Quan điểm và ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tôn giáo

Đã có nhiều nghiên cứu công phu về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng có một lĩnh vực còn ít được đề cập tới, đó chính là cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các tôn giáo.

Bài viết của TS Phạm Huy Thông, đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2012

Ai cũng biết và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không hề giấu giếm mình là người cộng sản, là người duy vật: “Tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật… Chủ nghĩa duy linh và chủ nghĩa duy vật là ngược nhau, rõ ràng là thế”(1). Nhưng khác nhau, ngược nhau không có nghĩa là phải loại trừ nhau. Đây là cách ứng xử rất khác giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều người Marxist trên thế giới. Tại sao lại thế? Bởi Hồ Chí Minh là người đã sớm phát hiện ra những giá trị nhân văn cao cả của các tôn giáo:

Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái

Phật Thích ca dạy: Đạo đức là từ bi

Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa(2).

Hồ Chí Minh là người cộng sản sáng suốt đã tìm thấy sự tương đồng giữa các học thuyết cách mạng và tôn giáo đều có một mẫu số chung đó là vì hạnh phúc của con người, qua đoạn văn rất nổi tiếng:

Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng cá nhân.

Tôn giáo của Chúa Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả.

Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng.

Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta.

Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết(3).

Đã là bạn bè thân thiết và đều có một mục đích, lý tưởng chung giống nhau thì làm sao lại phải loại trừ nhau, tiêu diệt nhau?

Quan điểm và ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tôn giáo

Chú tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu đạo Thiên Chúa.

Như thế, sẽ phải ứng xử với các tôn giáo ra sao? Một trong những nguyên tắc đầu tiên của Hồ Chí Minh xác lập khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 là: “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Đây là lập trường xuyên suốt và chi phối chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước ta liên quan đến tôn giáo. Thật ra, không dễ gì giữ được lập trường như vậy bởi tôn giáo là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, luôn là đối tượng để các lực lượng chính trị, đảng phái tranh thủ, lôi kéo. Ở Việt Nam, trong kháng chiến đã có những bộ phận tôn giáo này, chức sắc, tín đồ tôn giáo kia theo giặc chống lại cách mạng và dân tộc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tỉnh táo để nhận ra: “Phần lớn đồng bào các tôn giáo, nhất là các tầng lớp lao động đều yêu nước kháng chiến như Công giáo ở nhiều nơi, như Cao đài kháng chiến… Một phần bị địch lợi dụng như ngụy quân Cao đài, Hòa hảo, Công giáo Nam Bộ. Một số đồng bào Công giáo tuy bản chất thì tốt nhưng bị bọn cầm đầu phản động lung lạc, nên họ hoài nghi chính sách của Đảng và Chính phủ(4).

Trên thực tế, cũng có nơi này, nơi kia đã xảy ra các vụ đụng độ giữa chính quyền và một bộ phận tín đồ làm cho không ít người phải lo lắng muốn Chính phủ phải dùng biện pháp mạnh, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bình tĩnh phân tích tình hình, tìm ra nguyên nhân: “Một đàng, có những người Công giáo nhẹ dạ, dễ tin; đàng khác có những cán bộ cấp thấp của Chính phủ thiếu tế nhị, rồi những kẻ gây rối lợi dụng khai thác hai yếu tố trên, nhằm tạo ra bầu khí không lành mạnh”. Người trao đổi với các vị chức sắc cao cấp, đưa ra giải pháp để xử lý hiệu quả. Trong thư gửi giám mục Lê Hữu Từ ngày 23-3-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Một đàng, chúng ta cần giải thích cho người Công giáo hiểu rõ chủ trương chính sách của Chính phủ như Đức cha đang làm. Đằng khác, cần giáo dục cán bộ của Chính phủ như bản thân tôi đang làm. Như vậy thì bọn gây rối sẽ không còn có thể chia rẽ chúng ta và sự đoàn kết của toàn dân sẽ được thực hiện(5).

Trong buổi đầu của cách mạng Việt Nam, quan điểm tả khuynh về tôn giáo từ các đảng cộng sản trên thế giới lúc đó có ảnh hưởng nhất định đến không ít đảng viên cộng sản. Vì thế, hành động cộng tác với các chức sắc cao cấp của các tôn giáo, nhất là của Công giáo như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm phải được coi là cực kỳ dũng cảm bởi rất dễ bị phê phán là hữu khuynh. Bởi từng đã có những quan điểm đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh bị phê phán nặng nề trước đó như vấn đề dân tộc trong cách mạng vô sản, vấn đề phân định giai cấp trong cách mạng dân tộc dân chủ. Vậy mà ngay sau khi thành lập Chính phủ lâm thời, trong phiên họp của Chính phủ ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị 10 nhân sĩ, chức sắc tôn giáo làm cố vấn cho mình, trong đó có giám mục Lê Hữu Từ, giám mục Hồ Ngọc Cẩn và cụ Ngô Tử Hạ – một nhân sĩ Công giáo. Và càng có dũng khí hơn khi xảy ra xung đột ở Văn Hải (Phát Diệm) một số giáo dân có hành vi chống đối chính quyền, bị bắt, giám mục Lê Hữu Từ xin bảo lãnh và Hồ Chí Minh đã chấp thuận. Trong thư gửi đặc phái viên của Chính phủ Vũ Đình Huỳnh về công tác ở Ninh Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chú nói với Ủy ban hành chính tỉnh, gọi làng Văn Hải cho họ đảm bảo 4 người còn bị giữ lại vì án sát nhân. Bảo làng làm giấy cam đoan, bao giờ Chính phủ xét hỏi, thì làng phải đem 4 người đó ra để tòa án xét hỏi.

Giải thích cho mọi người biết rằng: Đó là do lòng khoan hồng của Chính phủ và do sự tận tâm của cụ Từ(6).

Có thể có người chưa đồng tình, pháp luật phải công bằng, tại sao người có đạo phạm pháp lại được khoan hồng? Nhưng nếu nhìn tổng quan tình hình lúc đó, khoan hồng với mấy tín đồ mà giữ được hàng trăm ngàn người Công giáo vùng Bùi Chu, Phát Diệm đứng về phía cách mạng thì mới thấy cái nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cho đến tận hôm nay, khi bầu khí dân chủ đã mở rộng và công cuộc đổi mới của Đảng đã tiến hành được hơn 1/4 thế kỷ, vẫn phải thừa nhận rằng, Chính phủ của Hồ Chí Minh buổi đầu lập nước có nhiều đại biểu của các tôn giáo nhất. Riêng Công giáo có các ông Nguyễn Mạnh Hà (Bộ Kinh tế), Vũ Đình Tụng (Bộ Y tế), các cố vấn gồm Giám mục Lê Hữu Từ, Hồ Ngọc Cẩn và Ngô Tử Hạ và khi Quốc hội khóa I được bầu có linh mục Phạm Bá Trực là Phó Chủ tịch thường trực. Đây không chỉ là sách lược để tranh thủ tập hợp đồng bào các tôn giáo mà là chiến lược như Hồ Chủ tịch nói: “Phải đoàn kết chặt chẽ không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo. Đoàn kết là lực lượng. Chia rẽ là yếu hèn(7). “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn là đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ(8).

Bổ nhiệm các đại biểu tôn giáo vào các cơ quan cao cấp của Chính phủ, Quốc hội, chứng tỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng vào người có đạo. Nhưng có lòng tin chưa đủ, một ứng xử đẹp của Hồ Chí Minh với vấn đề tôn giáo mà ngày nay chúng ta cần phải học tập đó là quan tâm thật sự đến nhu cầu của đồng bào có đạo.

Trước hết, Hồ Chí Minh ký nhiều văn bản, sắc lệnh để đảm bảo sinh hoạt tôn giáo bình thường của người dân, các cơ sở thờ tự được pháp luật bảo hộ, cho 6 ngày kỷ niệm của các tôn giáo là ngày nghỉ toàn quốc… Nổi tiếng nhất là sắc lệnh 234/SL ngày 14-6-1955 với 5 chương 16 điều mà đến hôm nay vẫn mang tính thời sự. Đi tới đâu, Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ phải tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân như vào nhà dân không được nằm quay chân lên phía bàn thờ, khi tiếp xúc với người có đạo cũng phải ý tứ trong ăn nói: “Đối với nông dân Công giáo, có đội đã đưa chủ nghĩa Marx – Lenin ra giải thích. Nhiều cán bộ trẻ hễ nói đến cha cố, không phân biệt tuổi tác, cứ gọi là thằng, làm cho nông dân Công giáo rất khó chịu(9). Hồ Chí Minh nhắc nhở các địa phương nhất là các cấp ủy phải quan tâm cả phần xác và phần hồn cho đồng bào có đạo. Người chỉ rõ: “Nguyện vọng của đồng bào giáo dân là ‘phần xác ấm no, phần hồn thong dong’. Muốn được như thế thì phải ra sức củng cố hợp tác xã, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho xã viên. Đồng thời phải đảm bảo tự do tín ngưỡng(10).

Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương những cán bộ ở cơ sở biết giúp đỡ nhân dân trong sinh hoạt tôn giáo như trang trí nhà thờ dịp lễ trọng hay chăm lo nơi dâng lễ của các linh mục đi kháng chiến. Chính bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thư từ cho đồng bào có đạo nhân dịp lễ Giáng sinh, lễ Phật đản hằng năm, chia vui với bà con về thành tích lao động, chiến đấu, thăm hỏi chức sắc khi đau yếu, chia buồn với họ khi có tin không vui. Bức thư của Hồ Chí Minh gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng khi người con trai của ông hy sinh ở Chợ Hôm tháng 1-1947 và điếu văn linh mục Phạm Bá Trực ngày 7-10-1954 là những áng văn thấm đẫm tình người, đầy xúc động. Lúc sinh thời, Hồ Chủ tịch giành thời giờ đi thăm đồng bào có đạo và chức sắc tôn giáo không chỉ người Việt mà cả người nước ngoài. Người đi thăm linh mục Ataraz ở Bắc Ninh, linh mục Mayor ở Bắc Giang năm 1946 và khi đến dự hội nghị Fontainebleau, Người đã mang thiệp mừng sinh nhật linh mục Gregoire – một danh nhân thời đại cách mạng Pháp. Người tạo điều kiện để các giám mục Việt Nam gửi thư cho Tòa thánh Vatican và cộng đồng Kitô hữu thế giới ủng hộ nền độc lập của nước Việt Nam năm 1945. Người cũng mau chóng gửi điện thư cảm ơn Giáo hoàng Paul VI về giải pháp lập lại hòa bình cho Việt Nam ngày 14-2-1967…

Linh mục Vũ Xuân Kỷ kể về sự quan tâm của Hồ Chủ tịch khi còn ở chiến khu Việt Bắc đối với các linh mục kháng chiến: “Hồi còn ở Việt Bắc, mỗi khi đi công tác, dù cần giữ bí mật, hễ gặp chúng tôi là Người cũng dừng ngựa, ân cần bắt tay, hỏi han công việc và sức khỏe của chúng tôi. Cha Phạm Bá Trực, Phó Trưởng ban thường trực Quốc hội bị bệnh 2 năm liền, không mấy chủ nhật Hồ Chủ tịch không đến thăm, tuy công việc của Người rất bộn bề. Người ra lệnh cho các bác sĩ, y sĩ phục vụ cho cha Trực phải báo cáo luôn luôn với Người về bệnh tình cha Trực”. Khi linh mục Vũ Xuân Kỷ buồn phiền vì có một số linh mục, giáo dân bị địch lôi kéo chống phá cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa lời an ủi: “Cụ chớ có buồn, vì đó là lẽ thường. Ngày xưa, trong 12 thánh tông đồ cũng có một tên phản bội Giuđa. Nhưng Giuđa không làm cho các thánh tông đồ kia mang tiếng xấu(11).

Người Công giáo Huế còn nhớ sự kiện đầu năm 1949 khi 600 linh mục, tu sĩ đang bị kẹt trong vòng vây của quân kháng chiến có nguy cơ bị đói vì hết đường tiếp tế. Linh mục Nguyễn Văn Ngọc đánh bạo viết thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh xin vận chuyển lương thực cứu đói cho Nhà Chung. Thật bất ngờ, một tháng sau, linh mục Ngọc nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đó ghi rõ:

1- Cho phép linh mục Nguyễn Văn Ngọc được chở 9.000 thùng lúa lên thành phố Huế trong vòng một tháng trợ cấp cho Nhà Chung.

2- Linh mục Ngọc được tự do đi lại trong tỉnh Thừa Thiên để coi sóc ruộng đất của Nhà Chung, tiếp tục trồng cấy không được bỏ hoang(12).

Tấm thiệp này hiện vẫn được lưu giữ tại Hội Thừa sai Paris (MEP) như một bằng chứng về cách ứng xử của Hồ Chí Minh với tôn giáo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần ca ngợi lòng bác ái, từ bi của các tôn giáo, nhưng cũng thẳng thắn phê phán những tiêu cực của các tôn giáo, nhất là khi một số chức sắc, tin đồ bị lợi dụng lòng tin hay dính líu đến chính trị. Tuy nhiên sự phê phán đó đúng như nhận xét của giáo sư, viện sĩ Trần Tam Tỉnh cũng là một linh mục Công giáo rằng: “Các lời lẽ Cụ phê phán giáo hội không bao giờ chạm tới khía cạnh đức tin nhưng chỉ nằm ở phạm vi các vấn đề cơ chế và chính trị(13).

Một ứng xử rất hay của Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề tôn giáo mà những cán bộ làm công tác tôn giáo ngày nay cần học tập và làm theo đó là cần phối hợp, cộng tác với các chức sắc tôn giáo, nhất là chức sắc cao cấp để xử lý các vụ việc liên quan đến tôn giáo, hay vận động đồng bào có đạo vì họ có uy tín trong việc này. Để có thông tin, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên viết thư trao đổi tình hình chiến sự với các giám mục, linh mục. Khi cần đưa một số linh mục đi vận động đồng bào ở miền Nam, hay nhờ giáo dân tiêu thổ kháng chiến, Hồ Chí Minh đều viết thư cho giám mục Lê Hữu Từ: “Địch có kế hoạch: lục quân bao vây, không quân nhảy dù, hải quân đổ bộ, để tấn công ta bằng cách chớp nhoáng. Vì vậy, đường xá, cầu cống các nơi đã phá hoại để ngăn quân địch. Như Cụ đã hứa với tôi: bao giờ vì chiến thuật mà cần phá cầu Trì Chính, thì Cụ sẽ bảo đồng bào địa phương Phát Diệm tự phá giùm. Vậy nhờ Cụ báo cho đồng bào phá cầu ấy đi. Đồng thời, làm một cầu phao bằng tre, để dân đi lại cho tiện. Đến khi cấp bách sẽ phá cầu phao. Tôi chắc đồng bào vì đại nghĩa và nghe lời Cụ, sẽ hăng hái làm việc đó(14).

Nhà văn kiêm nhà báo phương Tây Helen Turneyra nhận xét: “Hình ảnh Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Đức Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Marx, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp tự nhiên(15). Có lẽ vì vậy nên Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có cách ứng xử với tôn giáo tuyệt vời, tạo ra lôi cuốn đông đảo đồng bào các tôn giáo đi theo cách mạng đến tận ngày nay.

—————————————-

Chú thích:

(1),(2),(3),(4),(5),(6),(7),(9),(10),(14) Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.138, 198, 325-326, 131, 81, 76, 62, 37, 166-167, 77-78.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.438.
(11) Theo Báo Cứu quốc số 1708 ngày 15-5-1955.
(12),(13),(15) Trần Tam Tỉnh: Thập giá và lưỡi gươm, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tr.76, 59-60.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: , ,