⠀
Sự thật lịch sử về cuộc chiến của 300 chiến binh Sparta
Trong hàng triệu người người đã xem bộ phim 300 nổi tiếng về các chiến binh Sparta, không nhiều người biết tường tận về câu chuyện lịch sử được sử dụng để chuyển thể thành bộ phim này.
Bộ phim 300 lấy bối cảnh lịch từ cuộc xâm lược Hy Lạp lần thứ hai trong cuộc chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư. Dưới đây là những diễn biến lịch sử của cuộc chiến này.
Ba Tư xâm lược Hy Lạp lần thứ nhất
Thế kỷ 6 TCN, các thành bang Hy Lạp đã hình thành và phát triển mạnh mẽ. Lúc này, Ba Tư, một cường quốc châu Á, không ngừng bành trướng mở rộng, chĩa mũi nhọn xâm lược đối địch với Hy Lạp, cuối cùng dẫn đến cuộc chiến tranh Hy Lạp và Ba Tư, sử sách còn gọi là “cuộc chiến Hy Lạp – Ba Tư”.
Giữa thế kỷ 6 TCN, quân Ba Tư chinh phục vùng Tiểu Á, đặt các thành bang thực dân của người Hy Lạp dưới quyền thống trị của đế quốc Ba Tư.
Năm 514 TCN đến năm 513 TCN, Hoàng tử Ba Tư Xercès thống lĩnh đại quân vượt qua eo biển tiến thẳng một mạch tới nội địa châu Âu. Những người bản địa ở đây đã sử dụng chiến thuật du kích đánh cho quân Ba Tư tơi bời và bị tổn thất nặng nề.
Tương truyền người Hy Lạp đã từng cống nạp cho Xercès một Lễ vật kỳ lạ gồm: chim, chuột, ếch xanh, mỗi loài 1 con và 5 mũi tên. Ý của lễ vật nói lên là: “Hỡi người Ba Tư, nếu như các người còn chưa như chim bay lên trời, hoặc như chuột chui xuống đất, hay giống ếch xanh nhảy xuống hồ, thì đừng mong ngày trở về, sẽ chết ngay dưới những mũi tên này”.
Kế hoạch trừng phạt người của Ba Tư không thực hiện được, người Ba Tư liền chuyển sang chiếm Thrace, Macédoine phía Tây Thrace, cũng bị quân Ba Tư chinh phục. Như vậy, các thành lũy lân cận của Hy Lạp đã đối mặt trước sự uy hiếp của quân Ba Tư.
Năm 500 TCN, vùng Millè của Tiểu Á đã nổi lên cuộc khởi nghĩa chống Ba Tư, các đô thị khác nhau của Hy Lạp cùng đứng lên hưởng ứng và được sự ủng hộ của Athènes. Vua Darius vẻ tức giận ra mệnh lệnh: mỗi người nô lệ cứ đến bữa vua ăn hô ba lần: “Hoàng đế hãy ghi nhớ người Athènes”.
Năm 494 TCN, quân Ba Tư đàn áp người Hy Lạp khởi nghĩa ở Tiểu Á, thành phố Millè đã bị phá hủy, nam giới bị giết chết, phụ nữ, trẻ con bị bắt làm nô lệ.
Năm 492 TCN, vua Darius cử hai cánh quân từ hai ngả đường bộ, đường biển đánh vào Hy Lạp. Nhưng hải quân Ba Tư đã gặp bão tố trên Địa Trung Hải, lục quân lại bị đánh trả quyết liệt từ các bộ lạc. Cuộc viễn chinh lần này của quân Ba Tư bị thất bại khi chưa tới được Hy Lạp.
Xercès vẫn chưa chịu từ bỏ ý đồ xâm lược, một mặt ông ta tiếp tục chuẩn bị chiến tranh, mặt khác cử sứ giả tới các nước của Hy Lạp, yêu cầu họ dâng cống nạp đất đai, có nghĩa là đòi người Hy Lạp phải đầu hàng.
Đòi hỏi của Xercès đã bị thành bang của Hy Lạp khước từ. Người Athènes đã giết chết sứ giả Ba Tư, người Sparte quẳng sứ giả Ba Tư xuống giếng và nói: “Đấy, nước và đất của nhà ngươi, hãy cầm về đi, bao nhiêu cũng được”.
