Sự kiện trục xuất 300.000 người Morisco khỏi Tây Ban Nha năm 1609

Năm 1609 đánh dấu một trong những cuộc trục xuất tôn giáo lớn nhất châu Âu khi khoảng 300.000 người Morisco – những tín đồ Hồi giáo cải sang đạo Cơ đốc – đã bị chính quyền đuổi khỏi Tây Ban Nha nhằm tạo ra một nhà nước thuần nhất. Đó cũng là một trong những chương đen tối nhất của lịch sử bán đảo Iberia.

Sự ra đời của người Morisco

400 năm trước, vào tháng 4/1609, vua Phillip III của Tây Ban Nha đã bí mật ra lệnh trục xuất toàn bộ dân số gốc Hồi giáo ở nước này. Trong hơn 4 năm sau đó, gần như tất cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em của nhóm người được gọi một cách miệt thị là “Morisco” đã bị buộc phải rời khỏi lãnh thổ nước này. Điểm đến của họ là Bắc Phi, nơi chứa đựng đầy rẫy hiểm nguy. Và những gì cuộc thanh tẩy sắc tộc đó để lại đã tác động không nhỏ đến xã hội Tây Ban Nha sau này.

Người Hồi giáo có mặt ở bán đảo Iberia (ngày nay là các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anđôra và một phần lãnh thổ của Pháp) từ thế kỷ thứ VIII. Năm 711, các đội quân Hồi giáo Bắc Phi đổ bộ lên bán đảo này và cai trị trong hơn 5 thế kỷ. Suốt giai đoạn đó, nhiều mâu thuẫn trong giới thống trị đã diễn ra, dẫn tới những sự thống nhất và chia rẽ. Không những thế, người Tây Ban Nha vẫn liên tục thực hiện các cuộc chinh phục để lấy lại phần đất đã mất (các cuộc chiến trong thời kỳ được gọi là Reconquista). Các vương quốc Cơ đốc giáo vẫn tồn tại song song với những người xâm lược, và phần lớn dân số vẫn theo tôn giáo này.

Năm 1492, Nữ hoàng Isabella I của Vương quốc Castile và Vua Ferdinand II của Vương quốc Aragon đã đánh bại vương triều Hồi giáo cuối cùng ở Granada và kết liễu quyền cai trị của đạo Hồi. Đồng thời, nền quân chủ Thiên chúa được tái lập. Nhưng tới thời điểm đó, người dân theo đạo Hồi đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống Tây Ban Nha.

Người Cơ đốc Tây Ban Nha luôn muốn có một nhà nước thuần khiết. Nhưng điều ngạc nhiên là theo các thỏa thuận đầu hàng, người dân theo đạo Hồi được phép giữ các luật pháp và tục lệ của mình. Tuy nhiên, chỉ 7 năm sau các thỏa thuận này đã bị phá vỡ, khi Tổng giám mục xứ Toledo buộc người Hồi giáo phải cải sang đạo Cơ đốc, nếu không muốn chịu các hình thức trừng phạt mạnh bạo như bỏ tù. Điều này đã kích động người Hồi giáo nổi dậy trên quy mô lớn với trung tâm là vùng Andalusia. Sau chiến dịch bình định, các vương quân Thiên Chúa giáo quyết định bắt tất cả người Hồi giáo ở Granada phải cải đạo hoặc phải rời khỏi đất nước.

Từ năm 1502 đến 1526, người Hồi giáo ở các vùng Castile, Valencia, Aragon và Catalonia đều buộc phải cải đạo thành tín đồ Cơ đốc giáo. Mọi tín ngưỡng Hồi giáo ở Tây Ban Nha đều bị cấm. Chính quyền không ảo tưởng về tính thành thật của cuộc cải đạo, nhưng họ tin rằng người Hồi giáo theo thời gian sẽ tự nguyện đi theo đạo Cơ đốc. Cái tên Morisco ra đời từ đây.

Hầu hết việc cải đạo này chỉ là hình thức. Người Morisco không thành thực với Cơ đốc giáo và vẫn bí mật thực hành đạo Hồi. Khi một đứa trẻ được rửa tội, người ta mang nó về nhà và cho tắm bằng nước ấm để hủy bỏ lễ ban phước rồi bí mật làm lễ đặt tên theo truyền thống. Một số người chôn người chết theo tập tục Hồi giáo thay vì Cơ đốc giáo.

Thái độ của người Cơ đốc “cũ” đối với người Morisco rất phức tạp và mâu thuẫn. Một mặt, họ được đánh giá cao bởi các chủ đất Tây Ban Nha về tính cần cù của họ. Mặt khác họ thường bị coi là các công dân hạng hai và gợi nhớ lại quá khứ Hồi giáo đáng hổ thẹn xa rời những di sản đích thực của Tây Ban Nha.

