Quan hệ Việt Nam – Ấn Độ: Hợp tác sức mạnh mềm

Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam không phải mới hình thành gần đây; hai quốc gia có quá khứ lịch sử kéo dài nhiều thiên niên kỷ, và tầm quan trọng của nó chưa bao giờ mất đi trong tiến trình phát triển của thời kỳ hiện đại.

Bài viết của tác giả Rajaram Panda, là Chủ tịch, Giáo sư liên kết của Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ (ICCR) tại Khoa Kinh tế và Doanh nghiệp, Đại học Reitaku, Nhật Bản. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả và không phản ánh quan điểm của ICCR hay Chính phủ Ấn Độ. Bài viết được đăng trên The Pioneer.

Với quá khứ lịch sử phong phú, Ấn Độ và Việt Nam giờ đây đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn hóa thông qua một loạt sáng kiến, chẳng hạn như các chương trình trao đổi dành cho các nghệ sỹ, học giả, nhà báo, nông dân và các thành viên quốc hội.

Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam không phải mới hình thành gần đây; hai quốc gia có quá khứ lịch sử kéo dài nhiều thiên niên kỷ, và tầm quan trọng của nó chưa bao giờ mất đi trong tiến trình phát triển của thời kỳ hiện đại. Câu chuyện hiện tại về mối quan hệ song phương này – mà trong đó các khía cạnh kinh tế và an ninh là chủ đạo và đã trở nên có tầm quan trọng lớn hơn do những thay đổi về địa chính trị ở châu Á – được bổ trợ một cách thích hợp bởi quá khứ lịch sử thân thiện. Thành tố sức mạnh mềm này cũng quan trọng, và việc cả Ấn Độ lẫn Việt Nam đều tham gia tăng cường sự hợp tác này là điều thích hợp.

Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ (CIS) thuộc Học viện chính trị Hồ Chí Minh, Hà Nội, đã đi đầu trong việc tạo ra một nhận thức mới về giá trị của sức mạnh mềm. Với tầm nhìn như vậy, một êkíp của CIS đã tới thăm Ấn Độ vào tháng 8/2017 để trao đổi với các học giả thuộc các tổ chức tư vấn lớn. Để thúc đẩy hơn nữa công tác nghiên cứu, một hội nghị khoa học quốc tế đã được CIS tổ chức vào cuối tháng 12/2017 tại Hà Nội, nơi các học giả của cả 2 nước sẽ đi sâu tranh luận về việc làm thế nào để có thể tăng cường hơn nữa các lợi ích của công cụ ngoại giao quan trọng này.

Tầm quan trọng của sức mạnh mềm

Tầm quan trọng của sức mạnh mềm là gì? Dù vai trò của sức mạnh mềm đã và đang duy trì được tính thích đáng trong quá khứ cũng như ở hiện tại, chính Joseph Nye là người đã đưa ra lời giải thích mang tính lý luận cho khía cạnh quan trọng này. Theo ông, sức mạnh mềm đề cập đến khả năng của một quốc gia có được những kết quả mà nước này mong muốn, nhưng không thông qua sự đe dọa hay những phần thưởng, mà thông qua sức hấp dẫn của nước này, đặc biệt là sức hấp dẫn của nền văn hóa, các giá trị chính trị và các chính sách của nước đó. Khái niệm này là nền tảng của triết lý trong câu châm ngôn của chiến lược gia cổ đại người Trung Quốc Tôn Tử: “Tốt nhất là thắng mà không cần đánh”.