Năm 490 TCN, Xercès mở đợt tiến công lần thứ hai vào Hy Lạp. Quân đội Ba Tư vượt qua biển rộng tại bình nguyên Marathon ở Phía Đông Bắc thành Athènes. Số lượng quân đội Athènes lúc ấy ít hơn nhiều so với quân Ba Tư, tình hình lúc đó rất nguy cấp.
Athènes lập tức cử người tới Sparte cầu cứu, nhưng bị từ chối chỉ có một nước nhỏ là Plattées cho tiếp viện 1.000 quân tới giúp. Để không bị kiếp nô lệ, Athènes quyết định chiến đấu.
Trước tiên, quân Athènes đóng quân ở những nơi địa hình hiểm yếu, tập trung phần lớn lực lượng ở hai bên, ở giữa chỉ có một lực lượng nhỏ yếu, khi đánh nhau vừa đánh vừa lui, dụ địch vào bẫy. Quân Ba Tư mắc mưu, ầm ầm đuổi theo. Lúc này, quân Hy Lạp từ hai bên ập xuống, vây chặt quân ba Tư vào giữa làm quân Ba Tư thua chạy tán loạn. Đây chính là chiến trận Marathon nổi tiếng trong lịch sử nhân loại.
Sau cuộc chiến, một người lính Philippides chạy về báo tin thắng trận, anh ta đã chạy một mạch hơn 42km, cuối cùng về tới thành Athènes hô lớn: “Tin vui, ta đã chiến thắng rồi!”. Vừa dứt lời, anh chiến binh ngã vật xuống đất hy sinh: cuộc thi chạy Marathon hiện nay chính là để nhớ lại và bắt nguồn từ sự kiện này.
Nghe nói rằng đội quân nhỏ bé của Athènes đã tiêu diệt 6.400 quân Ba Tư, Athènes chỉ hy sinh có 192 người. Người Athènes đã xây mộ đài tưởng niệm các liệt sĩ đã ngã xuống ngay nơi chiến địa.
Sau trận Marathon, quân Ba Tư rút về châu Á, chuẩn bị cuộc chiến tranh khác. Người Hy Lạp dưới sự lãnh đạo của Thémistocle đã tổ chức thành liên minh chống Ba Tư. Sau đấy, Hy Lạp liền xây dựng hạm đội với một đội quân hùng mạnh. Ả
Ba Tư xâm lược Hy Lạp lần thứ hai
Năm 480 TCN, Darius chết. Hoàng đế Ba Tư Xercès thân chinh thống lĩnh cả hải quân và lục quân xâm lược Hy Lạp. Theo dã sử kể, quân xâm lược đông tới hơn 100 vạn quân bao gồm người Ba Tư, người Ả Rập và người Ai Cập.
Quân Ba Tư trong vòng 7 ngày vượt qua eo biển Dardanelles tới châu Âu. Nhưng vào lúc vượt biển đã xảy ra hiện tượng nhật thực, các tăng lữ nói với Hoàng đế Ba Tư là “Đây là điềm tốt. Mặt trời của người Hy Lạp đã lặn, Mặt trăng tôn thờ của người Ba Tư dã thắng”.
Quân Ba Tư tiến tới vùng Thermopyles. Vua Sparte là Léonidas cùng 800 chiến binh Sparte đang phòng thủ bảo vệ nơi này.
Quân Ba Tư liên tiếp mở các đợt tiến công, nhưng đều bị đánh bại. Cả hai bên đánh nhau quyết liệt, quân Ba Tư vẫn không chọc thủng được phòng tuyến Thermopyles. Vua Ba Tư lo lắng quân lính của mình bị tiêu diệt, đứng ngồi không yên.
Sau đó, một tên phản bội Hy Lạp, trong một đêm hắn dẫn quân Ba Tư theo con đường nhỏ luồn sau lưng (hậu phương) quân Hy Lạp, bao vây Thermopyles. Tướng lĩnh Ba Tư dùng roi thúc các tốp lính xông lên, song các chiến binh Hy Lạp cùng liều mình chống trả quyết liệt, họ bị gãy giáo dùng kiếm, mất kiếm dùng đầu, răng chiến đấu.
Do địch quá đông vua Sparte cùng 300 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Quân Ba Tư cũng bị thương vong nặng nề, một trong người anh em Xercès đã chết trận.