Niềm tin vào tính thuần khiết của đất nước khiến Tây Ban Nha coi người Morisco là dị giáo. Suốt thế kỷ 16, mọi mặt trong đời sống như ngôn ngữ, quần áo, tục ăn kiêng hay các truyền thống khác đều bị quy kết là mọi rợ. Chính sách đồng hóa bắt buộc được thi hành. Người nào không uống rượu hay ăn thịt lợn sẽ bị đưa ra tòa; che giấu sách hay đoạn trích về kinh Koran hoặc truyền thuyết Hồi giáo có thể bị phạt. Không chỉ bị cho là mối đe dọa với tính thống nhất tôn giáo của Tây Ban Nha, họ còn bị coi là tay trong tiềm tàng trong cuộc xung đột đẫm máu giữa những người Cơ đốc giáo và Đế chế Ốttôman.

Bước ngoặt diễn ra vào năm 1566 khi vua Philip II ban hành một sắc lệnh cấm sử dụng tiếng Arập ở Granada, cùng với các điệu nhảy, bài hát và trang phục của người Morisco. Không bất ngờ gì khi sắc lệnh mang tính đàn áp này đã kích động cuộc nổi dậy vào năm 1568, thậm chí còn đẫm máu hơn cuộc nổi dậy trước. Trong 2 năm, quân đội Tây Ban Nha đã chiến đấu chống người nổi dậy Morisco trong những cuộc chiến đầy hỗn loạn. Tàn bạo nhất là cuộc san bằng thị trấn Galera ở phía đông Granada đã giết chết 2.500 dân thường. Họ đã chiến thắng và nhà vua Philip II ra lệnh bắt buộc di dời khoảng 80.000 nghìn người Morisco từ Granada sang các nơi khác. Người Cơ đốc “cũ” ở miền bắc được đưa đến sống ở đất của người Morisco.

Sau đó, người Morisco ngày càng bị đẩy ra ngoài lề. Sự thù hằn của Cơ đốc giáo càng gia tăng vì số người Morisco ngày càng nhiều so với người Cơ đốc. Trong khi người Cơ đốc đi lính và tôn trọng sự độc thân, người ta cho rằng người Morisco kết hôn sớm hơn và có đông con cháu một lúc nào đó sẽ chiếm số đông trong xã hội Tây Ban Nha. Các sử gia đã chứng minh những quan niệm này đã bị thổi phồng, nhưng chúng vẫn được giới cầm quyền Tây Ban Nha viện dẫn để dựng lên mối đe dọa từ những người “dị giáo”.

Kết cục bi thảm

Trong thế kỷ 16, Tây Ban Nha càng có lý do để nghi ngờ người Morisco. Họ được cho là có liên hệ với cướp biển Bắc Phi vốn thường quấy nhiễu các thành phố bên bờ biển và các chuyến tàu của nước này. Đương nhiên mối liên hệ đó đã bị phóng đại vì tin tức tình báo kém cỏi và thành kiến có sẵn với người Morisco.

Với người Tây Ban Nha, đồng hóa những người dị giáo, bội giáo giờ không chỉ là nghĩa vụ tôn giáo mà còn là vì an ninh quốc gia. Hơn nữa, nhiều người Morisco đã trở thành các thương nhân và chủ hiệu thành đạt. Họ có tiếng tằn tiện, thanh đạm và chăm chỉ. Họ chiếm mất vị trí của những người Cơ đốc giáo.

Chính quyền quân chủ và nhà thờ ở Tây Ban Nha khăng khăng coi người Morisco là kẻ thù. Tại một cuộc họp của vua Philip, các quan chức lạnh lùng bàn thảo đối sách về vấn đề Morisco, từ tiêu diệt cho tới giam hãm hay bắt làm nô lệ. Giám mục xứ Segorbe ở Valencia khuyên nên triệt sản người Morisco rồi sau đó đày họ đến vùng Newfoundland ở Bắc Mỹ để chết dần. Một người khác đề xuất nên dồn người Morisco lên thuyền rồi đánh đắm.

Áp lực trục xuất lớn dần vào đầu thế kỷ 17. Vương triều yếu kém của vua Philip III, nơi quan đại thần nắm mọi quyền lực, bắt đầu xem xét lại các giải pháp. Lúc này Tây Ban Nha đang trong thời kỳ tương đối hòa bình, nên biện pháp trục xuất càng có cơ hội để thực hiện.