Quan điểm thay thế

Có thể có nhiều cách diễn giải về sức mạnh mềm và ý nghĩa của nó có thể khác nhau trong bối cảnh và tình hình mà ở đó nó được sử dụng và giải thích. Cách giải thích của châu Âu không nhất thiết phải giống như trong bối cảnh của châu Á, tuy vậy đường nét khái quát về định nghĩa của sức mạnh mềm vẫn không thay đổi. Kazuo Ogoura, nhà ngoại giao Nhật Bản, cựu Chủ tịch Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản, đã đưa ra một cách giải thích của châu Á về sức mạnh mềm. Ông lưu ý tới sự nhầm lẫn về khái niệm sức mạnh mềm và cảm thấy nó phần nào bị bóp méo, bị sử dụng sai, và trong các trường hợp cực đoan là bị lạm dụng. Theo ông, sức mạnh mềm làm giảm các phí tổn, hay điều mà lý thuyết hệ thống gọi là các phí tổn giao dịch, của việc đạt được các mục tiêu chính sách và do đó không chỉ liên quan đến việc thúc đẩy các ngành công nghiệp có “nội dung mềm”. Theo ông, vì sức mạnh mềm có vẻ hấp dẫn, nên người ta có xu hướng gọi bất kỳ điều gì “hấp dẫn” là sức mạnh mềm. Tuy nhiên, Ogoura cho rằng sức hấp dẫn đó làm giàu cho cuộc sống, nhưng chỉ riêng sức hấp dẫn thôi thì không phải là sức mạnh mềm. Do đó, vấn đề này được lập luận như sau: Sức hấp dẫn có thể là một nguồn tạo ra sức mạnh mềm, nhưng việc liệu nó có thể trở thành sức mạnh mềm hay không phụ thuộc vào bản thân mục tiêu chính sách và các phương thức được sử dụng để đạt được mục tiêu đó. Do vậy, đây có thể là một vấn đề phức tạp.

Lập luận trên có thể được giải thích thêm trong bối cảnh của Các lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) chẳng hạn. Thuật ngữ “SDF” ngay lập tức gợi lên cảm giác rằng nó hoàn toàn liên quan đến sức mạnh cứng. Nhưng tùy thuộc vào cách thức và lý do tại sao SDF được huy động, và trong bối cảnh nào, mà các lực lượng này cũng có thể là nguồn sức mạnh mềm. Một ví dụ khác có thể là các chuyến thăm của các chính trị gia Nhật Bản, trong đó có các cựu thủ tướng, tới đền Yasukuni, ngôi đền vinh danh những người Nhật Bản đã chết trong chiến tranh (trong đó có một số người bị kết án là tội phạm chiến tranh hạng A sau Chiến tranh thế giới thứ hai), vốn bị chỉ trích cả bên trong lẫn bên ngoài Nhật Bản (Trung Quốc và Hàn Quốc). Nhưng đối với những người theo quan điểm bảo thủ, đền Yasukuni là sức mạnh mềm. Tuy nhiên, công luận đa số có thể thay đổi để tán thành với một quan điểm như vậy, đặc biệt là sau khi có những thay đổi về địa chính trị ở khu vực lân cận của Nhật Bản, chẳng hạn như các mối đe dọa từ Triều Tiên và sự quyết đoán của Trung Quốc trong các vấn đề lãnh thổ. Nếu một sự thay đổi như vậy diễn ra, đền Yasukuni thậm chí có thể không còn là một nguồn sức mạnh mềm nữa. Do vậy, việc giải thích sức mạnh mềm là gì và có thể định nghĩa sức mạnh mềm như thế nào phụ thuộc vào bối cảnh và tình hình mà ở đó nó được sử dụng. Định nghĩa của Nye về sức mạnh mềm, vốn chỉ dựa trên lợi ích quốc gia của Mỹ, có thể không được thừa nhận một cách phổ quát.

Sự thật hiển nhiên là khó có thể đo lường và đánh giá được hiệu quả của sức mạnh mềm. Tuy nhiên, dù khó có thể định lượng sức mạnh mềm, nhưng khái niệm của nó có tầm quan trọng chính bởi các động lực của nền chính trị quốc tế được nêu rõ trong phương diện sức mạnh. Nhưng một lời giải thích như vậy có nhiều vấn đề hơn so với giả định.

