Publius Clodius Pulcher – phiên bản Donald Trump của La Mã cổ đại

Clodius luôn lập dị và khó lường theo cách khiến cho dân chúng La Mã vừa choáng váng vừa thích thú. Thời trai trẻ, ông kích động một cuộc nổi loạn trong đám binh lính của anh rể mình. Về sau, khi đám cướp biển bắt được ông, ông đã thấy xúc phạm khi chúng chỉ đòi một khoản tiền chuộc không đáng là bao để thả.

Tác giả: Philip Freeman, giáo sư ngành cổ điển học tại Luther College, là dịch giả của How to Win an Election: An Ancient Guide for Modern Politicians và How to Grow Old: Ancient Wisdom for the Second Half of Life, cả hai được xuất bản bởi Princeton University Press.

Nguồn: Philip Freeman, “Ancient Rome’s Donald Trump,” Project Syndicate, 05/04/2016.

Biên dịch: Đậu Thế Hoàng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng.

Chủ nghĩa dân túy có một lịch sử lâu đời và đầy màu sắc trong nền chính trị Mỹ, từ Huey Long phe cánh tả và George Wallace phe cánh hữu, đến gần đây hơn là Ross Perot năm 1992 và mới nhất là Donald Trump. Nhưng gốc rễ của chủ nghĩa dân túy đã xuất hiện cách đây hơn hai thiên niên kỷ, thời điểm Cộng hòa La Mã bắt đầu cáo chung.

Trong phần lớn lịch sử của mình, Cộng hòa La Mã được cai trị bởi các gia đình chính trị lâu đời cùng các nhà môi giới chính trị thân tín – những người biết cách giữ ổn định quần chúng nhân dân. Những cuộc bầu cử vẫn được tổ chức, song cố tình được dàn xếp sao cho giai cấp thống trị đạt được số phiếu phổ thông cao nhất. Nếu giới quý tộc La Mã – những người đi bỏ phiếu trước – chọn ra một người để nắm quyền, thì các quan chức thường không còn mảy may bận tâm tới những lá phiếu bầu của các tầng lớp thấp hơn.

Đôi khi, những tá điền bất mãn, các chủ quán trọ, và cả các chủ xe lừa cùng đứng lên và thúc ép giới cai trị giảm nợ cũng như đòi có tiếng nói thực sự trong chính phủ, nhưng các cuộc nổi dậy này nhanh chóng bị đàn áp với nhiều lời hứa hẹn rằng họ sẽ được hưởng những điều kiện tốt hơn trong tương lai, hay bằng cách thuê một vài đấu sĩ “làm ngoài giờ” để dạy cho những người cầm đầu gây rối một bài học. Cuối thế kỷ 2 TCN, anh em quý tộc nhà Gracchi đã cố gắng tạo ra một cuộc cách mạng chính trị từ bên trong, nhưng rồi bị giới quý tộc bảo thủ giết hại.

Người cuối cùng cũng lật đổ được chế độ là một nhà quý tộc giàu có và tham vọng có tên Publius Clodius Pulcher, một thủ lĩnh dân túy từ chối tuân theo các luật chơi. Clodius luôn lập dị và khó lường theo cách khiến cho dân chúng La Mã vừa choáng váng vừa thích thú. Thời trai trẻ, ông kích động một cuộc nổi loạn trong đám binh lính của anh rể mình. Về sau, khi đám cướp biển bắt được ông, ông đã thấy xúc phạm khi chúng chỉ đòi một khoản tiền chuộc không đáng là bao để thả ông (vì điều đó nghĩa là chúng coi ông không quan trọng – NBT).

Với Clodius, không gì là thiêng liêng. Ông càng cư xử táo bạo bao nhiêu, người dân càng quý ông bấy nhiêu. Chẳng hạn như ở Rome, Clodius, vốn kết giao với nhiều phụ nữ có tiếng, phạm tội bất kính khi giả gái và thâm nhập vào lễ hội tôn giáo chỉ dành riêng cho phụ nữ của thánh nữ Bona Dea, với mục đích quyến rũ Pompeia, vợ của Julius Caesar. Vụ bê bối này dẫn tới việc Caesar ly hôn Pompeia, và nảy sinh câu châm biếm nổi tiếng rằng không ai được phép nghi ngờ vợ của Caesar.