Ngày 4/4/1609, vua Philip III chính thức phê chuẩn lệnh trục xuất người Morisco theo từng giai đoạn. Trong suốt mùa hè, giới chức đã bí mật chuẩn bị cho sự kiện kinh hoàng này. Những chiếc thuyền chiến của hạm đội Tây Ban Nha được huy động, các bến cảng được chỉ định, binh sĩ, dân quân và hải quân được triển khai. Thậm chí các tàu buôn nước ngoài cũng được thuê để hỗ trợ vận chuyển. Tất cả đều được dùng để chở người Morisco ra biển.

Phải đến ngày 24/9, khi những người loan tin ở Valencia thông báo, tin tức này mới được công khai. Valencia chính là nơi đầu tiên tiến hành cuộc đày ải, cũng là nơi có đông dân số Morisco nhất. Tất cả người gốc Hồi giáo đều bị buộc phải đến những bến cảng đã được chỉ định trong vòng 3 ngày, nếu không sẽ phải chết. Các tiểu đoàn quân đóng sẵn tại các bến cảng lớn Alfaques, Denia và Alicante.

Giới quý tộc đã tới gặp triều đình để phản đối cuộc trục xuất vì việc để mất nguồn lao động làm nông nghiệp người Morisco sẽ làm giảm đáng kể thu nhập của họ. Chính quyền bèn cho họ một số tài sản và đất đai bị tịch thu của người Morisco, nhưng vẫn không đủ để bù vào thiệt hại.

Chuyến trục xuất đầu tiên diễn ra vào ngày 2/10/1609. Nhiều nơi ở Valencia, những người gốc Hồi giáo coi đây như một sự giải thoát, vì có thể nó sẽ là một lựa chọn khá hơn là tiếp tục tồn tại trong sự thù địch của đất nước Cơ đốc giáo. Nhưng song song với đó là nỗi tuyệt vọng, khi toàn bộ các gia đình và cộng đồng bị buộc phải từ bỏ nhà cửa và làng mạc của họ, phải để lại đất đai cho những người láng giềng Cơ đốc giáo hay những kẻ trục lợi vô liêm sỉ. Dọc đường họ còn bị các băng nhóm Cơ đốc tấn công và cướp bóc. Hàng nghìn trẻ em bị bắt đi để cho người Cơ đốc nuôi dưỡng hay bị bán làm nô lệ.

Đau đớn hơn, người Morisco thậm chí còn bị bắt phải trả tiền vé cho chuyến đi này. Suốt cả năm sau đó, các cuộc đày ải cũng bắt đầu ở Aragon, Castile, Andalusia và Extremadura. Số người bị tống khứ được ghi chép kĩ càng để đảm bảo công cuộc thanh lọc phải hoàn thiện nhất có thể, nhưng số phận bi thảm của họ thì không mấy ai quan tâm.

Nhiều người đã không bao giờ đến được bờ bên kia. Một số bị cướp biển sát hại. Một số bị chính đội thuyền người Cơ đốc cướp bóc và giết chết. Hàng nghìn người chết đói tại nơi họ đến hoặc rơi vào vòng thảm sát của người Hồi giáo du cư bản địa, trớ trêu thay lại là những người nghĩ họ theo Cơ đốc giáo. Những người được đày sang Pháp bị nông dân địa phương đối xử tàn tệ. Những gia đình quá đói đã phải bán con để đổi lấy bánh mì. Hàng nghìn người khác chống đối và bị bắt làm nô lệ chèo thuyền.

Có nguồn tin cho rằng 300.000 người Morisco đã bị đuổi khỏi Tây Ban Nha. Số liệu gần đây hơn cho rằng con số đó là khoảng 600.000. Số người chết vì các cuộc nổi loạn trong thời gian 2 năm sau ngày khởi đầu được cho là hơn 50.000, và hơn 60.000 người khác chết trên đường đi hoặc ở nơi họ đặt chân đến.

Cuộc trục xuất kết thúc vào năm 1614. Hậu quả kinh tế không quá khủng khiếp, nhưng đã khiến nhiều vùng ở Valencia và Aragon trì trệ và phải mất nhiều năm để phục hồi. Các cánh đồng bị bỏ hoang, cơ sở hạ tầng xuống cấp và nhiều khu vực của nền kinh tế không thể được người Cơ đốc giáo lấp chỗ trống. Nhiều người bắt đầu nghi ngờ hành động này vì nó đã đẩy đi một lực lượng lao động năng suất nhất.

Cuộc trục xuất người Morisco ở Tây Ban Nha đánh dấu một sự chia rẽ tôn giáo to lớn ở châu Âu. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của nỗi lo sợ Hồi giáo ở châu Âu trong tương lai. Người ta nghĩ rằng châu Âu sẽ không kháng cự lại được số dân theo đạo Hồi ngày càng tăng, và lục địa già sẽ trở thành một thuộc địa mang tên “Eurabia”.

Theo BÁO TIN TỨC

Tags: , ,