Thế mạnh sức mạnh mềm của Ấn Độ

Tiềm năng sức mạnh mềm của Ấn Độ kể từ thời cổ đại vẫn còn rất lớn. Trong quá khứ, chưa bao giờ Ấn Độ sử dụng sức mạnh cứng trong công cuộc tìm kiếm của mình vươn tới nhân dân các nước khác, bất chấp thực tế rằng họ là nạn nhân của các cuộc xâm lược nước ngoài trong hàng thế kỷ. Thậm chí trước khi các tín đồ Hồi giáo xâm lược Ấn Độ vào thế kỷ 12 và thiết lập sự cai trị của họ, thì Ấn Độ chỉ kháng cự bằng các biện pháp phi bạo lực, trong khi đồng thời chấp nhận những ảnh hưởng tích cực của văn hóa Hồi giáo. Điều tương tự cũng đã xảy ra với những kẻ thống trị người Anh. Ấn Độ đã bị thực dân hóa nhưng cuối cùng tất cả các nước bên ngoài xâm lược Ấn Độ đều phải quay trở về. Sức mạnh của Ấn Độ, gắn liền với nền văn hóa bao dung và cùng chung sống hòa bình phong phú của họ, không bao giờ có thể bị xói mòn. Ấn Độ là điển hình mẫu mực cho tính độc nhất của họ trong sự đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, tầng lớp, tín ngưỡng và phong tục…

Phật giáo đã đi đến các vùng bờ biển nước ngoài và tìm thấy sức hấp dẫn phổ quát ở nhiều nước phương Đông và Đông Nam Á. Trong cuộc hành trình trên biển, các thương gia Ấn Độ đã mang theo các nhà sư đạo Phật truyền bá giáo lý của họ. Cộng đồng Ấn Độ đã đóng góp cho nền kinh tế địa phương và dễ dàng hòa nhập với cộng đồng địa phương. Các di tích của Ấn Độ giáo được tìm thấy ở nhiều nước như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Campuchia là một bằng chứng cho thấy sự phồn thịnh về văn hóa của Ấn Độ mà thậm chí hiện nay vẫn còn nguyên vẹn.

Với một lịch sử phong phú về việc truyền bá sức mạnh mềm của mình như vậy, nước này chưa bao giờ cần phải sử dụng sức mạnh cứng như một lựa chọn để đạt được kết quả mong muốn. Trong thời hiện đại, việc sử dụng sức mạnh mềm được cho là một khuôn khổ mang tính thể chế và hiện có tổ chức hơn với sự tham gia của người dân và các khu vực tư nhân.

Trong thời hiện đại, tài sản sức mạnh mềm của Ấn Độ hầu như không liên quan đến chính phủ vì các khía cạnh quan trọng khác đã nổi lên. Trong khi các sáng kiến của chính phủ nhằm thúc đẩy sức mạnh mềm của đất nước là có tầm quan trọng lớn, thì các công cụ khác như Bollywood, các chương trình truyền hình và các sản phẩm có thể xuất khẩu về văn hóa đại chúng của Ấn Độ cũng quan trọng trong việc đưa Ấn Độ trở thành một siêu cường văn hóa. Sự khác biệt ở đây là các sáng kiến của chính phủ nhằm thúc đẩy sức mạnh mềm là để đáp ứng các mục đích chính trị. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng là giống nhau và không có mâu thuẫn khi áp dụng. Điều mà các sáng kiến của chính phủ làm, như các thỏa thuận văn hóa hay vai trò mà Hội đồng quan hệ văn hóa Ấn Độ đảm nhận, là ưu tiên các mục tiêu trên quy mô toàn cầu theo một cách có tổ chức trái ngược với các văn hóa phẩm xuất khẩu vô hình, như vai trò mà Bollywood hay các bộ phim/vở kịch truyền hình đảm nhận.

