Sự nguy hiểm của những cái bẫy mang tên ‘gửi tiết kiệm’ ở Việt Nam

Tháng 9 năm ngoái, khi được chào mời “gửi tiền linh hoạt” qua app với lãi suất 12% một năm, Tuấn gọi điện hỏi ý kiến tôi.

Tác giả: Nguyễn Hữu Thanh, chuyên gia tài chính – đầu tư, hiện là Phó tổng giám đốc đầu tư & tư vấn chiến lược, công ty Weland.

Tôi khuyên anh không gửi, vì hình thức đó không an toàn. Đầu tháng 11, anh cho hay, app bị đóng, mất thanh khoản. Nhiều người không thể rút được tiền.

Tuấn gặp may, nhưng nhiều người đã lọt vào một “ma trận tiết kiệm” được giăng ra khắp nơi, với nhiều hình thức khác nhau. Những khách hàng như Tuấn rất dễ nhầm tưởng mình vẫn đang gửi tiết kiệm cho ngân hàng do các mỹ từ đánh tráo khái niệm được đặt tên cho sản phẩm như “tiết kiệm linh hoạt”, “tiết kiệm kết hợp đầu tư”, “tiết kiệm công nghệ 4.0”; hoặc các gói bảo hiểm nhân thọ được giới thiệu như một dạng “tiết kiệm kết hợp đầu tư” với lãi suất cao, lại còn được bảo vệ khi gặp rủi ro, tai nạn.

Đằng sau ma trận về tên gọi là các sản phẩm tài chính: trái phiếu doanh nghiệp, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, chứng chỉ quỹ, ủy thác đầu tư, đầu tư kết hợp bảo hiểm…

So với tiết kiệm thông thường, nhân viên tư vấn đưa ra một loạt USP, KSP (điểm khác biệt, ưu thế) như: “rút tiền linh hoạt” – tức có thể rút tiền trước hạn mà vẫn được giữ lãi suất cao, hoặc “lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm thông thường”. Đây là điểm “đánh gục” rất nhiều người vì ai cũng muốn hưởng lãi suất tốt nhất, lại được chủ động rút tiền khi cần mà vẫn không bị chuyển về lãi suất không kỳ hạn ở mức thấp.

Để dễ dàng “chốt khách”, nhân viên tư vấn cũng thường sử dụng thêm tiền tố một dạng, một hình thức, cũng giống như trước từ tiết kiệm, gây nhầm lẫn đây là một hình thức gửi tiết kiệm mới ưu việt hơn và vẫn được ngân hàng đảm bảo. Một số khác thì lồng ghép các xu hướng công nghệ mới như: tài chính 4.0, ngân hàng số, ngân hàng điện tử, gửi tiền qua app và nhấn mạnh vào lợi thế có thể rút tiền, gửi tiền ở bất kỳ đâu.

Thêm vào đó, tư vấn viên đều là nhân viên ngân hàng, mặc đồng phục nên khách hàng dễ tin tưởng. Các giao dịch chuyển tiền, thao tác trên app, ký hồ sơ đều được thực hiện tại ngân hàng, tạo ấn tượng việc ký kết được thực hiện trực tiếp với ngân hàng. Khách hàng cũng lười đọc, lười tìm hiểu các hồ sơ, hợp đồng dài hàng chục trang với nhiều thuật ngữ khó hiểu nên họ thường chấp nhận để nhân viên tư vấn “bảo đâu ký đấy”.

Những thủ thuật “chốt sale” này, nhân viên tư vấn đã được đào tạo kỹ lưỡng, thực hành hàng ngày đến mức thuần thục, nên họ không khó để thuyết phục những người thiếu kiến thức, kinh nghiệm về tài chính.

Hệ quả xảy ra rất khó lường. Nhiều người mua nhầm trái phiếu của doanh nghiệp không uy tín, mất khả năng thanh toán. Số khác mua phải chứng chỉ quỹ hay ủy thác đầu tư theo nguyên tắc “lời ăn lỗ chịu” khiến khoản tiền tưởng là tiết kiệm nay trở nên âm vào vốn hàng chục %. Còn khách hàng mua “bảo hiểm nhân thọ kết hợp đầu tư” bị chia tiền vào hai túi: phí bảo hiểm và ủy thác đầu tư; với nguy cơ cao bị mất trắng phần phí khi vi phạm hợp đồng và hứng chịu mọi rủi ro khi ủy thác đầu tư, do không có cam kết lãi suất, lợi nhuận.

