ động vật.

Tương tự, châu Á là thị trường tiêu thụ khổng lồ các sản phẩm thuốc đông y. Hổ, gấu, tê tê và nhiều loài khác bị săn trộm để lấy bộ phận cơ thể dùng trong điều chế thuốc, góp phần gia tăng tương tác giữa người và động vật.

Chủng nCoV có thể biến thành đại dịch toàn cầu

Hàng nghìn virus vẫn tiếp tục tiến hóa. Nguy cơ một bệnh dịch mới xuất hiện ở Châu Á hoặc Châu Phi chỉ là vấn đề thời gian. Dù rất khó dự đoán chính xác chuỗi sự việc dẫn tới bệnh dịch, chắc chắn chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách phát triển những biện pháp giảm thiểu tác động của con người tới hệ sinh thái, ngăn chặn chặt phá rừng và giảm tiếp xúc giữa người và động vật.

Nhiều thành phố tại Trung Quốc đang bị phong tỏa để đối phó với bệnh viêm phổi lạ có nguồn gốc từ virus corona chủng nCoV. Một số chuyên gia lo ngại nó có thể biến thành đại dịch toàn cầu. Đây không phải lần đầu tiên, bệnh tật nguy hiểm quét qua châu Á.

Những đại dịch trong quá khứ

Năm 2002, Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc. Loại virus có khả năng lây nhiễm cao nhanh chóng lan sang 37 quốc gia, lây nhiễm tới hơn 8.000 người và gây ra 774 ca tử vong, trong đó 600 bệnh nhân ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong. Bệnh được chế ngự vào năm 2003 và không có ca bệnh nào được báo cáo vào năm 2004.

Đến Năm 2012, Arab Saudi lần đầu phát hiện bệnh nhân mắc Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Bệnh nhanh chóng lan rộng hơn 26 quốc gia với khoảng 2.500 trường hợp dương tính. Virus được cho là bắt nguồn từ cơ thể lạc đà, có khả năng truyền từ người sang người. MERS có họ hàng với bệnh SARS, nhưng nguy hiểm hơn. Bệnh đã gây ra cái chết của khoảng 850 người.

MERS trỗi dậy vào năm 2015 tại Hàn Quốc, ảnh hưởng tới 186 người, 36 trường hợp tử vong. Trong đó, 82 người nhiễm bệnh từ một “nguồn siêu lây lan” là một người trở về từ Trung Đông. Gần đây nhất, vào tháng 1/2019, một đoàn tàu tốc hành tại Hong Kong đã được dừng hoạt động để khử trùng vì chở một người đàn ông bị nhiễm MERS.

Châu Á cũng đối mặt với bệnh Cúm lợn H1N1 vào năm 2009, bùng phát ở 214 quốc gia và giết chết 18.000 người. Tại Hong Kong có 282 bệnh nhân bị biến chứng nặng và 80 người chết.

Sau khi nghiên cứu dữ liệu, các chuyên gia kết luận căn bệnh đã gây tử vong cho 575.000 người, chủ yếu ở Đông Nam Á và Châu Phi, nơi việc tiếp cận các nguồn lực điều trị và phòng ngừa bị hạn chế.

Cũng khởi phát từ Hong Kong, bệnh Cúm gia cầm H5N1 bắt nguồn từ các chợ gia cầm sống vào năm 1997, lây lan cho 18 người, 6 bệnh nhân đã chết. Nước này đã tiêu hủy hơn 1,5 triệu con gà để ngăn chặn sự lây lan của virus. Triệu chứng bệnh tương tự như viêm phổi và suy tạng. H5N1 bùng phát thêm ba lần vào những năm sau đó, tuy nhiên chưa xuất hiện trở lại ở Hong Kong.

Sốt xuất huyết năm 2019 truyền từ muỗi vằn là một trong số những đợt dịch tồi tệ nhất từng được ghi nhận. Các triệu chứng của sốt xuất huyết bao gồm sốt, đổ mồ hôi, nôn, co thắt và đau khớp.

Tại Philippines, hơn 1.000 người đã chết vào khoảng 400.000 trường hợp dương tính với virus vào năm ngoái, gần gấp đôi so với năm 2018. Thái Lan cũng là quốc gia bị ảnh hưởng với hơn 100 người chết. Các ca sốt xuất huyết của Malaysia cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Bệnh bại liệt là một trong số những dịch bệnh có thể phòng ngừa được, tái xuất trên khắp Châu Á, xâm lấn hệ thống thần kinh và có thể gây ra tê liệt không thể hồi phục được chỉ trong vài giờ. Nó lây lan nhanh chóng ở trẻ em, đặc biệt là trong điều kiện mất vệ sinh ở các khu vực kém phát triển, những nơi điều kiện chăm sóc sức khỏe còn hạn chế.

Vào tháng 12/2019, Malaysia báo cáo trường hợp đầu tiên mắc bệnh sau 30 năm diệt trừ hoàn toàn. Tại Philippines, ba bệnh nhân dương tính cũng được báo cáo vào tháng 9 năm ngoái, 19 năm sau khi đất nước ghi nhận ca bệnh cuối cùng.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,