Các công cụ khác của văn hóa phẩm xuất khẩu do chính phủ khởi xướng tồn tại dưới hình thức kể chuyện lịch sử mang tính biểu diễn dựa trên thần thoại, như Ramayana, Mahabharata và các câu chuyện lịch sử khác, được thể hiện dưới nhiều thể loại khác nhau, như kịch, sân khấu và bài hát. Ví dụ như một vở nhạc kịch dựa trên sử thi Ramayana được biểu diễn trong Hội nghị cấp cao Đông Á ở Manila được tổ chức vào tháng 11/2017 đã cuốn hút các nhà lãnh đạo tại lễ khai mạc ASEAN. Vở kịch này phản ánh những mối liên kết văn hóa giữa Ấn Độ với Philippines và một vài quốc gia thành viên trong khối quyền lực gồm 10 thành viên này. Màn trình diễn âm nhạc dựa trên sử thi Ramayana đã nhận được một tràng pháo tay lớn từ một số nhà lãnh đạo và đại biểu thế giới.

Ban lãnh đạo Campuchia tại hội nghị cấp cao này đã đề xuất rằng nên mời các đoàn kịch của ASEAN biểu diễn phiên bản Ramayana của riêng họ tại Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm quan hệ Ấn Độ-ASEAN vào ngày 25/1/2018, đánh dấu kỷ niệm 25 năm quan hệ của Ấn Độ với tổ chức này. Đó là lần đầu tiên Ấn Độ mời các nhà lãnh đạo của 10 quốc gia Đông Nam Á tham dự lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa. Ấn Độ đã chấp nhận lời đề nghị và hoan nghênh các nhóm biểu diễn từ cả 10 quốc gia ASEAN với phần trình diễn dựa trên Ramayana, vì nó phản ánh những liên kết văn minh của Ấn Độ với các nước ASEAN. Kiểu công cụ sức mạnh mềm trong ngoại giao quốc tế này giúp làm sâu sắc thêm mối liên kết giữa các quốc gia.

Sức mạnh mềm của Việt Nam

Giống như trường hợp của Ấn Độ, sức mạnh mềm cũng có thể được định nghĩa bằng di sản văn minh và văn hoá phong phú của Việt Nam. Cả Ấn Độ lẫn Việt Nam đều hưởng lợi lớn từ nền văn hóa tương ứng của họ trong lịch sử và đã sử dụng thành công công cụ sức mạnh mềm như một yếu tố quan trọng để đạt được các mục tiêu cuối cùng của mình. Phần lớn việc áp dụng sức mạnh mềm vẫn chưa được biết tới khi chưa có công nghệ. Cuộc cách mạng thông tin hiện nay đã truyền bá các lợi ích của yếu tố ngoại giao quan trọng này.

Bên cạnh việc là đối tác chiến lược của Ấn Độ, Việt Nam cũng có mối quan hệ văn hóa tương đối sâu sắc với Ấn Độ. Cả Ấn Độ lẫn Việt Nam đều mong muốn tăng cường hợp tác thông qua trao đổi văn hóa và xuất khẩu văn hóa phẩm, giúp thúc đẩy sự hiểu biết hơn nữa về di sản và lịch sử chung của họ. Sự hòa nhập giữa hai xã hội cần phải phát triển song song với sự hợp tác an ninh-chính trị và kinh tế. Trong câu chuyện chung về sự hòa nhập văn hóa này, lịch sử của các tương tác về văn hóa giữa Ấn Độ và Việt Nam được gắn trong bối cảnh văn hóa xã hội rộng lớn hơn ở Đông Nam Á.

Chúng ta có thể thấy bằng chứng về lịch sử thuở sơ khai giữa Ấn Độ và Đông Nam Á, bắt đầu từ những cuộc khai quật từ thế kỷ I sau Công nguyên tại một số quốc gia Đông Nam Á. Các đền thờ nổi tiếng của Campuchia, như Angkor Wat và Ta Prohm, đều mang những dấu ấn mạnh mẽ của Ấn Độ. Các nước khác trong khu vực như Myanmar, Thái Lan, Indonesia, Lào và các nước khác đều chịu ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ, vốn vẫn còn nguyên vẹn trong quan hệ giữa nhân dân các nước này cho đến ngày nay. Dvaravati của Thái Lan vào thế kỷ VII sau Công nguyên là minh chứng cho ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn Độ, bao gồm truyền thống Phật giáo, Vaishnava và Shaiva. Nhưng điểm nổi bật liên quan tới Việt Nam là Vương quốc Chăm ở phía Nam nước này, nơi tầm ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ được minh chứng bởi khu vực thánh địa Mỹ Sơn nổi tiếng với một khu phức hợp gồm các đền thờ thần Shiva.

