Sự ra đời của Liên bang Xô-viết: Một thế kỷ nhìn lại

Ngày 30/12/1922, một quốc gia vĩ đại chính thức được khai sinh. Chỉ tồn tại 69 năm, song những dấu ấn mà quốc gia ấy – Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết (thường được gọi tắt là Liên Xô) – để lại trong dòng chảy lịch sử nhân loại là vĩnh viễn không thể phai mờ.

Sự ra đời của Liên bang Xô-viết: Một thế kỷ nhìn lại

Tuy nhiên, bị khuất lấp sau hào quang của Ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, chặng đường từ Nước Nga Xô-viết thoát thai thành Liên Xô cũng dần phôi phai, trong ký ức các thế hệ tiếp nối. Và điều đau đớn nhất, là việc tiến trình phai mờ ấy đã và đang tạo nên một cuộc xung đột quân sự khốc liệt giữa hai dân tộc, hai quốc gia “anh em một nhà” cũ.

Bài học từ Nội chiến

Ngày 30/12/1922, Hiệp ước về thành lập Liên bang Xô-viết – ký giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết Liên bang Nga, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết Liên bang Ngoại Kavkaz (Transcaucasia – về sau phân tách thành ba nước Gruzia, Armenia và Azerbaijan), Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô-viết Belorussia và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô-viết Ukraina vào ngày 29/12- đã được Đại hội Xô-viết toàn liên minh lần thứ nhất thông qua.

Như vậy, một quốc gia mới – Liên bang Xô-viết – đã ra đời, với một “khung pháp lý lập quốc” chắc chắn, cụ thể và hợp thức hóa những mối dây liên hệ đã được thiết lập trong quá khứ. Trước đó, năm 1920, các hiệp ước đoàn kết và hữu nghị đã được ký giữa Xô-viết Nga và Xô viết Ukraina. Năm 1921, giữa Xô-viết Nga và Xô-viết Belarus, rồi sau đó là với Xô-viết các nước cộng hòa vùng Kavkaz. Theo các hiệp ước, Cộng hòa XHCN Xô-viết Liên bang Nga giành được quyền đại diện cho tất cả các nước cộng hòa khác trong quan hệ với quốc tế và ký các tài liệu ngoại giao nhân danh họ.

Sự đoàn kết và gắn bó mật thiết giữa Xô-viết các khu vực khác nhau trên lãnh thổ Đế quốc Nga Sa hoàng cũ là một vấn đề cực kỳ quan trọng, thậm chí mang tính sống còn. Bởi lẽ, thời điểm ấy, năm 1922, nhà nước Xô-viết non trẻ ra đời từ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại cũng chỉ vừa thoát khỏi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, với chiến thắng oanh liệt sau ba năm nội chiến.

Ba năm nội chiến (bùng nổ ngay sau Cách Mạng Tháng Mười) ấy, quân đội Bạch vệ bao vây và tấn công Hồng quân từ mọi hướng. Không chỉ lính Bạch vệ giàu kinh nghiệm chiến đấu và được trang bị tốt hơn, Hồng quân còn phải đối đầu với những đoàn quân tham chiến đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ba Lan… – những nước tư bản muốn “bóp nát mầm mống Cộng sản từ trong trứng”, và nhân tiện “cháy nhà hôi của”, tìm kiếm lợi ích trên sự suy tàn của Đế quốc Nga Sa hoàng.

Vấn đề là, như chính giới nghiên cứu lịch sử phương Tây đánh giá, ba năm gian nan ấy, “Hồng quân đã thắng Bạch vệ trong cuộc nội chiến, một phần quan trọng vì những người này không thể đoàn kết dưới một cương lĩnh chính trị hay một chương trình hành động chung nào”. Từ Yudenich qua Wrangel, đến Kolchak và tới Denikin, tất cả các tướng lĩnh Bạch vệ đều chỉ muốn hành động một mình nhằm độc chiếm vinh quang, như những “sứ quân” riêng rẽ. Do đó, lần lượt, từng cánh quân của họ trở nên lẻ loi, cô thế, và cuối cùng đều bị sức mạnh của Hồng quân bẻ gãy.

Đó là chưa kể đến chuyện “Bạch vệ hầu như không bao giờ được nông dân ủng hộ, vì họ thường tái lập vị trí của các điền chủ”. Và quan trọng hơn, chính danh của quân Bạch vệ bị đánh mất, khi họ dẫn đường hoặc chiến đấu cùng các đoàn quân ngoại quốc. Lòng tự hào dân tộc khiến những người dân Nga nhìn quân Bạch vệ như những kẻ phản quốc, đồng minh của đám xâm lược, để xả thân cùng Hồng quân tiến hành những cuộc chiến đấu cao cả bảo vệ đất nước.

Trên chặng đường ba năm chiến đấu trong vòng vây để đi tới thắng lợi cuối cùng ấy, tình đoàn kết và khả năng phối hợp giữa các chính quyền Xô-viết đóng vai trò quyết định, trong việc khơi dậy và huy động những nguồn sức mạnh tổng hợp. Đặc biệt, trên lãnh thổ Ukraina, dù đã từng chiếm được Kiev, quân Ba Lan vẫn bị các đơn vị phối hợp Nga – Ukraina đánh bật, và phải rút lui về phòng ngự tận chân thành Warsaw.

