Sự bế tắc và bất lực của Liên Hợp Quốc trước tội ác của Israel với người Palestine

“Một lần nữa, chúng ta lại chứng kiến một cuộc diệt chủng đang diễn ra trước mắt và Tổ chức mà chúng ta phục vụ dường như bất lực trong việc ngăn chặn nó”.

Sự bế tắc và bất lực của Liên Hợp Quốc trước tội ác của Israel với người Palestine

Toàn văn bức thư từ nhiệm của ông Craig Mokhiber, Giám đốc Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn.

Kính gửi ngài Volker Turk, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc

Cao ủy thân mến,

Đây sẽ là công văn cuối cùng tôi gửi tới ngày với tư cách là Giám đốc Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở New York.

Tôi viết vào thời điểm thế giới đang phải chịu đựng vô vàn đau khổ, trong đó có cả những người đồng nghiệp của chúng ta. Một lần nữa, chúng ta lại chứng kiến một cuộc diệt chủng đang diễn ra trước mắt và Tổ chức mà chúng ta phục vụ dường như bất lực trong việc ngăn chặn nó. Là một người đã điều tra nhân quyền ở Palestine từ những năm 1980, sống ở Gaza với tư cách là cố vấn nhân quyền của Liên Hợp Quốc vào những năm 1990 và đã luôn thực hiện các sứ mệnh nhân quyền tại đất nước này, điều này mang tính cá nhân sâu sắc đối với tôi.

Tôi cũng đã làm việc tại những hội trường này thông qua các cuộc diệt chủng chống lại người Tutsis, người Hồi giáo Bosnia, người Yazidi và người Rohingya. Trong mỗi trường hợp, khi lớp bụi phủ lên những nỗi kinh hoàng bao trùm những thường dân không có khả năng tự vệ, thì rõ ràng là chúng ta đã thất bại đau đớn trong nhiệm vụ đáp ứng các yêu cầu cấp thiết là ngăn chặn các hành động tàn bạo hàng loạt, bảo vệ những người dễ bị tổn thương và khiến những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm cho những gì chúng đã gây ra. Và điều đó đã xảy ra với những làn sóng giết người và đàn áp liên tiếp chống lại người Palestine trong suốt thời gian tồn tại của Liên hợp quốc.

Thưa ngài Cao ủy, chúng ta lại thất bại nữa rồi.

Là một luật sư nhân quyền với hơn ba thập kỷ kinh nghiệm trong lĩnh vực này, tôi biết rõ rằng khái niệm diệt chủng thường bị lạm dụng về mặt chính trị. Nhưng cuộc tàn sát hàng loạt hiện nay đối với người Palestine, bắt nguồn từ hệ tư tưởng thực dân định cư theo chủ nghĩa dân tộc, tiếp nối hàng thập kỷ đàn áp và thanh trừng có hệ thống, hoàn toàn dựa trên tư cách là người Ả Rập của họ, và cùng với những tuyên bố rõ ràng về ý định của các nhà lãnh đạo của Palestine. Chính phủ và quân đội Israel không còn chỗ cho sự nghi ngờ hay tranh luận. Ở Gaza, nhà dân, trường học, nhà thờ, nhà thờ Hồi giáo và các cơ sở y tế bị tấn công bừa bãi khi hàng nghìn thường dân bị thảm sát. Ở Bờ Tây, bao gồm cả Jerusalem bị chiếm đóng, các ngôi nhà bị tịch thu và phân bổ lại hoàn toàn dựa trên chủng tộc, và các cuộc tàn sát bạo lực đối với người định cư được các đơn vị quân đội Israel đi cùng. Mảnh đất này đã hoàn toàn bị cai trị bởi chế độ phân biệt chủng tộc.

Đây chính là định nghĩa của diệt chủng. Dự án thuộc địa của người định cư, theo chủ nghĩa dân tộc, của người Châu Âu ở Palestine đã bước vào giai đoạn cuối cùng, hướng tới việc nhanh chóng tiêu diệt những tàn tích cuối cùng của cuộc sống bản địa của người Palestine trên chính quê hương của họ. Hơn nữa, chính phủ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và phần lớn châu Âu đều là đồng lõa với vụ tấn công kinh hoàng này. Các chính phủ này không chỉ từ chối đáp ứng các nghĩa vụ trong hiệp ước “để đảm bảo sự tôn trọng” đối với Công ước Geneva, mà trên thực tế, họ còn tích cực trang bị vũ khí cho cuộc tấn công, cung cấp hỗ trợ kinh tế và tình báo, đồng thời tạo vỏ bọc chính trị và ngoại giao cho những hành động tàn bạo của Israel.

