Pháp luật bị coi nhẹ: Từ hành xử của quan chức đến ý thức của dân chúng

Cái giá phải trả cho sự phát triển không tuân thủ trật tự của pháp luật là rất đắt, mà hậu qủa thường đổ lên người dân vô tội, hủy hoại tiềm lực đất nước…

Vỉa hè một đường phố lớn tương đối bằng phẳng trên toàn tuyến, nhưng đoạn ngang qua toà nhà của một công ty đình đám thì bị đục đẽo làm cho lõm xuống, nơi sâu nhất khoảng gần 30 phân tạo thành một bậc cấp hình vòng cung có đường kính khoảng 5-6m, có lẽ vừa để cho xe ra vô toà nhà dễ dàng vừa có công năng làm đẹp.

Mỗi lần đi qua đây tôi tự hỏi ai cho phép họ thay đổi công năng “vỉa hè quốc dân” thành vật trang trí? Có nghĩ cho người khiếm thị, người khuyết tật đi xe lăn… khi qua đây sẽ gặp khó khăn, nguy hiểm? Nếu mọi căn nhà mặt tiền đều “tranh thủ” giống vậy thì còn đâu là kỷ cương đô thị?

Một con đường hai chiều rộng khoảng 40m gồm 10 làn đường, 3 con lươn cứng, nhưng đoạn chạy ngang một dự án bất động sản thì khoảng 200 mét dài con lươn cứng phía bên phải, chỗ rẽ vào dự án mới đây bị sang phẳng. Các trụ điện dựng trên con lươn toàn tuyến vẫn còn nhưng đoạn ngang qua đây cũng bị dỡ bỏ. Mục đích có lẽ không gì khác hơn là để xe ô tô di chuyển vào khu quy hoạch của dự án được thuận tiện, làm tăng lợi thế cạnh tranh…

Giữa thanh thiên bạch nhật không biết họ tháo dỡ tài sản công dựa theo quy định, trật tự pháp luật nào?

Một trường hợp khác, “Trong khi lương tăng chưa đầy 10%/năm thì giá giữ xe chỉ trong vòng một năm rưỡi đã tăng… 500%“, là nội dung một bài mới đây trên báo SGGP. Theo đó, UBND TPHCM đã ra Quyết định số 35 năm 2018 về giá tối đa dịch vụ trông giữ xe đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để thay cho Quyết định số 6888 năm 2016. Với quyết định mới, giá giữ ô tô ở các chung cư thường thuộc một số quận có thể lên đến 5 triệu đồng/tháng/xe. “Thích là nhích”, không hỏi ý kiến người dân lấy một câu, bất chấp nó tác động lên đời sống nhân dân thế nào!

Đó là những chuyện đơn cử ở một địa phương, còn trên phạm vi cả nước tính sao cho xuể? Những quy định, những dự án, những công trình… mọc lên một cách trái khoáy trong mắt nhân dân vẫn tồn tại “trơ gan cùng tuế nguyệt”!

Cái giá phải trả cho sự phát triển không tuân thủ trật tự của pháp luật là rất đắt, mà hậu qủa thường đổ lên người dân vô tội, hủy hoại tiềm lực đất nước… Vỡ hồ bơi của công ty Hoàng Phú giết chết 4 người trong một gia đình ở Nha Trang; xe bồn chạy gần 100km/h gây cháy gần 20 căn nhà thiêu chết 6 mạng người đang nằm ngủ trong nhà giữa đêm; hàng vạn người dân Thủ Thiêm sống vất vưởng tủi nhục 20 năm; một lãnh đạo cấp tỉnh có 3, 4 thậm chí 13, 14 công ty sân sau; người tự nhận “não bé” mà làm tới chức Cục trưởng rồi trực tiếp – gián tiếp làm khuynh gia bại sản bao nhiêu gia đình… đều có căn nguyên từ chỗ pháp luật bị thao túng.

Trước diễn đàn quốc hội một đại biểu từng nêu ý kiến: “Một bao cát bỏ trong hẻm, đổi 100 USD ở tiệm vàng cũng nhìn thấy mà nhà cao tầng, biệt phủ, biệt thự xây trái phép nhan nhản mà không ai thấy“! Vâng, “có một con voi nằm ở giữa phòng” nhưng ở nhiều địa phương với bộ máy nhiều tầng nấc, nhiều ban bệ hội đoàn, ngành ngang ngành dọc… đều đặn tiêu tiền ngân sách, thì không thấy?

Mỗi lần thấy ngao ngán trước thực tại bộn bề, tôi lại nhớ lại chuyến xe giữa khuya ở một quốc gia khác. Bác tài cho xe dừng ở một trạm dừng chân trên đường cao tốc. Không gian tịch mịch, xung quanh bao bọc nhiều tầng cây xanh. Sau khi ăn xong, cô phóng viên người bản địa nói tôi lên xe trước chờ, rồi chỉ cái phòng kính rộng khoảng 2 mét vuông ở đằng xa, nói: tôi phải vào trong kia chứ không hút thuốc ngoài này được.

Ngồi đợi tôi ngẫm nghĩ: khu dừng chân rộng hàng ngàn mét vuông tịnh không bóng người và nhiều cây cối thế này, cô có hút cả 10 điếu thuốc cũng chẳng hề hấn gì, nhưng cô đã không làm thế. Mới hiểu tại sao ở đất nước cô, người ta có thể nói câu “luật là luật” mà không cảm thấy khiên cưỡng!

Ở ta, nhiều diễn đàn, nhiều đề án, nhiều khóa học, hội họp về cải cách tư pháp, tuyên truyền xã hội pháp quyền, thượng tôn pháp luật vẫn đang diễn ra, nhưng bao nhiêu cái “não bé” vẫn đang tại chức, thậm chí lên chức…? Và khi niềm tin của nhân dân vào pháp luật bị “sa mạc hóa” thì câu hỏi ý thức công dân, văn hoá ứng xử của người Việt mình “trốn” đâu hết rồi sẽ khó tìm ra câu trả lời. Đơn giản là vì “một tạ lý thuyết không bằng một gram hành động”!

Theo TRÚC NGUYỄN / VIETNAMNET

Tags: ,