Con đường tất yếu

Cho dù lãnh tụ V.I.Lenin luôn đề cao quyền tự quyết của các dân tộc – điều được thể hiện rất rõ ràng trong “Tuyên bố về Quyền của các Dân tộc trong nước Nga”, trong đó có chi tiết “Quyền của các dân tộc Nga được tự do tự quyết, thậm chí tới mức độ ly khai và hình thành một nhà nước độc lập” (ngày 3/11/1917), và cho dù ngay sau Cách Mạng Tháng Mười, các nước Cộng hòa Xô-viết Ukraina hay Cộng hòa Xô-viết Belorussia đã lập tức được thành lập (điều sau này thường được xem là những hành động mang tính biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc), thì vẫn có một vấn đề không thể phủ nhận.

Trong thế bị bao vây và cô lập bởi chủ nghĩa tư bản, muốn tồn tại, các Xô-viết ở những phần lãnh thổ của Đế quốc Nga Sa hoàng cũ (trừ Ba Lan, Phần Lan và các nước Baltic, vào thời điểm đó) cần phải tiếp tục tựa vào nhau, gắn bó khăng khít và chặt chẽ với nhau hơn nữa, dưới một chính phủ trung ương mang màu sắc tập trung quyền lực. Bởi, nếu đứng riêng lẻ, bất cứ nước Cộng hòa Xô-viết nào ngoài Nga cũng có thể dễ dàng bị nhấn chìm, và đó cũng chính là mối nguy cơ đe dọa an ninh quốc phòng của toàn bộ các nước cộng hòa Xô-viết còn lại.

Thực tế là theo các thỏa thuận riêng rẽ đã ký trước ngày 30/12/1922, các Dân ủy (Bộ) quan trọng nhất (Quốc phòng, Kinh tế quốc dân, Thương mại, Tài chính, Lao động, Đường sắt, Bưu chính và Điện tín) tại các nước Cộng hòa Xô-viết đều đã được trung ương hóa, quy về dưới sự quản lý chung từ Moskva.

Cụ thể hơn, chính trong Tuyên bố thành lập Liên bang Xô-viết, những nguyên nhân và động lực then chốt cũng đã được những “người trong cuộc” chỉ rõ. Trước hết, hậu quả của cuộc nội chiến đã khiến nhiều nền kinh tế của các nước cộng hòa bị phá hủy, và tiến trình xây dựng lại những hệ thống kinh tế đó theo các chính sách xã hội chủ nghĩa mới đang vấp phải nhiều khó khăn, đòi hỏi những cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn. Thứ hai, các mối đe dọa từ nước ngoài tiếp tục lan rộng, do đó các thực thể chính quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi một liên minh để bảo vệ chủ quyền. Và cuối cùng, sự thành lập Liên bang Xô-viết là bước phát triển tất yếu trong lịch sử loài người, nhằm kiến tạo hòa bình, thịnh vượng và phát triển cho các dân tộc.

Nói cách khác, các nhà nước hợp thành Liên Xô đều có điểm chung là do những người Bolsevik địa phương lãnh đạo. Chính vì thế về cơ bản Liên Xô là một quốc gia được thành lập trên nền tảng ý thức hệ chung là chủ nghĩa Cộng sản, và chủ nghĩa Cộng sản là nhân tố quan trọng nhất, gắn kết các nhà nước này lại với nhau. Như tên gọi, Liên Xô là một liên minh bình đẳng giữa các dân tộc, các quốc gia Xô-viết từng nằm trong Đế chế Nga Sa hoàng. Tuy nhiên với tỷ lệ dân số và truyền thống lịch sử, dân tộc Nga chiếm vị trí áp đảo trong cộng đồng mới này.

Tất nhiên, theo những biến thiên của thời cuộc, cho đến khi sụp đổ năm 1991, những đặc tính của Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết cũng đã khác đi rất nhiều, so với những gì lãnh tụ V.I.Lenin phác thảo.

Mặc dù vậy, sẽ không bao giờ phai mờ, ngày 30/12/1922 là ngày khai sinh của một siêu cường đích thực, từng đóng vai trò một cực trong thế giới lưỡng cực suốt 40 năm của thế kỷ 20.

Nhờ sự tập trung tiềm lực và thống nhất về quản lý trên vùng đất mênh mông và trù phú đó, chỉ trong khoảng 12 năm (từ 1928 đến 1940), Liên Xô đã thu được những thành tựu công nghiệp mà các nước tư bản châu Âu đi trước phải mất tới khoảng ba phần tư thế kỷ, từ sản lượng thép (tăng bốn lần rưỡi) qua mạng lưới điện lực (tăng gấp tám lần) tới than và dầu hỏa (tăng gần gấp ba lần).

Nhờ vậy, Liên Xô đủ sức đi xuyên qua những đọa đày khủng khiếp của Đại chiến Thế giới lần thứ hai, trong vai trò yếu tố then chốt dẫn tới chiến thắng trước chủ nghĩa phát-xít.

* Trong thời kỳ tồn tại, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới. Nó cũng là một trong những nước đa dạng nhất về văn hóa, với hơn 100 dân tộc khác nhau sống trong biên giới của mình. Tuy nhiên, phần lớn dân số được tạo thành từ Đông Slav (người Nga, người Ukraina và người Belorussia); những nhóm này cùng nhau chiếm hơn hai phần ba tổng dân số Liên Xô, vào cuối những năm 1980.

* Ở mức độ lớn nhất, từ năm 1946 đến năm 1991, Liên Xô có diện tích khoảng 22.400.000 km2. Đất nước mênh mông này chiếm gần một phần sáu diện tích đất liền của Địa Cầu, bao gồm nửa phía đông của châu Âu và khoảng một phần ba diện tích phía bắc của châu Á.

Theo THIÊN THƯ / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: ,