Cùng với đó, các phương tiện truyền thông doanh nghiệp phương Tây, ngày càng bị thu hút và thân cận với nhà nước, đang vi phạm rõ ràng Điều 20 của ICCPR, liên tục hạ thấp người Palestine để tạo điều kiện cho nạn diệt chủng và tuyên truyền về chiến tranh cũng như cổ xúy hận thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo, gây ra kích động phân biệt đối xử, thù địch và bạo lực. Các công ty truyền thông xã hội có trụ sở tại Hoa Kỳ đang đàn áp tiếng nói của những người bảo vệ nhân quyền đồng thời khuếch đại tuyên truyền ủng hộ Israel. Những kẻ lừa đảo trực tuyến và GONGOS (Tổ chức phi chính phủ do chính phủ tổ chức) của Israel đang quấy rối và bôi nhọ những người bảo vệ nhân quyền, đồng thời các trường đại học và người sử dụng lao động phương Tây đang hợp tác với họ để trừng phạt những người dám lên tiếng chống lại hành động tàn bạo. Sau cuộc diệt chủng này, cũng phải có sự trừng phạt đối với những tác nhân này, giống như trường hợp của đài phát thanh Milles Collines ở Rwanda.

Trong hoàn cảnh như vậy, yêu cầu đối với tổ chức của chúng ta về hành động có nguyên tắc và hiệu quả là lớn hơn bao giờ hết. Nhưng chúng ta chưa thực sự giải quyết được thách thức này. Quyền lực thực thi bảo vệ Hội đồng Bảo an một lần nữa bị chặn bởi sự không khoan nhượng của Hoa Kỳ, Tổng Thư ký đang bị tấn công vì những phản đối dù là nhẹ nhất, và các cơ chế nhân quyền của chúng ta đang bị tấn công và vu khống liên tục bởi một mạng lưới trực tuyến được miễn trừng phạt có tổ chức.

Sau hàng thập kỷ bị che mờ mắt bởi những lời hứa hão huyền và thiếu trung thực của Oslo, Tổ chức này đã chệch hướng khỏi nhiệm vụ cốt lõi là bảo vệ luật pháp quốc tế, nhân quyền quốc tế và bản thân Hiến chương. Câu thần chú về “giải pháp hai nhà nước” đã trở thành một trò hề công khai trong các hành lang của Liên Hợp Quốc, vì thực tế là nó hoàn toàn không thể thực hiện được và hoàn toàn thất bại trong việc ghi nhận các quyền con người không thể chuyển nhượng của người dân Palestine. Cái gọi là “Bộ tứ” đã trở thành một vỏ bọc che giấu cho việc nhắm mắt làm ngơ và cứ để hiện trạng tàn bạo này tiếp diễn. Việc tuân theo (kịch bản của Hoa Kỳ) đối với “các thỏa thuận giữa các bên” (thay vì luật pháp quốc tế) luôn là một chiêu trò được thiết kế để củng cố quyền lực của Israel đối với các quyền của người Palestine bị chiếm đóng và bị tước đoạt.

Thưa ngài Cao ủy, tôi đến với Tổ chức này lần đầu tiên vào những năm 1980, bởi vì tôi thấy ở tổ chức này những nguyên tắc, tất cả đều được dựa trên chuẩn mực, và luôn thẳng thắn bảo vệ nhân quyền, kể cả trong trường hợp các cường quốc Mỹ, Anh và Châu Âu không đứng về phía chúng ta. Trong khi chính phủ của tôi, các tổ chức bổ trợ của nó và phần lớn các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ vẫn đang ủng hộ hoặc biện minh cho chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, sự áp bức của Israel và các băng đảng ám sát Trung Mỹ, thì Liên Hợp Quốc đã đứng lên bảo vệ các dân tộc bị áp bức ở những vùng đất đó. Chúng ta có luật pháp quốc tế, có nhân quyền, có những nguyên tắc đứng về phía mình. Quyền lực của chúng ta bắt nguồn từ sự chính trực đó. Nhưng giờ chẳng còn nữa rồi.

Trong những thập kỷ gần đây, các bộ phận chủ chốt của Liên hợp quốc đã đầu hàng trước quyền lực của Mỹ và lo sợ Vận động hành lang của Israel, từ bỏ những nguyên tắc này và rút lui khỏi chính luật pháp quốc tế. Chúng ta đã mất mát rất nhiều trong sự từ bỏ này, đặc biệt là uy tín toàn cầu của chính chúng ta. Những người dân Palestine đã phải gánh chịu những tổn thất lớn nhất do những thất bại của chúng ta. Thật trớ trêu thay Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền được thông qua vào cùng năm thảm họa Nakba xảy ra chống lại người dân Palestine. Khi chúng ta kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn này được thông qua, chúng ta nên từ bỏ quan điểm sáo rỗng rằng Tuyên ngôn ra đời sau những hành động tàn bạo đã diễn ra và thừa nhận rằng nó đã ra đời cùng một thời điểm với một trong những vụ diệt chủng tàn bạo nhất Thế kỷ 20, vụ diệt chủng Palestine. Ở một khía cạnh nào đó, những người soạn thảo Hiến pháp đã đưa ra những lời hứa hẹn tốt đẹp về nhân quyền cho tất cả mọi người, ngoại trừ với người dân Palestine. Và chúng ta cũng không thể không nhắc tới tội lỗi của chính Liên hợp quốc, khi đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tước đoạt đất đai của người dân Palestine bằng cách phê chuẩn dự án thuộc địa dành cho người định cư châu Âu nhằm chiếm giữ đất đai của người Palestine và chuyển giao nó cho thực dân. Chúng ta phải chuộc lại quá nhiều lỗi lầm.

Nhưng con đường để chuộc tội đã rõ ràng. Ở các thành phố trên khắp thế giới trong những ngày gần đây, bất chấp nguy cơ bị đánh đập và bắt giữ, đông đảo người dân đã đứng lên chống lại nạn diệt chủng, chúng ta có thể học hỏi lập trường của họ. Người Palestine và các đồng minh của họ, những người bảo vệ nhân quyền thuộc mọi phe phái, các tổ chức Cơ đốc giáo và Hồi giáo, cũng như những tiếng nói cấp tiến của người Do Thái nói rằng “không nhân danh chúng tôi”, đều đang dẫn đầu. Tất cả những gì chúng ta phải làm là đi theo họ.

Hôm qua, chỉ cách đây vài dãy nhà, Nhà ga Grand Central của New York đã bị hàng nghìn người bảo vệ nhân quyền Do Thái hoàn toàn nắm quyền kiểm soát, họ đoàn kết với người dân Palestine và yêu cầu chấm dứt chế độ chuyên chế của Israel (nhiều người đã bất chấp nguy cơ bị bắt giữ trong quá trình này). Khi làm như vậy, họ đã ngay lập tức bác bỏ quan điểm tuyên truyền hasbara của Israel (và diễn ngôn chống Do Thái cũ) rằng Israel bằng cách nào đó đại diện cho người Do Thái. Bởi điều đó là không đúng. Và như vậy, Israel phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tội ác của mình. Và phải nhấn mạnh rằng, bất chấp việc Israel cáo buộc ngược lại, việc chỉ trích các vi phạm nhân quyền của Israel không phải là chống Do Thái, cũng như chỉ trích các vi phạm của Ả Rập Saudi là bài Hồi giáo, chỉ trích các vi phạm của Myanmar là chống Phật giáo, hay chỉ trích hành vi vi phạm của Ấn Độ là chống lại đạo Hindu. Khi họ tìm cách làm chúng ta im lặng bằng những lời bôi nhọ, chúng ta phải lên tiếng chứ không được hạ giọng. Tôi tin rằng ngài sẽ đồng ý, Cao ủy, rằng đây chính là việc nói lên sự thật và đứng về phía chính nghĩa trước quyền lực.

Nhưng tôi cũng tìm thấy hy vọng ở những bộ phận của Liên hợp quốc đã từ chối thỏa hiệp các nguyên tắc nhân quyền của Tổ chức, bất chấp áp lực to lớn bắt ép họ phải thỏa hiệp. Các báo cáo viên đặc biệt độc lập của chúng ta, các ủy ban điều tra và các chuyên gia của cơ quan hiệp ước, cùng với hầu hết các nhân viên của chúng ta, đã tiếp tục đứng lên bảo vệ nhân quyền của người dân Palestine, ngay cả khi các bộ phận khác của Liên Hợp Quốc (thậm chí ở cấp cao nhất) đã hành động một cách đáng xấu hổ, đã cúi đầu trước quyền lực. Với tư cách là cơ quan giám sát các quy tắc và tiêu chuẩn nhân quyền, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ cụ thể là bảo vệ các tiêu chuẩn đó. Tôi tin rằng công việc của chúng ta là khiến cho tiếng nói của chúng ta được lắng nghe, từ Tổng thư ký đến nhân viên mới nhất của Liên hợp quốc, và trong toàn bộ hệ thống Liên hợp quốc rộng lớn hơn, nhấn mạnh rằng nhân quyền của người dân Palestine không phải là vấn đề có thể tranh luận, đàm phán hoặc thỏa hiệp được ở bất cứ nơi đâu, dưới lá cờ xanh của chúng ta.

Vậy thì, một quan điểm dựa trên chuẩn mực của Liên hợp quốc sẽ như thế nào? Chúng ta sẽ làm gì nếu chúng ta thực sự trung thành với những lời hứa hẹn khoa trương của mình về nhân quyền và sự bình đẳng cho tất cả mọi người, khiến tất cả những người phạm tội phải trả giá, đền bù cho nạn nhân, bảo vệ những người dễ bị tổn thương và trao quyền cho những người có quyền, tất cả đều tuân theo luật pháp? Tôi tin rằng câu trả lời rất đơn giản – nếu chúng ta có đủ sáng suốt để nhìn xuyên qua những màn sương tuyên truyền bóp méo tầm nhìn về công lý mà chúng ta đã thề, lòng can đảm để từ bỏ nỗi sợ hãi các quốc gia hùng mạnh, cũng như ý chí thực sự dấn thân để bảo vệ nhân quyền và hòa bình. Chắc chắn rằng đây là một hành trình dài và gian nan. Nhưng chúng ta phải bắt đầu ngay tức khắc, nếu không rồi chúng ta sẽ phải đầu hàng trước nỗi kinh hoàng không thể tả xiết. Có mười điểm thiết yếu như sau:

1. Hành động hợp pháp: Việc đầu tiên chúng ta cần phải làm ở Liên hợp quốc là từ bỏ mô hình Oslo đã thất bại (và phần lớn là không trung thực), giải pháp hai nhà nước ảo tưởng, Bộ tứ Trung Đông bất lực và đồng lõa, cũng như việc luật pháp quốc tế bị khuất phục trước những mệnh lệnh được cho là có mục đích chính trị. Quan điểm của chúng ta phải dựa trên nhân quyền và luật pháp quốc tế, không có ngoại lệ.

2. Tầm nhìn rõ ràng: Chúng ta phải ngừng giả vờ rằng đây chỉ đơn giản là một cuộc xung đột về đất đai hoặc tôn giáo giữa hai bên tham chiến và thừa nhận thực tế về tình hình trong đó một quốc gia có quyền lực không cân xứng đang xâm chiếm, đàn áp và tước đoạt quyền sở hữu của người dân bản địa trên cơ sở sắc tộc của họ.

3. Một Nhà nước dựa trên nhân quyền: Chúng ta phải ủng hộ việc thành lập một nhà nước duy nhất, dân chủ, thế tục trên toàn lãnh thổ Palestine lịch sử, với các quyền bình đẳng cho người theo đạo Cơ đốc, người Hồi giáo và người Do Thái, và cũng vì vậy, xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc sâu sắc trên khắp đất nước.

4. Chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc: Chúng ta phải chuyển hướng mọi nỗ lực và nguồn lực của Liên hợp quốc sang cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, giống như chúng ta đã làm với Nam Phi trong những năm 1970, 80 và đầu những năm 90.

5. Quyền trở về và bồi thường: Chúng ta phải tái khẳng định và khẳng định quyền được trở về và bồi thường đầy đủ cho tất cả người Palestine và gia đình họ hiện đang sống ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, ở Lebanon, Jordan, Syria và cộng đồng hải ngoại trên toàn cầu.

6. Sự thật và Công lý: Chúng ta phải kêu gọi một quá trình tư pháp chuyển tiếp, tận dụng tối đa các cuộc điều tra, yêu cầu và báo cáo tích lũy hàng thập kỷ của Liên hợp quốc để ghi lại sự thật và đảm bảo rằng tất cả tội phạm phải chịu trách nhiệm, bồi thường cho tất cả nạn nhân và các biện pháp khắc phục cho những người phải chịu sự bất công

7. Bảo vệ: Chúng ta phải thúc đẩy việc triển khai lực lượng bảo vệ Liên Hợp Quốc được trang bị tốt và quyền hạn mạnh mẽ với nhiệm vụ lâu dài là bảo vệ dân thường từ sông đến biển.

8. Giải trừ vũ khí: Chúng ta phải ủng hộ việc loại bỏ và phá hủy kho vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học khổng lồ của Israel, nếu không xung đột sẽ dẫn đến sự hủy diệt hoàn toàn trong khu vực và có thể là xa hơn nữa.

9. Hòa giải: Chúng ta phải thừa nhận rằng Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây khác trên thực tế không phải là những bên hòa giải đáng tin cậy, mà là các bên thực sự tham gia vào cuộc xung đột đồng lõa với Israel trong việc vi phạm các quyền của người Palestine.

10. Đoàn kết: Chúng ta phải mở rộng cánh cửa của mình (và cánh cửa của Tổng Thư kí) cho các đoàn quân bảo vệ nhân quyền của người Palestine, Israel, Do Thái, Hồi giáo và Cơ đốc giáo, những người đang đoàn kết với người dân Palestine và nhân quyền của họ, ngăn chặn dòng chảy của các nhà vận động hành lang Israel đến văn phòng của các nhà lãnh đạo Liên Hợp Quốc, nơi họ ủng hộ việc tiếp tục chiến tranh, đàn áp, phân biệt chủng tộc và không bị trừng phạt, đồng thời bôi nhọ những người bảo vệ nhân quyền của chúng ta vì đã bảo vệ các quyền của người Palestine theo nguyên tắc.

Điều này sẽ mất nhiều năm để đạt được và các cường quốc phương Tây sẽ đối đầu với chúng ta trên hành trình này, vì vậy chúng ta phải kiên định. Trước mắt, chúng ta phải nỗ lực để có lệnh ngừng bắn ngay lập tức và chấm dứt cuộc bao vây kéo dài ở Gaza, đứng lên chống lại cuộc thanh lọc sắc tộc ở Gaza, Jerusalem và Bờ Tây (và các nơi khác), ghi lại cuộc tấn công diệt chủng ở Gaza, giúp đỡ để mang lại viện trợ nhân đạo lớn và tái thiết cho người Palestine, chăm sóc những đồng nghiệp bị tổn thương của chúng ta và gia đình họ, đồng thời đấu tranh quyết liệt cho một cách tiếp cận có nguyên tắc trong các văn phòng chính trị của Liên hợp quốc.

Sự thất bại của Liên hợp quốc ở Palestine cho đến nay không phải là lý do để chúng ta rút lui. Đúng hơn là nó sẽ cho chúng ta can đảm để từ bỏ mô hình thất bại trong quá khứ và đi theo một lộ trình có nguyên tắc hơn. Chúng ta, với tư cách là Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, hãy cứ thế tự hào tham gia phong trào chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đang phát triển trên toàn thế giới, thêm biểu tượng của chúng ta vào biểu ngữ bình đẳng và nhân quyền cho người dân Palestine. Cả thế giới đang dõi theo ta. Tất cả chúng ta sẽ phải có trách nhiệm về vị trí của mình vào thời điểm quan trọng này trong lịch sử. Chúng ta hãy đứng về phía công lý.

Tôi xin dành lời cảm ơn sâu sắc đến ngài, Cao ủy Volker, vì đã nghe lời kêu gọi cuối cùng này của tôi. Tôi sẽ rời Văn phòng trong vài ngày tới sau hơn ba thập kỷ phục vụ. Nhưng xin đừng ngần ngại liên hệ nếu tôi có thể hỗ trợ trong tương lai.

Theo TƯ LIỆU MỞ

Tags: , ,