Thương mại mạnh mẽ và năng động giữa Ấn Độ và khu vực đã giúp tăng cường những ảnh hưởng văn hoá như vậy từ mỗi nước. Chúng đã có từ triều đại Gupta khi thương mại nở rộ từ thế kỷ IV đến thế kỷ VI sau Công nguyên, kết nối Kedah trên bán đảo Malay và các tuyến đường biển với bờ biển Việt Nam và Thái Lan.

Cũng có những bản khắc phản ánh ảnh hưởng về ngôn ngữ của Ấn Độ đối với các vương quốc ở Đông Nam Á, như Việt Nam và Indonesia. Tiếng Phạn cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ không kém được phản ánh qua các bản khắc từ thế kỷ VI sau Công nguyên, bằng chứng cổ xưa nhất của ảnh hưởng này có thể tìm thấy ở Java từ thế kỷ V sau Công nguyên.
Ngay cả tiếng Phạn trong các văn bản cổ của Ấn Độ cũng có âm hưởng ở nhiều nước Đông Nam Á. Chẳng hạn, Bahasa Malaysia (tiếng Malaysia) và Bahasa Indonesia (tiếng Indonesia) được sử dụng tương ứng ở Malaysia và Indonesia đều có nguồn gốc từ tiếng Phạn vì bản thân từ “Bahasa” cũng có nghĩa là tiếng Phạn. Từ “Bharat”, tên địa phương chỉ Ấn Độ, trong tiếng Bahasa có nghĩa là “phía Tây” (barat) và cho thấy nhận thức của họ từ trong lịch sử về Ấn Độ. Biên giới Ấn Độ đã được mở rộng ồ ạt với sự thâm nhập của Bollywood trên khắp các lục địa và chúng ta cũng không thể bỏ sót dấu ấn của nền điện ảnh tiếng Hindi ở Đông Nam Á.

Với một truyền thống lịch sử phong phú như vậy, Ấn Độ và Việt Nam giờ đây đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn hóa thông qua hàng loạt sáng kiến, chẳng hạn như các chương trình trao đổi nghệ sĩ, học giả, nhà báo, nông dân, thành viên quốc hội và nhiều đối tượng khác. Các chương trình này tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển của người dân giữa cả hai nước để trực tiếp trải nghiệm hai nền văn hóa đẹp đẽ có sự hòa hợp này.

Việc thành lập trường Đại học Nalanda – từng là trung tâm kiến thức nổi tiếng thế giới nơi các học giả từ khắp thế giới, bao gồm cả Đông Nam Á và Ấn Độ, trao đổi kiến thức và ý tưởng – là một minh chứng điển hình cho sức mạnh mềm vốn vẫn đang bao trùm toàn khu vực. Ấn Độ đã trao học bổng cho các sinh viên từ Campuchia, Lào, Myanmar, và Việt Nam để tới đó học tập.

Sự đóng góp của những người Ấn Độ đến định cư tại nhiều nước Đông Nam Á từ thế kỷ XVIII và XIX là vô cùng to lớn. Dù lớn hay nhỏ, cộng đồng người Ấn Độ vẫn duy trì lối sống khiêm nhường và làm việc với tất cả sự chân thành tại các quốc gia họ đang sinh sống. Mặc dù có số lượng nhỏ ở Việt Nam, ước tính chỉ khoảng 1.500 người, nhưng những người định cư Ấn Độ đều sôi nổi, tuân thủ pháp luật, có trình độ học vấn và phát đạt. Họ duy trì mối quan hệ gia đình, văn hoá và kinh doanh mạnh mẽ với Ấn Độ, và do đó là cầu nối của nước này với Việt Nam.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: ,