Sau khi thoát khỏi hình phạt bằng việc thuê một nhóm thầy cãi lớn và đút lót một khoản tiền lớn, Clodius bước vào chính trị trong nỗ lực nhằm giành được sự tôn trọng từ tầng lớp cai trị, những người nhanh chóng coi ông là một gã hề. Những người chỉ trích Clodius không hề nhận ra ông là một người thông minh, quyết đoán, và rất thông cảm với những nỗi thất vọng của dân thường.

Sau khi giới chóp bu khước từ Clodius, ông bắt đầu phá vỡ mọi quy tắc trong hành trình truy tìm quyền lực. Ông từ bỏ địa vị quý tộc của mình và chính thức gia nhập những người bình dân, tự phong mình là lãnh tụ của những tầng lớp lao động La Mã đang phẫn nộ. Sử dụng sức hấp dẫn tự nhiên, phong cách hùng biện sôi nổi, cùng khả năng khiến cho giới chính trị gia cầm quyền đấu đá lẫn nhau, ông đã thúc ép hội đồng lập pháp thông qua một đạo luật mới, lập ra chương trình trợ cấp ngũ cốc miễn phí định kỳ đầu tiên trong lịch sử phương Tây. Điều này mang lại cho ông một lượng lớn dân thường ủng hộ, đặc biệt là những người thất nghiệp trong các cuộc biến động kinh tế không lâu trước đó. Ông trở thành vị vua của các đường phố La Mã và làm dậy lên một cuộc khởi nghĩa dân túy, không giống bất kỳ điều gì nền Cộng hòa từng chứng kiến.

Giai cấp thống trị La Mã không biết làm sao để kiểm soát Clodius, người mà họ vẫn tiếp tục khinh miệt. Nếu nền Cộng hòa bị phá hủy – nhà diễn thuyết nổi tiếng và chính trị gia quý tộc Cicero than vãn – thì ít nhất hãy để nó sụp đổ dưới tay một người xứng đáng.

Để trả mối thù, Clodius mưu đồ đày ải Cicero và lên kế hoạch nhằm leo lên đỉnh kim tự tháp chính trị. Trong thời gian ông thực hiện chiến dịch nhằm giành chức phán quan (praetor), chức thẩm phán địa phương dân cử với cấp bậc chỉ sau các quan chấp chính La Mã, các cuộc bầu cử đã phải hoãn lại hai lần do xung đột trên các đường phố giữa phe ủng hộ ông và bè cánh thù địch của ông là Annius Milo. Khi Clodius tình cờ chạm mặt Milo trên đường Appia, lính canh của hai bên đã ẩu đả, và Clodius bị trọng thương. Biết rằng một đối thủ đã chết sẽ không còn là mối đe dọa như khi người đó còn sống và hung hăng, Milo lệnh cho binh lính kết liễu Clodius.

Nhưng dù Clodius đã chết thì vẫn còn rất nhiều người của lực lượng dân túy được ông giải phóng còn sống, và họ nhanh chóng tìm ra các anh hùng mới, nổi bật nhất là Caesar. Giai cấp cai trị sững sờ và bất lực khi để tuột khỏi tay quyền kiểm soát nhà nước họ từng quản lý qua hàng thế kỷ.

Năm 49 TCN, Caesar vượt sông Rubicon, chôn vùi La Mã trong cuộc nội chiến. Sau vụ sát hại Caesar vào ngày 15 tháng 3 là cuộc nổi dậy đã phá hủy chính quyền của tầng lớp cai trị mãi mãi. Một Đế chế độc đoán ra đời, còn nền Cộng hòa La Mã biến mất vĩnh viễn.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: , ,