⠀
Quay cuồng với những ‘deadline’: Một bi kịch của con người thời hiện đại
Matthew đã xuất bản chín cuốn sách trong hơn một thập kỷ qua. Với hành trình sáng tạo của mình, anh không bao giờ đợi chờ ‘thời điểm hoàn hảo’, bởi lẽ thời gian trôi qua chẳng thể lấy lại được. Cuộc sống tận dụng từng phút giây đem lại nhiều hào quang, nhưng cũng khiến anh phải đánh đổi những giá trị tinh thần, khiến Matthew tự hỏi liệu có hoàn toàn xứng đáng.
Tận dụng từng phút giây
Chúng ta đều có chung một quỹ thời gian bất biến: 1.440 phút và 86.400 giây mỗi ngày. Trong “Chuyện đáng kể”, Matthew tin rằng bi kịch của hiện đại là con người, vốn bị ám ảnh bởi những ý tưởng thay đổi cuộc sống nhàm chán, thường sử dụng thời gian kém hiệu quả. Cháy bỏng với mơ ước sáng tạo, có người tỏ ra “bất lực” với chính mình, dành cả đời để chờ đợi đúng thời điểm. Số khác, theo đuổi thành công và quyền lực, lại chọn con đường làm việc không ngừng nghỉ vì sợ lãng phí thời giờ.
Matthew là kiểu người thứ hai, chạy deadline mọi lúc để có thể hoàn thành công việc. Vào mùa hè không bận rộn dạy học, anh có nhiều giờ hơn để dành cho việc viết lách. Tận dụng từng phút giây hé mở cuộc sống bận rộn mỗi ngày của nhà văn trẻ, khi anh viết vào sáng sớm trước khi lũ trẻ con bắt đầu cất tiếng gọi, hay lúc ăn trưa nếu anh không có bất kỳ giấy tờ nào để sửa hoặc cần lập kế hoạch. Thậm chí, anh có thể sáng tạo nên nhiều ý tưởng độc đáo khi chờ nước sôi nấu mỳ, trong lúc nhìn mấy anh thợ thay dầu máy xe, hay tranh thủ năm mười phút đầu tiên của cuộc họp bị… “cao su” thời gian.
Ngày nay, bận rộn dường như đang trở thành xu hướng. Chuyên gia tâm lý Sandra Walker tin rằng chúng ta, dù ở độ tuổi nào, vẫn đang chập chững bước chân trên con đường trưởng thành, mang theo nhiệt huyết cùng hoang mang lẫn hoảng loạn vì bể đời rộng lớn. Kiểu người “mỗi giây mỗi phút đều có việc để làm” như Matthew không hề hiếm. Với họ, nhà không phải là chốn nghỉ ngơi hay sum vầy gia đình, mà là căn phòng dành để ngủ hoặc thực hiện nốt những công việc còn dang dở. Google Calendar chi chít lịch họp, đào tạo hay học tập, đến độ chỉ cần một cuộc gọi điện thoại kể chuyện phiếm cũng đủ “thổi luồng gió mới” vào lịch trình bận rộn toàn dấu ấn công việc.
Áp lực thành công, kỳ vọng bản thân quá cao, hay yêu cầu phải liên tục cập nhật xu hướng và trau dồi kiến thức để không bị tụt hậu dẫn đến một sự thật là chúng ta làm việc không ngừng nghỉ. Như Matthew từng viết trong Chương 2 – “Áp lực của tận dụng từng phút giây” rằng tranh thủ thời gian là một thói quen kì lạ, dù không phải lúc nào cũng lý tưởng để tạo ra con chữ. Trừ khi chúng ta may mắn có ai đó “phù hộ” cho mọi việc hanh thông, sẵn sàng biến mọi mong ước trần tục thành sự thật từ ngay lần đầu tiên, chúng ta sẽ không phải chịu cảnh deadline “dí” ngay trước mặt.
Sandra Walker khẳng định, đa phần loài người muốn dùng mức độ bận rộn để chứng minh giá trị bản thân. Những cá nhân tất bật, luôn có việc để làm được cho là người giàu năng lực, mối quan hệ cùng khả năng kiếm tiền vượt trội so với những ai nhàn rỗi. Kiểu như tờ The New York Times gọi GenZ là lười biếng và đòi hỏi, vô hình chung gây áp lực lên nhóm người trẻ phải tìm cách xây dựng cuộc sống có ý nghĩa bằng hình ảnh… bận tối mắt tối mũi, thiếu cả thời gian để thở. Thế hệ của những ngành nghề sáng tạo, Youtuber, Tiktoker hay sản xuất nội dung podcast chẳng hạn, phải đánh đổi của quỹ thời gian của bản thân, từ bỏ nhu cầu cá nhân để theo đuổi đam mê sáng tạo.
Dường như, xã hội đang bắt não bộ loay hoay giữa hai trạng thái đối lập kiểu “phải làm thật tốt để cuộc sống bớt khó khăn”, và “phải thật bận rộn nếu không muốn bản thân bị xã hội bỏ lại phía sau”. Cũng giống như Matthew tự họa bản thân qua “Chuyện đáng kể”, tràn ngập những câu chuyện và mong muốn chia sẻ càng nhiều với thế giới xung quanh về từng vết nứt trong cuộc đời. Cảm giác an tâm chính là thứ anh hướng đến, sau những lúc quay cuồng vì con chữ, những đêm dài thức trắng cho xong deadline. Bận rộn khiến chúng ta cảm thấy cuộc sống đang trôi qua trong tầm kiểm soát của mình, đánh lừa não bộ rằng bản thân cũng có đôi chút thành tựu, để từ đó bớt hoài nghi về cuộc sống. Chúng ta, vì tương lai, mà tiếp tục chạy về phía trước.
Sạc pin cho ngày tự do
Không sai khi miêu tả Matthew là một anh chàng workaholic (cuồng công việc) chính hiệu. Công việc đòi hỏi sự sáng tạo và tập trung cao, anh luôn tỏ ra bận rộn với máy tính, giấy bút và những cốc cà phê nóng hổi thơm mùi khói. Thế nhưng, chỉ anh mới biết mình đang “bận rộn vô nghĩa” bởi năng suất làm việc còn thấp, trong khi thời gian cho cuộc sống cá nhân lại quá ít ỏi. Một sáng chủ nhật, Matthew viết câu cuối cùng của chương kết cuốn sách thứ mười hai với tựa đề “Điều chúng ta bỏ lỡ”. Anh thở dài và trầm ngâm về điều gì đó, trước khi nắm tay đấm xuống bàn rồi bất chợt nhảy xung quanh căn hộ trong một chiếc áo phông và quần đùi.
Trên trang blog cá nhân, Sandra Walker chia sẻ con người ngày nay độc lập hơn bao giờ hết. Trong thế giới công nghệ phát triển, các nền tảng giải trí xuất hiện nhiều, lộ ra những tiêu cực khi người “bán” thời gian 0 đồng, “mua” về nhiều hệ lụy. Một hệ quả phát sinh, có xu hướng trở nên phổ biến, chính là hội chứng kiệt sức, có thể tấn công bất kỳ ai. Khi cảm thấy quá tải và căng thẳng, chúng ta biết rằng có lẽ tốt nhất nên nghỉ làm một ngày để hồi phục. Thế nhưng, sự bận rộn tiêu cực lại “chặn đường”, gạt bỏ tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, khiến ta ngại tạm dừng công việc.
Trong vòng 24 giờ đồng hồ ngắn ngủi, nhịp sống gấp gáp đã khiến chúng ta quên mất sự tồn tại của những nguồn năng lượng tích cực. Sandra Walker rất phục người chăm chỉ và nỗ lực, nhưng thật lòng bài xích cách đo đếm nỗ lực bằng thời gian và mật độ trên lịch làm việc. Điều đó phá hủy sự phát triển lâu dài của mỗi người cả về thể chất lẫn tinh thần. Tự lừa mình dối người, tự thôi miên bản thân đồng thời vắt kiệt thời gian và sức khỏe mà tạo hóa ban tặng. Nỗ lực không phải “lấp đầy chỗ trống” mà phải biết cách từ chối bận rộn tiêu cực, và sắp xếp thời gian biểu nhằm tối ưu hiệu quả làm việc.
Mỗi khi tâm trạng cảm thấy kiệt quệ, Sandra Walker chọn cách trở về với thiên nhiên. Bản chất thiên nhiên có tác dụng xoa dịu, kích hoạt hệ thống thần kinh á giao cảm cho phép nghỉ ngơi và giảm mức độ căng thẳng. Người Nhật có tập tục shinrin-yoku (tắm rừng) vô cùng thú vị, mang nghĩa đắm chìm giác quan trong bầu không khí của rừng, trở thành kim chỉ nam cho nhiều phương pháp trị liệu tâm lý lành mạnh, thân thiện với môi trường trong một thế giới công nghệ bão hòa. Chỉ đơn giản là đi bộ và thư giãn trong kiểu trải nghiệm hòa mình giữa những tán cây cũng có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau.
Ở giữa những bận rộn, các chuỗi “ngày tự do” bao gồm thực hành chánh niệm, thiền định và yoga được Sandra Walker tin rằng đặc biệt tốt cho sức khỏe tinh thần. Bất kể khi nào, chúng ta cũng cần những khoảng thời gian để tích cực đầu tư vào bản thân, và giải quyết mọi vấn đề. Theo nghiên cứu, não thường giảm hiệu suất làm việc cứ sau 90 phút, và cần ít nhất 20 phút “thảnh thơi”. Chẳng có lý do xác đáng nào để chúng ta bắt não làm việc quá sức, vì sau thời gian dài chúng ta sẽ dần mất tập trung. Cái gọi là bận rộn, chẳng qua chỉ là không biết cách quản lý cuộc sống của chính mình.
Sau nhiều tháng “vắt kiệt” não, Matthew giờ đây nhận ra tầm quan trọng của việc lắng nghe tiếng nói từ cơ thể. Anh lên kế hoạch tạm nghỉ vài tháng trước khi bắt đầu viết cuốn sách tiếp theo, sạc lại pin cho trái tim đầy nhiệt huyết, cho từng tế bào não nghỉ ngơi, đồng thời tìm cách đưa “Điều chúng ta bỏ lỡ” tới với độc giả. Nhà văn ngồi một mình trên chiếc ghế trong phòng ăn, điểm nhìn cố định vào con trỏ đang nhấp nháy sau dấu chấm cuối cùng. Anh di chuyển chuột đến phía trên cùng bên trái của màn hình, nhấp vào biểu tượng xanh quen thuộc để một trang trắng mở ra. Từng con chữ chậm rãi xuất hiện: Chương 1 – “Giá trị của thời gian”, bắt đầu một hành trình mới cho cuốn tiểu thuyết tiếp theo trong sự nghiệp…
Theo LÊ NAM / AN NINH THẾ GIỚI
Tags: Con người và xã hội, Quan điểm sống