Quân Xercès hạ lệnh tìm thi thể của Leonidas chặt đầu cắm lên mũi giáo để trả thù. Người Hy Lạp biểu lộ sự tôn kính với Léonidas và các dũng sĩ chết trận. Họ đã xây bia mộ kỷ niệm tại nơi các chiến sĩ hi sinh – chiến trường Thermopyles.
Sau khi Thermopyles thất thủ, người Athènes phá thành lũy, lên tàu tập trung tại vùng biển Salamine chuẩn bị đánh địch trên biển. Sau khi chiếm thành Hy Lạp, quân Ba Tư cướp bóc vơ vét rồi phóng lửa đốt thành.
Trong lúc quân xâm lược Ba Tư đang chà đập lên đất Hy Lạp thì quân Hy Lạp đã tập hợp tại vùng Salamine. Về mặt kế hoạch chiến lược đã có sự chia rẽ. Một bộ phận tướng lĩnh chủ trương đưa hạm đội bỏ vịnh Salamine, nhưng tướng Thémistocle lại kiên quyết chủ trương sẽ quyết chiến tại Salamine.
Thémistocle cử một nô lệ tâm phúc tới nói với quân Ba Tư là người Hy Lạp đang tính đường rút chạy bằng tàu thuyền. Hoàng đế Ba Tư tin đó là thật, liền cử hải quân tới bao vây hạm đội Hy Lạp tại Salamine, và tất yếu quân Hy Lạp buộc phải quyết chiến.
Rạng sáng ngày thứ hai, cuộc thủy chiến Salamine bắt đầu. Hoàng đế Ba Tư hạ lệnh mang ngai vàng đặt trên bờ biển cao, tự mình theo dõi trận đánh. Vây quanh Hoàng đế là những nhà chép sử, họ vâng lệnh ghi chép lại toàn bộ quá trình trận đại chiến.
Cuộc chiến ác liệt diễn ra, thuyền chiến của quân Ba Tư quá to, nặng nề trong vùng biển nhỏ hẹp, khó triển khai và phát huy uy lực. Cái thì bị mắc cạn, cái lại bị va đập, còn những chiếc khác bị các thuyền chiến nhanh nhẹn đánh đắm, nên thuyền chiến của quân Ba Tư hầu như bị lật chìm toàn bộ.
Hoàng đế Ba Tư thấy tình thế bất lợi, liền đem phần lớn quân sĩ chạy về châu Á, chỉ để lại vài vạn tiếp tục chiến đấu với quân Hy Lạp số quân này lại một lần nữa đánh thành Hy Lạp, nhưng cuối cùng bị quân Hy Lạp đánh đuổi khỏi thành này.
Năm 479 TCN, quân Hy Lạp và quân Ba Tư lại quyết chiến ở Platées (Platê). Tại đấy, quân Hy Lạp dùng mộc chắn những mũi tên quân địch bắn tới, qua trận kịch chiến, quân Hy Lạp cuối cùng đánh bại được quân Ba Tư.
Cũng đồng thời tại mũi Artémision hải quân Hy Lạp đã tiêu diệt hạm đội còn sót lại của quân Ba Tư, đốt cháy chiến thuyền Ba Tư.
Quân Hy Lạp bước sang giai đoạn phản công, năm 478 đến 477 TCN, nhiều quốc gia của Hy Lạp liên hợp lại tổ chức thành một khối liên minh. Do hội nghị hòa bình của đồng minh này đặt ở đảo Delos nên gọi là khối đồng minh Delos. Athènes là người lãnh đạo đồng minh.
Quân đồng minh Hy Lạp liên tiếp đánh bại quân đội Ba Tư, đến năm 449 TCN đại biểu Athènes đã ký hòa ước với Ba Tư tại Thủ đô Susa (Ba Tư) buộc Ba Tư phải bỏ vai trò bá quyền ở vùng biển và thừa nhận nền độc lập của các thành bang do y Lạp cai trị. Cuộc chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư đã kết thúc.
>> Huyền thoại và sự thật về đội quân Bất tử của đế quốc Ba Tư cổ đại |
Theo BÁCH KHOA TRI THỨC
Tags: Ba Tư, Hy Lạp cổ, Thế giới cổ đại