Ma trận tiền gửi tiết kiệm này được tạo nên bởi các chủ thể gồm: Thứ nhất là ngân hàng, cũng thường là bên đầu tư mua sỉ các khoản trái phiếu doanh nghiệp, sau đó giao chỉ tiêu (KPI) cho các chi nhánh, phòng giao dịch bán lẻ đến người dân, để ngân hàng được giải phóng “room” và có thể tiếp tục “ôm” trái phiếu mới. Thứ hai là các công ty chứng khoán của ngân hàng, là đơn vị trực tiếp tư vấn phát hành, và có thể đầu tư một số lượng trái phiếu nhất định cũng đẩy qua các kênh bán lẻ của ngân hàng để phân phối. Thứ ba là các công ty bảo hiểm đã ký hợp đồng hợp tác và phân phối bảo hiểm với ngân hàng, từ chuyên môn gọi là bancassurance. Thứ tư là các quỹ đầu tư phía sau của ngân hàng, công ty chứng khoán. Thứ năm là các doanh nghiệp bất động sản và cuối cùng là nhân viên tư vấn, những người chịu sức ép chỉ tiêu KPI và bị thu hút bởi tỷ lệ hoa hồng hậu hĩnh.

Việc ngân hàng bán chéo các sản phẩm khác như: trái phiếu, chứng chỉ quỹ, bảo hiểm nhân thọ… là nghiệp vụ kinh tế bình thường và hợp pháp để gia tăng lợi nhuận và thu nhập cho nhân viên. Bản chất của bảo hiểm không xấu. Tôi cũng tham gia bảo hiểm nhân thọ để mua sự an tâm cho bản thân và gia đình. Nhưng một số nhân viên tư vấn có thể không hiểu biết toàn diện sản phẩm, bị sức ép KPI quá cao, hoặc bị cám dỗ bởi khoản hoa hồng hậu hĩnh, đã tư vấn không đầy đủ, khiến khách hàng mua phải sản phẩm trái với nhu cầu của họ.

Để bảo vệ những đồng tiền mô hôi, công sức của mình, điều quan trọng là phải dành thời gian đọc hiểu các văn bản mà mình ký kết. Trong đó, câu hỏi cần cân nhắc kỹ là mình đang ký hợp đồng với ai. Nếu đối tác không phải là ngân hàng mà mình đang giao dịch, thì sản phẩm đó chắc chắn không phải là gửi tiết kiệm. Ngay cả các hợp đồng ba bên, có ngân hàng ký vào cũng không đảm bảo đấy là một sản phẩm tiết kiệm. Tiếp theo, khi được nhân viên tư vấn các lợi thế, điểm khác biệt của sản phẩm, hãy nghi ngờ, tạm dừng giao dịch, để nhờ sự tư vấn từ những người thân tín có kiến thức, kinh nghiệm.

Với các cơ quan quản lý, tôi cho rằng cần sớm ban hành quy định về các sản phẩm bán chéo tại ngân hàng, đưa ra yêu cầu về chứng chỉ tư vấn, định danh nhân viên tư vấn để giám sát chất lượng và tăng tính trách nhiệm của họ. Các bộ mẫu hợp đồng sử dụng cần có quy chuẩn theo đúng bản chất sản phẩm, ví dụ quy định chữ in hoa, cỡ lớn tên loại hợp đồng: HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM, HỢP ĐỒNG MUA TRÁI PHIẾU, HỢP ĐỒNG ỦY THÁC ĐẦU TƯ… để tránh nhầm lẫn cho người dùng.

Những biện pháp minh bạch được triển khai sớm sẽ giúp gửi tiết kiệm sớm trở lại theo đúng bản chất giản đơn vốn có: một kênh đầu tư an toàn, rủi ro thấp.

Theo VNEXPRESS 

Tags: