Quá trình dân chủ hóa và ổn định chính trị ở Myanmar

Trong một thập niên qua, Myanmar đã trải qua một giai đoạn dân chủ hóa rất tích cực. Quá trình chuyển đổi từ chính quyền quân sự sang bán dân sự và dân sự diễn ra khá suôn sẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn lắm chông gai, như: sửa đổi Hiến pháp 2008, vai trò của quân đội, quá trình hòa bình và hòa giải dân tộc, cải cách kinh tế để nâng cao đời sống cho người dân. Bài viết góp phần lãm rõ quá trình dân chủ hóa thúc đẩy ổn định chính trị và phát triển kinh tế – xã hội ở Myanmar.

Quá trình dân chủ hóa và ổn định chính trị ở Myanmar

Tác giả: TS Lê Thị Thu Mai, Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ThS Trần Phước Anh, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 12/2019.

Quá trình dân chủ hóa ở Myanmar, nơi đã từng bị chế độ độc tài cai trị trong suốt nửa thế kỷ đã diễn ra một cách rất tích cực. Khi lộ trình dân chủ hóa 7 bước ở Myanmar được đưa ra từ năm 2003, nhiều người cho rằng sẽ bất khả thi. Nhưng đến nay, lộ trình đó đã hoàn thành tuần tự 6 bước và đang thực hiện bước cuối cùng là xây dựng một đất nước Myanmar dân chủ, hòa bình, hiện đại và phát triển. Sau gần một thập kỷ nhìn lại, chính những nhà lãnh đạo bị coi là “độc tài” đó đã mở ra một trang sử mới cho Myanmar với tất cả những tính toán cẩn trọng và từng bước đi hết sức cụ thể.

Nhiều người công nhận quá trình dân chủ hóa ở Myanmar là rất đáng hoan nghênh thậm chí là “ngoạn mục”. Ngoạn mục ở chỗ việc chuyển đổi thể chế chính trị từ độc tài quân sự sang dân chủ và chuyển giao quyền lực từ chính quyền quân sự (dưới sự thống lĩnh của Thống tướng Than Shwe 1992-2010) sang chính quyền bán dân sự (dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Thein Sein 2010-2015) và cuối cùng là chính quyền dân sự hoàn toàn (dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Htin Kyaw mà điều hành trực tiếp phía sau là Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi từ 2016 đến nay) đã diễn ra một cách hòa bình, hầu như không có sự đổ máu thương vong nào như thường thấy trong các cuộc cách mạng màu ở một số nước.

Nhìn tổng thể, mong muốn và mục tiêu chung của các chính quyền tại Myanmar từ 2010 đến nay là thành lập một nền dân chủ liên bang, lập lại hòa bình lâu dài và hòa giải dân tộc, tập trung phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

Tuy nhiên, quan điểm và cách thức thực hiện của mỗi chủ thể tham gia vào quá trình dân chủ hóa ở Myanmar còn nhiều điểm khác biệt, chưa kể những tác động, ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài. Một đất nước có vị trí địa chiến lược quan trọng, với nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú, cộng với lịch sử thuộc địa hơn 100 năm bị chia để trị, và quan trọng hơn cả là có đến 135 sắc tộc khác nhau đã hình thành nên rất nhiều chủ thể cùng tham gia vào quá trình dân chủ hóa. Mỗi chủ thể có vai trò, tiếng nói nhất định mà bất kỳ sự chệch hướng hay không cùng một dòng chảy nào cũng có thể làm cho quá trình dân chủ hóa chậm lại, nếu không nói là đảo ngược.

Sự thay đổi trong tổ chức, cách thức hoạt động, phương thức tiếp cận của từng chủ thể; mối quan hệ tương tác giữa các chủ thể; sự thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa họ và quan trọng hơn cả là tầm nhìn, sự nhượng bộ vì cái chung và tính bao trùm sẽ quyết định sự thành bại, nhanh hay chậm của quá trình dân chủ hóa ở Myanmar. Quá trình này đã diễn ra và chắc chắn sẽ còn tiếp tục thay đổi, mở ra những hướng mới bất ngờ, thú vị trong thời gian tới.

Dân chủ hóa ở Myanmar là kết quả của quá trình tương tác liên tục giữa bốn nhóm chủ thể chính là các đảng chính trị, quân đội, các lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số và các nhóm xã hội dân sự. Chính sự tương tác này đã, đang và sẽ thúc đẩy quá trình dân chủ hóa. Trong quá trình tương tác, bản thân các chủ thể đã phải thay đổi, điều chỉnh liên tục trong tổ chức, cách thức hoạt động, phương pháp tiếp cận của mình để thúc đẩy quá trình dân chủ hóa, làm cho dân chủ đi sâu vào trong đời sống chính trị của đất nước, trở thành một thuộc tính tác động ngược lại giúp các chủ thể ngày càng hoàn thiện và phát triển, phù hợp với thực tế chính trường của đất nước.

Quá trình dân chủ hóa ở Myanmar gắn với sự ổn định chính trị, góp phần vào sự thay đổi hình ảnh của Myanmar trên trường quốc tế và sự phát triển kinh tế – xã hội ở trong nước. Trong số các chủ thể chính trị tham gia vào quá trình dân chủ hóa ở Myanmar, đảng NLD đứng đầu là bà Aung San Suu Kyi (ASSK) được thế giới quan tâm nhiều nhất. Bất kỳ một động thái, phát biểu, thay đổi nào của NLD đặc biệt là của bà ASSK đều được giới quan sát phân tích đánh giá, hay nhìn rộng hơn là có những điều chỉnh trong chính sách của các nước đối với Myanmar. Trong suốt gần 30 năm đấu tranh vì dân chủ, đảng NLD đã có nhiều thay đổi từ người lãnh đạo, cơ cấu tổ chức, cho đến phương thức hoạt động, vị thế pháp lý… Duy nhất chỉ một điều không thay đổi có lẽ là lý tưởng đấu tranh vì một nền dân chủ thực sự cho đất nước Myanmar.

Ngay sau khi lên nắm quyền, NLD đã phải thay đổi, điều chỉnh rất nhiều để ứng phó với vô vàn khó khăn trước mắt. Trước hết là làm sao thống nhất chọn được một Tổng thống trong số ba đề cử của Thượng viện, Hạ viện và Quân đội. Dù rằng NLD nắm cả Thượng viện và Hạ viện nhưng một Tổng thống được chấp thuận bởi tất cả các bên sẽ là tiền đề quan trọng cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp sau này. Bên cạnh đó, các nghị sỹ quốc hội NLD phải tạo được quan hệ tốt với nhóm 25% nghị sỹ quân đội và số nghị sỹ của các đảng chính trị còn lại trong Quốc hội và thu hút được sự ủng hộ của các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội để tạo thành một khối thống nhất là rất quan trọng. Muốn có được điều này bản thân các thành viên NLD mà quan trọng hơn hết là bản thân người đứng đầu ASSK phải tự điều chỉnh, có cách tiếp cận hài hòa, tổng thể để giải quyết các vấn đề liên quan đến các lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số, người rohingya… Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là giữ được những lãnh đạo cấp cao trong chính phủ tiền nhiệm, những người có năng lực thực sự trong điều hành kinh tế và có kinh nghiệm hòa giải dân tộc tiếp tục phục vụ trong Chính phủ mới còn rất non trẻ.

Trước kia, trong giai đoạn từ tháng 7/1995 đến tháng 11/2010, NLD và ASSK theo đuổi quan điểm, lập trường khá cứng rắn, đối đầu với Chính phủ, kích động các phong trào, hoạt động chống lại chính phủ và do đó nhiều lần bị chính quyền quân sự giải tán, đóng cửa, giam cầm và quản thúc tại gia. Ngay cuộc bầu cử tháng 11/2010, NLD cũng đã kiên quyết tẩy chay không tham gia tranh cử do không chịu đăng ký thành lập đảng theo Luật đăng ký đảng chính trị mới của Chính quyền Tổng thống Thein Sein. Việc này làm phân hóa một số thành viên trong Đảng NLD, khiến nội bộ NLD mâu thuẫn. Than Tun – một lãnh đạo cấp cao của NLD cùng nhiều đảng viên khác tuyên bố ly khai và thành lập một đảng khác là Lực lượng Dân chủ Quốc gia (NDF). Nhiều đảng viên NLD không tán thành lập trường cứng rắn của NLD, xem việc thành lập Ủy ban đại diện Nghị viện nhân dân là sai lầm. Kể từ đó ảnh hưởng và lực lượng của NLD cũng như vai trò của ASSK bị suy giảm đáng kể.

Ngày nay, cả ASSK và NLD tiếp cận một cách nhẹ nhàng, mềm mỏng hơn, đề cao sự đoàn kết, cố tránh bất hòa với các lãnh đạo quân đội đến mức thấp nhất có thể. NLD hiểu rõ nếu cố gắng làm giảm ảnh hưởng của Quân đội quá nhanh thì sẽ gặp phải nhiều trở ngại trong giải quyết các vấn đề to lớn như: sửa đổi hiến pháp, triển khai thỏa thuận ngừng bắn rộng hơn, và từ từ tăng quyền kiểm soát dân sự lên quân đội… “Chỉ có một đội ngũ lãnh đạo mới, được bầu chưa đủ để giải quyết các thách thức đã có từ lâu đời”(1).

Về sửa đổi Hiến pháp 2008, cách tiếp cận của ASSK cũng cho thấy sự thay đổi, mềm dẻo hơn mặc dù vẫn cương quyết, nhưng không để “phật lòng” Quân đội. Tại Hội nghị “Quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar: Thách thức và Triển vọng” được tổ chức tại Singapore ngày 21/8/2018, ASSK cho rằng sửa đổi Hiến pháp là một trong những điều kiện tiên quyết để Myanmar hoàn tất quá trình dân chủ hóa. Hiến pháp hiện tại cho NLD chỉ 75% quyền nhưng đến 100% trách nhiệm. Đó là điều không phù hợp với một nền dân chủ thực sự và cần phải thay đổi. Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp phải là một quá trình từ từ, từng bước một, thông qua trao đổi, đối thoại, trong khuôn khổ của pháp luật, tuyệt đối không để đổ vỡ(2). Ngày 29/1/2019, Quốc hội Myanmar đã bỏ phiếu thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp mặc sự chống đối của các nghị sỹ quân đội. Đây là nỗ lực của NLD để thực hiện lời hứa lúc tranh cử. Nhưng sửa đổi những điều nào, có thông qua được không khi phải đạt hơn 75% phiếu thuận tùy thuộc vào sự quyết tâm, khéo léo của NLD. Việc sửa đổi hiến pháp là con dao hai lưỡi có thể làm gia tăng căng thẳng giữa NLD và quân đội.

Một điểm then chốt mà NLD đã không đủ tỉnh táo lựa chọn, đưa ra quyết định đúng là ngay khi mới lên cầm quyền, thay vì tập trung vào cải tổ kinh tế thì NLD lại tập trung vào hòa giải dân tộc. Đây là vấn đề hết sức gai góc, kéo dài từ bao thế hệ. Trong suốt ba năm cầm quyền, quân đội vẫn mở các cuộc tấn công ở các vùng biên giới. Tình hình ở bang rakhine leo thang đến mức báo động và điều đáng nói là ASSK dường như không có tiếng nói mạnh mẽ nào đối với quân đội. Theo nhiều nhà quan sát, “dưới thời Chính quyền ASSK, quân đội thật ra đã mở rộng các đợt tấn công vào các nhóm vũ trang dân tộc và các thỏa thuận hòa bình ở các vùng biên giới phía Bắc và Đông Bắc không được quan tâm đúng mức”(3).

Trong khi đó, nền kinh tế chưa thực sự có nhiều tiến triển như mong đợi. Điều này làm cho khu vực tư nhân và những doanh nghiệp trong nước nghi ngờ về khả năng điều hành và khát vọng của những nghị sỹ NLD. Về lý thuyết, các vấn đề kinh tế đóng vai trò hết sức quan trọng đối với các cử tri, như: tạo công ăn việc làm, cải thiện cơ sở hạ tầng, mang điện và các nhu cầu thiết yếu dân sinh khác cho người dân… Không cải thiện hoặc cải thiện rất ít những điều này sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của cử tri và do đó đến kết quả của các cuộc bầu cử tiếp theo(4).

Thực tế cho thấy, sau hơn 2 năm cầm quyền, sự ủng hộ của người dân đối với NLD và ASSK dường như giảm sút đáng kể, thể hiện qua kết quả 2 đợt bầu cử bổ sung vào ngày 1/4/2017 và ngày 3/11/2018. Đảng NLD lần lượt chiếm 9/19 ghế (5 ghế Hạ viện, 3 ghế Thượng viện và 1 ghế Nghị viện bang Shan), và 7/13 ghế (gồm 2 ghế Hạ viện và 5 ghế Nghị viện bang/vùng), thấp hơn hẳn so với kết quả đợt bầu cử bổ sung tháng 4/2012 (41/42 ghế). Tỷ lệ người dân đi bỏ phiếu giảm, đặc biệt ở các vùng dân tộc thiểu số. Đó là kết quả tất yếu của những kỳ vọng của người dân đối với Chính quyền NLD và bà ASSK đã không được đáp ứng như mong đợi. Tăng trưởng kinh tế không cao. Các kế hoạch điều hành kinh tế vĩ mô không nhất quán. Sự bất bình đẳng về quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên và cơ hội kinh tế vẫn tiếp tục.

Sau nửa nhiệm kỳ, đến tháng 8/2018, chính quyền mới công bố kế hoạch phát triển bền vững trong đó đề ra các mục tiêu và ưu tiên cụ thể. Nếu như giai đoạn 2007 – 2010, Chính phủ lúc ấy dành chưa đến 1% GDP cho giáo dục, chưa bằng 1/3 so với mức trung bình của khu vực thì giờ mọi thứ đã tốt hơn. Chính phủ NLD đã tăng chi cho giáo dục lên 4 lần so với mức 2012 và xem giáo dục là một trong những ưu tiên đầu tư phát triển của NLD. Chiến lược giáo dục quốc gia đã được đưa ra nhằm thay đổi giáo trình, cải cách phương pháp giảng dạy và nâng cao tư duy phản biện, kỹ năng thế kỷ XXI… Tuy nhiên, quá trình sửa đổi, cải cách này lại không có sự tham gia tư vấn đầy đủ của tất cả những bên liên quan trực tiếp. Mạng lưới cải cách giáo dục quốc gia không được tham vấn rộng rãi. Theo một số nhà quan sát, dường như Bộ Giáo dục không chịu lắng nghe. Có lẽ Chính phủ cũng muốn tư duy phản biện nhưng chỉ trong lớp học mà thôi chứ không phải trong thực tiễn cuộc sống(5).

Những thay đổi, điều chỉnh của NLD một mặt mang lại những tiến triển tích cực như NLD đã có thể đối thoại được với Quân đội và bản thân NLD cũng đã nhận thấy được những đổi thay theo hướng dân chủ, tích cực ở Myanmar(6). Myanmar đã tăng bậc trong bảng chỉ số tham nhũng của Transparency International, một khảo sát dựa trên ý kiến của công chúng. Người dân được tự do bày tỏ ý kiến hơn trước. Cơ hội việc làm phong phú hơn nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào ngày càng nhiều.

Nhưng mặt khác, Chính quyền NLD gặp rất nhiều khó khăn phải giải quyết như việc quản lý các khu vực biên giới rất đa dạng về sắc tộc và chia rẽ về mặt địa chính trị bởi vì theo Hiến pháp, NLD không thể kiểm soát Quân đội. Ngân sách dành cho Quân đội hiện quá cao, gần như cao hơn mức ngân sách dành cho giáo dục, y tế và an sinh xã hội cộng lại. Quyền tự do dân sự liên tục bị tấn công đến mức Ủy ban bảo vệ phóng viên gọi Myanmar là “nước đi lùi nhanh nhất về tự do báo chí” trên toàn thế giới. Sinh viên biểu tình đòi cải cách giáo dục bị đàn áp. Tranh chấp đất đai hầu như không có hi vọng được công lý giải quyết công bằng. Các nhà hoạt động dân chủ tiến bộ, các tôn giáo thiểu số ngày càng rải rác do sợ bị ám sát như U Ko Ni, một luật sư nổi tiếng theo Đạo Hồi và là người kiến tạo vị trí Cố vấn Nhà nước cho ASSK vào ngày 29/1/2017 tại sân bay Yangon.

Quá trình dân chủ hóa ở Myanmar đã có những bước tiến quan trọng trong gần một thập kỷ qua, tạo nên những thay đổi toàn diện và sâu sắc trong đời sống chính trị, xã hội, quan hệ đối ngoại của đất nước được mệnh danh là “mảnh đất màu mỡ cuối cùng của châu Á”. Đó là kết quả của mối quan hệ biện chứng, sự tác động qua lại lẫn nhau, một cuộc đấu tranh giằng co quyền ảnh hưởng và kiểm soát giữa các nhóm chủ thể chính trong chính trường và xã hội Myanmar.

Trong quá trình dân chủ hóa, bản thân các chủ thể đã phải thay đổi cách thức tổ chức và hoạt động, phương pháp tiếp cận và chiến lược cho phù hợp với thực tế phát sinh. NLD đã điều chỉnh tầm nhìn dài hạn hơn, vì mục tiêu lâu dài sẵn sàng chấp nhận những thỏa hiệp trước mắt, ví dụ như việc sửa đổi Hiến pháp, xây dựng một chính phủ liên bang dân chủ thực sự. NLD đã áp dụng phương pháp tiếp cận mềm mỏng hơn so với trước kia, có những nhượng bộ nhất định đối với Quân đội trong một số vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, xung đột sắc tộc, rõ ràng nhất là việc ASSK lựa chọn giải pháp khá im tiếng trong vụ xung đột sắc tộc với người.ohingya tại bang rakhine. Tổ chức bộ máy, nhân sự mặc dù chưa có thay đổi đáng kể nhưng lãnh đạo Đảng NLD cũng đã bắt đầu quan tâm hơn khi viễn cảnh đội ngũ kế thừa đang thiếu nghiêm trọng. Lãnh đạo Đảng đã nhận ra rằng rất cần có thêm những cộng sự trẻ tuổi, có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm điều hành đất nước để tạo những đột phá cho nền kinh tế.

————————-

Tài liệu tham khảo:

1. PGS, TS Nguyễn Duy Dũng: Myanmar – Cuộc cải cách vẫn đang tiếp diễn, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2013.
2. “Một năm cầm quyền sóng gió của NLD tại Myanmar”, AFP, Yangon 30 March 2017, Tin Tham khảo Thế giới, 31/3/2017.
3. “Myanmar: Chính sách và Triển vọng hòa giải dân tộc của NLD”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, 13/4/2017, tr.13-23.
4. “Myanmar: cần có một đảng chính trị thứ ba”, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, ngày 4/1/2017, Tài liệu tham khảo đặc biệt 13/1/2017, tr.17-21.
5. Tài liệu tham khảo của Ban đối ngoại Trung ương về NLD và USDP, tháng 12/2018.
6. “Myanmar’s 2010 Elections: Continuity and Change”, Tin Maung Maung Than, Southeast Asian Affairs 2011 by Daljit Sing, pp.190-202.
7. “Myanmar in 2010: The Elections year and beyond”, David I. Steinberg, Southeast Asian Affairs 2011 by Daljit Sing, pp. 173-188.
8. “Power sharing, Peace and Democracy: An obvious relationships?”, Helga Malmin Binningsbo, vol. 16, iss. 1, pp.89-112, 7/3/2013.
9. “WilDemocracy bring peace to Myanmar?”, Marte Nielsen, InternationaArea Studies.eview, 16 (2), pp.115-140.

————————-

Chú thích:

(1) “Understanding Myanmar”, Beina Xu và Eleanor Albert, 25 March 2016, Councion Foreign.elations.
(2) “Myanmar’s Democratic Transition: Challenges and Way forward”, Grand Hyatt, Singapore, 21/8/2018, https: www.youtube.com.
(3) “NLD fares poorly in by-elections”, Joshua Kurlantzick, Asia Unbound, Councion Foreign.elations, 5 Nov 2018.
(4) “Erin Murphy on the state of Myanmar’s economy”, Prashanth Parameswaran, The Diplomat, 4/9/2019.
(5) “Myanmar’s awfuschools are a drag on the economy and politics”, the Economist 30/11/2017.
(6) TS Võ Xuân Vinh: Biến đổi chính trị, kinh tế ở Myanmar từ 2011 đến nay: Bối cảnh, nội dung và tác động, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015, tr.146.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: ,